Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

Trộm long tráo lươn thời ...hiện đaỊ




                                          
Thư riêng của Sherlocks Holmes gửi giám đốc nhà xuất bản Lá Cờ Thêu Sáu Chữ Vàng.
( Bản dịch thuộc bản quyền của Cục Bảo vệ chính trị 1 – A 62 Bộ Công An Việt Nam, nghiêm cấm trích đăng, đọc lén, coi ké…)
Kính thưa ngài.
Đầu thư, tôi xin có lời cảm ơn nhà xuất bản của ngài thường xuyên xuất bản những ghi chép về các chiến tích lặng thầm có một không hai của tôi cả trước cũng như sau khi công ước Bern có hiệu lực tại Việt Nam, dù có thanh toán tiền tác quyền hay không thanh toán tiền tác quyền, có đúng địa chỉ hay không đúng địa chỉ phụ trách. Với một thám tử từng phải lo giải quyết những vụ động trời tầm cỡ châu Âu như tôi thì đó là …chuyên nhỏ như con thỏ, huống gì từ khi được khai sinh lần đầu năm 1887, qua thế kỷ 21, tôi đã là người của thế kỷ trước và thân sinh của tôi là Sir Athur Conan Doyle cũng đã quá vãng hơn thời hạn thanh toán theo luật quy định. Tôi là Thám tử của thế giới còn ngài là họa sĩ giám đốc một nhà xuất bản của Việt Nam. Tôi luôn đắn đo về việc phải dùng kiến thức ở lĩnh vực nào để giải quyết vấn đề của mình, còn ngài thì phải suy nghĩ phải mua chuộc ai với bao nhiêu tiền để… có tiền. Như tên trùm bịp bợm Yellow Kid  Weil ở Hoa Kỳ đã từng viết trong cuốn tự thuật của mình về những nạn nhân của hắn “ Tôi chỉ nhận tiền từ những người có thể đảm đương nó và sẵn sàng tham gia với tôi trong những dự án mà họ hình dung là sẽ lừa được những người khác”, tôi hiểu được tâm lý của hắn qua những lời lẽ đó nên cũng phần nào mủi lòng với tâm trạng của ngài, nên dông dài như vậy chỉ để ngài hiểu thư này không phải thư đòi nợ và ngài vui lòng đọc tiếp phần kế tiếp dưới đây.
Chú em mèo máy Đô rê Mon gặp tôi trong Fahasa, có than thở vài điều khiến tôi ngẫm nghĩ và chợt phát hiện ra nguy cơ về một vụ tai tiếng lớn có ảnh hưởng đến quý nhà xuất bản mà ngài đang làm giám đốc. Tôi biết chú em Đô Rê Mon này từ hồi những năm 1993, lúc chú ấy còn mặc quần áo Xiêm La gia nhập làng sách Việt Nam. Hồi ấy, chú ấy trình làng độc giả Việt Nam với y phục dân tộc do nhà thiết kế Bùi Đức Lâm là tác giả. Các cuộc trình diễn của chú ấy bằng trang phục Việt của họa sĩ Đức Lâm đã giúp nhà xuất bản của ngài đủ vàng mà khắc nên sáu chữ vàng hiện tại, đồng thời một thế hệ trẻ em Việt Nam nay đã là người lớn gần ba mươi tuổi đã nhớ như in ấn tượng về trang phục ấy. Vậy mà hai năm nay, cũng chú mèo máy ấy với những cuộc trình diễn ấy và trang phục thiết kế “ vũ như cẫn” nhưng lại mang tên nhà thiết kế là Nguyễn Thắng Vu – người tiền nhiệm của quý ngài. Tôi xin lấy danh dự của một tín đồ Thanh Giáo mà xin Đức Thánh Cha tại Vatican cầu nguyện cho ông ta – một người được báo chí lề Đảng của quý vị gọi là “ Người tu giữa chợ”. Sau đó, tôi xin nêu ý kiến của chú em mèo máy Nhật Tảo, à không Nhật Bản với ngài rằng : Các cuộc trình diễn vẫn vậy với trang phục ngày xưa, nhưng chỉ vì các ngài không viết tên chú ấy theo lối phiên âm Việt Ngữ nước nhà là Đô Rê Mon, mà viết theo lối phiên âm Anh Ngữ là Doraemon thì tên nhà thiết kế có thể đọc chệch từ Bùi Đức Lâm sang Nguyễn Thắng Vu sao? Nếu đúng vậy xin ngài cho biết bộ phận biên tập của nhà xuất bản do ngài làm trùm đã sử dụng lối phiên âm nào và theo bộ chữ gì, bởi từ Germany phiên âm thành Nhật Nhĩ Man, Siberia thành Tây Bá Lợi Á ( lối Quan Thoại) thì tôi còn hiểu được, chứ cũng tên tiếng Việt đọc phiên âm lối Việt mà thành kết quả này thì ..tôi chịu không hiểu nổi, mặc dù ai cũng biết tôi là một thám tử hiếu học thuộc vào loại nhất nhì thế giới. Tất nhiên tôi không tin đây là lỗi biên tập vì sách cho thiếu nhi ở nhà xuất bản quốc gia của ngài làm sao có thể sai. Cho nên tôi tin rằng Bùi Đức Lâm chỉ là …một bút hiệu của ông Nguyễn Thắng Vu đã quá cố và với người đã chết thì mọi điều đã hết, kể cả bút hiệu, nên quý nhà xuất bản mới “ trả lại tên thật cho “ người sáng tạo thật sự” phục trang diện mạo Việt của chú em Mèo Máy Doraemon. Nhưng tôi chưa kịp thở phào nhẹ nhỏm để bái phục bản thân mình thì …tôi tình cờ phát hiện được cái tên Bùi Đức Lâm với dòng note hết sức hách xì xằng “CATCH ME IF YOU CAN!!!” trên Face Book Việt Nam ngày thứ sáu. Chỉ mới đọc qua thôi mà tôi đã điên người. Thú thật với ngài, tôi chưa thấy tên tội phạm nào táo tợn đến vậy. Hắn đã trốn ra Phan Thiết, lại còn lên FB tiết lộ tên Resort, thách thức “ Đố ai bắt được” kèm “ ba dấu chấm than”. Nóng mũi, tôi vào Thư Viện của Sở Thông Tin truyền thông Sài Gòn  đọc báo cũ để tìm tư liệu về hắn và hỡi ơi… Có một núi báo ca tụng thành công của các cuộc biểu diễn Doraemon ( xin gọi theo cách hiện giờ của các ngài) suốt thập niên 90 của thế kỷ trước kèm theo ảnh hắn – gã Đức Lâm ấy -  ngồi bên ông Nguyễn Thắng Vu. Chúa của Thanh Giáo vương quốc tôi ơi, như vậy tức thị là Bùi Đức Lâm và Nguyễn Thắng Vu là…hai người khác nhau. Các báo cũng có nhắc về bản thẩm định viết tay của hắn kèm đề án xuất bản phát hành Doraemon gửi NXB các ngài thời điểm ấy đã được ông giám đốc sáng suốt Nguyễn Thắng Vu “ sáng suốt tiếp nhận” ra sao…Khốn nạn hơn nữa, ngay lúc này gã Bùi Đức Lâm nọ còn là nguồi phụ trách chương trình biểu diễn của thằng nhóc mất dạy Shin – Cậu bé bút chì do nhà xuất bản của ngài kinh doanh nữa mới chết tôi chứ! Suýt chút nữa, vì yêu quý thiếu nhi Việt Nam của ngài mà tôi hố to rồi…Vì vậy mà tôi hết sức âu lo cho danh tiếng nhà xuất bản của ngài bởi ai  mà cấm được có đứa thối mồm rỉ tai chuyện “ trộm long tráo lươn …í lộn, tráo phụng” này cho hắn. Chuyện mà lớn lên thì không chỉ khổ người sống như ngài mà còn làm hại người chết như ông Thắng Vu nữa.Dù cùng hoạt động bí mật như nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, nhưng tôi nhắc ngài rằng chúng tôi có những điểm khác nhau cơ bản :
  1. Phạm Xuân Ẩn hoạt động bí mật cho nhà nước, còn tôi hoạt động bí mật cho…nhà tôi ( thám tử tư mờ lị)
  2. Phạm Xuân Ẩn giữ kín nguồn tin của mình cho đến chết với lý do “ Không chỉ làm lụy cho người đã chết mà còn có thể gây hại cho người sống”. còn tôi chủ trương phơi bày sự thật không chỉ vì người đã chết mà còn vì người đang sống. Việc vực dậy nhà xuất bản của các ngài đã là kỳ tích lẫy lừng của ông Nguyễn Thắng Vu, liệu ông ấy có cần ôm thêm tiếng tăm về công trình thiết kế trang phục Việt của Doraemon không?
Góp ý với ngài như vậy, chứ vì nhà xuất bản của ngài đã in bộ sách Sherlock Holmes thời niên thiếu nên tôi cũng có mấy ý sau đây ( Phải nói vậy trước khi tư vấn chứ tôi biết thừa các ngài nịnh tôi một cách khéo léo qua vụ in bộ sách ấy) :
Thứ nhất, các ngài nên… trả lại tên Đức Lâm trong các cuộc trình diễn của chú em Doraemon cho đúng với bản chất của vấn đề, để trẻ em cấp 1 hôm nay không phải tranh cãi với chú của chúng về vấn đề tác giả thiết kế phục trang trình diễn cho Doraemon.
Thứ hai, nếu vì thể diện lỡ làm sai thì không nên sửa vì… càng sửa càng sai theo truyền thống của nền chính trị quốc gia ngài, hãy khẩn cấp thực hiện hai việc : Đầu tiên là tiêu hủy ngay cái đề án thực hiện bộ Doraemon mà Đức Lâm đã viết tay gửi cho nhà xuất bản hồi những năm 1993 cùng với việc đốt hết phòng lưu trữ của Sở Thông tin truyền thông và Thư viện Khoa Học Xã hội  cả hai thành phố Hà Nội – Sài Gòn, thà đốt nhầm còn hơn để sót. Kế đó, hãy tìm một tay thợ đóng giày siêu hạng để…tặng Đức Lâm một đôi giày khiêu vũ có lót …đinh tẩm thuốc độc. Tôi dò biết được ngoài bà vợ Thiên Nga ra, gã họa sĩ Đức Lâm này chỉ dám mê khiêu vũ và ta sẽ tấn công vào cái gót chân A- Sin này của hắn theo đúng nghĩa đen của từ đó. Người chết không thể nói được và ngài có thể mặc tình nói xuôi nói ngược sao cho …thích hợp với tình hình. Tôi tin rằng với cách hành xử “ vô độc bất trượng phu này”, tên của ngài sẽ nằm ở vị trí Nhà Thiết Kế trang phục Việt cho những lần Doraemon trình diễn sau mười năm tới chứ không phải ông Thắng Vu nữa đâu. Mà dù tệ đi nữa thì ngài sẽ đứng tên tổ chức chương trình Shin – Cậu bé bút chì ở Việt Nam sau chừng …hai ba mươi năm nữa. Khửa khửa. Lẽ phải thuộc về người biết nắm lấy thời cơ mà… Hà hà.
Xin trân trọng kính chào ngài và xin gửi đến ngài lời cầu nguyện thiết tha với giáo hoàng La mã của một tín đồ Thanh Giáo như tôi, cho một tương lai xán lạn đang chờ ngài nơi… nơi nào xin ngài cứ chọn. Amen.

Không có nhận xét nào: