Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Con Kỳ Lân Ngọc - 16


Nhu vừa bắt tay Thúy, vừa hất hàm về phía tờ tạp chí Đạo Binh Đức Mẹ trên bàn làm việc, nói với vẻ phê bình nhưng lại vui đùa :
- Chừ thì tôi tin là anh không thể nào ở lâu trong công an Việt Minh mô. Người nhà với nhau cả. Cảm ơn một tiếng cũng đủ gọi là tình. Cần chi tuần trước gửi thiệp mời, tuần sau đăng lời cảm tạ như thế ni. Lề thói tiểu tư sản, đồng chí Thúy ạ...
Thì ra Nhu đã đọc tin cậy đăng mà Thúy đã nhờ Trần Trung Ban làm trên tạp chí này tuần trước. Đành rằng đó là cái cớ cho Thúy gặp chỉ huy để xin ý kiến, nhưng cũng là một cách bày tỏ tình cảm cá nhân với gia đình tổng thống vì đã quan tâm chăm sóc phần hồn cho mẹ mình. Người như Nhu khó bị lòe bởi những lời nịnh hót lộ liễu, nhưng bày tỏ sự biết ơn theo kiểu hơi màu mè này nhất định sẽ lay động được ông ta.
- Hồi sáng, tôi có cho tổng thống xem tin cảm tạ của anh. Tổng thống khen anh là người con có hiếu - Nhu cười, lắc đầu nhẹ - Còn tôi thì thấy anh vẫn chưa thể thành con người của xã hội dân chủ mà bọn chính khách salon đang đòi hỏi.
- Vì sao, thưa ông cố vấn? - Thúy hỏi với vẻ ngạc nhiên nhưng hơi chột dạ vì không hiểu sao Nhu lại nhắc đến đám chính khách đối lập vào lúc này, hay ông ta phát giác ra ý đồ thật của trò chơi hai mặt lâu nay anh đeo đuổi.
- Vì anh còn trọng tình lắm - Nhu chợt thở dài - Nhưng thôi, tình cảm dành cho nhau lại là thứ xa xỉ mà chúng ta phải cất giữ trong cõi lòng riêng mỗi chúng ta. Giữa cái thời dân chủ này, chúng ta hãy học theo Tây Âu thói quen trọng lý vậy.
Thúy im lặng cúi đầu. Trong một thoáng, anh thấy Nhu thật đáng thương, ông ta cô độc ngay với gia đình mình, trong dinh tổng thống đầy đủ tiện nghi...Nhu cô độc vì chính ông ta đã chọn cho mình đam mê quyền lực thống trị. Đam mê ấy khiến ông ta từ một học giả uyên thâm của Đông Phương Bác Cổ Viện thành một bạo chúa đa đoan đầy uẩn ức trong dinh Độc lập này và buộc ông ta phải suy tư, quyết định suốt 16 đến 18 giờ mỗi ngày thay cho tổng thống, vì sự bền vững cho lợi ích gia đình. Đồng thời, đam mê ấy cũng khiến ông ta trở thành vật cản đối với việc xây dựng một xã hội tự do kiểu Mỹ, theo ý Mỹ...
- Trình ông cố vấn, đây là bản trình bày chi tiết nhận định của tôi - Thúy trao chiếc bìa hồ sơ đựng kế hoạch khảo sát của Hoàng Nam lại cho Nhu ngay khi ông ta quay trở lại bàn làm việc.
Nhu thờ ơ đón lại hồ sơ từ tay Thúy, liếc qua văn bản nhận định của anh rồi bật cười :
- Rứa anh tán đồng kế hoạch khảo sát của Hoàng Nam ?
- Vâng, thưa ông cố vấn.
- Nguyên nhân?
- Vì nó hợp lý, thưa ông cố vấn.
- Chán thật hỉ? - Nhu lắc đầu, ngã người tựa vào lưng ghế bọc nhung - Tôi muốn biết ý kiến cá nhân của anh chứ không hỏi anh rằng kế hoạch nớ hợp lý hay không mô.
- Thưa ông cố vấn, ý kiến cá nhân của tôi là không nên tiến hành kế hoạch này, vì nó quá tốn kém và kéo dài thời gian. Liệu kết quả thu được có đủ để cáng đáng kinh phí đổ ra hay không?
Nhu hơi nheo mắt, nhìn Thúy như muốn đo lường gì đó rồi gật đầu.
- Tôi tin ở sự hợp lý trong lập luận của anh. Chừ tôi hỏi tiếp và câu trả lời của anh sẽ giúp tôi quyết định. Anh nghĩ chi về Hoàng Nam?
- Xin ông cố vấn cho một liên hệ, vì tôi cũng chỉ mới biết Hoàng Nam do công vụ mà ông đã trao.
- Với kế hoạch khảo sát mà anh ta là tác giả chẳng hạn - Nhu liếc về bản kế hoạch trên bàn.
- Tôi nghĩ anh ta không tin tưởng vào thành công của việc khảo sát, nên đã cố ý đặt ra các điều kiện đảm bảo hợp lý ở mức độ không tưởng - Thúy nhận xét thẳng thắn vì anh hiểu nếu đóng kịch thì khó lọt qua được mắt Nhu.
Rõ ràng Nhu bị kích động vì câu trả lời này. Ông ta hơi dướn người, mắt mở to nhìn chằm chằm vào Thúy, bàn tay phải thọc vào ngăn kéo mà cánh tay run run...Thúy nhìn quanh rồi rút bao thuốc lá :
- Mời ông cố vấn!
- Cảm ơn anh. Cho tui xin hỉ? - Nhu rút một điếu thuốc ra rồi dúi cả bao thuốc vào ngăn kéo bàn làm việc của mình[1].
- Nếu anh nói rứa, thì thử nêu một điều tôi nghe xem...
- Xin nêu một điều kiện trong bản kế hoạch này hầu ông cố vấn. Hoàng Nam yêu cầu thuê 02 kíp lặn khảo sát của Viện Hải dương học Hoa Kỳ là Alvin và Aluminaut cho việc khảo sát, với lý do độ sâu ở tọa độ cần khảo sát là 200 mét. Yêu cầu này rất hợp lý về đảm bảo an toàn để đảm bảo thành công của cuộc khảo sát, nhưng hóa ra không tưởng vì mỗi ngày thuê Alvin và Aluminaut theo giá biểu hiện nay là 10.000 USD với mỗi kíp. Tổn phí 20.000 USD mỗi ngày, liệu chúng ta kham nổi không? Mà dù kham nổi thì chúng ta kham được bao nhiêu lâu khi chưa biết được có cái gì ở độ sâu ấy? Bản thân riêng mỗi Alvin hay Aluminaut đã là một biểu tượng thành tựu về khoa học kỹ thuật nghiên cứu hải dương thế giới và chỉ riêng mỗi kíp lặn đã trở thành một sự kiện. Việc tập trung cả hai kíp ấy tại một tọa độ của Việt Nam vô tình sẽ biến nơi ấy thành địa điểm tập hợp của các hãng thông tấn trên thế giới, thế thì liệu công việc khảo sát này có thể tiến hành một cách kín đáo như yêu cầu đặt ra không?
Nhu đưa ngón tay cái về phía Thúy ra dấu tán thưởng kèm một nụ cười.
- Bravo Thúy! Anh làm tôi thấy bị thuyết phục rồi đấy. Nhưng giữa hai ta, tôi xin nói rõ rằng nếu loại trừ những điều kiện lý tưởng của Hoàng Nam ra, vẫn có thể tiến hành cuộc khảo sát theo kiểu của Việt Nam. Vấn đề ở đây là thời gian chứ không phải là trang bị và nhân sự. Giờ đến phiên tôi thuyết phục lại anh.
Nhu đẩy về phía Thúy một hồ sơ dầy cộm :
- Anh đọc đi. Chỉ mỗi bản tóm tắt đầu hồ sơ cũng đủ.
Văn bản mà Nhu muốn Thúy đọc chính là bản báo trình về viên trung tá Cần Trì Trực Mâu, nguyên sĩ quan đặc trách của Sơn Hạ Phụng Văn[2]và sau đó là của Tự Nội Thọ Nhất[3], vốn xuất thân là một họa sĩ. Văn bản ghi nhận những hoạt động vận chuyển, tập kết chiến lợi phẩm trong chiến tranh Thái Bình Dương về nước Nhật bằng đường biển do Cần Trì Trực Mâu thực hiện và báo trình về việc gián đoạn vận chuyển do bị oanh tạc. Kèm theo văn bản phía sau là hàng loạt bản sao các công điện - chỉ lệnh thời chiến tranh cùng các thông báo tàu chở chiến lợi phẩm bị đánh chìm... Thúy đã hiểu nguyên nhân khiến Nhu quyết tâm tiến hành khảo sát tại tọa độ nọ, vì chính hồ sơ này đã thuyết phục ông ta rằng ở tọa độ đó có tàu vận chuyển chiến lợi phẩm bị đắm. Hơn thế, Thúy hiểu chính Tuyến đã thu thập hồ sơ này để trình Nhu. Còn người cung cấp hồ sơ này cho Tuyến hẳn cũng chẳng xa lạ gì đâu, chính là cô gái Nhật Bản tên Cần Trì Nhất Mỹ. Bất chợt, Thúy cảm thấy một luồng khí lạnh toát chạy dài xuống sống lưng " Tại sao ông Nhu lại tin cậy với mình đến mức cho phép đọc những tài liệu này? Đã đành mình là người giám sát công vụ biệt phái của Hoàng Nam, nhưng đâu nhất thiết phải biết rành rẽ như vậy? Với sự ưu ái này, Nhu muốn nói với mình rằng ông ta rất tin cậy mình để phó thác bí mật nhưng điều ấy cũng có nghĩa rằng tính mạng mình sẽ là vật đảm bảo cho bí mật đó tồn tại đúng theo tên gọi của nó". Thúy nhẹ nhàng xếp bản báo trình lại, nhận xét bâng quơ để tránh đi vào chủ đề nguy hiểm mà Nhu đang hướng anh đi vào :
- Anh Tuyến[4] quả có quan hệ rộng.
Nhu cười nhạt : - Quan hệ của người ta luôn rộng mở khi họ có quyền lực cùng tiền bạc. Hẳn anh chưa quên chuyện tân khách ở nhà của Liêm Pha[5].
- Nhà Liêm Pha hay nhà Bình Nguyên Quân[6]? - Thúy bông đùa để tự trấn an mình.
- Quá khen rồi! - Nhu lắc đầu - Bản thân tôi răng sánh kịp với tứ đại công tử[7]. Chừ hẳn anh thắc mắc răng lại cho khảo sát ở tọa độ nớ?
- Thưa ông cố vấn. Tôi không dám - Thúy choáng người vì hiểu rằng Nhu sẽ cột mình chặt hơn với những ám muội quanh con kỳ lân ngọc.
- Anh chớ ngại - Nhu nhìn Thúy bằng ánh mắt thân thiện hiếm thấy - Mình như người nhà với nhau cả. Anh xem đây...
Nhu lấy con kỳ lân ngọc trong ngăn kéo ra, đặt lên bàn nhưng không nhìn nó mà nhìn thẳng vào Thúy, thủng thẳng nói :
- Cần Trì Trực Mâu chính là người tạo tác con kỳ lân ni. Và dưới ánh sáng đơn sắc của quang phổ kế, trên thân nó hiện ra dòng chữ viết tắt bằng tiếng Anh tọa độ nớ. Tôi hiểu các băn khoăn của anh về tài chính cho hoạt động khảo sát, nhưng muốn biết có chi ở nớ, lại buộc phải làm như rứa. Chuyện ni là chuyện lợi ích quốc gia...
- Vâng, tôi hiểu - Thúy đáp dè dặt.
- Và con kỳ lân ni chính anh giao nộp cho tôi - Nhu rít một hơi thuốc thật dài rồi dụi mẩu thuốc vào cái gạt tàn - Anh có thể cho tôi biết thật chi tiết về hoàn cảnh lấy được nó chứ hỉ?
Thúy không giấu được tiếng thở phào nhẹ nhõm. Hóa ra Nhu chỉ muốn kiểm tra xem Thúy có gì giấu giếm quanh con kỳ lân này không. Thúy đáp gọn :
- Thưa ông cố vấn. Chắc ông nhớ chiều ngày 12 tháng 11...
- Nhớ - Nhu gật đầu - Tôi với anh đi dạo sau khi anh dẫn chi đoàn 1 thiết giáp ở Hạnh Thông Tây lên giải vây. Sau đó, anh về nhiệm sở...
- Đại úy Hải đưa tôi đến chỉ huy sở lữ đoàn Dù. Khi ấy, đại tá Mậu đang lo khám xét phòng làm việc của đại tá Thi. Tôi đến trò chuyện với đại tá Mậu, còn đại úy Hải lo việc khám xét tiếp. Ông Hải phát hiện con kỳ lân này trong tủ két bảo mật của đại tá Thi, liền ra trình đại tá Mậu. Cả ba chúng tôi cùng vào phòng tư lệnh và thấy con kỳ lân ở đó. Đại tá Mậu liền bảo tôi lập tờ trình nộp kèm với nó đến cho ông cố vấn.
Nhu nhíu mày :
- Như rứa, không phải anh chứng kiến cảnh mở két bảo mật trong phòng tư lệnh?
- Vâng ạ!
- Đại tá Mậu đã có thời gian ngồi tại chỉ huy sở lữ đoàn Dù trước khi anh đến? Dù chỗ nớ là ngoài sân...
- Vâng ạ!
- Tủ két bảo mật của phòng tư lệnh đã bị mở trước đó, hay chỉ được mở bởi đại úy Hải, khi anh ta đến cùng với anh?
- Thưa... Tôi - Thúy lúng túng tìm lục trong trí nhớ một chi tiết khả dĩ để trả lời thỏa đáng cho Nhu nhưng vô vọng. Thúy cúi đầu - Tôi...không biết.
Nhu bật cười : - Tôi hỏi vì tò mò. Không có chi nghiêm trọng mô. Chừ thì anh nghỉ được rồi. Những việc còn lại để bàn sau, khi Hoàng Nam trả phép.
Thúy rời phòng làm việc của Nhu mà đầu óc rối bời. Qua câu chuyện vừa rồi, rõ ràng Nhu bày tỏ sự ủy thác tình cảm mang tính cá nhân với Thúy. Điều đó cho anh một sự an toàn tạm thời, nhưng câu chuyện về xuất xứ con kỳ lân khiến Thúy cảm nhận được rằng Nhu sắc sảo và đáng sợ hơn nhiều so với Đỗ Mậu. Liệu có phải Đỗ Mậu cũng đã bước vào cuộc chơi nguy hiểm quanh con kỳ lân ngọc này như Lệ Thy, Nhất Mỹ không?
*
Ngày thứ Năm, 05 tháng 1 năm 1961.
Đà Lạt, lúc 10 giờ sáng.
Hoàng Nam cố kềm một cái ngáp do thiếu ngủ. Cơ thể sắt đá của viên sĩ quan hải quân cơ hồ như muốn rời ra từng mảnh suốt năm ngày đêm chìm trong cực lạc của thú vui xác thịt. Mặc cảm về chuyện tội lỗi sau mỗi lần chung đụng với Cẩm Y lại cứ như một triệu chứng kinh niên gây cho Hoàng Nam nỗi sợ hãi vô cớ. Hoàng Nam chậm chạp khoác piyama, bước vào phòng tắm... Những tia nước nóng xoa trên người Hoàng Nam khiến anh ta thấy tỉnh táo hơn để tập trung suy nghĩ về điều mình cần phải làm. " Ông cố vấn cho mình nghỉ phép hai tuần, nhưng mình đã mất năm ngày cho mỗi việc ăn ngủ và làm tình. Đã quá đủ rồi đấy. Cần quay về Bảo Lộc với cha mẹ một tuần và về lại Sài Gòn sớm hơn hai ngày để chờ lệnh mới". Hoàng Nam cười thầm khi nghĩ đến  cái " lệnh mới" từ Nhu mà Nam tin chắc rằng đó sẽ là " quay về Nha Trang để tiếp tục công việc huấn luyện". Làm sao khác hơn được, bởi kế hoạch khảo sát của Nam soạn thảo quá hợp lý nhưng điều kiện chuẩn bị thì lại quá ...lý tưởng đến vô lý. Hóa ra công vụ biệt phái sang Nha An ninh quân đội lần này hết sức nhàn hạ, không chỉ vậy, còn kéo về cổ áo Nam một bông mai vàng. Nhưng để đạt được điều đó, giờ phải tạm chia tay với Cẩm Y, mà làm được điều ấy thì chắc chắn là không dễ dàng gì ... Tiếng chuông điện thoại cắt mất dòng suy tưởng của viên sĩ quan hải quân, Hoàng Nam quấn hờ chiếc khăn tắm, bước gấp ra ngoài bàn điện thoại ...
- Tôi nghe...
- Xin lỗi ông - giọng cô gái trực lễ tân khách sạn rụt rè - Có người đang chờ gặp bà Cẩm Y ở khách sảnh.
- Ai vậy? - Hoàng Nam chột dạ.
- Thưa, ông ấy chỉ báo là người nhà của ông Marcel Phan Lê...
" Chết thật rồi" - Hoàng Nam thầm than khi nghe đến tên ông chồng của Cẩm Y. Cứ mường tượng đến tên của mình bị giới ký giả bêu lên trong một vụ bắt ghen hay trong vi bằng của cảnh sát kiểm tục là Hoàng Nam đủ lạnh người. Hoàng Nam hối hả đáp : - Vâng. Vâng! Bà Cẩm Y sẽ xuống đó ngay.
....
Cẩm Y hơi ngỡ ngàng khi nhìn thấy người đợi mình trong nhà hàng, vì đó là một phụ nữ xinh đẹp. Về phần mình, Lệ Thy cũng không giấu sự thích thú khi được giáp mặt người tình của Hoàng Nam mà bao lâu nay chỉ được biết qua thông tin từ đại úy Hải - trưởng phòng sưu tầm. Vừa quan sát người đối diện và đối chiếu với nhân tướng học, Lệ Thy thú vị với kết luận " Gò má cao, tướng nữ tham dục lại còn mang số sát phu. Ngẫm ra kế hoạch của mình cũng hợp mệnh đối tượng quá đấy chứ?"... Cẩm Y vừa liếc qua tấm danh thiếp quen thuộc của chồng mình, vừa hỏi khách :
- Thì đây là danh thiếp của chồng tôi. Có gì lạ đâu?
- Phiền bà lật xem mặt sau! - Lệ Thy cười thật tươi.
Mặt sau danh thiếp của nhà buôn Marcel Phan Lê là dòng chữ " Anh đã lên đến Đà lạt. Em ghé lại khách sạn Đồi Thông gặp anh, có việc gấp!". Với Cẩm Y thì nét chữ này quá quen thuộc. Đúng chữ viết của Marcel Phan Lê.
- Sao Marcel không gọi thẳng cho tôi mà lại nhờ đến cô?
- Làm sao gọi thẳng cho bà được chứ? - Lệ Thy biếm nhẽ - Khi mà người bắt máy trong phòng bà luôn là đàn ông.
- Cô muốn ám chỉ gì? - Mắt Cẩm Y long lên thật dữ tợn - Chuyện đời tư của tôi.
- Vâng! Chuyện đời tư của bà nên tôi nào dám bình phẩm gì - Lệ Thy kiên nhẫn với giọng giễu cợt - Vấn đề ở đây là chồng bà nhờ báo chí tìm bà vì bà tự ý rời cư sở hôn nhân gần cả tuần nay. Và tôi đã tìm được bà trước khi cảnh sát kiểm tục tìm được bà. Quả là một sự may mắn lớn.
Như bị dội một gáo nước lạnh vào mặt, Cẩm Y thừ người ra. Người phụ nữ khát tình đã kịp hiểu hàm ý đe dọa trong lời người đối thoại. Đúng là thật may vì ả ký giả này tìm được mình trước cảnh sát, nhưng cái kiểu gọi mình như thế này kể cũng lạ đời. Cẩm Y nhún vai :
- Lần đầu tiên tôi thấy chồng mình nhờ phụ nữ đi tóm ghen. Và lại là một phụ nữ đẹp nữa chứ.
- Bà nhầm - Lệ Thy lắc đầu - Nếu muốn bắt ghen, ông nhà chỉ cần gọi cảnh sát kiểm tục chứ không nhờ ký giả như tôi đăng báo tìm thân nhân.
- Vậy sao cô không đăng báo tìm thân để tôi tìm đọc?
- Tôi chưa đăng, vì tình cờ thấy tên bà trong danh sách khách lưu trú ở đây, nên mới tìm gặp để giúp bà thu xếp...- Lệ Thy quyết định đấm vào huyệt đối phương - Nhưng nếu bà không đến gặp ông nhà ở khách sạn Đồi Thông trong nửa giờ tới đây thì ông nhà sẽ gọi cảnh sát Đà Lạt giúp đỡ đấy.
- Tôi... - Cẩm Y cắn môi suy nghĩ - Tôi...muốn ông nhà tôi xác nhận chuyện này.
- Xin bà tự nhiên kiểm tra, tại đây có rất nhiều điện thoại - Lệ Thy thờ ơ đáp lời.
Cẩm Y đứng dậy, bước ra ngoài quầy lễ tân, mượn danh bạ điện thoại khách sạn rồi quay số... Sau cuộc điện đàm ngắn ngủi, Cẩm Y bước vào lại nhà hàng, gật đầu với Lệ Thy :
- Đúng là ông nhà tôi đang ở đó và có lời nhờ cô tìm gặp tôi. Xin vui lòng chờ tôi thu xếp hành lý.
- Tôi sẽ chờ! - Lệ Thy lịch sự đáp lại với ý nghĩ " Năm ngày trời thỏa thuê lạc thú rồi nên mụ ta mới dễ dàng đến với chồng như thế. Cứ cho mụ ta lưu luyến với Hoàng Nam thêm lần nữa để vui vẻ xuống cửu tuyền"
....
Ngay sau khi vừa nói chuyện với Cẩm Y qua điện thoại để xác nhận mình đã nhờ Lệ Thy tìm vợ, Marcel Phan Lê cúp máy một cách hả hê khi nghĩ đến sự trừng phạt sắp giáng xuống đầu người vợ hư hỏng. Cú điện thoại vừa rồi đã giúp Marcel làm tròn bổn phận với Mai Đen - đó là lên Đà lạt gọi vợ về. Và cú điện thoại đó cũng xác nhận là ông chưa hề gặp vợ mình tại Đà Lạt. Lỡ Cẩm Y và Hoàng Nam có xảy ra việc gì thì... Marcel Phan Lê này vô can.  Hài lòng vì đi được nước cờ cao, Marcel Phan Lê bước ra sân, gọi :
- A Lũ!
A Lũ chính là người mà Lệ Thy dẫn đến để làm " vệ sĩ" cho Marcel Phan Lê trong những ngày ông ta ở Đà Lạt. A Lũ cũng sẽ là người liên lạc với nhóm " thực hiện hợp đồng" thanh toán Cẩm Y và Hoàng Nam theo yêu cầu của Marcel.
- Mụ ta sắp rời khách sạn rồi đấy. Lo cho xong đi!
- Cảm ơn ông chủ - A Lũ vui mừng ra mặt.
Ngay lúc đó, A Lũ tung một đòn chặt vào gáy Marcel Phan Lê. Cú chặt vừa đủ lực để làm Marcel bất tỉnh...và thật nhanh, A Lũ đưa hai tay đón toàn thân " chủ nhân" đang sụm xuống thật gọn gàng. Bằng một cú xoay người, A Lũ đã xốc Marcel Phan Lê trên lưng, rảo bước đến bên chiếc xe Toyota của mình. Đặt Marcel Phan Lê vào bằng sau, A Lũ viết gì đó lên một mẩu giấy rồi thò qua cửa sổ phòng Marcel, đặt lên bàn viết.
Mẫu giấy ấy ghi " Muốn cứu giữ tính mạng vợ thì hãy mang tấm bản đồ đến nhà mồ Colbert để trao đổi"



[1] Trần Lệ Xuân, vợ Ngô Đình Nhu cấm chồng hút thuốc nên ông ta thường phải xin thuốc lá của người khác và giấu hút riêng. Thỉnh thoảng, bà Lệ Xuân vẫn lục soát ngăn kéo bàn làm việc của chồng nên mới phát giác được điều này
[2] Yamashita Tomoyuki
[3] Terauchi Hisaichi
[4] Ý nói đến Trần Kim Tuyến
[5] Tướng soái nước Triệu thời Chiến Quốc, nuôi nhiều môn khách trong nhà. Khi Liêm Pha thất sủng, môn khách bỏ ông mà đi. Chừng Liêm Pha được trọng dụng, đám môn khách lại kéo về với lời thanh minh " Bạn bè cũng như hàng chợ"
[6] Triệu Thắng, thừa tướng nước Triệu và cũng là em ruột vua Triệu, là người hết lòng phò trợ sự nghiệp của anh mình
[7] Tứ đại công tử thời chiến quốc là Mạnh Thường Quân Điền Văn, Bình Nguyên Quân Triệu Thắng, Tín Lăng Quân Ngụy Vô Kỵ, Xuân Thân Quân Hoàng Yết. 

Không có nhận xét nào: