*
* * *
Sáng thứ
năm 10 tháng 11 năm 2011. Theo yêu cầu của tôi và được sếp thông qua, Harisson
được đưa ra phòng làm việc của trại B 34. Harisson nhếch mép cười khi nhận ra
cán bộ làm việc với mình hôm nay lại là tôi – người suýt tí nữa đã chết vì cú
bắt tay thân ái của ông ta hơn mười ngày trước tại nhà hàng khách sạn Sài Gòn
Thế Giới Mới. Theo quy định pháp luật, một nhân viên tòa tổng lãnh sự Hoa Kỳ
được phép có mặt, nhưng Harisson đã từ chối quyền lợi ấy bằng văn bản và đề
nghị chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh. Tôi hiểu sự ma mãnh ấy của
ông ta – một điệp viên nhà nghề. Ông ta tất nhiên sẽ không thích có viên chức
ngoại giao nào của nước mình biết mình có thể tiết lộ những bí mật gì trong quá
khứ, lại càng không muốn ký tên vào biên bản khai bằng tiếng Việt theo quy định
pháp luật tố tụng. Đến giờ, ông ta chỉ mới khai tội dự mưu ám sát tôi và việc
thủ tiêu xác Phạm Tuyết Mai mười lăm năm trước ở Seoul. Nghĩa là ông ta chỉ
khai nhận những gì đã có tang chứng và nhân chứng. Điều tôi cần đấu tranh với
ông ta hôm nay hoàn toàn mới…
- Ông
vẫn khỏe. Điều ấy làm tôi vui – Harisson lên tiếng.
- Vì
sao? – tôi hỏi.
- Bởi vì
nếu tôi đang phải nằm ở đây thì sẽ chẳng có tên giết mướn nào làm được cái điều
mà chỉ có tôi mới làm được…với ông – Harisson cười tự mãn.
- Ông
quá tự tin với nghề nghiệp của mình đấy – tôi cười theo.
- Sao
lại không nhỉ? Mỗi chúng ta đều có một niềm tự hào nghề nghiệp, phải không thưa
ông? – Harisson hấp háy mắt, chế giễu.
- Trong
căn phòng này, sẽ không có chữ “ chúng ta”. Chỉ có tôi và ông – tôi nhấn mạnh –
Tôi đến để giúp ông và ông nên tận dụng cơ hội ấy bằng cách thành khẩn.
- Tôi
nói hết rồi – Harisson dửng dưng.
- Chưa
hết. Ông chỉ nói ra những gì không thể nào chối bỏ.
- Những
gì tôi khai nhận đã đủ để các ông cho tôi ra tòa. Tôi sẽ nhận án và thụ án xong
sẽ bị trục xuất. Với vết đen này trong lý lịch tư pháp của mình, Hoa Kỳ sẽ cấm
tôi xuất ngoại, cụ thể là đến Việt Nam. Các ông còn có gì phải lo lắng nữa?
- Chúng
tôi không lo về ông. Chúng tôi lo lắng đến an ninh quốc gia chúng tôi và những
gì trong quá khứ của ông có thể có ích cho công việc ấy.
- Tóm
lại – Harisson cười với vẻ kẻ cả - Tôi đang được cơ quan của ông chào mời một
thỏa thuận hợp tác để giảm tội?
- Không
! Làm gì có thỏa thuận giữa cơ quan an ninh, với tên tội phạm chuyên nghiệp? –
Tôi lạnh lùng đáp – Chỉ có giao ước thứ tha mang tính cá nhân giữa người suýt
bị giết là tôi với kẻ thủ ác là ông. Nếu
ông nhận lời tôi, về phía mình, tôi tha thứ cho ông. Và những người bị ông giết
cũng sẽ tha thứ cho ông.
- Trừu
tượng quá, tôi là người ưa thực tế. Ông sẽ làm gì cho tôi? – Harisson lắc đầu –
Chứ những con ma chỉ có thể làm tôi khiếp hãi, không làm tôi chết được đâu.
- Nếu
ông thành khẩn, tôi sẽ giúp ông bị trục xuất ngay mà khỏi ở tù và vĩnh viễn
không được đặt chân đến Việt Nam.
- Nhưng
về Mỹ, tôi sẽ phải vào ngồi trong tù? – Harisson bật cười.
- Dù sao
thì vẫn là ở quê hương.- tôi bùi ngùi – Giáng sinh năm nay của ông sẽ rất buồn
nếu ngồi trong nhà tù Việt Nam, dù là nơi riêng biệt như trại B 34 này.
Im lặng
rũ xuống giữa chúng tôi. Harisson hơi nhích người, nhìn ra hướng cửa sổ phòng
làm việc… Gió nhè nhẹ lay mấy cành hoa sữa, rồi lá vàng rơi vèo đánh BỘP trên
sân…Hơi bấc đã thoang thoảng trong không gian cuối năm…Vài phạm nhân đã thành
án trong bộ đồng phục kẻ sọc xanh đang đi lại, quét dọn sân trại…Họ là những “
phạm nhân tự giác” được phép lang thang tới tận cổng gác mà không cần canh giữ,
bởi thành tích cải tạo tốt và quan trọng nhất là vì…họ chẳng việc gì phải trốn
khi chỉ vài tháng nữa là mãn hạn tù…
- Ông
cho tôi xin điếu thuốc được chứ? – Harisson đột nhiên lên tiếng.
- Ông tự
nhiên – tôi cười nhẹ, đẩy gói thuốc và cái quẹt lại cho ông ta.
Harisson
chầm chậm rút ra một điếu, bật lửa và rít từng hơi thật sâu. Rõ ràng ông ta
đang suy tính, cân nhắc rất nhiều điều…
- Trong
mấy ngày ở trại này, tôi không thấy phạm nhân nào hút thuốc lá – tự nhiên
Harisson nói trống không.
- Thuốc
lá bị cấm trong trại giam với phạm nhân. Đó là kỷ luật của nhà tù nước tôi –
tôi cười thông cảm.
- Sao
trong chiến tranh, các tù binh phi công Mỹ ở Hilton Hà Nội vẫn được tiêu chuẩn
một gói thuốc lá mỗi ngày? – Harisson ngạc nhiên – Vì họ là người Mỹ à?
- Người
Mỹ hay người nào cũng vậy. Vì họ là tù binh, phải đối xử đúng công ước Genève .
Còn lúc này, ông là phạm nhân theo Bộ luật hình sự Việt Nam, không có tiêu
chuẩn ấy.
- Nếu
tôi nhận lời yêu cầu của ông, các ông sẽ giữ lời hứa trục xuất tôi về Mỹ chứ?
- Tôi
hứa.
- Vậy
thì tôi đồng ý – Harisson gật đầu – Nhưng tôi xin nói trước rằng tôi nhận lời
các ông vì giao ước này sẽ có lợi cho tôi hơn là cho các ông. Bởi tôi đã rời
CIA từ năm 1997.Cơ quan ấy đã thay đổi rất nhiều và những gì tôi biết đã từ lâu
rồi không còn là bí mật gì to tát để giúp ích cho phản gián Việt Nam.
- Về
điều ấy, sẽ có cán bộ khác làm việc với ông – tôi gật đầu – Còn tôi gặp ông vì
một vấn đề của riêng mình. Ông còn nhớ vụ Gonslaviz ở HongKong chứ?
-
Gonslaviz? – Harisson nhăn trán, cố nhớ lại – Tên nghe…hơi quen. Tôi gặp ông ta
ở đâu nhỉ?
- Vụ ám
sát trên ca nô cao tốc đêm 18 tháng 10 năm 1996… - tôi gợi ý – Vị doanh nhân
phát hiện ra trại nuôi khỉ ở đảo Kalimantan.
- Thì ra
là ông ta sao? – Harisson gần như rú lên – Kẻ hiện ra trong phòng tôi đêm 27 tháng
10 cùng bầy khỉ…
- Vậy là
ông nhớ rồi đấy – tôi cười hài lòng, thầm mừng vì câu hỏi của mình đã có lời
giải…
…
Chỉ thị 38 – 6/ H -8 của tổng hành dinh
Langley gửi Vụ tác chiến Viễn Đông
( Về Gonslaviz George)
- Bôi
nhọ đối tượng bằng buôn lậu ma túy hay vàng
- Đánh
người vào hàng ngũ thân cận của đối tượng để thu hồi toàn bộ hồ sơ tài
liệu gốc về trại thí nghiệm ở Kalimantan.
- Nếu
điều 2 không đạt thì triển khai điều 1.
- Chấp
hành tuyệt đối chỉ thị từ trung ương.
…
Harisson
còn nhớ chi tiết của chỉ thị đó đơn giản chỉ vì ông ta là “ giải pháp cuối
cùng”. Không đe dọa Gonslaviz để buộc ông ta im lặng được về trại nuôi khỉ của
Mỹ tại Mã lai, dàn cảnh vu cáo ông ta buôn ma túy bất thành. Harisson được khẩn
cấp điều từ Hàn Quốc đến Hong Kong theo lệnh “ cho vị chủ tịch ra khơi”[1].
Do không được đưa vào chiến dịch này từ đầu để giữ bí mật, nên Harisson không
hề biết ai sẽ là nạn nhân, mà chỉ được nhiệm vụ “ đón ngài chủ tịch ngoài biển”.
Vì vậy, CIA đã cử một nhân viên nằm vùng trong sở cảnh sát Hoàng gia Hong Kong thực
hiện việc “ chỉ điểm” đối tượng cần bị khử cho Harisson nhận diện . Viên thanh
tra cảnh sát Hong Kong nọ đã bí mật quét một vệt màu phản quang lên nón, vạt áo
khoác và thành chiếc ca nô cao tốc của Gonslaviz để Harisson nhận ra ông ta sau
khi rời sở cảnh sát vào buổi tối 18 tháng 10 năm 1996.Harisson chỉ việc đợi ở
bến tàu và… ra tay hạ sát ông chủ của Prefume
and brothers-texile sau khi ông ta lên đường quay lại Macau…
- Ông
biết mặt kẻ chỉ điểm chứ? – tôi hỏi.
Harisson
nhăn mày :
- Thật
ra tôi cũng chỉ đoán thôi. Bởi Gonslaviz được một người mặc thường phục, đeo
phù hiệu cảnh sát hoàng gia tiễn ra bến. Có thể viên thanh tra đó là tên chỉ
điểm, nhưng mà cũng có thể là…không phải. Những việc thế này, không thể tùy
tiện kết luận.
- Nếu
nhìn thấy ảnh viên thanh tra đó, liệu ông có thể nhận ra không?
Harisson
nhìn tôi với vẻ khó hiểu rồi lắc đầu :
- Tôi
cũng không biết. Con người thay đổi theo thời gian. Ngay khi Gonslaviz xuất
hiện trong phòng tôi ở khách sạn, tôi cũng không nhận ra ngay được.
- Vì khi
ấy, ông không tập trung để nhớ - tôi kiên nhẫn – Còn bây giờ, chắc chắn ông sẽ
khó quên…Ông là dân nhà nghề mà.
- Có thể
lắm… - Harisson gật đầu.
- Vậy
ông xem hộ tôi cái này – tôi mở hồ sơ, lấy ra gần chục tấm ảnh. Những người đàn
ông trong ảnh đều có nét chung, tóc cắt ngắn, dong dỏng cao, đeo kính trắng…
Harisson nhìn một lượt mấy tấm ảnh một cách thờ ơ… Bất chợt, trán ông ta nhăn
lại, mắt mở to… Ông ta nhìn như muốn thôi miên một tấm hình rồi chộp lấy nó,
đưa lên săm soi và nói bằng giọng ngờ vực :
- Sao lại
kỳ lạ thế này?
- Chuyện
gì? – tôi hỏi lại.
- Đây…-
Harisson ngần ngừ - Đây có thể là hắn. Liệu tôi có nhầm không nhỉ?
Tôi cầm
tấm ảnh và lật phía sau để xem ghi tên người. Chính là ảnh của Sầm Khắc Thi.
Tôi cười nhẹ :
- Xin
lỗi ông. Tôi không có trách nhiệm trả lời câu hỏi này. Có đúng là hắn hay
không?
- Người
trong ảnh này hơi già hơn viên thanh tra ấy, nhưng…giống lắm – Harisson thở dài
– Điều tôi ngạc nhiên là sao hắn lại ở đây, Việt Nam.
Tôi thở
phào nhẹ nhõm.
Lời giải
cho bài toán về hồn ma Gonslaviz và bầy khỉ đã hoàn tất.
Đến lúc
phải vào hang bắt cọp.
*
* * *
Sầm Khắc
Thi giật thót người khi hai vị khách bán sừng tê giác bước vào phòng khách, bởi
ông ta hiểu họ không đến đây để bán sừng tê, dù họ mặc thường phục, và còn được
chính ông chủ Hòa buôn dược liệu Hải Thượng Lãn Ông giới thiệu. Sầm nhận ra
điều đó vì ông biết mặt một trong hai người. Chính là thiếu tá an ninh Trần
Thanh An mà Hắc Trân Châu đã bí mật chụp ảnh để ông bán lại cho Hoàng Long
Giao. Như vậy thì người đi cùng anh ta hẳn cũng là an ninh cải trang. Sầm vừa
rót trà ra tách, vừa hoang mang với bao câu hỏi lộn xộn trong đầu. “ Trần Thanh
An đến đây làm gì? Chẳng lẽ Hắc Trân
Châu đã ra tay và lại bất thành nên bị bắt và khai ra mình? Vô lý. Nếu thế thì
an ninh đã gửi giấy gọi hoặc bắt mình rồi chứ làm gì có việc đến đây trinh sát?
Nhưng chắc họ không đến để bán sừng tê. Vậy họ đến vì cái gì? Việc con Yến
chăng? Nhưng đó là việc của cảnh sát cơ mà. Thi hài nó đã hỏa thiêu, cốt gửi
chùa Bà, nghe cầu siêu thuyết pháp mấy năm nay, hẳn đã siêu thoát đầu thai kiếp
khác. Vậy thì… vì cái gì?” Bất giác, Sầm
giật mình khi nghĩ đến cái điều ông ta đang làm “ Chắc mẻm rồi. Họ đến vì… cái
vụ đó. Lại càng vô lý. Theo mình kiểm tra thì đến giờ đã có tờ rơi nào được
phát đâu. Hay thằng nhóc đó đã bị công an tóm? Nó dưới tuổi trưởng thành, đâu
đến nỗi phải đi tù. Mà khi thuê nó, mình đã cải trang cẩn thận, cũng chẳng có
ai làm chứng. Mà làm sao nó biết mình ở đây để mà khai cơ chứ?”
- Sao hả
ông chủ? – Người đàn ông buôn sừng tê giác tuổi ngoài năm mươi lên tiếng, cắt
ngang những suy nghĩ lộn xộn của Sầm.
- Là sao
ạ? – Sầm Khắc Thi giật mình, hỏi lại.
- Chúng
tôi hỏi ông lấy sừng tê giá cả thế nào – Người đàn ông nọ lên tiếng – Nghe ông
chủ Hòa nói ông có một số khách hàng có nhu cầu dùng sừng tê chữa bệnh.
- Hầy,
cái đó – Sầm nói như máy, cố để trấn tĩnh tinh thần – Nếu đúng sừng tê thật thì
công dụng giải độc của nó cực kỳ đa dạng. Tui có thể mua của quý anh theo cân
nặng của mỗi cái sừng. Nhưng khách hàng có nhu cầu với thứ này thì…cũng khá đặc
biệt, bởi ai cũng thích có riêng cho nhà mình một cái sừng tê, nghĩa là lấy mất
mạng một con tê giác, nhưng họ lại chỉ muốn lựa sừng có trọng lượng vừa đủ với
nhu cầu. Hầy…tóm lại là…rất …khó đưa ra một cái giá nhất định…
- Ông
thử nêu lên giá cho mỗi định lượng xem
…- Người đàn ông lớn tuổi cười nhẹ.
- Dạ…còn
tùy… - Sầm quyết định thoái thác để “ đuổi khéo” khách ra khỏi hiệu thuốc, bởi
chỉ có cách đó mới khiến ông ta tĩnh tâm suy nghĩ – À mà tùy…có đúng thực là
sừng tê giác không?
- Muốn
biết thật không thì phải thử chứ? – người đàn ông lớn tuổi lên tiếng với vẻ
không hài lòng – Ông muốn thử cách nào?
- Dạ,
thường thì… người ta cho vài ba con gà ác uống thuốc diệt chuột, sau đó sẽ mài
sừng tê ra lấy tí bột để cho gà ác uống. Nếu gà ác được giải độc và sống khỏe
sau đó thì đích thị là …sừng tê giác thật – Sầm “ phác thảo” một kế hoạch để “
biến” ra khỏi nhà với mớ tờ rơi vừa kéo lụa in xong. Ông ta hiểu chỉ cần “ thủ
tiêu” mớ tang vật đó thì chẳng ai làm gì được mình. Đúng rồi, mượn cớ đi mua gà
ác để thử nghiệm, vòng ra cửa sau chở mớ tờ rơi đó đi bỏ vào bô rác là xong.
- Chúng
tôi có hàng mẫu đây – người trẻ tuổi hơn, mà Sầm biết chính là Trần Thanh An,
lên tiếng – Ông có thể mài ra thử tùy ý.
Người
trẻ tuổi rút trong chiếc samsonite một gói giấy, nhẹ nhàng mở ra và đặt lên
bàn… Chiếc sừng tê giác nằm gọn giữa một tờ giấy lằng nhằng chữ Hoa… Sầm Khắc
Thi choáng váng khi nhìn thấy nội dung của tờ giấy gói…
….
Chính
tôi cũng bàng hoàng khi Sầm Khắc Thi nâng chiếc sừng tê lên rỏi tờ giấy gói
ngoài cũng chính là tờ rơi tang vật…
Vì khuôn
mặt Sầm Xuân Yến đang hiện lên trên trang giấy…
Mặt cô
ta đanh lại, cặp mắt uất hận mở to, như muốn nhô ra khỏi mặt giấy.
Tôi nghe
Sầm Khắc Thi thét lớn, buông chiếc sừng tê rơi đánh CỐP xuống sàn gạch bóng
loáng của phòng khách hiêu thuốc Hồi Xuân.
…
Sầm rú
lên :
-
Sầm Xuân Yến! Tôi không giết cô. Mà là Quách
Múi…
-
Như vậy ông cũng không
phải là Sầm Khắc Thi. Đúng không? – Người đàn ông bán sừng tê đứng tuổi, mà giờ trở lại là đại
tá Hưng, cục phó Cục bảo vệ an ninh nội bộ và văn hóa tư tưởng lên tiếng – Bởi
chẳng ai gọi con gái mình như vậy cả.
Một kết
thúc quá đỗi bất ngờ, sau lời thú tội đột ngột của Sầm Khắc Thi.
Thiếu tá
Trần Thanh An bước ra, làm ám hiệu cho trinh sát an ninh quận đang giám sát mục
tiêu vào hiệu thuốc tham gia khám xét.
Cuộc
khám xét kết thúc lúc 17 giờ chiều ngày thứ năm 10 tháng 11.
Tang vật
thu hồi được là bàn kéo lụa và gần năm trăm tờ rơi có nội dung khiêu khích Việt
Nam.
Và kinh
hoàng hơn nữa, trong chiều sâu của chiếc xa-lông giường bằng gỗ trắc bá dưới
bàn thờ Thiên- Địa – Nhân ở hiệu thuốc
là một thi hài đàn ông được đắp sáp. Khám nghiệm pháp y cho thấy nguyên nhân
chết tự nhiên. Đây chính là ông Sầm Khắc Thi thật đã chết từ tháng 8 năm 2008
mà không hề được bà vợ kế Quách Múi báo tử với chính quyền địa phương để Sầm
Khắc Thi giả mạo đội lốt nhân thân. Cái chết của cô gái Sầm Xuân Yến chỉ là
bước tiếp theo để che giấu điều đó, bởi ông Sầm Khắc Thi khi còn sống không hề
nói cho vợ kế biết mình còn một đứa con gái riêng. Khi mẹ mất, Xuân Yến mới vào
thành phố này tìm cha và phát giác được sự giả mạo cha mình qua thông . Xuân
Yến đòi quyền quản lý tài sản và Quách Múi buộc phải sát hại cô ta bằng món mì
sợi nấu cùng Đoạn Trường Thảo.
Đoạn
kết
Sếp càu
nhàu :
- Lần
sau, với mấy cái vụ mật phục điều tra kiểu này, mày đừng có lôi tao theo nữa
nhé. Khi thấy mặt cô Xuân Yến hiện lên giữa tờ rơi, tao thiếu điều rớt tim ra
ngoài.May mà cái sừng tê trong tay cha nội Sầm rơi xuống không bị gãy, chứ có
bề gì tao chẳng biết lấy tiền đâu ra để mà đền.
Tôi phì cười
:
- Thì em
cũng có khá gì hơn anh đâu. Lạ nữa là Sầm Khắc Thi cũng thấy cô ấy. Sao bao lâu
nay, hắn không thấy mà chỉ thấy khi giáp mặt anh em mình nhỉ?
- Đừng
có mà lôi tao vào rọ với mày. Hắn chỉ thấy cô ta khi gặp con cú là mày thôi –
sếp trừng mắt.
Sau khi
Harisson nhận ra kẻ chỉ điểm để bắn Gonslaviz ở Hong Kong hồi mười lăm năm
trước chính là kẻ đang mang tên Sầm Khắc Thi, chúng tôi đã nhận được trả lời từ
C64 và tổng cục VII, dấu vân tay trên chứng minh nhân dân được công an quận 5
cấp lại do bị mất vào năm 2009 của Sầm Khắc Thi khác hoàn toàn với dấu vân tay
trên hồ sơ gốc mà Công an Quảng Ninh lưu giữ khi cấp chứng minh nhân dân lần
đầu năm 1978. Vụ đội lốt đã bị phát hiện, nhưng tôi đề xuất một “ đòn cân não”
là trao lại cho kẻ giả danh một tờ rơi do chính hắn làm ra, để hắn phải lật đật
lo tẩu tán giúp bắt quả tang cả người lẫn phương tiện in ấn. Bất ngờ xảy ra khi
cô gái Sầm Xuân Yến hiện lên trên tờ rơi gói ngoài chiếc sừng tê khiến mọi thứ
kết thúc ngay sau đó. Khi được lãnh đạo tổng cục khen ngợi vì phát hiện sớm vụ
việc tờ rơi, sếp khiêm nhường “ Cũng chỉ là một việc,và gặp may thôi ạ. Trên tờ
giấy báo bọc ngoài tờ rơi có ghi địa chỉ giao báo là đia chỉ hiệu thuốc Hồi
Xuân mà”.Ai ngờ sự khiêm nhường ấy làm nổ ra tranh cãi. Công an quận 8, An ninh
thành phố cự lại ngay, bởi họ tiếp xúc với mớ tờ rơi nọ trước và xem xét rất kỹ
nhưng nào có thấy dòng chữ ghi địa chỉ nọ bao giờ. Tức mình, sếp lôi tờ giấy
báo gói ngoài nọ trong phòng làm việc của mình ra để làm bằng thì ngã ngữa ra
vì dòng chữ 717F Triệu Quang Phục đã
không cánh mà bay biến đâu mất dạng…Thế là cả dàn lãnh đạo cười với điều mà họ
hiểu rằng sếp tôi vì khiêm tốn nên mới nói đùa vậy thôi. Tội cho sếp, tai nghe
họ khen mà miệng cười đau khổ, nghiến răng “ Vậy mới biết người quân tử không
nên nói đùa”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét