4
Cuộc trò chuyện với Trần Kim Tuyến
gợi cho Ngô Đình Nhu một dự cảm bất ổn. Cố vấn chính trị của đệ nhất cộng hòa cảm
thấy người đứng đầu ngành tình báo mật vụ Việt Nam Cộng hòa thời gian gần đây hầu
như chỉ báo trình theo lệnh như một anh thư ký chứ không còn chủ động trình các
kế hoạch như trước nữa. Bốn, năm năm trước, Tuyến như con thoi đi lại hai bên
đường Hồng Thập Tự, giữa nhiệm sở của mình với dinh Độc lập để trình duyệt từ
chương trình giám sát hoạt động của Bắc Việt tại Lào, đối phó với nhóm giáo phái và nhân sĩ thân
Pháp tại Cambodge đến kế hoạch tuyển mộ cho chương trình của liên đoàn quan sát
số 1[1]…
Sự nhiệt tình và cái đầu tổ chức của Tuyến
khiến cho Nhu như cảm thấy hơi thở của miền Nam thực ra là hơi thở của chính
mình, nhưng giờ thì… Nhu mệt nhọc liếc nhìn đống hồ sơ cao ngất trên bàn làm việc
của mình…Từ Quảng Trị về đến mũi Cà Mau, tất cả các cuộc hành quân cấp đại đội
trở lên đều phải được phê duyệt của phủ tổng thống – đó là chỉ lệnh mới nhất mà
chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân Nguyễn Khánh lệnh xuống cho các tỉnh. Gã
râu dê[2]
ấy muốn bày tỏ sự trung thành với tổng thống bằng cách trình lên chỉ lệnh đó
cho tổng thống phê chuẩn và Ngô Đình Diệm đã hài lòng ký vào để giờ này cái
gánh nặng xem để duyệt ấy lại rơi lên đầu
cố vấn bào đệ của tổng thống… Nhu thở dài ngán ngẩm “ Đúng là chẳng biết tin ai
để mà trao trọng trách này nữa”. Cuộc đảo chính tháng trước đã khiến cho thượng
tầng của Việt Nam cộng hòa rúng động, khi hai đơn vị đặc biệt trung thành là dù
và biệt động quân lại chính là lực lượng mưu phản. Khác với ông anh tổng thống,
Nhu không tin rằng vụ đảo chính chỉ là sự ngẫu hứng của một nhóm sĩ quan và cấp
bậc đại tá của Nguyễn Chánh Thi là cấp bậc cao nhất. Tất nhiên, vì sự an nguy của
chế độ, không phải sự thật nào cũng có thể công bố, nhưng liệu mình đã biết được
sự thật chưa? Để tìm ra sự thật, tất nhiên phải điều tra và Nhu hiểu rằng dù
không ra mặt phản ứng, nhưng Tuyến thấy lòng
tự hào nghề nghiệp của mình bị xúc phạm khi người chỉ huy điều tra lại
là Dương Văn Hiếu. Nhưng chí ít, Tuyến cũng phải hiểu cho Nhu chứ. Cuộc đảo
chính rõ ràng do người Mỹ vận động tổ chức và với tư cách người đứng đầu ngành
tình báo – mật vụ Việt Nam Cộng hòa, Tuyến không thể không có liên hệ với những
nhân vật Mỹ đó, ít nhất là có trên phương diện công việc. Nhu không giao việc
điều tra vụ đảo chính hụt cho Tuyến thực ra chỉ vì tránh cho Tuyến không bị khó
xử mà thôi. Giao cho Tuyến làm vụ con kỳ lân với câu hỏi đặt ra “ Sẽ làm gì với
nó?”, Nhu muốn Tuyến thực sự khởi động lại tiềm lực hoạt động tình báo đối ngoại
của phòng 4, nhưng rõ ràng Tuyến không chịu hiểu ông nên đã tự bó mình vào vai
trò một anh thám tử tư, chỉ đơn giản tìm hiểu về chất ngọc và xuất xứ…Nhu liếc
nhìn con kỳ lân ngọc đỏ trên bàn tiếp khách, nhún vai… Với ông thì Việt Nam Cộng
hòa mới là đáng quan tâm, còn con kỳ lân
đỏ này chỉ là vật chặn giấy cần dẹp ngay
ra khỏi tâm trí mình, dù nó có làm bằng hồng ngọc và thuộc về Terauchi… Xem ra
vào lúc này thì một anh lái buôn châu báu sẽ có ích cho Nhu hơn là một bác sĩ bỏ
nghề sang lãnh đạo tình báo như Tuyến. Gọi ai bây giờ? A, hay là gọi Mai Đen[3]?
Tội ăn hối lộ kim cương lậu thuế của Mai Đen trong “ vụ án gián điệp miền
Trung” hồi năm ngoái, mình vẫn còn để đó
chưa trị, giờ thì việc tìm người trong giới châu báu cứ
giao cho hắn là ổn. Thách Mai Đen dám giở trò chi mờ ám, hắn biết thừa cái án nọ
vẫn còn treo trên đầu mà… Thú vị với ý nghĩ “ công vụ nhưng thực sự là thử
thách” mà mình sắp giao cho Mai Đen, Nhu bật cười thành tiếng rồi bấm intercom :
-
Gọi cho tôi đại
úy Nguyễn Thanh Tùng.
*
Lệ Thy đã mở ra rồi xếp lại không biết
bao nhiêu lần tấm bản đồ mà phòng lưu trữ của Cục kỹ thuật Đài Loan chuyển
sang, suy nghĩ về việc có hay không mối liên hệ giữa nó với con kỳ lân ngọc đỏ
vừa xuất hiện một cách lạ kỳ bí hiểm gần một tháng qua…Đối chiếu với những gì
mà Hồng Trượng đã cung cấp lúc chiều, Lệ Thy thấy mình còn thiếu quá nhiều dữ
kiện. Tấm bản đồ này có đóng con dấu hình bông cúc đại đóa 14 cánh trên vị trí
biển Đông. Theo cơ quan lưu trữ thì tài liệu này lọt vào tay họ từ năm 1952,
ngay tại đây – Việt Nam. Con dấu vuông hình bông cúc đại đóa 14 cánh khiến cho
bất kỳ ai có am hiểu cũng phải nghĩ đến chủ sở hữu của nó phải là nhân vật đại
diện cho Nhật hoàng. Khắp vùng Đông Nam Á này thì nhân vật đáng sợ nọ còn là ai
khác ngoài thống chế Terauchi? Nhưng ý
nghĩa của nó là gì? Điều ấy lại chưa có lời giải đáp. Vì vậy, nó mới nằm mãi
trong kho lưu trữ ở Đài Loan đến khi được chuyển cho Lệ Thy theo đường văn kiện ngoại giao hai hôm trước… Còn về
con kỳ lân thì những ông chủ Hoa Kiều chỉ được xem qua ảnh, từ những nhân viên
mật vụ Việt Nam, chưa ai cầm lấy để quan sát trực tiếp, cho nên lời mô tả đáy bệ
tượng có chạm hình bông cúc đại đóa 14 cánh của họ chưa hẳn đã có liên quan đến
con dấu hình bông cúc đại đóa đóng trên tấm bản đồ này… Mà dù cho là có liên
quan theo công thức của mấy truyện trinh thám kiểu Mike Spilent, nghĩa là bệ tượng
con kỳ lân nọ trùng khớp diện tích, kích thước với con dấu đóng trên bản đồ này
đi chăng nữa, thì cũng chưa rõ tấm bản đồ và con kỳ lân này có ý nghĩa gì? Bởi vì con kỳ lân vẫn đang nằm trong tay nhà
chức trách Nam Việt, làm cách nào sở hữu được nó để giải đáp yêu cầu của thượng
cấp bây giờ? Càng nghĩ, càng thấy mọi chuyện rối như tơ nhện và Lệ Thy quyết định
mạo hiểm… Lệ Thy xé tờ lịch bàn, ghi vào mặt sau mấy dòng thỉnh thị thượng cấp ở Đài Loan :
“ Một, tìm lại điệp viên đã cung cấp tấm bản đồ để nắm
thêm thông tin về nó.
Hai, tiếp cận giới chức trách Nam Việt Nam để tìm thông
tin về con kỳ lân ngọc và khả năng liên kết của nó ( nếu có) với tấm bản đồ. Nếu
xác định được mối liên hệ xác thực, cần thiết phải đoạt luôn cả hai vật.
Ba, …”
Dấu chấm lửng mà Lệ Thy ghi,
đối với chỉ huy của cơ quan đặc vụ Đài Loan có ý nghĩa yêu cầu xác định cấp độ
của hoạt động này. Việc xác nhận cấp độ sẽ đi kèm quyền hạn quyết định mà Lệ
Thy được trao để hoàn thành nhiệm vụ.
Lệ Thy mã hóa những gì đã ghi ra vào một trình báo hoạt động
thương mại để chuyển cho tòa đại sứ Đài Loan vào buổi sáng hôm sau…
*
Đỗ Toàn – thương gia chuyên về châu báu và cổ vật, nghiệp
chủ hãng buôn Kim Châu hơi ngỡ ngàng vì giờ giao dịch
mà phòng nội dịch phủ tổng thống hẹn với ông khá muộn – hơn năm giờ chiều.
Vào giờ đó, hầu như tiệm kim hoàn nào cũng dọn hàng để nghỉ cả, vậy mà…Dù sao
thì Đỗ Toàn cũng khấp khởi mừng thầm vì đương không vớ được mối khách hàng ngay
trong phủ tổng thống. Nhưng khách hàng ấy là ai mà lại có nhu cầu về châu báu để
phải tìm đến ông? Bà Cả Lễ hay vợ của ông cố vấn? Gần Giáng sinh, tết Tân Sửu lại đến sớm mà
hàng họ của ngành châu báu cứ nằm ỳ ra,
ai ngờ ngay cuối giờ chiều ngày 20 tháng 12 này lại có thần tài tới. Thực ra Đỗ Toàn không ham lời lãi gì qua vụ
làm ăn đầu tiên này, mà cái ông cần là quan hệ thế quyền sẽ tiếp nối ngay sau
đó… Có một chỗ dựa để làm ăn là gia đình tổng thống thì còn gì bằng, dù phải sẻ
nửa gia tài ra để có cơ may này, cũng khối thương gia châu báu sẵn sàng để có
được cơ may của ông chủ Kim Châu lúc này.
Chiếc xe Mercedes đen dừng lại trước cửa hiệu …Người lái
xe bước xuống và đi thẳng vào trong hiệu. Vừa thấy người ấy, Đỗ Toàn như chết đứng.
Bởi ông không lạ gì gương mặt hung thần ấy – đại úy Nguyễn Thanh Tùng. Trong
cái “ vụ án gián điệp miền Trung” năm trước, giới kim hoàn Sài Gòn đã phải “
hùn” với nhau “mua lại” từ tay Tùng số kim cương tang vật đã bị chính Tùng tịch thu để thoát cái kết luận
“ Nhập kim cương theo ý đồ cộng sản nhằm phá hoại kinh tế Việt Nam Cộng Hòa”. Trong
số nạn nhân ấy, Đỗ Toàn bị tổn thất nặng nhất với khối đá quý nhập từ Nam Phi
nên dễ hiểu là ông chủ Kim Châu không thể nào cười nổi nếu được khách hàng như
Tùng “ chiếu cố” đến. Trong một thoáng, Đỗ Toàn nguyền rủa mình đã vì cái hẹn
qua điện thoại của phủ tổng thống mà mở cửa chờ đợi đến giờ, để phải chào đón
gương mặt hung thần hãm tài độ nọ. Chỉ có điều người có vẻ không vui lại không
phải chủ nhân, mà lại là khách viếng. Bởi
viên đại úy đặc vụ có biệt danh Mai Đen hôm nay có vẻ lịch duyệt khác thường,
điều ấy chỉ có thể tồn tại với người như hắn khi bị cưỡng bách mà thôi. Và đã bị
cưỡng bách thì khó ai vui nổi.
-
Chào ông chủ.
-
Vâng. Chào đại
úy – Đỗ Toàn bối rối – Chẳng hay đại úy đến… có gì chỉ dạy không? Xin lỗi…tôi sắp
đóng cửa.
-
Vâng. Tôi đang
chờ ông làm việc đó - Mai Đen cười thân thiện – Mời ông theo tôi.
-
Sao ạ? Tôi… phải
đi theo đại úy à? – Đỗ Toàn hỏi như chưa kịp hiểu việc gì.
-
Chẳng phải khi
nãy ông nhận được điện thoại của phòng nội dịch gọi đến sao? – Mai Đen ngạc
nhiên – Tôi đến để đón ông vào gặp ông cố vấn.
-
Thì ra… ông đến
đón tôi – Đỗ Toàn như vẫn chưa tin vào tai mình.
-
Vâng – Mai Đen có
vẻ phật ý – Chẳng lẽ ông nghĩ tôi đến đây vì một mục đích nào khác sao?
-
Không. Không.
Tôi không dám nghĩ thế - Đỗ Toàn vội thanh minh – Chỉ vì… hơi đường đột.
-
Mời ông ra xe! –
Mai Đen đưa tay mời theo một phong cách dứt khoát hệt như mỗi khi gọi đàn em tra
điện phạm nhân trong phòng điều tra.
Đỗ
Toàn vừa cất xâu chìa khóa vào túi áo, vừa thở phào nhẹ nhỏm ngồi vào băng ghế sau, trong đầu vẫn thoáng
luyến tiếc “ Chẳng lẽ phủ tổng thống không thể cử được ai khác để đến đón mình sao?” Dường như
Mai Đen đọc được suy nghĩ ấy của Đỗ Toàn nên cười khan :
-
Nếu không có tôi, sẽ chẳng ai nhớ đến ông để
mà tiến cử với ông cố vấn đâu, ông chủ ạ.
-
Sao cơ? Ông tiến
cử tôi? – Đỗ Toàn ngỡ ngàng, như không tin được vào tai mình.
-
Đúng vậy đấy –
Mai Đen nổ máy xe.
-
Tôi có thể biết
mục đích của vụ giao dịch này không ạ?
-
Ông cố vấn cần
ông với tư cách một chuyên gia về ngọc quý và các món đồ trang trí Nhật Bản. –
Mai Đen cười khẩy – Chẳng phải hai món đó đều là nghề của ông hay sao?
-
Vâng. Đúng là
lĩnh vực của tôi – Đỗ Toàn thở nhẹ - Ông cố vấn định trao cho tôi món hàng gì
thế ạ?
-
Ông cố vấn sẽ
cho ông biết - Mai Đen dửng dưng – Trách
nhiệm của tôi là tìm ra chuyên gia như ông và lái xe đến đón mà thôi.
-
Thật hân hạnh –
Đỗ Toàn cười xởi lởi.
-
Không dám – Mai
Đen đáp khô khan.
Chiếc Mercedes đen ngoặc vào
đường Pasteur, hướng về cổng tham mưu biệt bộ của dinh Độc lập.
…
Đỗ Toàn không tin nổi vào mắt
mình khi nhìn thấy con kỳ lân ngọc đỏ.
Sự xúc động như bùng nổ ngay
trong mắt vị thương gia kinh doanh châu báu.
Bởi ông không ngờ định mệnh
ngẫu nhiên lại cho mình một cơ hội kinh doanh lớn đến như vậy.
Mấy tuần trước, khi có người
mang tấm ảnh con kỳ lân ngọc này đến hỏi, Đỗ Toàn chỉ biết họ là mật vụ của
chính quyền. Và chỉ thế thôi, không hơn. Bởi ông không biết thêm gì hơn về vật
trong tấm ảnh mà họ tìm hiểu.
Kế tiếp, ba ngày trước,
thương gia Vương Hùng chủ hãng tàu thủy Tam Long tìm đến ông để hỏi nhờ ông mua
con kỳ lân ngọc với mô tả giống hệt như con kỳ lân trong tấm ảnh đã được mật vụ
cho xem. Ông cũng chỉ có thể lịch thiệp xã giao mà hứa sẽ cố tìm. Hứa chỉ là hứa,
bởi ông không biết con kỳ lân mà Vương Hùng tìm mua có thực sự là con kỳ lân mà
mình đã thấy trong ảnh hay không nữa.
Vừa mới sáng nay, ông chủ hiệu
thuốc Kim Sinh trong Chợ Lớn hỏi mua con Kỳ Lân ngọc đỏ để trấn yểm phương vị
cát hung gì đó, cũng mô tả y hệt con kỳ lân mà ông đã nhìn thấy trong ảnh. Đỗ
Toàn cũng lịch sự nhận lời y như đã làm với ông chủ Vương Hùng. Tất nhiên, Đỗ
Toàn đã nhìn thấy có điều gì đó kỳ bí xung quanh con kỳ lân nọ, nhưng là người
ưa thực tế, ông mau chóng gạt bỏ hai mối khách hàng nọ ra khỏi tâm trí mình. Bởi Đỗ Toàn biết con kỳ lân nọ đang nằm trong
tay nhà chức trách Nam Việt, chẳng dễ gì thương lượng bán mua.
Ấy thế mà bây giờ, tất cả mối
bận tâm ấy nằm ở đây – con kỳ lân ngọc đỏ đang đứng trên bàn ông cố vấn uy quyền
Ngô Đình Nhu, ngay trong dinh Độc Lập.
Và thật mau chóng để Đỗ Toàn
nhận ra nó chính là món mà hai vị khách hàng đã đặt ông tìm kiếm.
-
Đại úy Thanh
Tùng giới thiệu ông sành về châu ngọc và hàng cổ vật Nhật Bản. Tôi muốn nghe cao
kiến của ông.
Ngô Đình Nhu nhẹ nhàng đẩy
con kỳ lân về phía Đỗ Toàn, nói với thái độ cầu thị hiếm thấy.
-
Thưa… ông cố vấn
muốn tìm hiểu về nó trên phương diện nào? Châu báu hay cổ vật?
-
Răng không là cả
hai hỉ? – Nhu cười nhẹ.
-
Xin lỗi…Ông cố vấn
có kiếng lúp không? – Đỗ Toàn tháo cặp kính đeo ở cổ ra.
-
Xin nhờ ông –
Nhu thò tay vào ngăn kéo bàn làm việc lấy ra chiếc kính lúp lớn.
Một sĩ quan của lực lượng
phòng vệ ôm chiếc bìa hồ sơ bước vào, dập
gót giày :
-
Trình ông cố vấn,
có báo khẩn của phòng 4.
Nhu cau mày rồi vẫy tay.
Viên sĩ quan đặt chiếc bìa lên bàn rồi lùi ra… Đỗ Toàn e dè ngước nhìn. Nhu phẩy
tay :
-
Mời ông tiếp tục
cho…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét