THIẾU PHỤ KHÁT TÌNH
Một
Tôí hôm ấy tôi trực tại cơ quan.
Khi trực cơ quan, tôi hiểu rất rõ rằng mình đang phải bảo vệ hai sinh mạng : sinh mạng chính trị của bản thân và sinh mạng của đồng đội, vì thế tôi tắt máy điện thoại di động mà chỉ nghe điện thoại cơ quan. Và bất kỳ ai, kể cả người thân trong gia đình cũng đều hiểu rằng nếu điện thoại di động của tôi bị tắt trước 23 giờ thì chỉ có thể là tôi đang ở nhà hoặc đang trực cơ quan, và nếu như không phải là chuyện khẩn cấp thì xin đừng làm phiền tôi bằng cách gọi vào điện thoại cơ quan lẫn điện thoại nhà.
Điện thoại cơ quan réo. ..
Theo thói quen nghề nghiệp, tôi liếc đồng hồ trước khi nhấc máy…21 giờ 15 phút. Còn 15 phút nữa, phiên trực của tôi kết thúc.Tôi nhấc máy, chưa kịp lên tiếng theo quy định thì bên kia đầu dây đã vang lên giọng một người nữ nhẹ như gió thoảng:
- An phải không? Yến Ngọc đây…
- Yến Ngọc…- Tôi nhíu mày, cố nhớ…
- Yến Ngọc là bạn của Bích Loan ký túc xá Y Dược, nhớ chưa?- giọng bên kia máy hơi gấp gáp.
- À…Yến Ngọc, tôi nhớ rồi – Tôi nhớ ra Yến Ngọc. Đây là cô bạn cùng phòng ký túc xá Đại Học Y Dược với Bích Loan, bạn học phổ thông của tôi. Hồi còn sinh viên, thỉnh thoảng tôi cũng đạp xe từ Thủ Đức lên Ký túc xá Hồng Bàng thăm Loan và có gặp cô bạn cùng phòng nổi tiếng ăn diện hợp mốt nhất tên là Yến Ngọc. Nhưng thú thật là ngoài dáng vẻ xinh đẹp, ăn mặc chải chuốt hợp mốt nổi bật lên so với những nữ sinh viên trong phòng ra, Yến Ngọc chẳng gây cho tôi ấn tượng gì tích cực cả và chúng tôi cũng chỉ chào hỏi nhau vì sợ mang tiếng bất lịch sự mà thôi. Tôi hơi cau mày: - Có việc gì vậy?
- Anh An…Xin anh gấp lên – Yến Ngọc nói ngắt quãng – giúp giùm anh Tâm của Ngọc. Anh ấy đang gặp nguy. Xin anh đến ngay nhà anh ấy ở số…đường…Giúp Ngọc với.
- Ngọc đang ở đâu vậy?- tôi vừa ghi lại địa chỉ được báo, vừa hỏi…
Trong ống nghe chỉ vẵng lại những tiếng tút tút kéo dài.Tôi chán ngán nhún vai. Thời nào cũng thế. Chỉ cần có việc gì đó là người ta réo cảnh sát công an bất kể quen hay sơ để nhờ giúp đỡ. Còn gặp lúc bình thường thì cảnh sát công an lại là đề tài để họ châm biếm chế giễu.Chẳng biết cái ông anh Tâm của cô Yến Ngọc này như thế nào,đang gặp cái sự biến kinh khủng gì mà em gái ông ta lại gọi điện thoại báo nguy khẩn cấp vậy. Hiềm một nỗi cô ta phải gọi cho công an phường thì đúng hơn, nhưng cô ta đã cúp máy thì tôi không thể đưa ra lời khuyên ấy được.Vả lại, tôi hiểu một chân lý bất thành văn là “ đã mặc bộ quân phục này vào thì phải chấp nhận chuyện bị những người mặc thường phục đòi hỏi”. Có điều tôi cần phải xác minh lại cơ sở của đòi hỏi nọ có hợp lý hay không trước khi có hành động can thiệp.Tôi nhấc điện thoại cơ quan, gọi vào số máy của công an phường, nơi quản lý địa bàn theo địa chỉ mà Yến Ngọc vừa báo qua điện thoại.Tôi xưng cấp bậc, chức vụ, bộ phận công tác cùng số điện thoại di động của mình và nhờ sĩ quan trực cho kiểm tra hành chánh căn nhà của ông Tâm – anh trai Yến Ngọc rồi báo lại giúp kết quả. Kết thúc phiên trực, bàn giao xong, tôi thay thường phục, bật điện thoại di động để chuẩn bị về nhà…Sực nhớ mình chẳng biết số điện thoại của Yến Ngọc để báo cho cô ta yên tâm, tôi gọi vào máy của Bích Loan mà cứ hy vọng cô bạn cũ giờ này không phải trực bệnh viện.Thật may, Bích Loan lên tiếng ngay sau mấy câu nhạc chờ :
- An hả? Bị vợ đuổi hay sao mà gọi giờ này vậy ông?
Cô bạn đồng hương vẫn chưa bỏ được thói chọc tức bạn bè và dù không vui vẻ gì để đùa, tôi vẫn phải phì cười :
- Chưa, nhưng cũng sắp rồi.Bà cho tôi xin số máy của Yến Ngọc …
- Yến Ngọc? – bên kia máy, giọng của Bích Loan sững sốt – Yến Ngọc nào?
- Thì Yến Ngọc bạn cùng phòng ký túc xá với bà chứ Yến Ngọc nào nữa – tôi sốt ruột, khẽ gắt.
- Để làm gì mới được? – Có vẻ như Bích Loan chưa chịu tin vào nguyên nhân này.
- Để báo tin cho bà ấy biết rằng tôi đã làm xong việc bà ấy nhờ. Có kết quả thì tôi sẽ báo ngay cho bà ấy biết. Cứ yên tâm…- tôi hơi bực mình, nói dấm dẳn – Hay bà báo giùm cũng được. Tôi có việc phải về nhà…
- Khoan, khoan …Yến Ngọc gặp ông hồi nào?
- Bà ấy gọi đến cơ quan tôi…cách đây chừng 20 phút.
- Gọi bằng số máy nào?- giọng Bích Loan thảng thốt.
- Làm sao tôi biết được. Yến Ngọc gọi vào ngay máy để bàn …- tôi gắt lại – Mà có việc gì khiến bà hỏi tôi như hỏi cung thế?
- Yến Ngọc …đã… qua đời hơn hai tuần nay. Tôi và đám bạn đại học đã đi viếng tang và đưa linh cữu đi hỏa táng – giọng Bích Loan lộ vẻ kinh hoàng – sao nó còn có thể gọi điện thoại nhờ ông chuyện gì cách đây hai mươi phút ?
…….
Tôi choáng người. nhưng tôi định thần rất nhanh. Tôi xác định cú điện thoại vừa nãy có thể là trò đùa xỏ của ai đó, không loại trừ là của mấy con em của vợ tôi. Nhưng đùa cái kiểu gì mà lại lôi người chết vào? Tôi định tâm sẽ cho đứa mất dạy nào chơi trò này một trận tởn tới già, dĩ nhiên là sau khi đã tóm được nó…Nhưng tôi hỏi lại Bích Loan một lần nữa cho chắc ăn :
- Có phải Yến Ngọc có ông anh tên Tâm, nhà ở số…đường… không?
Giờ thì bên kia máy Bích Loan tỏ ra kinh ngạc thật sự :
- Sao ông biết điều đó? Tôi cũng chỉ biết ông Tâm ngay hôm tang lễ con Ngọc thôi mà.
- Nhưng mà có đúng vậy hay không? – Tôi bắt đầu cảm thấy lạnh sống lưng.
- Chờ chút nha…tôi còn giữ danh thiếp của ổng – Bích Loan nói mà giọng run run.
Tôi nghe trong máy có tiếng chân bước, tiếng loạt soạt rồi Bích Loan lại lên tiếng :
- Đúng đó là địa chỉ nhà ổng.Hồi nãy con Ngọc…à không…người ta báo cho ông chuyện gì vậy?
- Cô ta báo tôi đến gấp nhà đó. Ông anh cô ta đang gặp nguy. Tôi chưa kịp hỏi gì thêm thì cô ta cúp máy – Tôi trả lời mà bắt đầu thấy hồi hộp, tự hỏi phải chăng cái chứng “ thần hòa bệnh” đã chọn lúc để trổi lên.
- Vậy ông tính làm sao? – bên kia máy, dường như Bích Loan cũng hồi hộp không kém.
- Thì đành ghé qua đó chứ biết làm sao nữa.Ít ra thì cũng để yên lòng – Tôi ngao ngán đáp.
- Có gì nhớ gọi báo tin cho tôi nhé – Bích Loan tỏ vẻ quan tâm.
Tôi cúp máy, lấy xe xuống nhà ông Tâm theo địa chỉ được báo mà lòng nóng như có lửa đốt. Hy vọng cái dự báo này chỉ là một trò đùa.
* * *
*
Căn nhà theo địa chỉ tôi được báo qua điện thoại mà Bích Loan đã xác nhận gần như là một biệt thự thu nhỏ, nằm ở cuối cư xá Bắc Hải, với một căn nhà đúc hai tầng liền kề một căn nhà trệt theo hình chữ L, đối xứng với khoảng sân vườn rộng gần 80 m 2.Ngay khi đến cổng, tôi đã thầm thở phào trong bụng vì trông tình hình chẳng có vẻ gì là “ có nguy biến” như tin báo cả. Tôi bấm chuông…Cảnh sát khu vực mang quân hàm trung úy cùng một phụ nữ có vẻ đẹp sắc sảo đến kiêu kỳ trạc hơn ba mươi tuổi cùng ra mở cổng…Tôi vừa trình thẻ ngành, vừa nói lý do mình đến đây giờ này. Viên cảnh sát khu vực mang bảng tên Lê Ngọc Thạnh vừa bắt tay tôi, vừa cười và giới thiệu với người phụ nữ ra cùng :
- Đây là chị Xuân, vợ của anh Tâm. Còn đây, giới thiệu với chị, thiếu tá An ở trên Bộ.
- Hóa ra anh là tác giả của việc viếng thăm đêm hôm này – người phụ nữ tên Xuân nhìn tôi với ánh mắt tinh nghịch pha giễu cợt – anh Tâm chồng tôi vừa đi Gia Lai hồi chiều nên giờ chỉ có tôi ở nhà thôi.
- Trong nhà này, ngoài chị ra thì không còn ai chứ? – Tôi hơi sượng sùng, hỏi một câu theo thói quen nghề nghiệp.
- Tất nhiên không – Xuân hơi chớp mi mắt rồi chợt nhoẻn miệng cười đầy tinh quái – À có chứ…Còn có một người đàn ông đang ở trong nhà.
- Ai vậy? – Tôi sốt sắng hỏi trong lúc trung úy Thạnh cũng ngỡ ngàng, trố mắt nhìn Xuân
- Ông tổ trưởug dân phố - Xuân như không nén được, cười khanh khách.
Tôi còn đang nhíu mày thì trung úy Thạnh cũng cười ha hả. Thạnh vừa cười, vừa giải thích : - Bác Định tổ trưởng tổ dân phố này đi cùng tôi theo đúng nguyên tắc kiểm tra ấy mà, nghe chuông gọi cửa…tôi với chị Xuân ra ngoài này, còn bác ấy vẫn ở lại trong phòng khách.
Giờ thì tôi cũng phải bật cười. Có thể đúng là ai đó đùa mình thật rồi, nhưng…tự nhiên tôi cảm thấy có gì đó chưa ổn. Tôi hỏi Xuân :
- Xin lỗi chị. Chị có tấm danh thiếp nào của anh Tâm không?
- Tất nhiên là phải có rồi – Xuân cười nhẹ - Nào, xin mời anh vào trong này.
….
Phòng khách vẫn còn sáng đèn. Tôi bắt tay bác Định tổ trưởng dân phố và tự giới thiệu, đồng thời xin lỗi vì sự phiền toái xảy ra do yêu cầu của mình. Bác Định xua tay :
- Không sao hết. Không sao hết… Chuyện chung mà. Cô Xuân có phiền hà gì đâu mà tôi lại phải ý kiến ý cò.
- Đây. Danh thiếp của anh Tâm chồng tôi – Xuân trao cho tôi tấm danh thiếp.
Tôi cầm danh thiếp đọc lướt qua tên, chức vụ của chủ nhân rồi chầm chậm rút điện thoại di động ra, bấm gọi số máy di động trên danh thiếp.Xuân vừa theo dõi việc tôi làm, vừa cười :
- Anh Tâm tự lái xe, chắc anh phải chờ hơi lâu đấy.
Đúng là tôi phải chờ gần nửa bản nhạc “ Vầng Trăng Khóc” thì bên kia mới nhấc máy.Trong ống nghe, vẵng tiếng gió rít ù ù khi xe chạy trên quốc lộ.
- A lô… tôi nghe…
- Anh Hồ Quang Tâm phải không ạ? – Tôi vừa nói vừa bật loa ngoài cho mọi người cùng nghe.
- A lô. Tâm đây. Ai vậy?
- Tôi là bạn của Yến Ngọc, em gái anh...
- Hả ? Bạn của Yến Ngọc…
- Vâng. Lâu quá tôi mới tìm được địa chỉ của anh để hỏi tìm cô ấy…
- Yến Ngọc mất rồi anh à…Thật tội nghiệp nó. Mà có gì không vậy anh?
- À không…không có gì… Tôi đang ở nhà anh. Anh muốn nói chuyện với chị chứ?
- Có bà xã tôi ở đó à? Vâng. Xin chuyển máy dùm…
Tôi trao máy lại cho Xuân. Xuân cứ giữ nguyên chế độ loa ngoài, nói vào máy :
- Ông xã ơi. Đừng phí phạm tiền cho những thứ hoàn toàn được cho không ở nhà nha.
Trung úy Thạnh cười sằng sặc. bên kia máy phát ra tiếng cười giòn tan cùng tiếng pha trò :
- Bà xã yên tâm. Trên đường 14 này thì chẳng có thời gian nghĩ đến vụ đó đâu.
- Vậy sang đến Cambodge thì nghĩ đến chắc? – Xuân tiếp tục “ truy”
- Thôi nào bà xã. Em đang dùng điện thoại của người ta đấy nhé. Hai tuần nữa anh về. Giờ phải lo lái xe. Bye.
Bên kia cúp máy. Xuân cười hinh hích, trao điện thoại lại cho tôi.Tôi hơi nhún vai tự giễu mình, cất điện thoại vào túi. Lần này thì đúng là không phải do “ thần hòa bệnh” khỉ gió gì, mà đúng là tôi vừa ăn “ quả lừa điện thoại” khi còn ở cơ quan. Tôi vừa cười gượng gạo vừa rủa thầm đứa mất dạy nào vừa lừa mình. Tôi quyết định xin lỗi tất cả mọi người để cáo từ, nhưng vừa quay mặt ra ngoài cổng thì tôi thấy Yến Ngọc đang đứng nơi khung cửa, nét mặt trắng bệch, tay chỉ vào trong nhà…Đúng cô ta, vẫn như gần 18 năm trước khi thấy nhau lần đầu…Vẫn là cô gái với mái tóc tém và chiếc áo pull hơi trễ cổ có hình con tàu buồm căng gió đang lướt sóng trên ngực và chiếc quần Jean bó sát …
Tôi chết lặng, bất giác thốt lên : - Là cô phải không?
Yến Ngọc vẫn đứng lặng im bên khung cửa, gật đầu.
- Anh nói chuyện với ai vậy? – trung úy Thạnh lên tiếng.
- Tôi…- tôi vừa tìm lời đáp, vừa quay vào …và thoáng bắt gặp ánh mắt e sợ của Xuân trong tic tắc.
Nhanh như chớp, một luồng suy nghĩ chạy qua đầu tôi.Có một chi tiết không tự nhiên trong cuộc đối thoại vừa rồi với Tâm qua điện thoại. Đúng. Một ông anh trai lần đầu nói chuyện điện thoại với bạn của đứa em gái đã quá cố của mình mà lại không hề hỏi người ấy tên gì, quan hệ với em gái mình ra sao mà chỉ lo nói chuyện với vợ.Nếu chị hay em gái tôi từ trần mới hai tuần mà có người bạn của họ gọi đến, chắc chắn tôi sẽ phải khổ sở kể lể cà kê về người thân đã khuất của mình để tìm được một lời chia sẻ …Hay tại vì anh ta đang phải tập trung lái xe trên quốc lộ? Không. Anh ta bông đùa với vợ rất tự nhiên thoải mái kia mà.Hay tôi đã nói chuyện với một người đàn ông khác qua điện thoại của Tâm? Tôi ngoái lại khung cửa…Trống trơn, Yến Ngọc đã không còn ở đó.Hay tôi mới chỉ nhìn thấy ảo ảnh của cô ta…Một luồng khí lạnh dường như vừa lướt qua khiến tôi nổi gai ốc…Ngay dưới chân tôi, một giọt máu khô hiện ra trên sàn gỗ đánh verni bóng lộn…Rồi một giọt máu khô nữa cách vệt máu ban đầu chừng nửa mét …rồi một giọt máu khô nữa xa hơn…Tôi mở to hai mắt, bước theo hướng xuất hiện của những giọt máu khô…vào sâu hơn nữa trong phòng khách.
- Anh An! – trung úy Thạnh gọi giật giọng – anh làm cái gì vậy?
- Theo dấu máu … - tôi trả lời như đang trong cơn mê.
- Máu nào ? Mắt anh bị làm sao vậy?? – bác Định lên tiếng.
- Có . Tôi thấy mà…- tôi dừng trước căn phòng nép sau cầu thang, quay lại phía Xuân – mở cửa phòng này…tôi muốn vào đó.
- Xin lỗi. Anh có lệnh khám nhà không? – Xuân bây giờ chợt thoát ra khỏi cái vẻ bà chủ nhà lịch sự tốt bụng, lạnh lùng lên tiếng – Đó là phòng riêng của vợ chồng tôi, cũng chẳng có quy định nào cho phép khám xét nhà công dân vào ban đêm cả.
- Anh An à. Theo tôi thấy thì…- trung úy Thạnh lên tiếng như muốn dàn xếp.
- Trường hợp khẩn cấp thì nguyên tắc nào cũng phải có ngoại lệ - tôi kiên quyết – Đơn tố cáo dù nặc danh và đánh máy vẫn có giá trị để pháp luật xem xét khi tố cáo tội giết người.Yêu cầu chị Xuân mở cửa phòng này lập tức.
- Ai tố cáo? Ai bị giết? – Xuân biếm nhẽ - Chỉ dựa vào lời nói gió thoảng của một anh công an trên Bộ thì mọi công dân đều phải dỡ giường ngủ của mình ra cho bất cứ ai muốn chui xuống gầm cũng được sao?
- Kìa chị Xuân…Xin chị nhẹ lời cho – bác Định tổ trưởng phát hoảng – Thì cứ cho anh ta vào trong xem qua một chút có sao đâu.
- Tôi chịu trách nhiệm về việc này. Yêu cầu chị mở cửa! – tôi quắc mắt, nói như quát.
- Vậy thì ông sẽ được chịu trách nhiệm – Xuân lạnh lùng đổi cách xưng hô, bước đến trước cánh cửa phòng làm bằng gỗ sồi nặng trịch, lấy chìa khóa tra vào ổ.
Bên trong phòng ngủ của hai vợ chồng Tâm – Xuân xem ra cũng chẳng có gì khác phòng ngủ của những cặp vợ chồng giàu có thời buổi này. Giường ngủ, phòng tắm và vệ sinh riêng. T.V, dàn nhạc, loa, tủ gương trang điểm, một tủ quần áo và một két sắt nhỏ xây âm vào trong tường… Tất cả vắng lặng trong không khí ấm cúng đặc trưng vốn có.
- Ông vừa ý chưa? Hay còn muốn phải ngủ đêm trong này? – Xuân chua ngoa.
Tôi phân vân…Tôi chỉ thấy giọt máu dừng trước cửa căn phòng này, nhưng khi vào thì…Tôi bước vào, gõ tay vào tường, giẫm gót xuống sàn…chẳng có vẻ gì là khác biệt. Chợt tôi nhìn thấy một giọt máu khô xuất hiện trên sàn, nhưng lần này không phải giọt tròn mà là hình bán nguyệt, hay nói đúng hơn đó chỉ là một nửa giọt máu, vì một nửa còn lại bị che khuất dưới chiếc két sắt xây vào trong tường…Tôi lẳng lặng bước đến trước chiếc tủ sắt, gõ vào khoảng tường bên trên…cũng không có gì khả nghi…Tôi liếc lại sau lưng mình, bác Định và Thạnh vẫn đang quan sát một cách tò mò nhưng có vẻ thiếu tin tưởng, còn Xuân thì nhìn tôi như thôi miên…Mắt cô ta giờ mở to như mắt của loài rắn không biết chớp. Trực giác nghề nghiệp cho tôi thấy mình đang đi đúng hướng…Tôi quỳ xuống sàn, nắm lấy hai cạnh chiếc két sắt nhỏ, kéo ra…Xuân bất giác thét :
- Tư trang của vợ chồng tôi!
- Tôi sẽ không đụng đến món nào – tôi lạnh lùng đáp và cố vần chiếc két sắt ra …Bên trong hộc chìm chứa két sắt trống rỗng. Tôi gõ lên mấy viên gạch lát dưới sàn…Ở viên gạch lát bìa bên trái , tiếng vọng cho thấy dưới nó rỗng. Tôi rút chìa khóa xe, len vào mép viên gạch, nạy lên…Bên dưới viên gạch là một hốc nhỏ có thể tích bằng hộp thuốc tây, trong đó là một nút điện màu đỏ. Tôi bấm vào. Một tiếng BÍP kéo dài kèm tiếng CẠCH khô khan phát ra nơi chiếc tủ quần áo xây chìm vào tường cách đó bốn bước chân.
Bất giác, Xuân rú lên một tiếng rồi xông thẳng về phía tôi. Nhanh như cắt, trung úy Thạnh lao theo, kéo lại. Xuân lồng lộn :
- Tại sao ? Tại sao mày lại biết…
- Đứng yên đó – tôi quát - Chuyện chưa xong đâu.
Tôi bước đến , mở tủ áo quần, vừa thuận tay vơ sạch quần áo phụ nữ ( mà tôi đoán là của Xuân) vứt lên giường, vừa nói :
- Tìm thấy gì trong này thì quần áo cũng sắp sửa cần cho chị đấy…Bởi vì chị sẽ phải đến…
Tôi im bặt và suýt ngất đi vì nhìn thấy sau mớ quần áo vừa vứt ra, ở ngay sau bức tường lưng tủ vừa bật về phía sau là một ngăn bí mật cao độ 1 mét tám, rộng nửa mét, sâu gần một mét…Một người đàn ông đang nằm bất tỉnh trong đó, sát bên mép bức tường lưng tủ vừa bật vào.Bác Định và trung úy Thạnh không bảo nhau mà cùng thốt lên :
- Anh Tâm!
Tôi mệt nhọc quay lại, nói với Thạnh :
- Tôi đau đầu quá.Anh giúp tôi gọi cấp cứu và cảnh sát hình sự quận. À…có sẵn còng tay chớ? Hãy giúp bà Xuân ở yên thì sẽ tốt hơn cho công việc.
Tôi biết đêm nay mình sẽ không thể về nhà sớm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét