8
Dù đã nhận tập hồ sơ báo trình của Dương Văn Hiếu từ cuối giờ làm việc
buổi chiều ngày 22, nhưng mãi đến 8 giờ
tối ngày thứ bảy 24 tháng 12, Ngô Đình Nhu mới có thể dành thời gian để đọc lại toàn bộ.
Không phải chỉ vì quá bận rộn với công việc, mà vì khi đọc lướt qua hồ sơ, Nhu
thấy cần phải có thêm tài liệu về hai cái tên Sanki Seikou – họa sĩ tạo tác con
kỳ lân ngọc và Yamashita
Tomoyuki – nguyên tư lệnh tập đoàn
quân vùng 14 của Lục quân Đế quốc Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ 2. Vì
vậy, Nhu đã yêu cầu Trần Kim Tuyến khẩn
cấp sử dụng quan hệ với cơ quan tình báo Mỹ để có được những tài liệu này. Từ
những gì Tuyến cung cấp, Nhu đã hình dung được yếu tố kỳ bí mà con kỳ lân ngọc
kìa ẩn giấu. Thứ nhất là quan hệ giữa Sanki Seikou với đại tướng Yamashita : từng
phục vụ tập đoàn quân 25 từ tháng 12 năm
1941 đến tháng 7 năm 1942, sau đó sang Tân Gia Ba và rồi trở lại Phi Luật Tân
tòng ngũ trong tập đoàn quân vùng 14 từ tháng 10 năm 1944 và cuối cùng là về
Sài Gòn tháng 3 năm 1945. Như vậy, Sanki Seikou có hai giai đoạn phục vụ dưới
quyền Yamashita trong chiến tranh Thái Bình Dương là chặng khởi đầu toàn thắng
và đoạn kết đại bại, giữa hai thời đoạn ấy là phục vụ dưới quyền bá tước
Terauchi – thống chế quân Nhật ở Viễn Đông. Yamashita lại chính là quân nhân nắm
quyền điều phối chương trình vận chuyển tài nguyên chiếm giữ của các quốc gia
châu Á về Nhật, vì thế nên con kỳ lân ngọc mang dấu hiệu vật sở hữu của thống
chế Terauchi hẳn không chỉ là vật trang trí trên bàn làm việc.Dòng chữ bí hiểm
mà Đỗ Toàn tìm thấy trong con kỳ lân ngọc đã nói lên điều ấy. Thứ hai, dù
Yamashita, Terauchi đều đã ra người thiên cổ[1],
còn Sanki Seikou thì mất tích tại Sài Gòn từ tháng 10 năm 1945 nhưng theo các hồ
sơ hàng hóa theo hải trình Phi Luật Tân – Sài Gòn trong thời chiến tranh thế giới
2 thì cái tên Sanki Seikou xuất hiện khá thường xuyên ở vị trí người gửi hàng
kiêm người nhận hàng. Theo Nhu điều này chứng tỏ Sanki được giao một trọng
trách đặc biệt trong vận chuyển hàng hải của quân Nhật giai đoạn ấy…Vậy thì
dòng chữ “11- 30 N, 110- 45 E ” còn có thể mang ý nghĩa nào khác ngoại trừ việc đánh dấu một tọa độ
trên biển kia chứ? Nếu N là North thì E là East, và dòng chữ phát hiên được từ
con kỳ lân có nghĩa là 11-30 Bắc, 110- 45 Đông. Một xác định tọa độ địa lý quá
rõ ràng và xem ra không có cách lý giải nào khác hợp lý hơn. “ 11 độ 30 phút vĩ
tuyến Bắc, 110 độ 45 phút kinh tuyến Đông ư?” – Nhu lẩm bẩm một mình – “ Rứa rất
hợp lý, nhưng răng mình thấy có chi bất ổn. Sao Sanki không viết chữ Bắc và
Đông bằng Nhật ngữ? Viết ký hiệu bằng Anh ngữ vì can cớ chi hè? Cố nhiên viết
như rứa thì rất tiện lợi, chữ Nhật vốn là chữ tượng hình nên viết mất thời gian
hơn nhiều, nhưng viết như thế ni thì ai đọc được cũng có thể hiểu?” Bất giác,
Nhu liếc nhìn lại con kỳ lân ngọc oai dũng đứng trong bệ tượng trên bàn mình rồi
bật cười. “ Rõ đa sự. Muốn đọc được dòng chữ ni, như lời Đỗ Toàn khai thì phải
soi con kỳ lân dưới ánh sáng đơn sắc của máy quang phổ. Mà muốn làm rứa thì phải
có con kỳ lân đã. Con kỳ lân lại nằm trên bàn làm việc, trong tầm tay của thống
chế Terauchi thì răng mà lấy được? Cũng như bây chừ nó đang nằm trên bàn làm việc
của mình, trong tầm tay mình…” Rồi Nhu tắc lưỡi khi nhớ đến số phận bi thảm của
Đỗ Toàn. Lẽ ra ông ta không phải nhận kết cục như vậy nếu như nói ra tất cả những
gì mình biết trong lần hội kiến chiều tối ngày 20, ngay tại dinh Độc Lập này…Kể
ra thì Dương Văn Hiếu cũng hơi quá tay, nhưng làm sao Nhu trách hắn được. Đỗ
Toàn đâu phải là cộng sản nằm vùng để Hiếu có thể sử dụng lực lượng mật vụ của
chính quyền, lại còn phải đảm bảo bí mật như lệnh của Nhu? Hiếu phải dùng đến bọn
đàn em du đảng là chuyện hiển nhiên và rơi vào tay bọn ấy thì cái chết của Đỗ
Toàn là điều tất yếu. Qua bản tin điểm báo sáng nay của Nha thông tin, Nhu biết
dư luận đang làm rùm beng quanh vụ mất tích của Đỗ Toàn và hài lòng vì sự rùm
beng đó bởi vì đã cho ông ta cơ hội khép lại chuyện này bằng một cái kết có hậu.
Nhu đã ra lệnh cho Hiếu như vậy, còn làm thế nào thì tự Hiếu phải biết. Trong
khoảnh khắc này, ham muốn giải bài toán về bí ẩn của con kỳ lân ngọc đang xâm
chiếm tất cả tâm trí ông cố vấn chính trị quyền lực của đệ nhất cộng hòa. Nhu
bước đến trước tấm bản đồ Nam Phần treo trên tường, dõi mắt tìm điểm giao nhau
giữa vĩ tuyến 11 và kinh tuyến 110… Một vùng biển xanh thẫm cuốn lấy tọa độ bí
hiểm nọ, như thách đố những ai muốn đo lường chiều sâu của nó… Nhu thốt thành lời
:
-
11 độ 30
phút vĩ tuyến Bắc, 110 độ 45 phút kinh tuyến Đông. Có chi ở nớ hè? Chừ giao việc
ni cho ai được?
Trong một thoáng, Nhu
nghĩ đến Hồ Tấn Quyền[2],
nhưng lại gạt bỏ ngay lập tức. Hải quân của Việt Nam cộng hòa ở cuối năm 1960
này chưa phải là lực lượng tác chiến có ý nghĩa quyết định, trang bị chủ yếu là
những tàu vận tải cỡ nhỏ do người Pháp để lại. Trước yêu cầu tiếp nhận tàu chiến
mới để trở thành lực lượng tác chiến
tinh nhuệ thay vì là lực lượng phòng thủ, tiếp trợ như trước giờ, Nhu đã yêu cầu
phải tăng cường nhân sự từ thanh niên có trình độ học vấn tú tài vào hải quân,
nhưng khóa đầu tiên tuyển sinh theo yêu cầu ấy với giáo trình huấn luyện mới cùng
sự bảo trợ của hải quân Mỹ cũng chỉ có thể bắt đầu vào mùa hè năm sau[3]. Để tìm hiểu điều bí ẩn ở tọa độ nọ - nếu như
thật sự ở tọa độ ấy có chi bí ẩn – Nhu thấy mình cần có một chọn lựa khác… “ Rứa
mà hay, chẳng cần chi cờ đèn kèn quạt, chỉ là một doanh nghiệp do một quân nhân
thích hợp và tuyệt đối trung thành với tổng thống làm nghiệp chủ”. Nhu liếc
nhìn đồng hồ… Đã hơn 9 giờ khuya. Ngày mai lại là ngày Chúa Nhật, lại còn lễ
Giáng sinh chính lại Vương Cung Thánh Đường nữa. Nhu quay lại bàn làm việc, bấm
intercom :
-
Gọi sang
cho Nha quân lực, nhắn ông Thung trình diện tôi lúc 10 giờ sáng mai.
-
Vâng. Ông
cố vấn còn dạy thêm gì không ạ?
-
À …- Nhu
ngần ngừ - Không. Không có chi thêm mô. Anh về nghỉ được rồi.
Thực ra, Nhu định gọi
sang trại Lê Văn Duyệt cho Dương Văn Hiếu nhưng chợt nghĩ lại nên thôi. Suy cho
cùng thì Hiếu tự hiểu phải xóa dấu vết vụ Đỗ Toàn mà vẫn kết thúc được dư luận
rùm beng của báo chí theo cách nào thích hợp nhất cũng như nhanh nhất, dặn dò kỷ
lưỡng quá lại hóa ra xem thường hắn ta…
*
* * *
Bác sĩ Trần Kim Tuyến,
giám đốc Sở nghiên cứu chính trị và xã hội hơi nhíu mày khi nhận tấm thiếp báo
danh từ người đối diện. Dòng chữ “ Nhất Mỹ Trực Mâu” ( Imy Seikou) trên danh
thiếp của cô gái gợi ông trùm tình báo mật vụ Nam Phần nhớ đến chuyện ông cố vấn
Ngô Đình Nhu yêu cầu mình tìm thông tin về cái tên Cần Trì Trực Mâu ( Sanki
Seikou) hai hôm trước. Hồi chiều, khi cô gái này gọi điện thoại cho Tuyến từ
văn phòng thương mại Đông Kinh để xin cái hẹn ăn tối này, Tuyến đã biết cô ta
là một điệp viên. Bởi vì Nhất Mỹ đã dùng một mật khẩu mà cơ quan tình báo Anh
đã sử dụng để liên hệ với Tuyến thuở Tuyến còn hoạt động trong ty điệp báo
trung ương Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp. Hơi khó chịu, nhưng Tuyến vẫn
miễn cưỡng chấp nhận cuộc gặp này. Và giờ khi cô gái tự giới thiệu mình qua
danh thiếp, Tuyến không chỉ xác nhận được cô ta là một điệp viên mà còn có thể
khẳng định cô ta là điệp viên Nhật Bản. Cái họ Trực Mâu giúp Tuyến tin chắc rằng
mục đích của cô ta chắc cũng không khác gì mục đích của Ngô Đình Nhu khi yêu cầu
Tuyến tìm hiểu tư liệu về Cần Trì Trực Mâu[4] và
Sơn Hạ Phụng Văn[5]
– đều xoay quanh con kỳ lân ngọc mang biểu tượng của Tự Nội Thọ Nhất[6].
Tuyến lịch thiệp đặt tấm danh thiếp lên bàn, gật đầu :
-
Cô dùng
gì? Một chút vang Pháp nhé?
-
Cảm ơn ông
– Nhất Mỹ nở nụ cười tươi như hoa hàm tiếu – Xin cho em một chút cointreau.
Chờ anh bồi đi khuất, Tuyến cười nhẹ.
-
Xin cô vào
việc ngay cho. Tôi tin cô hẹn tôi đến cuộc gặp này không phải vì cần một người
trung gian cho hoạt động của văn phòng thương mại Đông Kinh.
-
Vâng – Nhất
Mỹ thoáng suy nghĩ rồi dè dặt đáp – Em muốn ông giúp em tìm một di vật của gia
đình bị thất lạc trong chiến tranh Pháp – Việt.
-
Cô có thể
nói rõ hơn vật đó là gì không? – Tuyến giữ vẻ quan tâm nhưng thực sự đã thầm
quyết định “ Nếu cô ta nói vớ vẩn gì khác, mình sẽ cáo từ và chấm dứt mọi việc ở
đây”
-
Đó là tượng
con kỳ lân ngọc đỏ do chú ruột em là Sanki Seikou tạo tác.
-
Con
kỳ lân cao khoảng
25 cm, có dáng tỳ chân trước bên
trái lên một quả địa cầu, ba chân còn lại tạo thành một tam
giác vuông vững chãi có thể tự đứng mà không cần bệ tượng. Mặt trên bệ tượng có dáng
một con dấu vuông vức ghi những chữ tượng hình, còn mặt dưới chạm một bông hoa cúc đại
đóa 14 cánh bao quanh mặt trời lên…Có phải không? – Bằng một giọng đều đều vô cảm, Tuyến nhắc lại các
thông tin mà ông ta hầu như đã thuộc làu từ mô tả của các chuyên viên thuộc hạ
khi tìm hiểu về con kỳ lân ngọc nọ theo lệnh Ngô Đình Nhu mấy tuần lễ trước.
-
Vâng. Đúng
vậy – Nhất Mỹ nói như reo – Ông có còn giữ nó không ạ? Cho em mua lại…
-
Rất tiếc
là không. Hiện nó thuộc về ông cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu…- Tuyến chép miệng
– Và tôi không tin là ông Nhu chịu bán nó.
-
Chỉ là một
tượng kỳ lân bằng đá ruby thôi mà ông. Với em thì nó có ý nghĩa về di vật gia
đình, chứ nào có ý nghĩa kinh doanh giá trị cổ vật?
-
Tôi cũng
muốn nghĩ như thế, nhưng tôi không tin rằng ông cố vấn chính trị nghĩ như thế
đâu – Tuyến cười nhạt – Và sự xuất hiện của cô đang khiến tôi mỗi lúc một ngã về
suy luận của ông ta hơn.
-
Suy luận ấy
như thế nào? Và vì sao lại có suy luận ấy, thưa ông? – Nhất Mỹ tỏ ra hết sức
kiên trì.
-
Suy luận ấy
là “ Tượng kỳ lân này không có giá trị cổ vật, nhưng hẳn phải mang một ý nghĩa
nào khác chứ nếu là vật trang trí bình thường thuộc sở hữu Tự Nội Thọ Nhất thì
hẳn đã không lưu lạc lại Việt Nam, nhất là khi Cần Trì Trì Trực Mâu – nghệ sĩ tạo
tác đã mất tích vào tháng 10 năm 1945 cũng tại Sài Gòn này”. Còn vì sao có suy
luận ấy thì tôi chỉ có thể đáp rằng vì ông cố vấn không chỉ là một chính trị
gia sắc sảo mà còn là một học giả uyên bác. Xuất thân ông Nhu là quản thủ thư
viện mà – Tuyến hóm hỉnh đáp.
-
Em hỏi vì
sao ông có suy luận ấy kìa? – Nhất Mỹ có vẻ băn khoăn.
“ Thật kỳ lạ” – Tuyến
thầm nghĩ – “ Khi hẹn qua điện thoại thì
cô gái Nhật này có phong cách dầy dạn bản lĩnh của một điệp viên từng trải, vậy
mà khi gặp mặt mình thì lại có những biểu hiện tự nhiên hồn hậu chân thành của
một đứa cháu trong nhà. Có lẽ vì cô ta là cháu của Cần Trì Trực Mâu nên mình mới
cảm nhận sự tương phản kỳ lạ đó chăng”. Tuyến có hơi phân vân trước cách hỏi
thăm dò quá ư lộ liễu của Nhất Mỹ để chọn một cách trả lời nước đôi tương
thích.
-
Tôi có suy
luận ấy đơn giản vì chức trách của mình, dựa trên các thông tin mà mình có được.
-
Bằng cách
đọc báo sao? – Giọng Nhất Mỹ giờ bắt đầu có âm sắc châm biếm.
-
Đó cũng là
một nguồn thông tin – Tuyến nhún vai.
-
Từ sự mất
tích của nhà buôn châu ngọc Đỗ Toàn?
-
À… - Tuyến
hơi lúng túng khi nhìn thấy cái bẫy được giăng ra từ sự vô ý của mình, đành xác
nhận một cách gượng gạo – Thì cũng như mọi người đọc báo, tôi biết ông ta
chuyên về đồ cổ Nhật Bản…
-
Và trước
đó, ông biết về con kỳ lân ngọc mà chú của em tạo tác?
-
Đúng – Tuyến
miễn cưỡng xác nhận – Nhưng tôi chỉ biết
một cách gián tiếp, qua người bạn là đại úy Lê Thúy. Chính anh ấy phát giác và
nộp con kỳ lân ngọc ấy cho ông cố vấn Nhu.
-
Xin lỗi vì
phải làm phiền ông – Nhất Mỹ nói với vẻ áy náy.
-
Tôi chưa
hiểu rõ hai chữ “ làm phiền” – Tuyến hơi nhăn trán – Nếu như chỉ về cái cách mà
cô đã dùng để hẹn tôi ra đây thì… có thể
yên tâm là tôi đã tha thứ.
-
Đó mới chỉ
là sự khởi đầu thôi – Nhất Mỹ lập tức trở lại với phong cách mà Tuyến chờ đợi,
nghĩa là dáng vẻ quyết đoán của một điệp viên dầy dạn – Sở dĩ em dùng chữ “ làm
phiền” chính vì… em muốn được sự bảo trợ của ông trong thời gian hoạt động tại
Việt Nam.
-
Cái gì? –
Tuyến giễu cợt – Cô muốn tôi làm người bảo trợ cho hoạt động của cô? Cô có thấy
sự khôi hài trong đề nghị vừa rồi của mình không? Cô đang đề nghị giám đốc tình
báo mật vụ Việt Nam bảo trợ cho hoạt động của gián điệp Nhật Bản đấy…
-
Em không
thấy có gì khôi hài khi mình nghiêm túc đặt ra một đề nghị giao dịch kinh doanh
– Nhất Mỹ tinh nghịch – Chẳng phải đường dây kinh doanh heroin của bọn Huynh đệ
đảo Corse tuyến Vạn Tượng – Sài Gòn
- Orly , tuyến Sài Gòn – Marseille
vẫn đang phải đặt dưới sự bảo trợ của ông cố vấn Ngô Đình Nhu đó hay sao?
-
Việt Nam Cộng Hòa cần có nguồn
tài chính riêng để độc lập tự cường – Tuyến lãnh đạm đáp như cái máy.
-
Còn ông và gia đình thì sao ạ?
Chẳng phải trên đời này, quý nhất là mạng sống và sau đó là tiền – Nhất Mỹ nói
rành rọt từng lời như thể muốn xoáy từng chữ vào óc Tuyến.
-
Tôi chưa nghĩ đến tuổi về
hưu – Tuyến dửng dưng.
-
Tuổi trẻ là gì, nếu không phải
là điều kiện để đảm bảo cho tuổi già? – Nhất Mỹ cười đầy ý nghĩa – Hẳn ông biết
thành ngữ Trung Hoa “ Làm bạn với vua cũng như đùa với cọp”. Khi cọp vui thì mọi
việc đều ổn thỏa, nhưng ai biết khi nào nó buồn và vồ cắn. Ông Nhu tuy mang
danh cố vấn bào đệ của tổng thống, nhưng xét thực chất quyền lực thì có khác gì
một ông vua đâu, phải không thưa ông?
-
Chuyện đùa với cọp sẽ bàn
sau – Tuyến cười gằn – Nhưng lúc này thì cô đang đùa với lửa đấy.
-
Em biết – Nhất Mỹ gật đầu đầy
tự tin – Nhưng em sẽ cháy cùng với ông. Nếu ông Nhu biết được mối quan hệ hiện
giờ giữa ông và MI -6[7] không
chỉ là quan hệ giữa người đứng đầu cơ quan mật vụ Việt Nam với một cơ quan mật
của quốc gia thân thiện, mà là quan hệ cộng sự vì lợi ích ở Đông Nam Á của
vương quốc mặt trời không bao giờ lặn…
Nhất Mỹ buông lửng câu nói. Tuyến thở nhẹ… Sau
vụ binh biến tháng trước, Tuyến đã nhận thấy dấu hiệu thiếu tín nhiệm của Nhu
dành cho mình và hiểu quan hệ giữa hai người giờ chỉ có thể níu kéo sự tồn tại
chứ khó mà phục hồi thân thiện như xưa. Mà thời cuộc thì đang diễn tiến rất gấp,
trong khi Tuyến lại chưa sẵn sàng tồn tại độc lập khi xảy ra một sự đổi thay, bởi
khái niệm vắn tắt “ phòng 4 phủ tổng thống” bao lâu nay đè nặng che lấp cả danh
xưng chính thức Sở nghiên cứu chính trị và xã hội đã vô tình cột chặt Tuyến vào
trách nhiệm với tất cả những hành động của ông cố vấn Nhu. Hơn bao giờ hết, Tuyến
cần giữ các mối quan hệ với những lực lượng đối lập và với cơ quan tình
báo Mỹ, Anh để làm phao cứu sinh cho mình trong tương lai, nhưng cái phao ấy chỉ
có tác dụng nếu được giữ bí mật trong hiện tại…Tuyến cười nhẹ :
-
Ai trong chúng ta cũng cần một
cánh cửa thoát hiểm vào lúc nào đó trong đời, phải không cô?
-
Lúc này, ông đang là cánh cửa
thoát hiểm cho em và yêu cầu công vụ mà tổ quốc Nhật Bản đặt ra cho em – Nhất Mỹ
xúc động đáp lại.
-
Vậy ta nên thành thật với
nhau – Tuyến ngờ vực – Cô cần lấy lại con kỳ lân ngọc hay chỉ lấy lại bí mật mà
con kỳ lân ngọc ấy cất giữ thôi? Cô lấy vì đó là tạo tác của chú mình, hay vì
đó là bí mật quốc gia Nhật Bản?
-
Tất cả yêu cầu trong một lời
giải đáp, thưa ông – Nhất Mỹ nói rất chân thành – Bí mật của con kỳ lân chính
là con kỳ lân và em cần thu hồi tạo tác của chú em để giữ gìn bí mật quốc gia
Nhật Bản.
-
Tốt. Tôi chỉ cần biết thế -
Tuyến gật đầu – Tôi muốn biết gia đình mình sẽ được gì từ vụ kinh doanh này?
… Bữa
ăn tối- bàn công việc của Tuyến và Nhất Mỹ tại nhà hàng Thanh Thế kết thúc lúc
10 giờ khuya. Tiệc Giáng sinh của Minh Báo có sự tham dự của Lê Thúy tại nhà
hàng Bát Đạt cũng kết thúc sau đó 30 phút. Nhưng trước đó, khi mà ông trùm mật
vụ Nam Việt cũng như ông phụ tá giám đốc Nha An ninh quân đội còn đang ngồi
trong tiệc rượu với những toan tính của mình, thì lúc 9 giờ 30 phút đêm thứ bảy
24 tháng 12 năm 1960, cảnh sát cuộc Hàng
Keo đã bắn chết một toán du đãng tại sào huyệt của chúng là một căn nhà ven rạch
cầu Bông. Qua khám xét nhà, nhân viên công lực thu giữ được tang vật là ví đựng
tiền và giấy tờ tùy thân mang tên Đỗ Toàn – vị thương gia châu ngọc đang mất
tích cùng với con dao và sợi xích xe gắn máy bê bết máu . Hai vật này được kết
luận là hung khí dùng để chặt mười đầu ngón tay và làm biến dạng mặt của nạn
nhân… Ty cảnh sát Gia Định đã có thể kết luận về vụ án của tử thi mà Nha An
ninh quân đội chuyển hồ sơ sang hồi chiều. Theo lệnh trên, cuộc họp báo tuyên
dương công trạng sẽ được tổ chức tại dinh tỉnh trưởng Gia Định vào sáng thứ hai, ngày 26…
[1] Yamashita đã bị xử tử vào ngày 23 tháng
2, 1946 tại Phi Luật
Tân. Terauchi mất ngày 12 tháng 6 năm 1946 vì đột quỵ
tại Mã Lai khi đang còn là tù binh chiến
tranh.
[2] Đại tá – tư lệnh hải quân đệ nhất cộng hòa Việt
Nam, bị các tướng lĩnh quân đội Sài Gòn giết chết trong cuộc đảo chính quân sự
01 tháng 11 năm 1963.
[3] Khóa này chính là khóa huấn luyện Đệ Nhất Bảo
Bình ( khóa XI –trường Sĩ quan hải quân Nha Trang năm 1961)
[7] Viết tắt bằng tiếng Anh tên gọi Tổng Cục Tình
Báo đối ngoại Vương quốc Liên Hiệp Anh và Bắc Ailen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét