Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

Con Kỳ Lân Ngọc - 9

                                                       9
Lê Thúy ngủ vùi từ sau khi kết thúc tiệc rượu Giáng Sinh cho đến khi bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại lúc 7 giờ 30 phút sáng. Tất nhiên cuộc gọi sớm sủa nọ không phải là của bằng hữu nào đó muốn rủ rê anh dự thánh lễ ở Vương Cung Thánh đường, mà là của sĩ quan trực Nha An ninh quân đội. Cố vấn Ngô Đình Nhu muốn gặp Thúy tại dinh Độc Lập lúc 10 giờ 30 phút sáng nay, Chủ Nhật, 25 tháng 12 năm 1960. Từ khi chọn cách trao vụ tìm thấy thi thể Đỗ Toàn cho Ty Cảnh sát Gia Định, Thúy đã dự liệu trước về việc Nhu sẽ chất vấn mình, nhưng không ngờ là chuyện ấy lại xảy ra sớm như thế, và nhất là ngay trong ngày lễ Giáng Sinh. Thúy biết Nhu và tổng thống Diệm rất ít khi đi dự thánh lễ mà việc rước lễ mình thánh chúa cũng như đọc kinh, xưng tội đều được tiến hành trong nhà nguyện của dinh tổng thống bởi đức cha Thục hoặc cha Hồng- một linh mục trẻ được đồng hóa cấp bậc đại úy trong quân đội vốn không mấy quan tâm đến việc hai vị "con chiên cao cấp" này có thực sự hối tội hay không...Nhưng với tín đồ Công Giáo, ngày Chủ Nhật vẫn là ngày cần được thánh hóa, nghĩa là không làm việc để dành thời gian suy niệm về hồng ân Thiên Chúa, mà hôm nay không phải  chỉ là ngày Chủ Nhật mà còn là ngày chính của lễ Giáng Sinh. Chỉ bấy nhiêu khiến Lê Thúy không khỏi âu lo, dù thông báo của Nhu chuyển đến anh thông qua lời sĩ quan trực nhẹ nhàng là " mời ông phụ tá sang dinh lúc 11 giờ trưa để bàn chút việc" thay cho câu mệnh lệnh " yêu cầu ông phụ tá trình diện lúc 11 giờ trưa" vốn đã quen nghe... Cố giữ mình thật lâu dưới vòi sen để tận hưởng những tia nước mát xoa  trên từng huyệt đạo cơ thể, Thúy nhắm mắt để hình dung những nội dung mà mình sẽ phải trình bày theo một trình tự nhất định nếu như Nhu yêu cầu anh báo trình về vụ việc tìm thấy thi thể Đỗ Toàn. Đúng hơn, Thúy bắt mình tìm ra một cách để thuyết phục Nhu tin rằng anh không hay biết gì về tấm danh thiếp hãng buôn Kim Châu có ghi số máy điện thoại bàn làm việc của Nhu mà Đỗ Toàn đã giấu dưới tất đi giày trước khi mất tích, bởi nó là dấu vết duy nhất về sự liên quan của ông cố vấn bào đệ tổng thống đối với vụ việc...Dù sao, việc " mời" hay " gọi" sang dinh Độc lập này bằng cách thông qua sĩ quan trực Nha An ninh quân đội của Nhu cũng có lợi cho Thúy, ít nhất là trong quan hệ khá tế nhị hiện giờ giữa anh và Đỗ Mậu.  Thúy quyết định sẽ dự thánh lễ Giáng sinh dành cho ngoại kiều lúc 9 giờ 30 phút sáng ở Vương Cung Thánh đường, vừa để tranh thủ thời gian trước khi gặp Nhu, vừa tiếp xúc với đám ký giả ngoại quốc để tìm hiểu dư luận phương Tây về việc Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam vừa ra đời theo như yêu cầu của Trần Trung Ban trong cuộc gặp mặt đêm thứ Năm - 22 tháng 12...
*
*          *          *
Thúy được mời vào phòng làm việc của Nhu sau khi trung tá Thung giám đốc Nha Quân lực bước ra. Nhu vẫn rồi ở salon, đưa tay lên phẩy nhẹ ra dấu chào kèm với mời ngồi. Dù vậy, Thúy vẫn giữ tư thế nghiêm khi trình diện. Nhu lắc đầu :
- Ưng đứng nghiêm rứa, răng lại không vận quân phục?
- Xin phép ông cố vấn , tôi vừa dự xong thánh lễ -  Thúy cúi đầu và bước lại gần, ngồi xuống salon - Ông cố vấn dạy chi ạ?
- Thánh lễ...- Nhu nhìn Thúy và lắc đầu nhè nhẹ, với vẻ hơi buồn - Tui quên hôm ni Giáng sinh, lại cũng là Chủ Nhật. Đáng ra, anh cần nghỉ...
- Xin ông cố vấn đừng ái ngại - Thúy lại cúi đầu lịch sự để đáp lại sự quan tâm của con người đầy quyền lực đang ngồi đối diện. Tự dưng, trực giác hướng Thúy đến một điều gì đó bất an đang đợi chờ mình.
Nhu dường như không nhìn thấy cử chỉ đáp lễ ấy. Ông ta đứng dậy, bước lại hướng cửa sổ, nhìn ra bãi cỏ, có vẻ như cân nhắc điều gì đó. Rồi Nhu quay lại, hỏi một câu trống không :
- Anh thấy Giáng sinh Sài Gòn ra răng?
- Đẹp và vui lắm, thưa ông cố vấn - Thúy đáp thực tình.
- Rứa có thấy lạnh không ? - Nhu hỏi kèm một cái thở dài.
- Thưa không, trong này Giáng Sinh thật dễ chịu... - Thúy ngạc nhiên, bởi gần sáu năm nay, đây là lần đầu anh thấy Nhu quan tâm đến thời tiết Giáng sinh Sài Gòn.
- Tui hỏi lạnh ở chỗ ni - Nhu nói và hất nhẹ ngón cái tay trái, chỉ ngược vào hướng tim mình - Anh đón Giáng Sinh xa nhà mấy lần rồi hỉ?
- Thưa, đúng sáu lần - Thúy đáp bằng giọng ngậm ngùi - Dù tôi còn kịp đón Giáng Sinh Hà Nội năm năm mươi tư, nhưng với me tôi thì...
- Bấy lâu anh có nghe tin tức gì về bà cụ không? - Nhu hỏi mà đôi mắt ánh lên nét gì đó lạ lùng, khó hiểu...- Không còn gặp ai bên kia để hỏi ư?
Thúy choáng váng. Thì ra điều Nhu cần không phải là chất vấn Thúy về vụ thi thể Đỗ Toàn được an ninh quân đội tìm thấy ra sao, mà là nhắc lại kỷ niệm ân nghĩa giữa hai người, cái kỷ niệm mà đến giờ vẫn là mối đe dọa lơ lửng trên đầu Thúy. Năm 1956, một người liên lạc biến chất đã đào ngũ  di cư vào Nam  tình cờ gặp lại Thúy và tố cáo với Nhu về quan hệ giữa anh với Ty điệp báo Trung Ương Việt Minh trong thời gian anh hoạt động chìm tại Nha Công An Bắc Việt của Bảo Đại. Tên phản bội từng phụ trách hộp thư liên lạc của Thúy nên lời tố cáo chính xác hoàn toàn. Khi ấy, Thúy chỉ còn mỗi cách khai nhận mình hoạt động cho điệp báo Việt Minh chỉ vì bị ép buộc, để bảo vệ tính mạng người thân đang sống ở Thanh Hóa - khi ấy thuộc quyền quản lý của Việt Minh. Cái gốc gác cháu ruột thượng thư và lập luận bi ai phường chèo ấy của Thúy lại khiến tổng thống Diệm mũi lòng mà bỏ qua với một lời khuyên răn lấy lệ " Cháu nói ra sự thật rứa là tốt. Chừ hãy cắt đứt quan hệ với những kẻ phía bên kia. Ranh giới đã chia. Hiếu kính mẹ cha  răng hơn được trung thành với tổ quốc". Tất nhiên, lời vàng ý ngọc của tổng thống là một chuyện, còn Thúy yên thân được hay không lại là một chuyện khác, vì ai ngăn được ông cố vấn Ngô Đình Nhu yêu cầu bác sĩ Tuyến  tìm hiểu  và hỏi cung Thúy theo kiểu nhà nghề. Quan hệ đồng nghiệp ngày trước ở Ty điệp báo trung ương Việt Minh với Tuyến đã cứu Thúy, khi ông trùm mật vụ tình báo Nam Việt gật đầu " Bất cứ ai về thành thì đều phải nhận một công việc  nào đó của Việt Minh để được yên thân mà đi, nhưng không phải ai nhận việc thì Việt Minh cũng tin cả đâu. Anh Thúy là người mà Việt Minh không tin nên mới phải giữ cả nhà anh ấy lại Thanh Hóa như thế. Trong lý lịch cá nhân, anh Thúy có giấu thời gian làm việc cho ty điệp báo trung ương Việt Minh đâu nào".  Tất nhiên là khi khai lý lịch nộp cho Tuyến, Thúy không thể không khai điều ấy, nhưng đúng là anh còn giấu lại một chi tiết nhỏ : sau khi Tuyến về thành, anh đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản trước khi lên đường " theo gót" Tuyến để vào Hà Nội. Nghe Tuyến đảm bảo, Nhu đồng ý cho qua vụ việc, nhưng không quên nhận xét  hững hờ   " Tôi tin vào nguyên nhân khiến anh Thúy phải làm việc cho Việt Minh, nhưng tôi mong anh ấy làm rứa vì lý trí chứ không vì tình cảm". Năm năm đã trôi qua và Thúy luôn khiến Nhu yên tâm về lòng trung thành, đặc biệt sau vụ đảo chính của Dù và Biệt động quân hồi tháng trước. Vậy sao lúc này, Nhu lại quay trở lại với điều ấy? Trong khoảnh khắc, Thúy thấy nao núng...
Nhu nhìn thẳng vào mắt Thúy rồi lắc đầu, kết luận :
- Hóa ra anh cắt đứt với họ rồi.
Âm sắc thất vọng trong lời Nhu khiến cho Thúy như cất được tảng đá đang đè nặng lên tâm trí của mình tự nãy giờ. Thúy hiểu là Nhu chỉ hỏi thăm dò theo kiểu bắt nọn và may là  sự ngô nghê đã xuất hiện kịp thời trên gương mặt anh. Nhu ngồi xuống bên cạnh Thúy , dè dặt nói bằng cái giọng nhẹ nhàng chia sẻ hiếm có người đối thoại nào nghe được :
- Mà dù anh có còn liên lạc thông tin chi cho họ, hẳn họ cũng không cho anh biết mô. Tui nhận được tin ni chục ngày rồi, nhưng bận rộn quá nên chưa kịp cho anh hay. Bà cụ nhà anh...
- Me tôi thế nào rồi, thưa ông cố vấn? - Thúy như choàng tỉnh, hỏi đầy âu lo.
- Anh bình tĩnh nghe tui nói  - Nhu chậm rãi tiếp lời - Bây chừ thiệt không thích hợp báo tin thế ni, nhưng... tui thấy anh cần phải biết... Bà cụ mất rồi... Hồi năm ngoái...
- Me - Thúy kêu lên thảng thốt...
Nhu hơi cúi đầu, làm dấu thánh giá và khe khẽ đọc Kinh Tin Kính bằng tiếng Latin mà sự hài lòng cứ hiện lên trong đáy mắt. Trước khi là một người bạn chân thành, nhà chiến lược của Việt Nam Cộng Hòa vẫn cứ là con người của quyền lực và sự hài lòng ấy của Nhu chính vì xác nhận được vẻ bối rối âu lo và nỗi đau khổ thực sự của Lê Thúy khi nghe nhắc đến mẹ mình và nhận tin bà ta đã chết. Cảm xúc ấy rõ ràng không phải do đóng kịch. Còn việc Thúy có còn giữ quan hệ với Bắc Việt hay không, đúng là Nhu chỉ hỏi để nắn dây thần kinh anh ta mà thôi, bởi triết lý về lòng trung thành của ông cố vấn rất thực tế " Không nên mất thời giờ suy nghĩ xem thuộc hạ có trung thành với mình không mà hãy suy nghĩ cách làm thế nào để thuộc hạ phải giữ mãi lòng trung thành của họ với mình"... Nhu quyết định hãy cứ để cho Thúy khóc một chút...
*
*          *          *
 Đến lúc này, Lệ Thy mới có thời gian để hoàn tất việc giải mã  bức điện mà thượng cấp đã gửi cho mình qua bản tin radio từ lúc 10 giờ sáng. Thực ra không có gì khác so với thông tin trong bức điện trước, có chăng là chi tiết hơn.Thượng cấp ở Đài Bắc đã truy lục hồ sơ tài liệu thu được tại Sài Gòn vào năm 1952 để trả lời về xuất xứ tấm bản đồ có dấu triện hoa cúc đại đóa 14 cánh của thống chế Terauchi mà Lệ Thy đang giữ. Tài liệu này được một người mang quốc tịch Pháp tên Marcel Phan Lê bán lại cho điệp viên Cố Viết Uông với giá 10.000 đồng Đông Dương với mô tả về vùng biển mà các tàu vận tải châu báu Nhật Bản bị chìm trong chiến tranh Thái Bình Dương. Ngay từ những năm 1946, khi có những thông tin về việc Nhật Bản vẫn quản lý của cải, vàng bạc châu báu cướp đoạt được từ những quốc gia châu Á trong chiến tranh thế giới, Cục Thông tin Trung Hoa Dân quốc đã chuyển các yêu cầu điều tra xác minh đến tình báo Mỹ để nhờ trợ giúp, tiếc là quan hệ thân tình với cơ quan tình báo chiến lược OSS đã mau chóng phai lạt cùng với sự giải thể hoàn toàn cơ quan này[1] và áp lực từ những chiến dịch của Cộng quân Trung Quốc... Chẳng có thông tin gì hơn để làm sáng tỏ, trừ một thông tin hờ hững từ ...quân cảnh tư pháp Mỹ " Thống chế Terauchi Hisaichi, bá tước, Tư lệnh Nam Phương Hoàng quân trong chiến tranh Thái Bình Dương, bị cáo buộc tội phạm chiến tranh đã chết trong thời gian chờ xét xử vào ngày  12 tháng 6 năm 1946 ở Mã Lai" để trả lời cho hy vọng tìm kiếm từ tấm bản đồ này.. Cho nên  hồ sơ về tấm bản đồ này khép lại trong im lặng không còn được ai nhớ đến nữa, nhất là khi ấy thì Tưởng Giới Thạch cũng đang phải lánh nạn ở  Đài Loan để mà tiếp nối giấc mộng  " Quang phục Trung Hoa" xa xưa của Trịnh Thành Công. Thượng cấp cho phép Lệ Thy toàn quyền sử dụng tấm bản đồ với mục tiêu " đạt lợi ích cao nhất cho Trung Hoa Dân quốc". Được đào tạo huấn luyện theo hướng tình báo chính trị, Lệ Thy hiểu và trân trọng sự tín nhiệm ấy. Dù rằng Việt Nam Cộng Hòa và Trung Hoa Dân quốc đang là đồng minh chiến tranh, nhưng khái niệm thân thiện ấy không có ý nghĩa gì trước lợi ích dân tộc của mỗi quốc gia. Nếu thực sự tấm bản đồ này là đường dẫn đến một khối lượng tài sản lớn thì việc chuyển dời quyền sở hữu nó xứng tầm với cái giá là một sự nhân nhượng chính trị - ngoại giao, chưa biết chừng còn có thể là một vùng lãnh thổ. Itu Aba[2] chẳng hạn, việc sở hữu những hòn đảo xa như đảo này đảm bảo phòng vệ từ xa cho Trung Hoa Dân Quốc, nhưng vẫn cần sự thuận tình bằng mực đen trên giấy trắng từ phía đồng minh Việt Nam Cộng Hòa. Hiện giờ thì tổng thống Diệm vẫn đang im lặng về vụ Itu Aba, nhưng sự im lặng ấy đâu có nghĩa là đồng ý và cũng chưa chắc sẽ kéo dài. Lúc này, ông Diệm và ông Nhu chống cộng sản Bắc Việt, nhưng sau vụ đảo chính vừa rồi, ai cấm anh em ông ấy vì quyền lợi của mình mà ngồi lại cùng ông Hồ? Khi ấy, sao cấm được cả hai miền vì quyền lợi dân Việt Nam  mà cùng lên tiếng theo chiều hướng ngược lại? Lệ Thy tắc lưỡi " Đúng là chẳng trách được điều đó, mỗi dân tộc có lợi ích riêng của mình. Vì thế mà ta có mặt tại mảnh đất này để bảo vệ lợi ích của dân tộc ta - dân tộc Trung Hoa đi theo con đường của thế giới tự do. Trước khi sử dụng tấm bản đồ này cho mục đích tối thượng đó, ta hãy tìm ra và làm rõ xuất xứ của nó. Phải tìm cho được Marcel Phan Lê - người đã bán tấm bản đồ kia. Cần hỏi cho rõ từ đâu mà hắn sở hữu được nó?"
*
*          *          *
- Xin chia buồn cùng anh - Nhu đứng dậy, ân cần chìa tay cho Lê Thúy - Và cũng xin nói thêm để anh yên lòng. Thứ nhất, bà cụ tạ thế vì bệnh chứ không phải vì lý do chính trị chi hết. Thứ hai, tui đã bảo văn phòng xin cha chánh xứ Chợ Quán ban một thánh lễ rước linh hồn bà cụ lên thiên đàng vào Chủ Nhật tuần sau... Chừ mong anh cố nén bi lụy mà lo tròn trách nhiệm với quốc gia.
- Xin tri ân ông cố vấn - Thúy đứng lên đón bàn tay xòe ra của Nhu. Chưa bao giờ anh thấy mình đơn độc với nghịch cảnh trớ trêu như lúc này, khi đón nhận lời chia buồn của người vừa khiến anh phải lo sợ đến toát mồ hôi lạnh.
- Chừ tui hỏi anh cái ni. Nghe ty cảnh sát Gia Định báo là bên an ninh quân đội đã tìm ra thi thể ông Đỗ Toàn, chủ hiệu Kim Châu, đúng không hỉ? - Nhu vào đề thật bất ngờ.
Thúy hơi chớp nhẹ mi mắt. Đúng là dự kiến của anh hoàn toàn bị đảo lộn. Đang từ người đã chuẩn bị một trình tự thông báo vụ việc cho Nhu, anh trở thành kẻ bị động có trách nhiệm trả lời từng câu hỏi theo trình tự mà Nhu quyết định. Với dạng chuỗi câu hỏi liên tiếp mà câu trả lời thuộc dạng " Có" hoặc " Không" thì người trả lời sẽ rất khó mà giấu giếm điều gì. Thúy quyết định mạo hiểm khi không trả lời thẳng vào câu hỏi của Nhu :
- Ông cố vấn quan tâm đến Đỗ Toàn ?
- Có  - Nhu gật đầu - Ông ta có đến chỗ ni một lần để xem xét con kỳ lân ngọc mà anh đem nộp.
Dù đã chuẩn bị trước, Thúy vẫn không khỏi bất ngờ.  Thúy cứ nghĩ Nhu sẽ chất vấn anh về việc tìm ra thi thể Đỗ Toàn để giấu nhẹm tấm danh thiếp ghi số điện thoại của Nhu vì nó là đầu mối duy nhất có thể khiến người ta liên tưởng đến lý do nhà buôn châu báu nọ mất tích. Nào ngờ Nhu chẳng những không giấu giếm việc có liên hệ với Đỗ Toàn mà còn buộc lại trách nhiệm ấy vào cho Thúy. Bất giác, Thúy rùng mình khi nhận ra tình thế nguy hiểm của mình trong quan hệ giữa Nha An ninh quân đội với Dinh tổng thống, giữa đại tá Đỗ Mậu và cố vấn Ngô Đình Nhu qua những gì xoay quanh con kỳ lân ngọc bí hiểm....
- Trình ông cố vấn, sáng qua ở Tân Cảng phát giác được thi thể lạ. Tôi được cử xuống đó xem xét việc khám nghiệm. Thi thể đã bị hủy nhân diện và vân tay, lại không có giấy tùy thân, nhưng do lối ăn mặc dân sự nên tôi chuyển hồ sơ sang ty cảnh sát Gia Định.
- Chỉ rứa thôi răng? - Nhu hỏi với vẻ bâng quơ - Nhưng anh có nghĩ rằng thi thể nớ là của ông chủ Kim Châu không?
- Trình  ông cố vấn, tôi có ý nghĩ ấy, do sáng qua có đọc báo - Thúy trả lời thành thực như khi trả lời với Đỗ Mậu và không quên tấn công ngược lại - Nhưng sao ông cố vấn biết đó là thi thể Đỗ Toàn?
Dường như Nhu đã chuẩn bị trước cho trường hợp bị bắt bí này. Ông ta nhún vai :
- Cảnh sát Gia Định báo trình vụ việc nên tui mới biết thi thể nớ là của ông chủ Kim Châu. Rứa thôi... Anh xem cái ni hỉ? Ty Gia Định gửi lên tui hồi sáng...
Nhu quay sang bàn làm việc, trao cho Thúy một tập hồ sơ. Thúy mở bìa ra và giật mình khi nhìn thấy những tấm ảnh chụp mấy xác chết... Giọng Nhu vang lên bên tai anh, đều đều vô cảm  đến lạnh lẽo ghê người:
- Đêm qua, cảnh sát bót Hàng Keo tuần tra ven rạch Cầu Bông và phát hiện bọn du đãng ni. Bọn chúng dám chống cự nhân viên công lực nên tất cả bị bắn chết như rứa. Khám xét sào huyệt của chúng, nhà chức trách tìm thấy hung khí giết người và chiếc ví có giấy tờ tùy thân của ông chủ Kim Châu chứng tỏ ông ta bị chúng sát hại....Việc xảy ra lúc nửa đêm nên sáng nay báo chưa kịp đăng mô. Sáng mai, ty cảnh sát Gia Định họp báo tuyên dương công trạng rồi báo chí đăng tin tìm thấy thi thể Đỗ Toàn và bọn thủ ác đã bị trừng phạt thích đáng luôn một thể...
Thúy cắn môi. Nhu không những  cảnh cáo khéo Thúy  qua hồ sơ cảnh sát này, còn cột trách nhiệm về cái chết của Đỗ Toàn vào lương tâm anh. Tấm danh thiếp hãng buôn Kim Châu có ghi số điện thoại của Nhu  nơi mặt sau - vật mà cả Đỗ Mậu và Thúy đều nghĩ rằng đó là chủ bài trong vụ này giờ chẳng còn chút gì giá trị., thậm chí còn gây họa cho ai nắm giữ nó trong tay.
Có vẻ như vì đã  hài lòng với những lời nói đầy ý nghĩa của mình, Nhu  vừa quay lại bàn làm việc  vừa nói mà không buồn quan sát Thúy :
- Anh Thúy nì. Chừ tui có chuyện muốn anh lo...



[1] Office of Strategic Services - Cơ quan phục vụ chiến lược, vốn là tiền thân của Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ ( CIA) ngày nay, bị giải thể vào tháng 10 năm 1945.
[2] Tức đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Hoa Dân quốc chiếm giữ trái phép vào tháng 10 năm 1956.

Không có nhận xét nào: