Thứ Hai, 23 tháng 2, 2015

Con Kỳ Lân NGọc -3

                                  3.

-Xin lỗi,ông phụ tá có điện thoại-  Tiếng cô thư ký trực gọi với từ phía sau khiến Thúy phải dừng bước.
            Thúy bước lại máy điện thoại của văn phòng,cầm máy :
-Tôi nghe đây.
Bên kia đầu dây,Trần Trung Ban đang nói vào điện thoại của một boot công cộng :
-Tôi xin hỏi ông Lê Thúy, phụ tá giám đốc Nha An ninh quân đội.
-Lê Thúy đây.
-Thưa ông, tuần trước tại Casino Sài Gòn,ông có đánh rơi một xâu chìa khóa- Trần Trung Ban nói rành rọt vào ống tổ hợp.
Bên này đầu dây, mắt Lê Thúy ánh lên một tia sáng vui mừng.Thúy liếc nhìn quanh,hạ giọng nói vào máy :
-Vâng. Xâu chìa khóa có sợi chỉ vàng viền đỏ…Tôi nhận lại ở đâu ạ?
-Cà phê Vĩnh Lợi, buổi trưa…- Trần Trung Ban nói gọn lỏn và gác máy lên giá.
Bên này đầu dây,Thúy cũng gác máy.
……………………….
 Quán cà phê Vĩnh Lợi ở góc đường Pasteur-Lê Lợi.Thúy và Trần Trung Ban ngồi ở bàn khuất sau chậu cau kiểng.Lê Thúy nhìn Trần Trung Ban nói khẽ nhưng không giấu được sự hồ hởi :
-Mấy tuần không gặp anh.Tôi lo quá…
-Đúng là đi lại khó khăn thật- Trần Trung Ban vừa gật đầu vừa cắt miếng thịt bò trên đĩa-Nhưng chắc cũng không mệt mỏi bằng cậu đâu.
-Đại tá Mậu đang khiến tôi khó nghĩ đây.Ông ấy muốn tôi yêu cầu ông Nhu giao số quân nhân bị câu lưu về Nha.
-Đại tá Mậu trực tiếp yêu cầu cậu chứ?- Trần Trung Ban vừa nhai thịt, vừa ngẫm nghĩ.
-Không, ông ta thông qua đại úy Hải trưởng phòng sưu tầm.
-Vậy cũng có nghĩa là Đỗ Mậu chỉ muốn xem cậu dám yêu cầu ông Nhu hay không chứ không quan tâm gì đến số quân phạm nọ đâu- Trần Trung Ban mỉm cười như phát hiện ra điều gì thú vị- Cậu đang trở thành nhân vật mà phe đối lập của Đỗ Mậu muốn lôi kéo đấy.
-Tôi thấy chả có gì là vui cả - Thúy lắc đầu.
-Có đấy.Cậu đang đu đưa trong mâu thuẫn của chính quyền Sài Gòn và nếu mâu thuẫn nọ bị triệt tiêu thì cậu cũng sẽ bị hất ra khỏi cuộc chơi. Điều đó bất lợi cho Cách Mạng miền Nam- Trần Trung Ban thì thào – Cậu cần làm cho ông Nhu hiểu rằng cậu bị buộc phải nêu yêu cầu của Mậu với ông ta.
-Anh nghĩ ông Nhu sẽ tin vào “ khổ nhục kế” đó hay sao? – Thúy tư lự.
-Tất nhiên không, nhưng ông ta sẽ hiểu rằng cần có cậu tồn tại bên cạnh Đỗ Mậu và Nhu sẽ có một vài động tác chiếu lệ với yêu cầu của cậu.Chiếu lệ thôi nhưng đủ để Đỗ Mậu tin rằng cậu đã dám yêu cầu ông Nhu.Nào, tuần sau ta họp mặt giáng sinh chứ?
-Vâng! Sớm hai ngày – Thúy ý nhị nhìn Trần Trung Ban.[ Ám chỉ lễ kỷ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam 22/12]
…………………………………..
Nhu im lặng ngồi nghe Lê Thúy trình bày. Bản danh sách quân phạm mà đại úy Hải trao đang nằm trên bàn, giữa hai người.Thúy có vẻ chán chường, mệt mỏi :
-Mặc dù tôi đã giải thích về quyền hạn của Sở Nghiên Cứu Chính Trị, nhưng cả đại tá Mậu lẫn đại úy Hải đều không vừa lòng và có ý trách phiền tôi chưa làm tốt chức trách của mình đối với Nha An ninh quân đội trong vụ này.Vì lẽ đó, tôi muốn xin ông cố vấn cho tôi quay về nhiệm sở cũ…
-Về lại với Tuyến? – Nhu cười nhạt- Nghĩa là anh cam chịu mang tiếng kém chức trách cả với Tuyến lẫn Mậu?
-Tôi chỉ muốn được yên, thưa ông cố vấn – Thúy thú nhận.
Nhu trầm ngâm nhìn Thúy như thôi miên rồi thốt lên như thất vọng:
-Chỉ rứa thôi mà răng anh tệ như ni?
Không buồn đợi Thúy trả lời, Nhu nhấc điện thoại :
-A lô! Cho tôi nói chuyện với đại tá Đỗ Mậu bên Nha An ninh quân đội…Chào đại tá! Tôi đang làm việc với anh Thúy về vụ 47 quân phạm bị câu lưu thẩm vấn….Ừ! Để tôi tham cứu lại báo trình của Sở Nghiên Cứu…Chắc đại tá cũng hiểu là  việc điều tra an ninh quốc gia không phải lúc nào cũng câu nệ trình tự chức trách thẩm xét…Rứa thì tốt.Thôi hỉ?...Chào đại tá!
Nhu cúp máy,cười với Thúy :
-Đại tá giám đốc nhà anh thỏa cơn tự ái rồi…Sẽ không trách hờn chi anh mô.Nhủ ông Mậu lần sau có chi thì cứ qua ni…Còn anh thì…
Nhu nhìn Thúy bằng ánh mắt lạnh lẽo như thăm dò, bỏ lửng câu nói…Hồi lâu, Nhu đứng dậy, chìa tay cho Thúy, nói đầy ý nghĩa :
-Anh dứt ngay cái ý nghĩ tìm nơi an nhàn lánh thân hỉ? Đang có chiến tranh với những nguy cơ của chính phủ
… Thúy bước ra xe mà vẫn chưa hết bồi hồi.Anh thoáng nghĩ “ Không ngờ mình thoát nạn dễ dàng và mau chóng đến vậy”. Ngay lúc xe ra cổng dinh Độc Lập, Thúy nhận ra xe của bác sĩ Tuyến đang lướt vào dinh…Tuyến và Thúy đưa tay chào nhau và ra dấu “ Đang bận.Hẹn khi khác”
…………………………
Và ít phút sau, cảnh cũ lặp lại, chỉ khác là Tuyến ngồi ở chiếc ghế ban nãy Thúy ngồi và con kỳ lân đỏ đứng trên bàn, giữa Nhu và Tuyến.
-Thưa ông cố vấn.Tiếc là đến giờ chúng tôi chỉ có những cái phủ định về giả thuyết con kỳ lân này liên quan đến âm mưu của tình báo nước ngoài trong vụ phiến loạn vừa rồi.Nhiều khả năng đây là một vật báu mà đại tá Thi đã sở hữu một cách bất minh…Theo các tư liệu mô tả về dấu triện khắc nơi mặt trong bệ tượng và biểu tượng 14 cánh hoa cúc đại đóa bao quanh mặt trời lên thì có thể khẳng định đây là vật trang trí của thống chế Terauchi- Tư Lệnh Mặt Trận Thái Bình Dương của Hoàng quân Nhật Bản trong chiến tranh thế giới vừa rồi.Bộ Tư Lệnh này đóng tại Sài Gòn…
Nhu rút thuốc lá ra hút,nhẹ nhàng gật đầu:
-Tốt rồi. Ít nhất thì đây là đồ thật…Còn ý nghĩa của nó thì…
Nhu bỏ lửng câu nói, nhìn Tuyến như chờ đợi một phản ứng.Tuyến vẫn im lặng… Nhu bật cười : - Anh còn phải chờ đoán ý tôi rồi mới nói răng?
-Không, thưa ông cố vấn. Tôi chỉ thấy có một điều lạ. Nếu đây đúng là vật trang trí của thống chế Terauchi, tại sao nó không trở về với gia đình ông ta mà lại còn ở đây, trong két sắt bảo mật của đại tá Thi?
-Có thể vì sự bề bộn của chiến tranh hồi cuối năm 1945 – Nhu lắc đầu ngao ngán – Dân chúng  vừa nổi dậy cuối tháng 8 , đồng minh tái chiếm ngay tháng 9…răng mà thu hồi, liệt kê, bảo quản cho đàng hoàng được rứa? Bản thân Terauchi cũng chết ngay năm 1946, khi ở tù tại Mã Lai rồi.
-Theo kiến văn của tôi, ngày đó quân Nhật chỉ chủ trương án binh bất động cho Việt Minh cướp chính quyền, chứ vẫn giữ vững những vị trí chiếm đóng, ngân hàng Đông Dương là một ví dụ - Tuyến thủng thẳng – Nếu con kỳ lân này đúng là đồ vật trang trí của Terauchi, ông ta thừa sức gửi về Nhật bằng đường hàng không lẫn đường bộ.
-Rứa thì tôi hỏi ngược lại anh, nếu con kỳ lân này không phải là vật trang trí dùng cho cá nhân, tức thị là nó có ý nghĩa công vụ. Rứa thì quân đồng minh đã thu giữ nó sau khi tiếp nhận đầu hàng, răng lại để nó phiêu bạt ở đây? – Nhu vặc lại.
-Tôi không thể trả lời thỏa đáng câu hỏi của ông cố vấn  - Tuyến thành thực đáp – Có lẽ…như ông cố vấn đã nói…cũng vì sự bề bộn của chiến tranh, Việt Minh làm cách mạng, đồng minh tái chiếm Việt Nam…

*
                 Lệ Thy không sao giấu được vẻ tò mò đến thích thú  khi ngồi trước mặt Bách Phi Song, người vẫn được đồn đại là Hồng Trượng[ Chức vụ phụ trách công tác an ninh, trừng phạt của hội Tam Hoàng] của hội Tam Hoàng tại Chợ Lớn. Bởi Bách cứ như không có chút gì của một người Trung Hoa lưu lạc sang Việt Nam từ năm 1950 như lý lịch tư pháp của ông ta còn lưu ở ty cảnh sát quận 5 đã ghi. Không  còn áo sườn xám và mũ sườn chí, chẳng vương chút mùi dược liệu vốn nồng nặc tại hiệu thuốc Kim Sinh Đường mà mình làm chủ, Bách thoải mái trong bộ veste trắng, áo cổ cồn dựng đứng thắt nơ khiến người đối thoại liên tưởng đến một trang phong lưu tao nhã nào đó hơn là một trùm tội phạm. “ Thế mới thấy vẻ bề ngoài đánh lừa người ta đến mức nào.” – Lệ Thy thầm nhận xét và hài lòng khi phát hiện ra một đặc điểm nhận dạng chung về mặt  phục trang của người đối thoại : luôn phải là áo dài tay để che giấu những hình xăm cổ quái thời trai trẻ, luôn là cổ áo dựng lên để che vết sẹo khoảng 4 cm chạy dài dưới cổ….
-Cô cần tôi giúp gì? – Bách lên tiếng.
-Tôi thì không, ông Bách ạ - Lệ Thy cười tươi như hoa – Nhưng ông cần giúp đỡ cho Dân Quốc.
Mi mắt Bách chớp nhẹ. Có vẻ ông ta không chờ đợi kiểu xoay ngược vấn đề này. Bách cười nhạt, nhận xét :
-Vậy thì cô tìm đến tôi còn quá sớm đấy. Hãy đợi đến khi nào Tưởng thống chế về Chợ Lớn và trở thành  Hoàng Long Giao[ Chức vụ đứng đầu hội Tam Hoàng.] đã.
-Đâu cần phải đơi chờ đến lúc ấy – Lệ Thy bình thản – Vì lúc này,  chúng tôi đâu dám yêu cầu ở ông sự ái ưu Dân quốc.
-Vậy nghĩa là không phải Dân quốc cần tôi, mà là cô cần – Bách nhún vai giễu cợt – Vậy thì xin đừng dùng chữ “ chúng tôi”.
-Cũng được, nếu như ông muốn thế - Lệ Thy tiếp tục nói bằng giọng vô cảm – Tôi muốn ông hãy tiếp nối chặng đường phụng sự Dân quốc ngày trước.
-Tôi chưa hiểu ý cô – Bách nhấp ly rượu mạnh – Sao tôi phải phụng sự Dân quốc của cô? Và tại sao lại là “ tiếp nối”? Chuyện kinh doanh của chúng tôi có  bao giờ liên quan đến chính trị đâu?
-“ Chúng tôi” ? – Lệ Thy thích thú – Giờ thì đến phiên ông dùng sai danh xưng rồi. Bởi vì tôi chỉ nói về mỗi một mình ông thôi.
-Mỗi mình tôi? – Bách nhăn mày.
-Đúng. Và nói một cách thẳng thắn, tôi muốn ông tiếp nối chặng đường đã dừng lại hơn hai mươi năm trước ở Thượng Hải… với Đỗ Nguyệt Thăng[ Trùm tội phạm ở Thượng Hải, nhân vật đứng đầu Thanh bang, được Tưởng Giới Thạch bổ nhiệm Chủ tịch ủy ban thuốc phiện Trung Hoa và phong tướng ngành đặc vụ trong chiến tranh thế giới 2.].
-Tổng tài Đỗ? – Mặt Bách thoáng biến sắc – Chả lẽ ông ấy…
-Tất nhiên ông ấy mất rồi – Lệ Thy bùi ngùi – Hồi năm 1951 ở Đài Bắc.
Bách Phi Song không kềm chế được nỗi hân hoan tràn trên khuôn mặt khi được nghe chính người nêu tên Đỗ Nguyệt Thăng xác nhận về cái chết của ông ta. Lệ Thy hiểu được lý do hân hoan của Bách.  Đỗ Nguyệt Thăng chết rồi, còn có ai xác nhận được về quá khứ của Bách nữa.  Nhưng điều đáng sợ nhất, lá chủ bài mà Lệ Thy nắm giữ vẫn chưa được tung ra. Và thái độ của Bách như thế nào sau khi nghe tin ông chủ cũ chết mới là điều kiện quyết định.
-Cầu cho linh hồn ông ấy được tiêu dao – Bách Phi Song thở dài đánh sượt – Tôi từng bái ông ấy làm thầy.
-Thầy? Thầy dạy chữ  hay dạy võ? – Lệ Thy giễu cợt.
-Dạy gì thì vẫn là thầy với tôi – Bách cố giữ vẻ tôn kính.
-Tôi nghĩ ông đã từng bái sư với rất nhiều thầy – Lệ Thy quyết định tấn công trực diện – Và những người thầy của ông đều rất nổi tiếng.
-Với tôi chỉ có một tổng tài Đỗ thực sự là thầy – Bách chớp mắt.
-Ở lĩnh vực mua bán ma túy thì quả không sai – Lệ Thy giễu cợt – Nhưng còn ở những lĩnh vực khác thì sao? Hẳn ông cũng phải có những người thầy khác chứ?
-Thiết nghĩ chuyện học hành của tôi, dù về phương diện nào đi chăng nữa thì cũng không phải là mục đích tiếp xúc của cô – Bách xẵng giọng – Nghe đây cô ký giả. Ở đây là Sài Gòn của Việt Nam cộng hòa chứ không phải Đài Loan của Trung Hoa Dân quốc để cô áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác. Tôi không phải trẻ con để phải nghe lệnh cô.
-Ông sẽ nghe lệnh tôi – Lệ Thy gằn giọng – Chính vì ở đây là Sài Gòn chứ không phải Đài Loan. Nếu ông ở Đài Loan, ông sẽ yên thân hơn với người thầy đầu tiên của mình.
-Ai? – Bách hỏi với giọng khinh thị.
-Khang Sinh[ Bộ trưởng An ninh công cộng của Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa, ủy viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Hoa ( đại hội 8- 1956, đại hội 9 – 1969)] – Lệ Thy thốt lên cái tên đáng sợ nọ  bằng giọng nhẹ như gió thoảng.
Cái tên mà Lệ Thy vừa nói ra khiến Bách Phi Song- Hồng Trượng của hội Tam Hoàng Chợ Lớn như chết lặng trên ghế. Giọng của Lệ Thy vẫn vang lên nhẹ nhàng, đều đặn như cô giáo giảng bài :
-Năm 1939, Khang Sinh có tín nhiệm một chàng thanh niên đồng hương Thanh Đảo tên là Hồ Thụ để giao trọng trách xây dựng phong trào công nhân tại Thượng Hải. Suốt thời kỳ Quốc- Cộng hợp tác chống Nhật trong chiến tranh, Hồ Thụ đã tỏ ra xuất sắc. Suốt từ năm 1945 đến 1949, Hồ Thụ đã tổ chức liên kết trí thức – sĩ quan binh sĩ – công nhân để chuẩn bị tổng nổi dậy tại Thượng Hải. Chỉ tiếc là cuộc nổi dậy ấy lại  thất bại vì hành động quá sớm nên thiếu sự phối hợp với hồng quân và Hồ Thụ đã chết trong cuộc đàn áp của  bên quân đội dân quốc. Mãi hơn tháng sau, hồng quân công nông  mới chiếm được Thượng Hải bằng vũ lực…Khang Sinh đã cho lục tung toàn kho hồ sơ lưu trữ ở Thượng Hải và Nam Kinh để tìm cho ra nơi Hồ Thụ hy sinh, nhưng vô vọng…Trong những ngày cuối cùng của chính quyền dân quốc tại đại lục, rõ ràng các hồ sơ đã không được cập nhật và bảo quản tốt…
Bách Phi Song gục đầu nghe từng lời của của Lệ Thy. Từng câu, từng câu nhẹ nhàng đều đặn như tiếng lưỡi dao cần mẫn liếc trên hòn đá mài… Bách thẫn thờ :
-Tôi xin cô…Chuyện cũ đã lãng quên rồi.
-Thì tôi nào có muốn nhớ đâu – Lệ Thy cười nhạt – Chỉ tiếc rằng ở Chợ Lớn này không thiếu gì tai mắt của cộng sản và hẳn là Khang Sinh ở Bắc Kinh sẽ rất vui khi nghe được tin người phụ tá yêu quý của mình là Hồ Thụ vẫn còn sống. Hồ Thụ không hề chết trong cuộc đàn áp ở Thượng Hải, bởi vì thực chất thì hắn vốn là…
-Tôi xin cô – Bách Phi Song đứng bật dậy, vòng tay cung kính – Cô cần chỉ dạy gì, xin cứ nói. Tôi xin cố hết sức.
-Xin ông ngồi xuống – Lệ Thy dửng dưng – Tôi không mong ông cố hết sức, chỉ cần ông gắng hết lòng. Tôi cần biết rõ hơn về tin báo có người quan tâm đến con kỳ lân ngọc…
-Vâng – Bách Phi Song kính cẩn cúi đầu.

Không có nhận xét nào: