Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

Hoa cúc tím 3





*          *          *
*
Trước mắt tôi là một vạt ruộng mạ xanh mơn mởn… Tôi bước theo con đường đất ngoằn ngoèo nhỏ hẹp chỉ vừa đủ lối cho một người bước vắt từ lộ vào sâu bên trong… Tiếng tí tách của cá rô đồng quẩy nước nghe như những tiếng lục lạc đệm theo mỗi bước chân đi. Ngôi nhà tranh vách đất, hình ảnh quen thuộc ở đồng bằng châu thổ Cửu Long gợi chút bồi hồi nhớ một thời mở đất xa xăm. Tôi dừng chân bên cái lu sành màu da bò trước phên cửa, nhìn vào… Im ắng… Tôi chậm rãi đi vòng qua vườn ra sau nhà… Cũng vắng tanh. Cái vắng lặng đến lạ lùng, cả tiếng gió lay cành lá cũng tuyệt không nghe thấy… Mùi khói đốt đồng ngây ngây, khiến tôi thấy nao nao đến lạ… Cây sơ ri cô độc mọc ở ngang vườn, đối diện với cửa sổ căn nhà đột ngột cất tiếng lá thủ thỉ thầm thì khiến tôi giật mình ngoái lại. Tiếng lá hay tiếng đất? Nghe sao mà buồn rười rượi như than oán giận hờn ai? Khó tả. Nỉ non. Day dứt đến nao người… Tôi bước đến, ve vuốt lớp vỏ sần sùi của cây sơ ri nọ… Và tôi giật nẩy mình suýt ngất khi thấy không phải cây sơ ri mà chính là Lê Thị Cúc đang đứng nhìn tôi bằng cái nhìn vừa khẩn cầu, vừa oán trách…
-         Là cô… - Tôi lắp bắp.
-         Cậu sợ phải không? – Cô ta nhìn tôi, lắc đầu nhè nhẹ như chê trách.
-         Vâng… Tôi… sợ - Tôi trả lời như vô thức, toàn thân cứng đờ.
Cúc xoay người, bước về phía một gò đất hoa cúc tím mọc um tùm, bảo tôi:
-         Vậy thì ta nói chuyện để cho quen với nhau. Việc ấy cần lắm.
Cúc ngồi ngay lên gò đất. Tôi nhìn quanh…Cây sơ ri khi nãy vẫn còn đây. Tôi tựa người vào cái chạc ba của cây, cố trấn tĩnh.
-         Cậu là sĩ quan an ninh, cấp bậc thiếu tá? – Cúc hỏi nghiêm khắc.
-         Vâng, thưa cô – tự dưng tôi thấy mình bé lại như khi còn học tiểu học, trước một cô giáo khó tính. Mà nghĩ cũng phải, cô ta đáng tuổi mẹ tôi ở ngoài quê mà.
-         Trẻ há. Hồi tụi tui thì cậu ngang cấp với huyện đội trưởng rồi – Cúc cười có vẻ thú vị, nhưng rồi lại tỏ ra tư lự - Sao cậu nhìn thấy tôi được kìa?
-         Cháu cũng không biết nữa – tôi thú nhận một cách thành thật.
-         Gọi tôi bằng chị được rồi – Cúc cười độ lượng – tôi cũng chẳng hiểu tại sao tôi lại gặp được cậu.
-         Chẳng ai muốn gặp chị hay thấy chị, từ O’Brien đến ông Võ Ngọc Tuấn và… cả tôi nữa – tôi khó nhọc tìm từ ngữ diễn giải, bởi tôi hiểu mình đang nói chuyện với một linh hồn. Và là linh hồn một nữ điệp viên của Mỹ.
-         Võ Ngọc Tuấn… O’Brien? – Cúc băn khoăn – Tôi chẳng biết họ là ai cả? Họ gặp tôi à?
Tôi lạnh toát toàn thân. Như vậy là thế nào? Hay đúng chỉ là tình cờ? Cô Cúc trước mặt tôi không liên can gì đến hai người khách từ Mỹ đến? Nhưng tại sao Võ Ngọc Tuấn lại muốn tìm gặp Ngô Kim Thu để tôi tiếp xúc với lý lịch ông ta mà từ đó tìm ra Lê Thị Cúc? Không. Tôi không được quên trước mắt mình không chỉ là linh hồn Lê Thị Cúc mà còn là linh hồn điệp viên X8009. Nhưng linh hồn có cần nói dối không…
Cúc nhìn tôi, cười giòn :
-         Nhìn mặt cậu kìa. Y như bị mất hồn. Cậu nghĩ tôi là người xấu phải không?
-         Đâu có… tôi chỉ … - Tôi cố chống chế.
Cúc lắc đầu nhẹ, thở dài:
-         Cậu nói thật hay nói dối, với tôi cũng chẳng cần. Tôi chỉ ngạc nhiên vì tại sao cậu nhìn thấy tôi. Hay đúng hơn, tôi ngạc nhiên vì không hiểu tại sao tôi lại hiện ra với cậu. Có để ý cái cây sơ ri mà cậu đang dựa vào không?
-         Có… - Tôi đáp mà tay thì sờ soạng phía sau, như sợ sẽ ngã ngữa vì điểm tựa lưng của mình đột nhiên biến mất.
-         Má tôi trồng nó hồi năm Mậu Thân 68, khi tôi bỏ học ở trường Tống Phước Hiệp để vào chiến khu. Mỗi sáng, má tôi cứ ra đây vừa chăm cây, vừa vuốt ve nó như cưng nựng con mình. Má nghe tiếng lá reo như nghe lời tôi nói, má nói với cây như đang nói với tôi. Mỗi khi cây bệnh, má lại lo chăm sóc với tâm trạng con mình trong chiến khu đang bệnh. Cây sơ ri ấy đã là chỗ nương dựa tinh thần cho má và là nơi trú ngụ hình ảnh của tôi…
-         Bà cụ đâu rồi, thưa chị? – Tự dưng tôi thấy xót xa như có ai xát muối vào trong tim mình. - Khi nãy tôi không thấy.
-         Cậu nhìn qua cửa sổ thử xem!
Tôi nhoài người, nhòm qua cửa sổ và choáng váng, ngã chúi vào vách tường đất…
Bên kia cửa sổ, sâu trong nhà là một tủ thờ gỗ ván. Trên nóc tủ thờ là ảnh một bà cụ mặc áo dài, tóc trắng như mây, gương mặt đầy những nếp thời gian, cặp mắt trông chờ đầy hy vọng… Tiếng của Cúc vẫn tiếp nối đều đều, nhẹ nhàng đến rợn người. Từng lời, từng câu như từng lớp đất đổ ra từ vách, chầm chậm đè lên đầu tôi… nặng dần, nặng dần:
-         Má đã sang với tôi, nhưng không hiểu sao tôi vẫn không gặp má được. Nên tôi lại cứ phiêu dạt và gặp Yến Ngọc. Cô ấy dẫn tôi đi đến trước nhà cậu… Cậu nhớ mà phải không? Khi ấy tôi đứng ngoài bờ rào, tay cầm hoa cúc tím.
-         A a a aa a a… - Tôi thét lên.
-         Cái gì vậy anh? – Vợ tôi choàng tỉnh, hỏi giật giọng.
-         Anh… đau đầu. – Tôi nhăn nhó, tỳ vào mép giường, ngồi dậy, liếc lên đồng hồ treo tường. Đã bốn giờ sáng…
-         Ác mộng à? – Vợ tôi băn khoăn.
-         Đâu có – tôi xoa trán, chống chế - Anh duỗi chân, vô ý đụng đầu vào đầu giường.
Vợ tôi cười nhẹ, lắc đầu có ý không mấy tin rồi nói bâng quơ nhưng lại đầy ưu phiền:
-         Anh không thể sống mãi như thế này được.
-         Anh sẽ phải sống như thế - tôi vươn mình, bước hẳn ra khỏi giường.
            Bài tập thể dục sớm sẽ rất có ích. Hôm nay chắc chắn tôi sẽ có nhiều việc phải làm. Tôi định sẽ tìm đến ông Ngô Kim Thu ngay sáng nay.
*                      *                      *
*
            Đúng là nói trước thì bước chẳng qua. Sáng nay tôi vừa vào đến cơ quan thì gặp ngay một đống hồ sơ nằm chờ với phiếu chuyển có ghi chú “TUYỆT MẬT – HỎA TỐC”. Vì là tuyệt mật nên chỉ được đọc trong phòng xếp, và vì là hỏa tốc nên… phải đọc ngay. Đầu tiên là hồ sơ Lê Thị Cúc của ban an ninh Cần Thơ thời chiến tranh…, tôi đọc qua bản khai lý lịch của cô Cúc… từng chi tiết khớp với lời cô Cúc nói với tôi trong giấc mơ về sáng ở mức chính xác đến rợn người. Một tấm ảnh ố vàng chụp cô Cúc trong bộ bà ba đen, khăn rằn quấn cổ, choàng cây CKC hệt như lời tả cô gái dẫn đường trong bài thơ Lá Đỏ. Cô Cúc là giao liên của khu 9 từ năm 1968 đến năm 1970, đến ngày 17 tháng 11 năm 1971 thì hy sinh trong một lần đưa khách của trung ương cục vượt sông Hậu… Một cuộc sống bình thường như của bao nhiêu thanh nữ yêu nước đã chọn con đường đến với cách mạng và trực tiếp chiến đấu ngày đó. Một sự nằm xuống nhẹ nhàng như bao người lính đã nằm xuống cho lý tưởng mà mình bảo vệ… Hồ sơ tuyệt nhiên không đả động gì đến chuyện cô ta có phải là điệp viên của Đoàn 52 quân báo Hoa Kỳ hay không… Nhưng đúng là cô ấy chết khi còn quá trẻ. Năm 1971, cô ấy mới 20 tuổi. Chợt tôi băn khoăn: Nếu đúng là mọi thứ nhẹ nhàng như vậy, sao cô ấy lại còn hiện ra trong giấc mơ của mình? Hay cô ta đúng là gián điệp? Nhưng nếu có là gián điệp thì giờ cũng chỉ là một hồn ma. Một hồn ma đâu có cần phải làm gián điệp tiếp đâu mà phải nói dối với mình?... Tôi lật tiếp hồ sơ thứ hai. Chính là hồ sơ B091972CT1806-22 mà tôi yêu cầu chiều qua. Tôi chọn đọc riêng phần thông tin về điệp viên X8009. Các chi tiết trong sơ yếu lý lịch trùng khớp với bản khai lý lịch trong hồ sơ cá nhân của Lê Thị Cúc do an ninh Cần Thơ cung cấp, nét chữ trên hai bản khai cũng không có gì khác biệt… À, khoan… Theo thông tin trong hồ sơ điệp viên X8009 thì cô Cúc được móc nối làm việc cho đoàn 52 quân báo Hoa Kỳ từ ngày 1 tháng 8 năm 1971, sĩ quan thẩm tra và tuyển mộ đồng thời trực tiếp chỉ huy là trung úy Võ Ngọc Tuấn thuộc phòng 3 quân khu 4. Võ Ngọc Tuấn chính là Andy Võ, cái đó khỏi bàn. Nhưng như thế nghĩa là quân báo Hoa Kỳ chỉ mới làm việc với cô Cúc đúng 3 tháng 17 ngày thì tất nhiên phải gián đoạn do cái chết của cô ta. Còn tài liệu về các điệp viên đoàn 52 lại lọt vào tay cách mạng vào ngày 17 tháng 6 năm 1972. Lẽ ra nếu điệp viên đã chết thì phải loại ra khỏi danh sách chứ? Không lẽ quân báo Hoa Kỳ lại quan liêu đến  mức không ghi chú gì về cái chết của điệp viên X8009 sau cả năm trời mất liên lạc? Tôi lần lượt kiểm tra lại toàn bộ hai hồ sơ Lê Thị Cúc của an ninh tỉnh Cần Thơ và X8009 của đoàn 52 quân báo Hoa Kỳ.Hồ sơ X8009 có hơi giản lược hơn và điều đó là tất nhiên, để bảo mật cho điệp viên, các bản tin tình báo mà điệp viên cung cấp sẽ nằm lại ở chỗ tiếp nhận chứ không đưa vào hồ sơ. Hơn nữa, X8009 chỉ là một trong những điệp viên có tên trong danh sách tổng hợp này. Ảnh Lê Thị Cúc trong cả hai hồ sơ đều là của cùng một người, nhưng ảnh của hồ sơ X8009 thì cô Cúc trẻ hơn, đang mặc áo dài kiểu học sinh trung học, ảnh của hồ sơ an ninh Cần Thơ thì cô Cúc gầy hơn, già dặn hơn. Bản khai lý lịch trong cả hai hồ sơ đều cùng một nét chữ… Không.Không hẳn thế… Trong hồ sơ an ninh Cần Thơ còn mấy bản kiểm điểm công tác do cô Cúc tự viết theo quy định cơ quan khu ủy thời bấy giờ, bản tự kiểm tháng 12 năm 1970 có nét chữ xiên xẹo y như rắn bò, không còn tròn trịa, chân phương như bản khai lý lịch lúc mới vào khu công tác. Tại sao vậy kìa?... Tôi đọc lại toàn bộ quá trình của cô Cúc và phát hiện ra một chi tiết: tháng 8  năm 1970, cô Cúc bị một mảnh pháo mồ côi của địch găm vào bàn tay phải lúc đang chống xuồng đưa khách qua kinh thứ mười một, bị liệt mất ba ngón tay cuối. Nếu như cô Cúc cầm bút bằng tay phải, tất nhiên sẽ không thể viết được nữa, cho nên mới đổi qua bàn tay trái và đó là lý do bản tự kiểm tháng 12 năm 1970 có tuồng chữ xiên xẹo ngoằn ngoèo này. Vậy tại sao trong bản khai lý lịch tuyển mộ điệp viên ngày 01 tháng 7 năm 1971, chữ của Cúc lại tròn trĩnh chân phương y như chữ trong bản khai lý lịch lúc mới vào cơ quan khu ủy năm 1968? Hay là cô ta đã nhân tình huống bị thương để che giấu chuyện mình vẫn viết được bằng tay phải? Có thể lắm, nếu cô ta là một điệp viên kiệt xuất, nhưng đã bị liệt ba ngón tay cuối cùng mà bàn tay cầm bút vẫn viết đẹp y như xưa thì chả lẽ công việc giao liên cho khu ủy trong chiến tranh của cô ta đơn giản chỉ là ngồi suốt ngày tập viết hay sao?
            Tôi lấy hai bản lý lịch của hai hồ sơ ra, viết đề nghị gửi bộ phận kỹ thuật hình sự giảo nghiệm tự dạng gấp. Sau khi chuyển tài liệu và yêu cầu của mình đi, tôi xếp mấy bộ hồ sơ lại và lấy xe máy đi tìm gặp ông Ngô Kim Thu. Ở chỗ thường trực của Cục, tôi nhận được một chiếc phong bì từ họa sĩ Hải của tổng cục cảnh sát. Anh ta đã vẽ xong chân dung cô gái trong giấc mơ của tôi theo lời tôi kể hôm qua và gửi bản vẽ trong phong bì này. Thuận tay, tôi nhét luôn vào túi áo ngực trái…

Không có nhận xét nào: