Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

Bên mộ bia mình -3


                                           
                                                    Hai
Tôi cất tờ rơi “ của nợ” theo nhiệm vụ vào cặp, xin phép sếp đi ngay.
Sếp cũng đã dặn để tôi yên tâm rằng mình luôn được đồng đội bảo vệ.
Nguy hiểm gì thì cũng phải lo công việc. Và tôi gặp Bạch Thanh Quang, vừa để thỏa cái tò mò về chuyện mình được đặt mộ bia, vừa muốn hỏi ý kiến anh ta về tờ rơi chữ Hoa này. Nghề nghiệp dạy tôi rằng không nên xem thường những ý kiến cá nhân cảu người ngoài cuộc, bởi  dù có thể những ý kiên ấy sai nhưng lại có tác dụng giúp mình tìm ra hướng đi đúng…
Bạch Thanh Quang đón tôi trước khu Cửu Huyền, với cái bắt tay vồn vã :
- Mừng gặp lại ông.
- Cảm ơn – tôi cười gượng – Vui vì thấy ông đã hồi phục. Sao? Ông tìm thấy cái món đáng sợ nọ ở chỗ nào thế?
- Đây. Xin đi theo tôi – Bạch Thanh Quang đưa tay về phía trước dẫn đường.
Tấm mộ bia ghi tên tôi nằm ngay dưới chân tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát. Chỉ là một tấm bia nhỏ bằng đá bột, diện tích cỡ 16 x 24 cm. Dòng chữ “ Trần Thanh An – sinh ngày 20  tháng 9 năm 1972, mất ngày… tháng… năm 20.., nhằm ngày….tháng…năm Âm Lịch….Hưởng dương … tuổi” như một lưỡi dao thọc thẳng vào ngực tôi. Rõ ràng kẻ đặt tấm bia này ở đây không hề có ý chờ tôi đến ngắm để khủng bố tinh thần, mà hắn tin chắc sẽ làm được điều đó. Và tuy đã được lãnh đạo thông báo rằng mình đang được bảo vệ 24/24, nhưng tôi cũng tự hiểu rằng không có gì là tuyệt đối và mức độ hiệu quả của công tác ấy sẽ phải giảm dần theo thời gian và ai mà biết được kẻ ám toán ra tay vào lúc nào, với biện pháp nào cơ chứ?
- Ông sợ phải không? – Bạch Thanh Quang hỏi kèm một tiếng thở dài.
- Vâng. Tôi sợ - Tôi đáp một cách thành thật, nhẹ nhàng đặt tấm bia mộ chính mình xuống chân bệ tượng – Ông có biết gì thêm không?
- Hòa thượng giữ khu Cửu huyền nói là có một người đàn ông mang đến, xin gửi hai triệu tiền cúng dường để xin phép đặt tấm bia này ở đây. Khi nào người trên bia từ trần, sẽ thông báo để nhờ chùa khắc lên ngày tháng năm mất nhằm cầu cho vong hồn người ấy siêu thoát.
- Ra thế - tôi chép miệng – Như vậy có nghĩa là người ta muốn tôi sớm siêu sinh tịnh độ.
- Bọn Huynh Đệ Hội? – Bạch Thanh Quang thảng thốt.
Tôi gật đầu.
- Hay ông và gia đình tạm lánh đâu đó một thời gian? – Bạch Thanh Quang dè dặt nêu ý kiến.
- Đâu đó là đâu? Thời gian bao lâu? – tôi cười gượng, lắc đầu để bác bỏ ý kiến nọ và nói như để trấn an chính mình – Ông cũng đừng quá lo. Làm nghề của tôi, bị đe dọa tính mạng là thường. Kiểu khủng bố tinh thần này là nhẹ đấy.
- Không phải khủng bố tinh thần – Bạch Thanh Quang nhún vai – Bởi họ không gửi tấm bia mộ này đến cơ quan ông hay về nhà ông, mà đem đến chùa đặt chung với khu thờ người chết, nghĩa là họ tin chắc sẽ giết được ông đó.
Tôi thoáng giật mình. Rõ ràng Bạch Thanh Quang cũng đã nhận ra điều đáng sợ mà tôi đang cố che giấu.
- Thế nếu ông là tôi, thì ông sẽ xử lý thế nào? – Tôi hỏi và mỉm cười với ý nghĩ hài hước thoáng qua “ công an như mình giờ lại nhờ dân thường tư vấn”.
- Tôi tìm người bảo vệ tin cậy, di chuyển bằng xe bọc thép, thường xuyên thay đổi lộ trình – Bạch Thanh Quang nói một mạch không cần suy nghĩ.
- Chỉ có nguyên thủ luôn lo giải quyết chuyện quốc gia đại sự mới có tiêu chuẩn đó. Còn tôi chỉ là anh cán bộ quèn với những công việc nhỏ nhoi – tôi  lại cố cười để khỏa lấp sự căng thẳng.
- Với những gì ông và đồng đội của ông đã làm, ít nhất qua việc gia đình tôi thì …không thể nói là nhỏ nhoi – Bạch Thanh Quang nói mà hai mắt hoe đỏ.
- Xin ông … Ta đừng nhắc chuyện cũ nữa … Ra ngoài này một lát. – Tôi đề nghị.
- Chiều thứ sáu, mời ông sang nhà vợ tôi bên quận 8… Chúng tôi có một bàn chay cầu siêu cho vợ tôi – Bạch Thanh Quang lên tiếng.
Hai chữ “ quận 8” khiến tôi giật mình nhớ lại nhiệm vụ tờ rơi đang đeo đẳng. Tôi hỏi :
- Bên ấy có nhiều người gốc Hoa không?
Bạch Thanh Quang cau mày : - Tại sao ông phải hỏi vậy?
- Xin ông trả lời tôi trước đã.
-  Có người Hoa lẫn những người Việt ở miền Bắc di cư vào Nam năm 1954. Nhìn chung thì họ đều nghèo. Không như người Hoa ở quận 5 sống bằng nghề buôn bán, người Hoa ở quận 8 làm lao động các nghề may, cơ khí phụ tùng…
- Theo ông, họ có dễ bị kích động không?
- Vấn đề là cái gì kích động? – Bạch Thanh Quang bật cười – Tôi sắp bị kích động tính tò mò vì những câu hỏi của ông đấy.
- Cái này chẳng hạn ! – tôi mở cặp, đưa cho Bạch Thanh Quang tờ rơi thu hồi được – Ông đọc thử xem.
Bạch Thanh Quang đọc lướt qua nội dung tờ rơi bằng chữ tượng hình rồi lắc đầu, cười nhẹ. Cặp mắt tinh anh của ông chủ trẻ thoáng hiện nét chế giễu qua đôi tròng kính trắng :
- Cái bài viết hung hắng này trên Thông tấn Bình Luận Đại Lục tôi có đọc hồi tháng sáu rồi. Người ta có mõm thì người ta cứ sủa. Những lời thế này chẳng kêu gọi được ai đâu, đặc biệt là dân lao động. Các ông mất thời gian cho thứ này làm gì?
- Ông đánh giá quá thấp yếu tố chính trị của nó đấy.- tôi hơi phiền lòng.
- Có thể, vì tôi là doanh nhân. Nhưng nói thật nhé, trong thời buổi này thì những bài viết trên mạng internet đáng để lo ngại hơn, bởi nó tác động vào giới trẻ và trí thức.
- Đây là một bài trên internet, nghĩa là kẻ phát tán muốn cả giới lao động bình dân cũng bị cuốn vào – tôi cười – Thế cho nên tôi mới tham khảo ý kiến của ông.
- Các ông tìm ra tác giả vụ này chưa? – Bạch Thanh Quang hơi giật mình, cầm lại tờ rơi, săm soi.
- Đang tìm – tôi cũng thấy vui vui khi nhận ra chàng doanh nhân xứ Đài cũng có máu thám tử khi xem xét mặt trước, mặt sau tờ rơi rồi lấy ngón tay miết lên lưng giấy – Ông hứng thú với nó đến thế à?
- Về nội dung thì không, vì tôi đã đọc lâu rồi – Mắt Bạch Thanh Quang long lanh ánh nhiệt tình – Nhưng về hình thức thì rất thú vị.
- Phương pháp in kéo lụa thủ công trên giấy có gì mới đâu? – tôi nhún vai, thầm chê bai việc “ tìm ra châu Mỹ”[1]của anh chàng.
- Không phải vụ đó. Mà là giấy in kìa.
- Giấy in? – tôi tròn mắt ngạc nhiên.
- Vâng. Đây là loại giấy dùng để gói thuốc trong các tiệm thuốc bắc – Bạch Thanh Quang khoái chí khi thấy tôi ngỡ ngàng – Ông ngửi thử xem.
Tôi đưa  mặt gáy của tờ rơi nọ lên sát cánh mũi và thử hít nhẹ theo hướng dẫn của Bạch.
Một làn hương nhẹ, mảnh men theo khướu giác tối…
Đúng là rất nhẹ, nếu không tinh ý sẽ bị lẫn với mùi mực in kéo lụa.
- Mùi quế đấy – Bạch Thanh Quang tiếp lời – Loại giấy đơn này thường có mùi hăng, nếu đã dùng để gói thuốc thì sẽ sặc mùi thuốc và dúm dó. Cho nên…
Bạch Thanh Quang buông lửng phần còn lại của câu nói.
Nhưng tôi đã hiểu ý anh ta.
Tờ rơi này vẫn phẳng, nghĩa là chưa hề được dùng để gói thuốc.
Nhưng vẫn phảng phất mùi quế sau khi kéo lụa nội dung lên mặt trên…
Nghĩa là giấy kéo lụa đã được trữ rất lâu gần các vị thuốc bắc nên mới nhiễm mùi.
Và cũng không thể loại trừ việc kéo lụa tờ rơi này được tiến hành trong một tiệm thuốc bắc.
Không thể ngờ được rằng tôi tìm ra được lối đi mới sớm đến thế…
Và lại vào lúc đang đứng bên tấm bia mộ của chính mình.
Cũng vào lúc ấy, tôi nhìn thấy cô ta.
Một cô gái tuổi chừng hai mươi ba có khuôn mặt trái xoan…
Cô ta hiện lên ngay trên tờ rơi bằng chữ Hoa mà tôi đang cầm.
Hay nói đúng hơn, tôi nhìn thấy cô ta ở chiều sâu bản giấy, sau những dòng chữ tượng hình. Như bao nhiêu hình ảnh ma mị mà tôi đã gặp, cô ta có cặp mắt u buồn quen thuộc…
Tôi như bị hút hồn vào đằng sau hư không của tờ rơi trong tay mình.
                                   


[1] Thành ngữ ám chỉ việc “ tìm thấy những điều ai cũng biết rồi”

Không có nhận xét nào: