Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

Con Kỳ Lân Ngọc - 5

5.
Đỗ Toàn thấy rõ là Ngô Đình Nhu dù đã trấn tĩnh, nhưng vẫn có gì gượng gạo, kém tự nhiên trong lời nói và cử chỉ. Vị thương gia chủ hãng Kim Châu đoán là ông cố vấn vừa nhận được tin gì đó nghiêm trọng lắm, hẳn là liên quan đến cuộc binh biến tháng mười một vừa rồi và khôn ngoan nhất với một nhà buôn châu báu như ông trong lúc này là nên im lặng tập trung vào con kỳ lân…Dấu hiệu hoa cúc 14 cánh dưới bệ tượng khiến Đỗ Toàn choáng người. Đúng là có một cánh hoa mang dấu xòe cánh ngược với chiều xoay của 13 cánh còn lại nhưng phải là dân nhà nghề mới có thể tìm thấy…Đỗ Toàn buột miệng :
-       Là ông ta…Sanki Seikou…
-       Là răng? – Nhu rời mắt khỏi bìa tài liệu, hỏi.
-       Thưa ông cố vấn – Đỗ Toàn đáp bằng giọng run run xúc động – Nếu tôi đoán  không lầm thì con kỳ lân này là tác phẩm của nhà điêu khắc Sanki Seikou, nguyên trung tá Hoàng quân Nhật Bản. Cả 13 cánh hoa cúc này đều xoay theo hướng kim đồng hồ, nhưng cánh hoa thứ 14 lại có hướng ngược lại bởi một nét tiếp tuyến.  Người ngoài cứ nghĩ là vết khắc bị lỗi, nhưng thực sự thì đó là ký hiệu mũi tên nhỏ nghịch chiều hình ảnh quen thuộc của Sanki Seikou.
-       Rứa à? – Nhu hỏi với vẻ không mấy mặn mà.
… Có vẻ điêu khắc không phải là  mối bận tâm với nhà chính trị như bào đệ của tổng thống, ít ra là trong lúc này. Điều khiến ông cố vấn quan tâm đang nằm trong tờ báo khẩn của sở nghiên cứu chính trị và xã hội vừa chuyển đến. Một điệp viên của Trần Kim Tuyến vừa báo hồi sáng này, những thành phần Việt Minh nằm vùng tại Nam Việt Nam đã tập hợp nhau tại Tân Lập, Châu Thành ở Tây Ninh để tuyên cáo thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam. Liếc qua thành phần chủ chốt, Nhu mau chóng nhận ra những cái tên quen thuộc Phùng Văn Cung, Huỳnh Tấn Phát và thực sự choáng khi đọc thấy ba cái tên  luật sư Nguyễn Hữu Thọ,  đại tá Bình Xuyên Võ Văn Môn,  thiếu tá quân đội Cao Đài Huỳnh Thanh Mừng… Với những bộ mặt đẹp này, rõ ràng Việt Cộng đã đọc được đoạn nhận xét thiếu thân thiện trong bản báo cáo của đại sứ Elbrigge Durbrow gửi cho tổng thống Mỹ “ Tôi thực sự âu lo khi thấy được sự vỡ mộng của dân chúng đối với chế độ của ông Diệm, "đặc biệt là ở các tầng lớp có học" cùng với sự bất mãn ngày càng tăng trong các sĩ quan quân đội. Sự nỗ lực của chế độ bảo đảm an ninh nội bộ khi cho rằng một chính phủ độc tài là cần thiết để xử lý các vấn đề của đất nước sẽ dẫn đến một áp lực liên tục của các yếu tố đối lập tiềm năng, trong một khoảng thời gian dài, sự tích tụ bất bình giữa các nhóm khác nhau và các cá nhân có thể dẫn đến sự phát triển của phong trào đối kháng quốc gia... Đã đến lúc cần ủng hộ việc thành lập một chính phủ mới ở Nam Việt Nam, không phân biệt thành phần.”  Thực tình, Nhu đã có sự chuẩn bị tinh thần với việc một tổ chức như thế này xuất hiện sau khi đọc được phần nội dung duy nhất không được công khai trong  Nghị quyết Đại hội III của Đảng Lao động Việt Nam, phần Cách Mạng Miền Nam từ tài liệu mà phòng 4 của Trần Kim Tuyến thu thập được -"Nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là: đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm tay sai của đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền liên hợp dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc, các quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, tích cực góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông - Nam á và thế giới... Để bảo đảm cho cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam giành được toàn thắng, đồng bào ta ở miền Nam cần ra sức xây dựng khối công nông binh liên hợp và thực hiện một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi chống Mỹ - Diệm lấy liên minh công nông làm cơ sở. Mặt trận này phải đoàn kết các giai cấp và các tầng lớp yêu nước, dân tộc đa số, các dân tộc thiểu số, các đảng phái yêu nước và các tôn giáo, và tất cả những người có khuynh hướng chống Mỹ - Diệm. Mục tiêu phấn đấu của mặt trận này là hòa bình, độc lập dân tộc, tự do dân chủ, cải thiện dân sinh, hòa bình thống nhất Tổ quốc. Công tác mặt trận phải nhằm đoàn kết tất cả những lực lượng có thể đoàn kết, tranh thủ bất cứ lực lượng nào có thể tranh thủ, trung lập những thế lực cần phải trung lập, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân vào phong trào đấu tranh chung chống Mỹ - Diệm nhằm giải phóng miền Nam, hòa bình thống nhất Tổ quốc . Nhu không trách những tính toán của Bắc Việt vì họ khó thể chờ đợi lâu hơn về một câu trả lời cho việc thống nhất Việt Nam trong hòa bình[1] , nhưng khi mà cả miền Nam còn đang sốt bởi cuộc binh biến của Dù và Biệt động quân  thì sự xuất hiện của lực lượng mặt trận này càng khiến cho nhiệt độ chính trị nhảy vọt lên thang mới. Bắc Việt khéo thật, chọn thời điểm xuất hiện cho lực lượng này của họ ngay sau cuộc binh biến của lữ đoàn dù và liên đoàn biệt động quân với những bộ mặt đẹp nhằm vươn tay đặt quan hệ chính trị với các thành phần đối lập với chính phủ nhưng đang được Mỹ quan tâm nâng đỡ tại Nam Việt Nam. Và lực lượng này chính là bình phong cho cuộc xâm nhập những lực lượng vũ trang Bắc Việt trong tương lai, đồng thời đặt lá bài đầu tiên cho chuyện thương lượng tay đôi với Mỹ ngay trên đầu gia đình tổng thống. Lâu nay, Nhu vẫn xem cộng sản là nguy cơ hàng đầu với chính thể cộng hòa, nhưng cuộc binh biến vừa qua đã khiến Nhu choáng váng và thấy cần phải điều chỉnh lại sách lược. Giờ đây, sự xuất hiện của cái mặt trận có Bắc Việt đứng phía sau này lại càng khiến cho Nhu thấy cần nắm giữ quyền lực nội bộ chặt hơn. Chỉ có cách đó mới cô lập và vô hiệu hóa vai trò ngoại giao, quy tụ lực lượng của mặt trận này và quyết định thời điểm nào sẽ chìa bàn tay ra nói chuyện thương lượng với đối thủ ở bên kia sông Bến Hải…
-       Trình ông cố vấn …- Đỗ Toàn e dè lên tiếng kéo Nhu rời khỏi dòng suy nghĩ của mình – Món này không có giá trị cổ vật, nhưng với danh tiếng của Sanki Seikou và chất đá Ruby thì các nhà sưu tập có thể trả đến 2.500 đô la Mỹ.
-       Rứa thôi ư? – Nhu có vẻ thờ ơ – Ông có thể gọi giá cao hơn chứ?
-       Thưa ông cố vấn – Đỗ Toàn sáng bừng mắt, đáp lời với sự hồi hộp mừng vui – Có thể chứ ạ. Tôi có thể gọi nhiều khách hàng xem và đấu giá, nhưng… nơi này e rằng không thích hợp cho việc mua bán…Tôi…chẳng biết… tôi có thể…
-       Tất nhiên phải rứa– Nhu bật cười – Ông cứ mang nó về nhà mình mà gọi bạn hàng cùng đến xem. Chỗ ni không thích hợp để tổ chức đấu giá kim hoàn mô. Cứ báo giá cho tôi theo điện thoại, tôi sẽ trả lời có đồng ý bán hay không và đem bệ tượng đến cho người mua.
-       Thưa ông cố vấn,  tôi sẽ hầu chuyện  theo số điện thoại nào ạ? – Đỗ Toàn sốt sắng rút danh thiếp ra trình. Nhu viết tháu số điện thoại của mình lên mặt sau danh thiếp rồi trao lại cho nhà buôn kim hoàn kèm một cái bắt tay.
-       Cảm ơn ông. Chúc giáng sinh vui vẻ. Đại úy Tùng sẽ đưa ông về.
-       Đa tạ ông cố vấn chiếu cố - Đỗ Toàn rạp người, tay run run nhận con kỳ lân ngọc cho vào cặp rồi lùi ra.
Trên chiếc bàn thấp chỉ còn mỗi chiếc bệ tượng khắc hình hông hoa cúc mười bốn cánh. Nhu cầm lấy bệ tượng, chăm chú quan sát cánh hoa ngược chiều xoay mà Đỗ Toàn đã tả rồi tắc lưỡi :
-       Liệu hắn còn chi giấu mình không hỉ?
Nhu không ngạc nhiên vì Đỗ Toàn xin mượn tạm con kỳ lân ngọc về nhà để gọi bạn hàng, bởi dinh Độc lập không phải cái chợ. Ba năm trước, đại úy Ân và  nữ chuẩn úy Thanh của lữ đoàn Dù từng xin phép được tổ chức nhảy dù sau khi trao nhẫn cưới cho nhau tại sân sau dinh Độc lập và Lệ Xuân[2] đã đồng ý. Thế mà sự kiện hấp dẫn công chúng  nọ phải hủy bỏ vì tổng thống biết được tin này đã dứt khoát “ Thím Nhu đồng ý cũng rứa. Sân sau cũng là dinh tổng thống chứ có phải hội chợ mô. Để họ nhảy dù trên đầu trên cổ tổng thống như rứa thì còn tôn nghiêm ra răng? Tôi nói không được là không được.” Nhu đành cười trừ với vợ “ Thôi. Nhủ cô dâu chú rể đi chỗ khác mà chơi nổi.”Cũng may là tổng thống chỉ cấm nhảy dù ở sân sau dinh Độc lập chứ không cấm nhảy dù ở nơi khác nên cặp đó mới nên duyên.[3]  Ấy là chuyện đám cưới nhảy dù nọ có tác động chính trị, chứ còn để đám nhà buôn xem xét đấu giá kim hoàn ở đây thì…khỏi cần là Nhu hay Lệ Xuân cũng biết  cơn lôi đình của tổng thống sẽ còn kinh hoàng đến mức nào.  Cho nên việc Đỗ Toàn muốn mượn con kỳ lân để đưa về hãng buôn chào hàng là việc mà Nhu đã dự liệu. Và vì đã dự liệu trước nên Nhu mới giữ lại bệ tượng để phải suy xét một vấn đề vừa mới hiện ra trong tâm trí. Nhu cảm thấy vị thương gia châu báu nọ vừa nói dối mình. Nếu con kỳ lân ngọc đỏ nọ chỉ có ý nghĩa châu báu thì yếu tố quan trọng để lượng giá chính là tên tuổi của nghệ sĩ tạo tác. Đỗ Toàn đã nói lên cái tên Sanki Seikou trong một khoảnh khắc xúc động. Ấy vậy mà ông ta lại dễ dàng chấp nhận việc Nhu giữ lại đế tượng chạm khắc bông cúc 14 cánh – vật mang dấu ký hiệu tác giả của Sanki Seikou?Ngoan hay khôn? Hay chỉ vì quá xúc động với tác phẩm của Sanki Seikou mà  Đỗ Toàn quên mất rằng không có đế tượng, con kỳ lân nọ không thể đứng để được chiêm ngưỡng, mà cũng chẳng thể chứng minh được gì về tác giả của nó. Hay Đỗ Toàn tin rằng uy tín nghề nghiệp của mình trong thương trường lâu nay sẽ thuyết phục được khách mua hàng nên không cần bệ tượng ấy để chứng minh? Cũng có thể. Nhưng nếu Nhu đổi ý không bán và không giao bệ tượng thì liệu uy tín làm ăn của Đỗ Toàn có còn không? … Những câu hỏi tự đặt ra rồi tự lý giải đặt Nhu vào một hướng suy nghĩ đơn nhất “ Rứa chả lẽ hắn quan tâm đến con kỳ lân nớ không vì nghệ sĩ tạo tác mà vì chính con kỳ lân? Mỗi Đỗ Toàn quan tâm hay còn ai khác nữa?”… Sau khi xác định được về sự thiếu chân thật của Đỗ Toàn thì những câu hỏi vừa xuất hiện này không còn khiến cho Nhu phải bận tâm nữa, bởi sẽ có kẻ chịu trách nhiệm tìm câu trả lời. Nhu bấm intercom :
-        Gọi sang trại Lê Văn Duyệt, yêu cầu ông Hiếu trình diện tôi lập tức.
*
                                    *        *        *
                  Đúng là Đỗ Toàn đã nói dối với Ngô Đình Nhu, hay nói đúng hơn là ông ta chưa nói hết sự thật về những gì mình đã thấy được và biết được về con kỳ lân ngọc ngay trong lúc xem xét nó tại dinh Độc Lập. Đơn giản vì Sanki Seikou là một điêu khắc gia tên tuổi nhưng các tác phẩm của ông ta không bao giờ mang biểu trưng hoàng gia. Vì thế, một khi tạo ra con kỳ lân ngọc đỏ với biểu trưng hoàng gia ở cấp thống chế, dấu hiệu mũi tên ngược hướng của ông ta hẳn còn có ý nghĩa nào khác nằm ở trong bản thân tạo vật. Đỗ Toàn muốn đem con kỳ lân về để xem xét bằng đèn quang phổ chính vì tò mò muốn biết liệu có còn bí mật nào trong nó không… Tò mò hơn là tham lam, bởi đã có ai biết có gì bí mật hay không, còn con kỳ lân này, nếu Nhu không chịu bán thì chỉ có trời xuống đây mới lấy nổi. Tóm lại, con kỳ lân ngọc nằm ở hãng của Đỗ Toàn chỉ là cái xác, chứ hồn thì đang trong ngăn kéo bàn làm việc ở dinh Độc lập… Sau khi đặt con kỳ lân vào vùng ánh sáng đơn sắc tím, Đỗ Toàn chậm rãi chỉnh tiêu cự kính hiển vi… Một dòng chữ hiện lên khiến Đỗ Toàn run bắn người… Vị thương gia châu báu tháo kính lão ra chùi lại, như thể không tin được điều vừa phát hiện… Hít một hơi sâu rồi nhẹ nhàng chậm rãi thở ra để trấn tĩnh, Đỗ Toàn lại dán mắt vào kính ngắm… Đúng là một chuỗi số rất nhỏ hiện lên, nét khá mảnh và sắc, hệt như được viết bằng kim “11- 30 N, 110-  45 E ”… Đỗ Toàn xé vội tờ lịch treo tường, ghi chuỗi số nọ lên mặt sau còn trắng… Sau khi quan sát tập trung thêm nửa giờ, yên tâm rằng chẳng còn có gì hơn, Đỗ Toàn tắt đèn quang phổ, gói con kỳ lân ngọc lại cho vào cặp. Bây giờ thì cảm giác đói bắt đầu hành hạ ông chủ hãng Kim Châu. Đúng là ông chưa kịp ăn tối từ khi rời dinh Độc lập đến giờ. Với phát hiện vừa rồi, Đỗ Toàn thấy cần phải tự khao mình. Rõ ràng ngoài chất ngọc và danh tiếng của nghệ sĩ tạo tác, con kỳ lân này còn có ý nghĩa khác giá trị nhiều hơn. Nếu biết được sự mẫn cán này của Đỗ Toàn, hẳn ông cố vấn sẽ rất cảm động…Nhưng chỉ cần thoạt nghĩ đến ông cố vấn, toàn thân Đỗ Toàn bỗng ớn lạnh. Có khi nào ông cố vấn chỉ cần nhờ mình để biết được bí mật vừa rồi mà thôi hay không? Hai vị khách hàng là Vương Hùng chủ hãng Tam Long cũng như ông Bạch chủ hiệu thuốc Kim Sinh nữa… Họ tìm mua con kỳ lân ngọc này, liệu có phải vì điều mà ông vừa phát hiện được không? Đỗ Toàn chợt nghĩ ra một cách bảo vệ cho mình. Ông chủ hãng Kim Châu bước vào nhà tắm hồi lâu và quay ra với vẻ hồ hởi. Cất con kỳ lân trong bọc giấy vào chiếc cặp da, Đỗ Toàn bước ra ngoài, không quên tắt đèn, khóa cửa…
                  Từ 10 giờ đêm 20 tháng 12 năm 1960, hiệu buôn châu báu Kim Châu đóng cửa và người ta không còn nhìn thấy ông chủ Đỗ Toàn.









[2] Trần Lệ Xuân, vợ của Ngô Đình Nhu, thường được dân chúng miền Nam gọi là “ Đệ nhất phu nhân” vì tổng thống Ngô Đình Diệm không có vợ nên bà vẫn hay xuất hiện bên cạnh ông trong các dịp lễ tân, khánh tiết.Trong nhiều lĩnh vực, ông Diệm tỏ ra yêu quý và tin cậy người em dâu này hơn cả em trai Ngô Đình Nhu của mình.
[3] Năm 1957, đại úy Trương Quang Ân và chuẩn úy Dương Thị Thanh tổ chức nhảy dù sau khi trao nhẫn cưới cho nhau tại Ấp Đồn, Hóc Môn.

Không có nhận xét nào: