Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Con Kỳ Lân Ngọc - 13

3
                                
- Vậy theo ý anh thì tôi nên hành xử thế nào để vừa thực hiện được yêu cầu của đại tá Mậu vừa đảm bảo được sự an toàn cho bản thân? - Thúy ngẩng đầu lên, hỏi với sự phân vân.
-  Bản thân tôi không ở tình thế của cậu, nên chỉ có thể đưa ra những dự báo - Trung Ban lắc đầu - Còn hành xử ra sao thì cậu phải tùy thuộc vào diễn tiến cuộc gặp với ông Nhu mà ứng biến. Chỉ có một yêu cầu mang tính nguyên tắc là sự tồn tại của cậu phụ thuộc vào mức độ căng thẳng giữa các thế lực chính trị ở miền Nam. Nếu vì lý do nào đó mà sự căng thẳng ấy không còn thì xem như cậu đã bị vô hiệu. Ông Nhu cần cậu để giám sát Đỗ Mậu và nha an ninh quân đội. Đỗ Mậu cần cậu để ru ngủ Nhu cho việc xây dựng thế lực của các phe nhóm chính trị đối lập. Nhưng với yêu cầu xin thả Tạ Chí Diệp của Mậu đưa ra hôm nay, rõ ràng là một cách bắn tín hiệu cho Nhu về một khả năng hòa hoãn với nhau giữa họ. Đừng quên Tạ Chương Phùng có ý nghĩa như một lãnh tụ tinh thần của Đại Việt Quốc dân đảng.
Thúy cắn môi suy nghĩ hồi lâu rồi mỉm cười : - Có lẽ tôi đã tìm được giải pháp cho việc trình bày yêu cầu của đại tá Mậu. Tiện đây cũng phải nói với anh là tôi đang phải gánh thêm việc...
Thúy kể lại tóm tắt cho Trung Ban nghe về vụ con kỳ lân của Terauchi và trách nhiệm giám sát công vụ biệt phái của mình. Trung Ban lắc đầu :
- Đúng là cậu đang bị mắc kẹt trong các tính toán lợi ích chung - riêng khá mù mờ về mục đích cũng như kết quả. Mình chẳng thể góp ý gì cho cậu ngoài việc nhắc cậu thận trọng. Chúng ta đang phải theo đuổi một kho báu khác còn đáng giá hơn bí mật mà con kỳ lân nọ đang chứa đựng nhiều. Kho báu của chúng ta lớn hơn, giá trị hơn mà cũng thực tế hơn kho báu mà ông Nhu hay thế lực nước ngoài nào đó đang theo đuổi. Đó là hòa bình - độc lập - thống nhất của Việt Nam chúng ta.
                                                                                        *
                                                                  *                    *                    *
Ngày 23 tháng 9 năm 1945, quân Anh - Ấn nổ súng vào chính quyền Việt Minh non trẻ ở Sài Gòn. Những người lính Nhật đang cấm trại ở An Lạc đã đào ngũ sang lực lượng Việt Minh vì không chấp nhận cảnh phải làm tù binh cho những kẻ mới vài năm trước đã đầu hàng họ. Trong số những người lính ấy có một viên sĩ quan - trung tá Sanki Seikou, gọi theo tiếng Việt là Cần Trì Trực Mâu. Người được ủy ban hành chánh kháng chiến Nam Bộ giao nhiệm vụ phiên dịch - làm việc với ông ta là Phan Văn Lợi, một thanh niên từng tham gia phong trào Thanh Niên Tiền Phong và là đảng viên đảng Độc Lập...Theo yêu cầu của đại tá Ikawa, nguyên chỉ huy trưởng quân Nhật tại Huế giờ đã theo mặt trận Việt Minh, tất cả các sĩ quan Nhật được đưa ra khu vực Trung Trung Bộ để tập hợp lại nhằm đào tạo cán bộ chỉ huy cho quân đội Việt Minh non trẻ. Sanki Seikou nằm trong số sĩ quan Nhật có lệnh tập trung nhưng ông ta đã không đến được Quy Nhơn như dự tính. Chiến tranh Việt - Pháp lan rộng toàn Đông Dương và kéo dài suốt chín năm trời, công tác quản lý hồ sơ - văn thư - cơ yếu luộm thuộm cùng yêu cầu bảo mật của một chính quyền kháng chiến đã khiến những ghi chép về Cần Trì Trực Mâu, về người bảo vệ kiêm phiên dịch của ông ta là Phan Văn Lợi thất lạc...
- Ông hãy nói rõ hơn ...- Bên kia rèm của tòa giải tội, giọng vị linh mục trầm hẳn xuống.
- Con...không biết mình nên ...nói như thế nào mới đúng - Marcel Phan Lê bối rối ...
- Có phải ông đã giết Sanki Seikou? - Bên kia rèm, vị linh mục gợi ý...
- Không! Không! Con xin thề là con không làm điều tội lỗi ấy... - Marcel Phan Lê nói giật giọng - Nhưng... Ông ấy bị sốt rét quá nặng không thể nào đi nổi... Mà con khi ấy thì...cũng đã kiệt sức rồi...Nếu cứ dắt díu nhau như thế thì không khỏi chết chung. Nên con đã...rời bỏ ông ấy.
- Đúng hơn là ông đã giết Sanki Seikou khi bỏ mặc ông ấy lại giữa rừng, trong vòng vây quân Pháp... - bên kia rèm tòa giải tội, giọng của vị linh mục đầy trách móc.
- Vâng. Con đã hèn nhát như thế, nhưng ...con còn lấy hết toàn bộ hành trang của Sanki Seikou... Điều ấy sẽ khiến cho không còn ai nhận diện được ông ấy và ...điều ấy khiến cho con ray rứt suốt gần mười bảy năm nay.
- Tham sống - tham của là hạt giống xấu xa mà Satan đã gieo rắc xuống trần thế để con Thiên Chúa bị tiêm nhiễm. Ông đã phạm tội và giờ biết hối. Dù rằng ông không thể trả lại vẹn nguyên những gì đã mất, nhưng Chúa sẽ tha thứ tội cho ông nếu ông thực sự chân thành. Hãy về chỗ ngồi, sám hối và đọc mười kinh ăn năn tội. Hãy cầu nguyện cho linh hồn Sanki Seikou được yên nghỉ.
- Amen! - Marcel Phan Lê vừa làm dấu thánh, vừa đáp lễ.
Đọc xong mười kinh ăn năn tội, Marcel Phan Lê cúi chào trước tượng Chúa rồi quay ra. Bên trong tòa giải tội, vị linh mục trẻ chờ cho đến khi thánh đường yên ắng trở lại mới vén rèm bước ra ngoài để rồi xuất hiện lại ở lối cửa sau của thánh đường với bộ thường phục nhưng không che dấu được phong cách của một quân nhân - bởi vì thực sự anh ta là một quân nhân, chuẩn úy Lý Văn Dương thuộc phòng an ninh vùng chiến thuật 2. Theo ủy nhiệm của đại úy Hải - trưởng phòng sưu tầm Nha an ninh quân đội, Dương đã bí mật theo dõi những hoạt động của Lệ Thy tại Nha Trang. Khi phát hiện Lệ Thy đưa Marcel Phan Lê vào nhà thờ, Dương đã kịp ứng biến bằng cách cải trang thành linh mục giải tội. Có thể hành động này của Dương không được các vị chủ chăn chiên tại chỗ hài lòng, nhưng trước lý giải là "an ninh quốc gia yêu cầu" thì ai có thể chối từ hợp tác?
                                                                                        *
                                                                  *                    *                    *
Nhận tấm thiệp mừng năm mới 1961 kèm lời cảm tạ từ tay Thúy, Nhu cười vẻ thú vị : - Răng lại lễ mễ rứa? Một lời chúc khi gặp nhau, một tiếng cảm ơn thôi cũng đủ. Cần chi phải thế ni?
- Thưa ông cố vấn - Thúy e dè - Tôi e rằng đơn giản quá thì hóa thiếu kính trọng.
- Có chi mô - Nhu phẩy tay - Tôi ưa sự chân thành. Thực lòng mà nói thì chiều mai tôi và madame đều phải tiếp khách nên không vô Chợ Quán dự thánh lễ được. Có thể ông Thuần sẽ thay mặt gia đình tổng thống. Chừ thì anh nói đi, anh xin gặp tôi chắc không phải chỉ vì chuyện này mô.
- Đúng vậy, thưa ông cố vấn - Thúy đáp thành thật - Tôi muốn chuyển đến ông lời thỉnh cầu của cụ Tạ Chương Phùng, thân nhân giáo sư Tạ Chí Diệp.
- Răng anh lại can dự đến Tạ Chương Phùng? - Nhu nhíu mày - Ông ta đang ở nhà của đại tá Đỗ Mậu cơ mà.
Câu nói vô tình của Nhu khiến Thúy lạnh gáy. Vô tình hay cố ý, Nhu đã xác nhận rằng chẳng có cử động nào của Đại Việt Quốc Dân đảng thoát khỏi tầm mắt mình và chưa chắc Thúy được loại trừ khỏi danh sách " cần quan tâm đặc biệt" nọ. Thúy đáp bằng giọng miễn cưỡng thú nhận :
- Thưa đúng vậy, đây là lời khẩn cầu mà đại tá Đỗ Mậu ủy nhiệm cho tôi trình lên ông cố vấn.
Nhu bật cười khanh khách. Tiếng cười của ông ta rất vang, nhưng ai nghe cũng phải chột dạ vì nó vô cảm, chẳng biểu lộ buồn vui, hài lòng hay thất vọng...
- Anh Thúy nì - Nhu hạ giọng - Nếu bây chừ tôi nói cùng anh rằng chiếc ghế anh đang ngồi độ nửa giờ trước có một ủy viên trung ương đảng cộng sản Bắc Việt đã ngồi, anh tin chứ?
- Thưa, tôi tin - Thúy đáp lại như cái máy, toàn thân cứng đờ.
- Và tháng sau, khi phó tổng thống Mỹ Johnson sang bên ni, tui vẫn sẽ mời ông ta ngồi ở chỗ nớ. Anh hiểu chứ hỉ?
- Vâng, thưa ông cố vấn.
-  Giả thử nhà nọ có chuyện xào xáo, có một người bạn muốn giúp, rứa thì họ sẽ phải hành xử ra răng?
- Thưa, người bạn ấy nên hỏi chủ nhà cần giúp gì - Thúy dần hiểu được ý Nhu nên đáp theo hướng ấy - Hoặc hỏi chủ nhà rằng tôi có nên hành động giúp đỡ không.
- Rứa là đúng - Nhu gật đầu - Chừ tôi hỏi câu ni. Anh đến xin gặp tui với tư cách chi hỉ? Riêng hay chung? Tình cảm hay công vụ? Cảm tạ về tin tức và lễ cầu nguyện cho bà cụ hay thương lượng việc Tạ Chí Diệp?
- Trình ông cố vấn - Thúy đứng dậy theo tư thế nghiêm, cúi đầu - Tôi không thể tách bạch bản thân mình về phía một trong hai yếu tố phân biệt mà ông cố vấn vừa đưa ra được. Bởi tôi vẫn là sĩ quan phụ tá của giám đốc Nha an ninh quân đội, đại tá Mậu phân công ra sao thì phải thi hành thế ấy. Vì bản thân tôi không có tư cách để nói về công việc với ông như một ủy viên trung ương Bắc Việt, hoặc như phó tổng thống Johnson sắp đến Sài Gòn. Tôi chỉ biết nương dựa vào quan hệ cá nhân với ông để làm tròn phận sự.
- Hay lắm - Nhu gật đầu - Rứa thì giữa tôi và đại tá Mậu, ai mới thực sự là cấp trên của anh hỉ?
- Thưa, tùy vào sự xuất hiện của nhân vật mà trình tự giới thiệu trước công chúng phải thay đổi - Thúy chọn lối nói nước đôi để tránh trả lời trực tiếp vào vấn đề mà Nhu nêu ra. Thà làm một tên nhát gan trong mắt Nhu còn hơn thành một tên cơ hội trong suy nghĩ của ông ta.
- Rứa cũng đúng - Nhu bật cười - Quả là anh gặp cảnh khó xử. Nhưng anh đã  chọn lối diễn tả ngoại giao thì hẳn cũng hiểu điều tôi muốn nói chứ hỉ? Đại tá Mậu từng làm ngoại giao, từng bị cộng hòa Pháp từ chối cho nhập cảnh với lời giải thích " persona non grata"[1] hẳn cũng hiểu rằng sử dụng quan hệ mang tính gia đình để đạt lợi ích chính trị cho bản thân không phải là hành động tương thích với người chọn Khổng giáo làm trụ cột cho tư tưởng như ông ta mô. Anh cứ trả lời với ông Mậu rằng tôi không biết việc Tạ Chí Diệp bị câu lưu, nên sẽ hỏi lại ông Dương Văn Hiếu.
- Tuân lệnh ông cố vấn - Thúy thở nhẹ, dập gót giày theo tư thế nghiêm, đưa tay chào.
- Gượm đã nào - Nhu bật cười - Anh vừa làm xong việc ông Mậu giao, chừ cũng phải làm việc tôi nhờ chứ?
- Xin ông cố vấn chỉ dạy - Thúy vẫn giữ nguyên tư thế. Nhu lắc đầu rồi quay lại bàn làm việc, lấy một tập hồ sơ mỏng trao cho Thúy :
- Anh xem hộ tôi bản kế hoạch khảo sát của Hoàng Nam. Tôi nhiều việc quá nên chắc không thể nhìn mọi việc thấu đáo như anh mô.
- Sao tôi lại được xem nó ạ? - Thúy lạnh toát người trước sự ủy thác này, bởi hơn ai hết anh hiểu rằng tính mạng của mình chính là vật đảm bảo cho bí mật của những công vụ kín đáo thế này.
Nhu làm ra vẻ ngạc nhiên : - Chừ anh không xem thì ai xem? Anh phụ trách công vụ biệt phái của Hoàng Nam mà. Anh có một tuần để xem xét kế hoạch ni rồi cho tôi ý kiến về tính khả thi của nó.
- Trình ông cố vấn, tôi không có kinh nghiệm về tổ chức khảo sát - Thúy cố thoái thác.
- Tôi cũng rứa, nhưng lại phải quyết định. Ý kiến của anh sẽ giúp tôi yên tâm hơn trong chuyện nớ - Nhu nói nhẹ nhàng mà dứt khoát.
- Thưa, tôi có thể trao đổi với Hoàng Nam để yêu cầu anh ta giải thích không ạ?
- Tôi e là anh muộn mất rồi - Nhu cười tinh quái - Sáng ni tôi đã cho Hoàng Nam đi phép hai tuần. Hơn nữa, tôi cần anh có ý kiến độc lập.
" Vậy là mình vẫn loanh quanh trong vòng nguy hiểm" - Thúy ôm tập hồ sơ, lễ phép chào Nhu rồi bước lùi ra với nỗi lo canh cánh - " Thậm chí tình hình còn tệ hơn trước khi mình bước vào nơi này. Bởi vì bây giờ không chỉ có mỗi một  nguy cơ bị mất tín nhiệm với Đỗ Mậu mà còn thêm vào đó khả năng bị Nhu thủ tiêu nếu có ý kiến trái ngược với quyết định của ông ta về bản kế hoạch này. Mà dù có ý kiến hợp ý Nhu thì ai cấm được một lúc nào đó ông ta thấy cần ở mình một sự im lặng vĩnh viễn?"
Nhu nhìn theo khách với vẻ đắn đo, thầm nghĩ những lời của mình có gây ra điều gì ngộ nhận cho Thúy hay không. " Không" - Nhu mím môi và vòng ra sau lưng bàn làm việc lấy gói thuốc lá giấu trong ngăn kéo -" Đỗ Mậu sẽ không thể bắt bẻ chi Thúy được một khi nghe tường thuật lại cuộc trò chuyên ni. Điều mình muốn nói quá rõ ràng. Cần xin xỏ chi cho cái bọn đối lập gây rối ni thì Mỹ hãy nói chuyện với mình, chứ bọn nớ tư cách mô mà bày đặt yêu sách. Mình chưa bỏ tù chúng đã là may. Đỗ Mậu còn chẳng xứng tư cách sứ giả đến thương lượng, chớ có lôi Lê Thúy vào vai trò nớ. Chừ thì mình còn giữ mạng thằng Diệp, chứ bọn Đại Việt còn hó hé thì chớ trách mình phóng sinh nó ra sông Sài Gòn"
                                                                                        *
                                                                  *                    *                    *
Đỗ Mậu tối sầm mắt khi nghe Thúy tường thuật lại chuyện ở dinh tổng thống nhưng cố giữ bình tĩnh bằng một cái cười gằn :
- Ra là thế đấy. Ý ông ta là tôi không đủ tư cách để yêu cầu ông ta thả anh Diệp ra hay sao?
- Ông Nhu không hề nói thế, xin đại tá đừng hiểu nhầm - Thúy thanh minh mà thực ra là đang tiếp gió cho cơn giận của Đỗ Mậu - Ý ông Nhu là tôi không đáng với tư cách sứ giả của đại tá.
- Xin ông đừng có đóng kịch nữa - Đỗ Mậu vung tay giận dữ - Ông quá hiểu hàm ý của ông Nhu khi xới lại việc bộ ngoại giao Pháp từ chối cấp visa ngoại giao cho tôi mà. Hừ. Persona non grata. Vì sao tôi phải nhận cái danh hiệu ấy? Chính vì những ngày cùng tham gia bài xích Pháp cho việc phát dương học thuyết độc lập dân tộc của tổng thống Diệm anh ông ta. Ngày tôi và cụ Tạ Chương Phùng bị Pháp bắt giam thì tổng thống Diệm và ông Nhu ở đâu chứ? Vậy mà ngày nay, trong khuôn khổ Việt Nam Cộng Hòa, vì lợi ích gia đình trị mà ông Nhu thẳng tay triệt hạ những phần tử quốc gia dân tộc để dọn đường cho dân chúng theo cộng sản. Không. Dù mất cái mạng này, tôi cũng sẽ vào gặp tổng thống Diệm để báo nguy cho chế độ vì kẻ thù thực sự của chính thể này chính là em trai của ông ta đó...
- Mong đại tá bình tĩnh - Thúy cảm thấy lời của Nhu qua tường thuật của mình có nguy cơ đẩy sự việc đi quá xa - Đằng nào thì theo lời ông Nhu, chúng ta cũng có thể an tâm về sinh mạng của Tạ Chí Diệp.
- Tôi và cụ Phùng không thể yên tâm với tính chất tạm bợ của lời bảo đảm từ một người tàn bạo như ông Nhu - Đỗ Mậu kết luận dứt khoát và đứng dậy - Ngay chiều nay, tôi sẽ đích thân đưa cụ Phùng vào dinh Độc lập thưa chuyện cùng tổng thống. Cảm ơn ông cũng đã vì tôi mà gánh chịu những lời khiếm nhã của ông Nhu.
- Tôi chỉ muốn nói với đại tá một điều - Thúy nắm lấy cánh tay Đỗ Mậu - Xin đại tá suy nghĩ lại. Đằng nào thì tổng thống với ông Nhu cũng là anh em một nhà. Và đã là anh em, đương nhiên tổng thống sẽ phải đứng về phía em trai mình. Khi ấy không chỉ sinh mạng của Tạ Chí Diệp bị đe dọa, mà còn cả sinh mạng đại tá lẫn cụ Phùng. Mà chúng ta lại đang cần tự do và mạng sống để dựng xây lực lượng cứu giữ miền Nam trước hiểm họa cộng sản thôn tính... Đại tá chớ nên vì một Tạ Chí Diệp mà làm hỏng cả công trình lâu nay đã khổ công trù liệu...
Hai mắt Đỗ Mậu long lên  nhìn vào Thúy đầy đe dọa...
Nhưng rồi ánh mắt dữ dội ấy dần dịu lại.
Đỗ Mậu nhẹ nhàng gỡ cánh tay mình khỏi tay Thúy, nói bằng giọng nghèn nghẹn :
- Ông không phải là người chịu ơn cụ Phùng như tôi, xin đừng ngăn tôi làm việc này ...vì cháu trai cụ ấy. Chuyện gì nếu phải xảy đến thì tất sẽ đến thôi. Tôi qua nhà đón cụ Phùng đây...
Thúy rời phòng của giám đốc Nha mà lòng buồn rười rượi. Anh hiểu sự tự tin của Đỗ Mậu khi quyết định chính thức đưa Tạ Chương Phùng vào dinh Độc lập để xin với tổng thống Diệm. Với Diệm thì cả hai người ấy sẽ an toàn. Nhưng với Nhu thì hành động này nghiễm nhiên được xem là thách thức, cho nên lời đảm bảo cho sinh mạng Tạ Chí Diệp mà Nhu đưa ra với Thúy sáng nay sẽ chấm dứt giá trị hiệu lực " tạm bợ" của nó...
Sáng thứ Bảy, 31 tháng 12 năm 1960. Ngay khi bước vào Nha, Thúy đã được sĩ quan trực thông báo Đỗ Mậu đang chờ. Vừa mở cửa bước vào phòng giám đốc, Thúy đã giật bắn mình khi nhìn thấy bộ mặt hốc hác của thượng cấp... Ở salon tiếp khách, cụ Tạ Chương Phùng cũng đang thổn thức...Đỗ Mậu nở nụ cười cay đắng :
- Chúng tôi không hề chi, ông Thúy ạ. Đêm qua tôi với cụ Phùng nghỉ lại luôn ở phòng này...
- Vậy...còn...ông Diệp? - Thúy rụt rè.
Đỗ Mậu lắc đầu : - Chúng tôi không biết. Sau khi nghe tôi với cụ Phùng kể lại đầu đuôi chuyện anh Diệp, tổng thống có gọi ông Nhu vào trách. Ông Nhu thề là không có chuyện bắt anh Diệp...
Tạ Chương Phùng dường như không còn kềm chế mình được nữa, gào lên trong tiếng khóc :
- Mà không phải ông ta ra lệnh bắt thì còn ai vào đây nữa. Sao lại có người độc ác nhẫn tâm đến lạnh lùng như vậy... Chẳng còn coi trời đất ra gì...
Thúy im lặng cúi đầu.
Cái gì phải đến đã đến. Nhưng thật đau đớn khi biết trước một người sẽ chết mà mình lại không thể làm gì, không có cách nào cứu được. Nhìn Tạ Chương Phùng vật vã khổ đau, Thúy chợt nhớ đến lời của Trần Trung Ban nói với mình sáng hôm qua ở Đại chủng viện thánh Giu Se "Dù Tạ Chí Diệp có chết đi nữa thì nỗi đau khổ của Tạ Chương Phùng liệu có nhiều hơn nỗi đau khổ của bao nhiêu người mẹ, người vợ có người thân đi kháng chiến đã phải nhìn thấy đầu con mình, chồng mình rơi dưới cái máy chém thời Trung Cổ mà Diệm kế thừa của bọn thực dân không?"
Chiều ngày 31 tháng 12, trong lễ cầu nguyện cho thân mẫu của ông phụ tá Lê Thúy tại nhà thờ Chợ Quán, người thư ký của bộ trưởng phủ tổng thống Nguyễn Đình Thuần ngoài vòng hoa dâng Đức Mẹ còn chuyển đến tận tay linh mục chánh xứ một phong bì tiền gọi là chút lễ mọn nhờ cầu nguyện cho một người nữa tên An Tôn Tạ Chí Diệp.
Đó là câu trả lời mà ông cố vấn Ngô Đình Nhu dành cho những kẻ đứng sau cuộc binh biến 11 tháng 11 vẫn đang giấu mặt, như một món quà cuối năm mang ý nghĩa " Tao sẽ không tha thứ cho tất cả chúng mày"



[1] Nhân vật không được hoan nghênh - thuật ngữ ngoại giao.

Không có nhận xét nào: