Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Bên mộ bia mình 6


                                                  
                                                Ba

Theo hồ sơ hộ khẩu gia đình ông Sầm Khắc Thi và Quách Múi – chủ căn nhà 717 F Triệu Quang Phục thì hai ông bà mua nhà và chuyển hộ khẩu về từ thị trấn Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh vào tháng 9 năm 2008. Họ chuyên buôn bán sỉ các mặt hàng thuốc bắc cho các đầu mối khu vực Đông Nam Bộ. Nói chung, gia đình họ bình thường như mọi gia đình người Việt gốc Hoa ở địa phương, nghĩa là thân thiện với mọi người và lương thiện với pháp luật. Những biên bản phạt vi phạm hành chính do chiếm dụng vỉa hè  để phơi dược liệu với gia đình này cũng nhiều không kém các giấy khen của địa phương vì thành tích nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ người nghèo. Và mục đích của tôi lại không phải là tìm đọc những thứ giấy má đó, bởi tờ rơi không hề được kéo lụa trên các văn bản ấy…Nhưng tôi không thể nói cho công an địa phương biết mục đích thật sự của mình.Lúc này, tôi chỉ tìm hiểu chứ chưa thể xác quyết bất cứ điều gì khác.
- Tóm lại thì không có gì khả nghi sao ? – tôi đặt câu hỏi.
Phó trưởng công an phường phụ trách an ninh xuôi xị :
- Ừ thì…nói vậy cũng được.
- Họ không có con cái gì à? – tôi hỏi.
- Không. Ông Sầm Khắc Thi có một cô con gái riêng với bà vợ trước ở ngoài Bắc, nhưng cô ấy chết rồi.
- Tại sao chết? – tôi “ bẻ lái” vào vấn đề này.
- Cổ tự tử. Nghe đâu vì buồn chuyện duyên tình. Cổ tên Sầm Xuân Yến.
- Khi cô Yến chết, có khám nghiệm tử thi không?
Viên sĩ quan ngồi trước mặt tôi im lặng.
- Tôi hỏi có khám nghiệm tử thi không? – tôi kiên trì nhắc lại.
Viên sĩ quan nổi cáu :
- Có chứ sao không? Hay anh nghĩ chúng tôi vô trách nhiệm đến mức quên cả nguyên tắc?
- Tôi không nghĩ gì cả - tôi lạnh lùng – Tôi chỉ muốn biết là cô Sầm Xuân Yến chết vì loại chất độc gì?
- Cô ấy uống dầu nóng. Loại dầu xoa bóp của chính tiệm Hồi Xuân – viên sĩ quan thở dài – Thanh niên ngày nay thật lạ. Buồn gì thì buồn, cớ gì phải tự tử? Báo hại ông Sầm cứ lo chạy ngược chạy xuôi xin đừng làm lớn chuyện tai tiếng này.
- Tại sao? – tôi hoài nghi.
- Anh không hiểu người Hoa bằng chúng tôi đâu – viên sĩ quan nhún vai – Họ rất ngại chuyện phải đi đến cơ quan công quyền, rất ngại việc nhà bị săm soi trên mặt báo…
- Điều ấy thì không chỉ người Hoa, mà người Việt cũng thế thôi – tôi phản bác – Cái tôi muốn biết là có mổ xác cô Yến để kiểm tra chất độc trong đó hay là không?
- Trời ơi. Lại còn phải thế nữa sao? – viên sĩ quan giơ cả hai tay lên trời như muốn phân bua – Mùi dầu nóng nồng nặc cả căn phòng cô ta ở tầng một, có viêm mũi cũng ngửi thấy sau đó cả tuần…Tự tử quá rõ ràng, người chết vẫn còn nằm đó.
- Có nhiều khi người chết vẫn nằm đó, nhưng không phải tự sát mà là bị ám sát đấy – tôi cau mày.
- Chẳng lẽ đồng chí nghi ngờ bà Quách Múi giết con chồng để chiếm đoạt gia tài? – viên sĩ quan châm biếm – Xin thưa, ông Sầm dù kinh doanh thuốc Bắc nhưng vẫn là lương y, tất nhiên ông ta phát hiện ra con mình bị giết vì loại độc gì chứ? Thế sao đến giờ bà Múi vẫn được yên thân? Về mặt đạo nghĩa, tôi rành người Hoa hơn đồng chí. Cứ cho là chuyện xấu trong nhà cần đóng cửa bảo nhau, nhưng với những tội ác đại loại thế này thì kẻ thủ ác đừng mong thoát sự trừng trị. Và sự trừng phạt từ chính người thân lại càng kinh hoàng hơn so với sự trừng phạt từ người thi hành pháp luật đấy.
Tôi im lặng. Về khía cạnh này, rõ ràng lý lẽ của anh ta có cơ sở hơn tôi.
Và với những gì tôi cảm nhận được trong cuộc trò chuyện nãy giờ, xem ra sẽ khó thuyết phục địa phương hợp tác về một cuộc trinh sát bí mật hoặc kiểm tra hành chính công khai với hiệu thuốc này.
Tất nhiên, mệnh lệnh có thể buộc địa phương làm điều ấy.
Nhưng thái độ miễn cưỡng tham gia của địa phương sẽ không đảm bảo bí mật cho công tác này cũng như hiệu quả của nó.
Và tôi thấy mình cần suy nghĩ lại cho một phương án trinh sát độc lập…Nhưng dù sao thì chuyến xuống địa bàn không uổng. Tôi đã có ảnh của Sầm Khắc Thi và Quách Múi qua tàng thư của đội quản lý hành chính và trật tự xã hội. Nắm 2009, ông Sầm Khắc Thi có cớ mất chứng minh nhân dân và đã làm thủ tục cấp mới lại.
Tôi quay lại cơ quan, chụp scan ảnh Sầm Khắc Thi và dấu vân tay của ông ta trong hồ sơ chứng minh nhân dân được cấp và chuyển cho sếp. Sếp cũng rất nhanh để xoay được chữ ký của trung tướng Dy tổng cục phó. Các tài liệu mau chóng được số hóa và khẩn cấp chuyển theo đường thông tin điện tử đến tổng cục VII[1], C 64[2] và Công an tỉnh Quảng Ninh…
Còn nửa giờ nữa mới hết giờ làm việc. Tôi quyết định đọc mail của Kim Su My…
                                              
                                                 *
                                    *          *          *
“ Một chàng trai vàng ngọc” – Hoàng Long Giao thầm đánh giá đối tượng đang ngồi trước mặt mình. Chính là Hắc Trân Châu mà Sầm Khắc Thi đã “ chuyển nhượng” lại cho ông ta. Chàng trai trạc ba mươi, nét mặt thanh tú nhu mì như một cậu sinh viên , nói giọng Bắc nghe thật ngọt ngào, lảnh lót. Nếu gặp anh ta với thường phục bên ngoài, khó ai nghĩ rằng đây là một sĩ quan cảnh sát, và lại càng không thể tin nổi rằng đó là một điệp viên của Sầm Khắc Thi.
- Việc ông đề nghị - Hắc Trân Châu nhìn thẳng vào mặt Hoàng Long Giao, nói rành rọt không chút ké né – Tôi cần phải suy nghĩ cho kỹ đã.
- Cậu cần suy nghĩ trong bao lâu? – Hoàng Long Giao gật đầu nhẹ với sự tự tin của người đi săn, khi thấy con mồi đã nằm gọn trong vòng vây bủa.
- Chưa biết – Hắc Trân Châu nhún vai – Có thể một ngày, một tuần, mà cũng có thể lâu hơn.
- Tuổi tác của tôi không cho phép chờ đợi một cái hẹn vô định – Hoàng Long Giao chép miệng.
- Đó là việc của ông. Còn tôi thì có cả tương lai ở phía trước để cân nhắc – Hắc Trân Châu cười nhẹ, nhón tay lấy một điếu thuốc lá và đưa lên môi.
- Cậu có nhiều, rất nhiều lựa chọn … - Hoàng Long Giao chầm chậm bật lửa cho người đối diện - Tôi không phải kẻ keo kiệt hay không biết trọng tình nghĩa.
- Tôi hiểu chứ - Hắc Trân Châu cười khẩy – Nhưng tôi không phải dân giang hồ như ông nên không cần phải tôn trọng tình nghĩa của dân trong giới. Còn nếu nói về tiền, thì chỉ có ý nghĩa nếu sống tự do được để mà hưởng cái thú xài tiền. Cho nên… tôi cần suy nghĩ đề nghị của ông.
“ Khải Minh của tao mà còn sống, thì mạng của thằng hám tiền như mày chỉ đáng với một lá đơn” – Hoàng Long Giao cắn nhẹ môi, thoáng nghĩ điều đó khi nhận ra bản chất kẻ đang ngồi trò chuyện với mình – “ Mày đơn giản chỉ là một kẻ hám tiền. Thằng cớm bẩn thỉu ạ. Dù sao, tao cũng không trách mày về sự lựa chọn ấy”.
Là chính trị gia trong giới Ma túy – Tình báo – Trộm cướp thế giới, tất nhiên Hoàng Long Giao không hề trách những kẻ gắn bó với mình vì tiền. Bởi hám tiền trong thế giới của ông ta lại là một ưu điểm chứ không phải khuyết điểm. Kẻ hám tiền không hề có chuyện cắn rứt lương tâm để mà “ phản phé”. Kẻ hám tiền biết sợ nguy hiểm để giữ mình cẩn thận nhằm đảm bảo thực thi phi vụ trót lọt và hoàn hảo. Kẻ hám tiền luôn  xem tiền của hắn quan trọng hơn tất cả nên các trò khống chế đe dọa người thân của hắn hóa ra vô nghĩa. Cuối cùng, thay vì mất thời giờ thuyết phục hắn làm ăn với mình bằng ân nghĩa kiểu Cập Thời Vũ Tống Giang kết hợp với những lời nịnh hót màu mè kiểu “ Chiêu hiền đãi sĩ” của thái tử Đan, thì chỉ cần một cuộc gặp riêng với một đống tiền đặt lên bàn là xong. Gã Hắc Trân Châu này không phải là ngoại lệ, chẳng qua hắn đang muốn giữ giá mà thôi. Càng nhìn hắn đang bình thản uống cốc – tai, Hoàng Long Giao càng thấy xót xa khi nhớ đến Hồng Trượng đã quá cố - nhà văn Khải Minh, người đã chọn tình nghĩa để gắn bó với sự nghiệp tội ác của ông ta và càng căm hận Trần Thanh An – kẻ đã gây cho ông nỗi mất mát không gì bù đắp lại được. Trần Thanh An phải chết và Hắc Trân Châu là kẻ sẽ phải làm điều ấy, chỉ thế thôi…
- Bao nhiêu tiền?
- Chụp ảnh Trần Thanh An và thu thập thói quen sinh hoạt của hắn là một việc – Hắc Trân Châu lắc đầu – Giết hắn là một việc. Đã thế, lại còn phải tuân theo các điều kiện kỳ lạ của ông nữa chứ, tôi chịu thua.
- Chính vì các điều kiện ấy, tôi mới cần người như cậu chứ - Hoàng Long Giao nhăn mày – Cậu có thể nêu cái giá của mình và tôi sẽ trả đúng.
- Giá của tôi – Hắc Trân Châu cười nhẹ - Bao gồm cả tiền và sự sửa đổi một vài điều kiện của ông.
….                                            
Kim Su My quả là một phóng viên điều tra nhà nghề. Trở lại Hàn Quốc mới gần tuần lễ, bà ta đã chuẩn bị cho tôi một kho tài liệu về Gonslaviz với mối liên quan đến Kalimantan và bầy khỉ Macacus…Càng đọc, tôi càng lạnh người vì tính nghiêm trọng của nó…Theo bản chụp scan trang sách Who is who phiên bản năm 1996 mà Kim Su My gửi kèm, tôi nhận ra Gonslaviz George – người đàn ông và bầy khỉ mà tôi đã nhìn thấy trong giấc mơ. Ông ta nguyên là chủ hãng Prefume and brothers-texile tại Macau – một doanh nhân lừng danh gốc Bồ Đào Nha, cũng là chủ tịch Hội Bảo vệ động vật hoang dã thế giới. Trong quá trình thám hiểm đảo Kalimantan ở vùng duyên hải Mã Lai, Gonslaviz đã tình cờ phát hiện một trại nuôi khỉ và kinh hoàng hơn nữa khi thấy hàng chục con khỉ Macacus có thể trạng như con người bị thiêu sống trên lửa.Những thước phim ông ta quay được đã khiến cho ông ta bị những thế lực đe dọa yêu cầu không được công bố. Ngày 16 tháng 10 năm 1996, sau cuộc đua xe trong lễ kỷ niệm thuộc địa Macau, Gonslaviz quay về Hong Kong trên ca nô cao tốc  riêng của mình và bị cảnh sát hoàng gia Hong Kong bắt giữ vì trên ca nô của ông ta có một chiếc va ly đầy chất gashish[3]. Qua xét hỏi, cảnh sát Hong Kong không chứng minh được Gonslaviz phạm tội buôn ma túy nên buộc phải thả ông ta và chiếc xuồng cao tốc của ông ta ra vào đêm 18 tháng 10. Sau đó vài giờ, người ta tìm thấy  Gonslaviz trong tình trạng bị bắn vỡ sọ trên chiếc xuồng cao tốc bơ vơ trên biển…Nhưng những kẻ ám sát ông ta chỉ giết được ông ta mà không ngờ rằng những tài liệu về Kalimantan đã được ông ta gửi lại cho giáo sư Von Wurmbrandt và vị giáo sư khả kính đã công bố nó. Sau vụ tai tiếng trên mặt báo này, trại nuôi khỉ ở Kalimantan ngừng hoạt động và nhà chức trách Mã lai thu hồi đất để đưa vào khu bảo tồn quốc gia. Khỉ Macacus được đưa vào sách đỏ thế giới… Các điều tra viên độc lập của Liên Hiệp Quốc sau đó đã tìm ra chứng cứ về các thử nghiệm vũ khí hóa học củng thuốc diệt cỏ trên các cá thể khỉ Macacus bị thiêu sống và nghiêng kết luận theo hướng “ cái chết của Gonslaviz là một âm mưu nhằm xóa dấu vết của CIA”. Thực hư thế nào chưa rõ, chỉ biết sau vụ này, sĩ quan  Dick Smagley – chỉ huy tác chiến Viễn Đông của CIA phải ra điều trần trước Ủy ban tình báo quốc hội Mỹ và bị thải hồi.
…Tôi tạm rời  mắt khỏi màn hình máy tính.
Và thầm nhẩm đếm thời gian.
Gonslaviz chết vào đêm 18 rạng 19 tháng 10 năm 1996 ở HongKong.
Phạm Tuyết Mai chết vào đêm 30 tháng 10 năm 1996 tại Seoul.
Cả hai vụ đều có liên quan đến Harisson – kẻ đang nằm trong B34.
Nhưng Phạm Tuyết Mai đã được giải thoát. Cô ấy không trở lại nữa, dù chỉ trong giấc ngủ của tôi.
Chỉ còn có Gonslaviz.
Kẻ bắn ông ta là Harisson. Cái đó đã đành rồi, dù hắn chưa khai nhận. Mà nhà chức trách Việt Nam cũng chẳng can cớ gì bắt buộc được hắn phải khai nhận điều đó.
Nhưng Gonslaviz đã nói gì trong giấc mơ buổi trưa của tôi nhỉ?
 Và sau đó, ông ta xô đổ mớ tờ rơi để lộ ra dòng chữ ghi địa chỉ hiệu thuốc Hồi xuân…
Kẻ đứng sau Harisson trong vụ ám sát tôi…đang ở trong hiệu thuốc Hồi Xuân
Tôi choáng người khi nghĩ đến một giả thuyết .
 Một giả thuyết khó tin
Nhưng chỉ có thể chọn mỗi một lối lý giải duy nhất ấy
Sầm Khắc Thi !


[1] Tên gọi tổng cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội
[2] Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội
[3] Tên một loại ma túy

Không có nhận xét nào: