Thứ Năm, 19 tháng 3, 2015

Con Kỳ Lân Ngọc -12

 12.
- Tôi làm phiền ông một chút được không? - Đỗ Mậu hỏi Thúy sau khi kết thúc cuộc họp sáng thứ sáu, 30 tháng 12.
Thúy nhận ra ngay cảm giác đề phòng trong âm sắc của thượng cấp. Anh đứng dậy :
- Xin tuân lệnh đại tá!
Đỗ Mậu cười buồn : - Ông đừng giữ lễ tiết quân nhân mà làm gì. Trong hoàn cảnh này, vị thế của hai ta bằng với nhau. Vào phòng tôi!
Sau khi yên vị ở salon, Đỗ Mậu hạ giọng nói vừa đủ cho mỗi Thúy nghe, cứ hệt như sợ ai nghe lén, dù sẽ chẳng có ai vào phòng giám đốc Nha mà không gõ cửa báo trước và trong phòng chỉ có hai người với nhau.
- Cụ Tạ Chương Phùng vừa gặp tôi. Ông cụ tiều tụy lắm...
Tạ Chương Phùng - Cái tên vị nhân sĩ thuộc thành phần lãnh đạo Đại Việt Quốc Dân Đảng miền Trung nhắc Thúy nhớ đến mối hiểm họa từ lưỡi gươm Damocles vẫn treo sát cổ mình và Đỗ Mậu trong việc tham gia binh biến 11 tháng 11 và tình thế bị kẹt giữa hai khả năng bại lộ. Nếu bại lộ thân phận là người của cách mạng, Thúy sẽ rơi vào tay Đỗ Mậu, còn như bị phát giác là phần tử tham gia binh biến tháng 11 vừa rồi thì anh sẽ rơi vào tay Dương Văn Hiếu. Trong không khí thanh trừng như hiện giờ, chưa chắc khả năng thứ nhất tệ hơn khả năng thứ hai. Thúy tắc lưỡi, hỏi lại :
- Cụ ấy cần chi ở chúng ta vậy?
- Cứu Tạ Chí Diệp, cháu trai cụ Phùng - Đỗ Mậu thì thào - Anh ấy bị Dương Văn Hiếu bắt hồi tháng trước.
- Nhưng... Tạ Chí Diệp không phải quân nhân, làm sao chúng ta trích xuất về Nha để điều tra và liệu đường phóng thích? - Thúy lắc đầu bất lực.
- Cho nên...tôi mới đề nghị ông...- Đỗ Mậu rơm rớm nước mắt - Xin đừng nghĩ đây là giám đốc ra lệnh cho phụ tá, mà là bạn đồng chí cùng đảng Cần Lao Nhân Vị với nhau. Tôi...xin ông hãy giúp tôi...
- Kìa, đại tá - Thúy giật mình - Tôi đâu dám khinh mạn thượng cấp. Nhưng...sao đại tá không lấy vị thế của mình trong quan hệ với tổng thống để xin thả Diệp?
- Tất nhiên tôi sẽ làm điều ấy, bất kể hậu quả thế nào - Đỗ Mậu nghẹn ngào - Chứ tôi làm sao có thể ngồi yên khi thấy cụ Phùng phải quỳ xuống van nài tôi cứu Diệp... Nhưng cá nhân tôi chỉ có ý nghĩa với tổng thống, còn ông cố vấn Nhu...Tôi buộc phải nhờ ông...
- Đối với ông cố vấn - Thúy cười gượng gạo - ...Thì tôi chỉ là phụ tá của giám đốc Nha An ninh quân đội, một người liên lạc bất đắc dĩ giữa Phủ tổng thống và Nha.
- Nhưng... Ông cũng là người duy nhất ở nha này được ông ta tin cậy - Đỗ Mậu thuyết phục bằng giọng thiết tha nhưng âm sắc lạnh lẽo như băng giá - Chẳng phải con kỳ lân ngọc và công vụ biệt phái của Võ Hoàng Nam đã minh chứng cho điều ấy hay sao?
... Lại con kỳ lân ngọc! Nghe nhắc đến nó, Thúy lại than thầm " Phải chi người mang con kỳ lân và tờ tịch biên sang dinh tổng thống để nộp cho Nhu không phải là mình?" Từ độ ấy đến giờ, những sự kiện khó hiểu quanh con kỳ lân nọ cứ bủa vây lấy Thúy, khiến cho anh không phút nào yên. Thúy muốn dứt ra thì cả Nhu lẫn Đỗ Mậu lại cột anh vào chặt hơn với nó qua trách nhiệm giám sát công vụ biệt phái của Võ Hoàng Nam... Từ hôm qua, sau khi đưa Hoàng Nam vào dinh Độc Lập để nộp bản kế hoạch khảo sát cho Nhu xong, Thúy đã muốn tạm quên nó. Nhưng sao Đỗ Mậu cứ hay nhắc đến nó, trong khi ông ta từng tuyên bố "Tôi không quan tâm đến những gì không thuộc về quân lực Việt Nam Cộng hòa, dù có là vật báu" lúc nhìn thấy nó lần đầu tại chỉ huy sở lữ đoàn Dù? Câu hỏi bất chợt xuất hiện trong đầu khiến Thúy thấy mình cần cảnh giác hơn với câu chuyện tâm sự về tình người đầy nước mắt của thượng cấp...
- Trình đại tá, về trách nhiệm của mình đối với công vụ biệt phái của Võ Hoàng Nam thì tôi chỉ là kẻ thừa hành chỉ lệnh của ông cố vấn - Thúy thử nghiệm một cách từ chối.
- Vẫn biết thế, nhưng điều ấy chứng tỏ sự tin cậy mà ông cố vấn dành cho ông - Đỗ Mậu kiên trì - Chả lẽ ông quên rằng vì con kỳ lân nọ mà Đỗ Toàn và sáu tên du đãng đã chết, thế mà ông, người trực tiếp đem con kỳ lân ngọc đến cho ông ta vẫn an toàn và được tin cậy trao cho trách nhiệm giám sát một công vụ biệt phái của Nha an ninh quân đội trong khi chính tôi là giám đốc nha lại không hề biết tí gì về thực chất công vụ ấy. Dù ông chỉ đeo lon đại úy, nhưng với những gì đã xảy ra, người ta có thể nghĩ rằng quyền hạn giám đốc nha này thuộc về ông rồi. Tôi có đến nài nỉ tổng thống, thì cũng chỉ là cầu xin về tình cảm thầy trò giữa quan Quản đạo Ninh Thuận và viên đội khố xanh. Còn ông đề nghị với ông cố vấn lại là yêu cầu bức thiết để giữ gìn một quan hệ có lợi cho ông ấy...
Từng chữ, từng lời của Đỗ Mậu nhẹ nhàng, da diết mà như những mũi kim liên tiếp châm vào tim, vào não Lê Thúy. Bằng cách thuyết phục này của thượng cấp, Thúy hiểu mình đã bị ràng buộc vào trách nhiệm cứu Tạ Chí Diệp vì đó cũng là yêu cầu của phe nhóm đối lập giấu mặt mà anh đã dấn thân vào qua trung gian Đỗ Mậu. Từ chối thì sẽ mất tín nhiệm với Đỗ Mậu cũng như sự an toàn tại nhiệm sở, còn nhận lời thì...Theo Thúy biết, việc tha thứ cho cấp dưới dám yêu sách mình bằng cách lôi ra những bí mật trong quan hệ giữa hai bên không bao giờ nằm trong danh mục hành xử của Ngô Đình Nhu... Thúy cố trì hoãn :
- Tôi hiểu trách nhiệm của mình trong việc cứu giữ tính mạng anh Diệp, nhưng chắc đại tá cũng biết rõ rằng tôi đến dinh Độc Lập hay không, vào lúc nào...lại hoàn toàn tùy thuộc vào yêu cầu của ông cố vấn. Nếu không có lệnh gọi mà tôi vào chỉ để đề cập chuyện này, ông Nhu sẽ hiểu ngay là do ủy nhiệm của đại tá... Chưa biết chừng không giải thoát được Tạ Chí Diệp mà hai ta sẽ vào P 42 làm bạn với anh ấy. Tôi thì chẳng đáng nói chi, nhưng còn đại tá? Còn việc xây dựng quân đội cho sự nghiệp chống cộng sản thì sao...
Đỗ Mậu lặng thinh, dường như cũng nhận ra sự hợp lý trong biện luận của Lê Thúy. Rồi ông ta gật đầu nhẹ :
- Cũng đúng thế thật. Nhưng cứu người như cứu lửa, chả lẽ chúng ta lại ngồi chờ? Ông không có một nguyên cớ chính đáng nào để gặp ông cố vấn ngay trong buổi sáng này sao?
"Ông ta dồn ép mình đến mức chính bản thân ông ta lộ ra sở hở" - Một ý nghĩ thú vị thoáng qua đầu Thúy. Giờ Thúy đã xác định được rằng Mậu không chỉ quan tâm đến sinh mạng Tạ Chí Diệp mà còn muốn cột số mệnh anh vào cùng với phe nhóm đối lập mà ông ta là đại diện qua sự ủy nhiệm nguy hiểm này. Trong những mối quan hệ chính trị phức tạp hiện nay của nền đệ nhất cộng hòa miền Nam, Đỗ Mậu vẫn đang nắm lợi thế so với Thúy. Nếu Thúy từ chối, Đỗ Mậu có thể loại anh khỏi cuộc chơi chính trường ngay lập tức bằng một đòn hết sức nhẹ nhàng như một văn bản đề nghị thăng cấp gửi cho Nha quân lực. Chỉ bấy nhiêu đủ để Nhu ngờ vực Thúy và cho anh biến khỏi các mối quan hệ vì lợi ích của gia đình tổng thống chứ đừng nói gì đến một cái chết bất ngờ vì tai nạn giao thông để anh được chìm trong lãng quên theo đúng nghĩa đen của cụm từ ấy. Thúy khó nhọc đứng dậy, gật đầu với Đỗ Mậu :
- Vâng, thưa đại tá. Tôi sẽ vào dinh xin gặp ông cố vấn ngay...
- Ông tìm ra cớ rồi sao? - Mắt Đỗ Mậu sáng bừng lên - Chắc là về công vụ của Võ Hoàng Nam...
- Không, thưa đại tá - Thúy lắc đầu, đáp lại với giọng khô khan - Việc riêng tư thôi. Tôi muốn mời ông ấy như mời một người bạn đến dự thánh lễ cầu nguyện cho me tôi  tại nhà thờ Chợ Quán lúc chiều mai...
Khuôn mặt chứa chan hy vọng của Đỗ Mậu chợt thoáng một nét ưu tư khi nghe câu trả lời từ Thúy. Trong khoảnh khắc, ông ta hiểu Thúy không đơn giản chỉ là chấp hành lệnh của cấp trên trong chuyện đi đến dinh Độc Lập để gặp Nhu. Viên đại tá lọc lõi tự trấn an mình "Dù sao anh ta chịu đến gặp Nhu vì Tạ Chí Diệp cũng đã là tốt lắm rồi. Còn với động lực nào, lý trí hay tình cảm có gì quan trọng so với mục đích mình nhắm đến khi nói ra chuyện này?"
- Tôi vô tâm quá, xin lỗi ông phụ tá - Đỗ Mậu đưa tay cho Thúy - Nha sẽ cử đại úy Hải làm đại diện đến dự thánh lễ cầu nguyện cho bà cụ nhà.
Còn với Thúy, đây không chỉ là cớ để đến gặp Nhu vì yêu cầu của Đỗ Mậu, mà là cớ để gặp cấp chỉ huy điệp báo của mình nhằm xin chỉ thị về việc này. Với lý do đăng lời cảm tạ gia đình tổng thống trên tuần báo Đạo Binh Đức Mẹ phát hành ngày đầu năm mới 1961, Thúy có thể gặp và trò chuyện với thư ký tòa soạn Trần Trung Ban mà không gây ngờ vực cho bất cứ kẻ theo dõi nào.
                                                                                        *
                                                                  *                    *                    *
Marcel Phan Lê cố giữ sự lịch thiệp giả tạo để đón vị khách bất ngờ đến Nha Trang quá sớm sủa. Đối với ông, những ngày cuối năm là những ngày có không ít việc, vậy mà lại bị làm phiền. Thoạt đầu, khi nghe điện thoại gọi đến nhà riêng sáng nay xin một cái hẹn, ông đã từ chối thẳng, nhưng giọng nữ bên kia đầu dây lại khẩn khoản thật dễ thương dù nội dung cô ta chuyển tải thật đáng sợ "Thương gia Cố Viết Uông có quà gửi ông. Nếu ông không gặp em để nhận, thật em chẳng biết ngày mai sẽ phải giải thích thế nào nữa". Chỉ bấy nhiêu đủ khiến Phan Lê phải rợn người, miễn cưỡng nhận lời hẹn gặp. Đón tấm danh thiếp của khách, đọc dòng chữ "Phùng Lệ Thy - đại diện Minh Báo Đài Loan - Cộng Hòa Dân Quốc Trung Hoa", Phan Lê hiểu mình đã vướng vào rắc rối. Dự cảm bất an khi được nghe nhắc lại cái tên Cố Viết Uông qua điện thoại giờ đã thành hiện thực...Marcel Phan Lê mệt nhọc hỏi theo phép xã giao :
- Ông Uông vẫn khỏe chứ?
- Ông ấy đã rút lui khỏi công việc kinh doanh tiền từ sau chiến tranh Việt - Pháp - Lệ Thy thủng thẳng trả lời.
Lời đáp nhẹ nhàng nhưng đầy ý nghĩa đã nhắc lại lần nữa quan hệ vừa kinh doanh, vừa hoạt động đặc vụ của Marcel Phan Lê với Cố Viết Uông suốt thời gian chiến tranh Đông Dương, vừa như nhắc lại mục đích đến Nha Trang vì công việc của khách. Hiểu rõ điều ấy, nên Marcel Phan Lê chỉ chép miệng như khi buộc phải mua một món hàng với giá bán quá cao so với giá trị thực.
- Cô gặp tôi có việc gì?
- Tìm hiểu về tấm bản đồ mà ông đã trao cho Cố Viết Uông - Lệ Thy vào thẳng vấn đề.
- Sao lại tìm đến tôi trong khi tôi chỉ là người bán? Chẳng phải tự bản đồ ấy đã nói lên ý nghĩa của nó rồi sao? - Marcel Phan Lê lạnh lùng - Nó nói lên một điều bí mật của người Nhật trong chiến tranh Thái Bình Dương.
- Và nó cũng nói lên rằng chúng tôi, cụ thể là Cố Viết Uông đã bị ông chơi một vố đau đáng giá 10.000 đồng Đông Dương - Lệ Thy cười nhạt - Và vì là người có quốc tịch Pháp, ông được phép mang số tiền ấy đi đổi tại Pháp quốc ngân hàng ở Paris ra tiền franc với gấp đôi trị giá do chính sách ưu đãi của chính phủ Pháp đối với binh lính tham gia chiến tranh Đông Dương...
- Tôi không nghĩ rằng cơ quan đặc vụ Trung Hoa Dân Quốc lại có quy định về điều kiện hậu mãi khi mua tin tức tình báo...- Marcel Phan Lê cũng cười khẩy để đáp trả - Tôi chỉ bán tấm bản đồ, chứ không thể đảm bảo về giá trị của nó, bởi tôi không biết tiếng Nhật. Và đừng quên cái giá 10.000 đồng Đông Dương do Cố Viết Uông trả cho tôi cũng vì giá trị của tấm bản đồ nọ hết sức mơ hồ, chứ nếu được xác định rõ ràng thì có thể phải trả đến bạc triệu cũng không mua được.
- Đồng ý với ông về điều ấy, nhưng cũng nhắc lại với ông rằng chúng tôi biết rõ ông nói dối chuyện không biết tiếng Nhật - Lệ Thy phẩy tay - Tôi không có ý đòi các điều kiện hậu mãi như ông nghĩ. Cái tôi cần biết là hoàn cảnh mà tấm bản đồ rơi vào tay ông... Và...tôi sẽ trả giá xứng đáng cho điều ấy. Ông nghĩ thế nào?
- Tôi không cần tiền - Marcel Phan Lê cắt ngang - Hơn nữa trí nhớ tôi tồi lắm.
- Biết đâu tôi có thể giúp ông nhớ lại điều ấy - Lệ Thy cười tinh quái.
- Vô ích. Tôi đã già rồi - Marcel Phan Lê gạt ngang - Sẽ chẳng có ai khiến cho tôi nhớ lại một chuyện quá xa xưa. Và cũng không loại trừ được khả năng tôi nói rằng mình đã mua tấm bản đồ ấy trong hiệu sách cũ ở đường Đề đốc Charner hồi cuối tháng 9 năm 1945...
- Ông có thể nói thế, nhưng sẽ không thể giữ mãi thái độ như thế nếu như nghe yêu cầu của tôi nhưng được đưa ra từ một người khác - Lệ Thy nhếch mép với vẻ khinh thị.
- Ai? - Marcel Phan Lê hỏi với giọng giễu cợt.
- Ông cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu - Lệ Thy đáp mà mắt nhìn xoáy vào Marcel Phan Lê như để đo lường biểu hiện của chấn động tâm lý mình gây ra cho người đối thoại.
Một giây im lặng nặng nề rơi xuống giữa hai người, rồi Lệ Thy tiếp lời với giọng ôn tồn nhưng âm sắc đe dọa :
- Tấm bản đồ mà ông bán cho Cố Viết Uông có dấu triện bông hoa cúc đại đóa 14 cánh trên biển Đông. Chuyện ấy quá bình thường cho một suy luận rằng đây là tài liệu của Terauchi. Nhưng có điều khác thường là dấu triện ấy trùng khớp với bệ một pho tượng kỳ lân ngọc làm bằng đá ruby do Cần Trì Trực Mâu tạo tác...
- Lạy Chúa - Marcel Phan Lê kêu lên thảng thốt - Bà biết Cần Trì Trực Mâu...
- Biết! Và biết cả việc pho tượng ấy đang nằm trong tay ông cố vấn chính trị bào đệ của tổng thống - Lệ Thy nói bằng giọng thật nhẹ, thật êm - Nếu như tôi chuyển tấm bản đồ mua của ông cho Ngô Đình Nhu với ghi chú về tên người bán thì...ông có dự liệu được nhiệt tâm khám phá những điều bí mật trong một con người đầy quyền lực như ông ta không?
Bất giác, Marcel Phan Lê nhắm nghiền mắt lại rồi nặng nhọc thốt lên :
- Tất nhiên tôi sẽ nói với cô... Nhưng... hãy để tôi đến nhà thờ xin giải tội trước đã...
                                                                                        *
                                                                  *                    *                    *
- Bà cụ mất rồi sao? - Trần Trung Ban thảng thốt khi đọc lời cảm tạ mà Thúy gửi cậy đăng[1] trong số báo đầu năm mới 1961- Ai báo tin cho cậu?
- Ông Nhu cho tôi hay...Hôm Chủ Nhật vừa rồi - Thúy trả lời bằng giọng rầu rĩ - Tôi muốn biết là anh có giấu tôi việc này không?
- Cậu đừng hiểu nhầm - Trần Trung Ban lắc đầu - Chính mình cũng ngỡ ngàng trước tin này như cậu vậy thôi. Có lẽ ngoài ấy nghĩ rằng...
- Tôi hiểu mà - Thúy ra dấu "không cần nói nữa"...
Cả hai im lặng bước trong sân tòa Đại chủng viện thánh Giuse. Thông tin Thúy vừa nhận được về gia đình mình ở hậu phương không đến từ cấp trên mà lại đến từ kẻ thù không khỏi khiến mỗi người bùi ngùi liên tưởng đến sự éo le của số phận mình và đồng đội. Thúy thở dài, nói chỉ vừa đủ nghe như để cho Ban yên lòng :
- Bản tin điện đài không đủ dài để thông báo việc riêng. Ngoài ấy nghĩ là như vậy... Anh cố đăng lời cảm tạ này trong số báo đầu năm nhé!
Trần Trung Ban thở nhẹ yên tâm khi Thúy đã quay lại với công việc bằng lời nhắc về hoạt động nghề nghiệp công khai - cái cớ để hai người gặp nhau trong lúc này.
- Hôm nay là thứ Sáu, thứ Hai báo đã ra...- Trần Trung Ban nheo mắt - Phải đem xếp chữ và trình Nha Thông tin ngay bây giờ. Ông chịu khó trả tiền cao gấp rưỡi giá biểu...
- Đồng ý thôi!- Thúy liếc quanh rồi thông báo - Đại tá Mậu muốn tôi đề nghị ông Nhu thả Tạ Chí Diệp. Tôi muốn xin ý kiến của anh.
- Tạ Chí Diệp? Giáo sư Sử học, thủ lĩnh bút nhóm Phá Tam Giang phải không? - Trần Trung Ban giật mình - Cả ông ấy cũng bị bắt sao?
- Vâng. - Chú ông ấy là Tạ Chương Phùng vào Sài Gòn tìm Đỗ Mậu nhờ giúp đỡ...
- Và Đỗ Mậu lại muốn cậu làm việc ấy? - Trung Ban tắc lưỡi - Phiền thật nhỉ?
- Nếu không làm điều ấy, tôi sẽ không còn được đại tá Mậu tín nhiệm, nhưng nếu tôi làm thì lại có nguy cơ bị ông Nhu nghi ngờ - Thúy gật đầu xác nhận - Lúc này chỉ là phiền, nhưng chỉ một chút nữa thôi sẽ là nguy hiểm...Vì đại tá Mậu muốn tôi xin với ông Nhu về việc thả Tạ Chí Diệp ngay trong sáng này.
- Đừng làm thế - Trung Ban mím môi - Dù rất tiếc về tài năng sở học và tinh thần dân tộc của Tạ Chí Diệp, nhưng cần nói thẳng dù có hơi lạnh lùng là Cách Mạng đang cần sinh mạng của cậu hơn là sinh mạng của ông ấy.
- Điều anh vừa nói có ý nghĩa như một khẩu hiệu với tôi hơn là một giải pháp. Tôi không làm theo yêu cầu của đại tá Mậu cũng không được. Bởi vì Mậu có thể vào dinh Độc lập xin thẳng với tổng thống Diệm và không quên nói rằng đã giao cho tôi báo với ông Nhu. Và nếu như ông Nhu đáp là chưa hề nghe tôi nói gì về vụ này thì...
- Nhưng nếu Tạ Chí Diệp được thả thì có nghĩa là Diệm - Nhu đã bắt đầu thỏa hiệp lại cùng với những phe nhóm đối lập cho một chính phủ hữu hiệu hơn, và điều ấy sẽ càng gây bất lợi cho cách mạng miền Nam... - Trung Ban nhún vai - Dù Tạ Chí Diệp có chết đi nữa thì nỗi đau khổ của Tạ Chương Phùng liệu có nhiều hơn nỗi đau khổ của bao nhiêu người mẹ, người vợ có người thân đi kháng chiến đã phải nhìn thấy đầu con mình, chồng mình rơi dưới cái máy chém thời trung cổ mà Diệm kế thừa của bọn thực dân không? Mỗi người chết đều là một tổn thất, cả tôi hay cậu cũng đều phải chấp nhận một cái chết uẩn khúc khi làm công việc này cho cách mạng. Nhưng nếu như buộc phải chấp nhận tổn thất, phải biết lựa chọn tổn thất nào nhỏ nhất. Sinh mạng của Tạ Chí Diệp đối với sự nghiệp cách mạng của toàn dân miền Nam chỉ là một chiếc lá rụng nhỏ nhoi. Và nếu chiếc lá rụng ấy thúc đẩy xung đột giữa Diệm - Nhu và các thế lực đối lập đang bám theo chân Mỹ ở miền Nam này thì chúng ta chẳng việc gì mà ngăn cản.
Thúy thở dài, cúi đầu im lặng. Gió thổi nhẹ nhưng cũng đủ để giật mấy lá bàng khô héo rơi đánh bộp xuống sân như để minh họa cho sự mong manh của sinh mạng mà Trung Ban vừa nói...




[1] Đăng tin phải trả tiền

Không có nhận xét nào: