Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Bên mộ bia mình -1


                              
                                            BÊN MỘ BIA MÌNH
                                                           
                                                      Một
Người đàn ông mặc bộ ka ki vàng, đội chiếc nón cát tên là Gonslaviz và bầy khỉ cứ lảng vãng trong tâm trí tôi. Ông ta đã cùng Phạm Tuyết Mai hiện ra trong giấc mơ để báo nguy  về một sát thủ có ý định ám hại tôi. Cũng chính sát thủ ấy là kẻ thiếu nợ họ. Và sát thủ ấy đã bị bắt giữ. Hắn chính là Harisson[1]- một cựu điệp viên thuộc vụ tác chiến Đông Á của CIA thời chiến tranh lạnh.
Harisson khai nhận có ý định ám sát tôi, dù không thành công. Về tội danh này, hắn sẽ còn nhiều thời gian ngồi với C45 của Việt Nam để giải bày.
Harisson cũng đã khai nhận chính mình đã thiêu hủy xác Phạm Tuyết Mai, dù kẻ sát nhân là Park Yoeng Sik. Tro hài cốt của Tuyết Mai đã được hồi hương, Park Yoeng Sik đã trở về Hàn Quốc để chịu sự điều tra của nhà chức trách sở tại về vụ án nọ.
Nhưng hắn không nói gì đến cái tên Gonslaviz.
Cũng chẳng nói gì đến bầy khỉ Macacus ở đảo Kalimantan xứ Mã Lai.
Ấy vậy mà trong giấc mơ, chính Gonslaviz nói rằng Harisson chính là kẻ thiếu nợ ông ta.
Nhưng tôi không thể đem giấc mơ của mình để làm cơ sở cho một cuộc xét hỏi.Nhất là khi vụ việc ân thù này chắc chắn không hề xảy ra tại Việt Nam.
Vậy mà giờ thì Gonslaviz và bầy khỉ của ông ta đang nhìn tôi áy ngại, cứ như thể dò xem tôi còn sống hay không. Tiếng chí chóe của bầy khỉ Macacus khiến tôi không thể yên tĩnh nhắm nghiền mắt mà suy nghĩ được lâu hơn nữa…
- Ông mệt mỏi rồi sao?
Gonslaviz hỏi tôi với cái vẻ giễu cợt của người lớn khi đánh đố trẻ con bằng những câu hỏi của họ.
- Tôi không mệt mỏi với những gì mình không quan tâm – tôi cáu kỉnh trả đũa.
Gonslaviz nhăn mặt, rồi hơi khom người, ngồi xuống bên hiên tường rào hoa giấy nhà tôi, nói với vẻ thất vọng :
- Ấy vậy mà tôi tưởng ông quan tâm.
- Tôi không hành nghề thầy pháp, nên không bao giờ quan tâm đến những hồn ma…Tôi buộc phải thấy Tuyết Mai vì đã cầm tấm ảnh chụp cô ấy, nhưng…tại sao tôi phải nhìn thấy ông? – tôi vừa cười gượng, vừa trả lời.
- Vì hai chúng tôi có cùng một kẻ thiếu nợ.
- Ân nợ quá khứ bao đời ràng qua buộc lại, bao giờ mới gỡ hết – tôi ngán ngẫm – Giờ thì mối đe dọa với  tôi là Harisson đã bị vô hiệu. Ông nói cho tôi nghe được rồi chứ?
- Nghe việc gì? – Gonslaviz nheo mắt.
- Việc tôi nhìn thấy ông cùng Phạm Tuyết Mai và bầy khỉ.
- Chính xác hơn là tôi và bầy khỉ cùng xuất hiện với cô Tuyết Mai – Gonslaviz tắc lưỡi –  Từ khi chết đi vào năm 1996, tôi không hiểu sao mình vẫn còn vương vấn lại chốn thế tục này, để gặp cô ấy vào tối ngày 27 tháng 10 như ông đã biết. Và chúng tôi cùng …hợp tác để buộc Harisson lộ dấu vết.
- Harisson giết ông?
- Hắn chỉ là người bắn – Gonslaviz chép miệng – Còn kẻ đứng sau hắn kìa.
- Ai vậy?
- Tôi đang tìm, nhưng tôi lạc dấu  từ năm 1998…
- Ông kể cho tôi nghe toàn những việc không ra đầu ra đũa thế thì tôi biết phải làm gì bây giờ? – tôi nhăn mặt – Tôi chỉ là một anh công an Việt Nam, tôi đâu thể lục tìm các tội ác ở những quốc gia khác.
- Ông sẽ tìm được mà… Chỉ cần ông tập trung vào Harisson.
- Nhưng tìm được để mà làm gì? – tôi gắt - Ở Việt Nam này, với tội âm mưu sát hại tôi, hắn sẽ bị tù, xong sẽ bị trục xuất. Theo tôi đoán thì hắn giết ông ở nơi nào khác chứ không phải Việt Nam, chả lẽ phải gửi hồ sơ  lời khai của hắn về vụ ám sát ông cho cảnh sát quốc gia đó à?
- Tại sao lại không? – Gonslaviz cười buồn – Vì chắc chắn còn người đứng sau hắn trong vụ ám sát tôi mà. Và kẻ đó là…một người Trung Quốc.
Dứt lời, Gonslaviz đứng dậy, vẫy tay cho bầy khỉ đột. Ông ta và lũ khỉ thoáng chốc đã lướt xa về phía đường chân trời…
Tôi vừa dợm đứng dậy thì như bước hụt chân, loạng choạng như đang rơi vào một khoảng không đen ngòm, sâu hút tựa vực thẳm…
… Và lại giật mình thức dậy…
… Trong cảm giác nửa mừng vui vì đó chỉ là một giấc mơ, nửa băn khoăn vì không được giải đáp ngay điều mình thắc mắc ngay trong lúc ngủ.
Đối diện với thực tế, tôi đang sống và phải cùng chia sẻ gánh nặng cuộc sống gia đình với vợ như bao nhiêu người chồng khác. Trước công việc, tôi phải tròn mọi trách vụ của mình theo luật pháp, đúng lương tâm nhà nghề. Nguy hiểm nếu có thì vẫn là một phần của công việc, bởi nghề nào mà chẳng có tai nạn lao động? Nhưng mối nguy hiểm mà tôi chuốc lấy từ phía Huynh Đệ Hội có đáng không?[2] Tự dưng trở thành đối tượng trừng phạt của Hoàng Long Giao – kẻ đứng đầu tổ chức ấy? Trong tin nhắn gửi từ Thụy Điển đến đe dọa tôi, rõ ràng Hoàng Long Giao đã hiểu rõ tôi chỉ làm đúng chức trách của mình, nhưng ông ta ( hay bà ta, cô ta) buộc phải trừ khử tôi để báo thù cho thù hạ của mình là Hồng Trượng. Bởi vì Hồng Trượng gắn bó với Hoàng Long Giao vì nghĩa tình chứ không vì tiền bạc. Và mấy tháng nay, tôi đành âm thầm chấp nhận cái lý sự nghĩ có hơi gàn dở nhưng cũng khá hiệp nghĩa của giới hắc đạo xa xưa… Harisson cũng đã khai Hoàng Long Giao ra lệnh cho hắn chỉ được phép trừ khử mỗi một mình tôi, không được làm vạ lây đến bất kỳ ai khác. Kể ra kẻ chủ mưu cũng quân tử đấy, nhưng liệu còn giữ được sự mã thượng ấy bao lâu, nếu cứ thất bại liên tiếp? Nửa nằm nửa ngồi trên giường, liếc sang nhìn Phương đang ngủ say, tự nhiên tôi thấy chạnh lòng… Vợ và con gái tôi đâu có được đào tạo để chịu đựng cảnh bị đe dọa bao giờ?... Và cả tôi nữa. Tôi thấy mình đâu có tội lỗi gì để phải chuốc cơn Thần Hòa Bệnh cứ nổi lên bất chợt, để phải lục tìm trong tro bụi quá khứ những tội lỗi đã vô tình hay cố ý bị lãng quên, để rồi lâm vào tình cảnh bị đe dọa thế này?
Hãy quên tất cả đi chăng?
Quên những giấc mơ, những câu chuyện trong mơ!
Quên luôn cả những hồn ma bất chợt hiện ra chỉ trong đáy mắt mình.
Đừng trò chuyện với họ, dù chỉ trong tâm tưởng.
Nhưng như thế thì liệu có yên được hay không?
Chắc là không. Bởi các bóng ma lại vẫn tìm mình.
Chỉ cần có một mối liên quan vô cớ.
Và tôi giật mình chợt nhớ… Đúng rồi !
Tờ lịch tường in ảnh lũ khỉ Macacus trong khu bảo tồn Kalimantan cở Mã Lai đêm 27 tháng 10 đến giờ vẫn đang nằm trên bàn làm việc của tôi ngoài phòng khách, dù đã sắp bước vào trung tuần tháng 11.Trong giấc mơ đêm đó, tôi gặp lại Phạm Tuyết Mai và Gonslaviz cùng bầy khỉ Macacus trong bối cảnh khu bảo tồn Kalimantan. Hồn ma Phạm Tuyết Mai đi theo tôi bằng tấm ảnh chụp cô ấy với các bạn lao động nữ theo hồ sơ Kim Su My trao. Còn Gonslaviz và bầy khỉ, chẳng lẽ đã đi theo tôi qua hình ảnh tờ lịch này?
Tôi đứng dậy, bước ra ngoài bàn làm việc của mình.
Đúng tờ lịch vẫn nằm đó, ngay trên đầu CPU máy tính.
Tờ lịch ấy có hình mấy con khỉ đột giống y hệt những con khỉ đột đi cùng Gonslaviz mà  tôi vừa thấy trong mơ. Chúng đứng trong rừng rậm, xa xa là mặt trời đang nhô lên từ biển. Tôi lật đật nhìn dòng chữ phụ chú bên dưới hình ảnh : Rừng rậm nhiệt đới đảo Kalimantan ( Mã Lai) với những con khỉ Macacus có thể trạng như người đã được đưa vào sách đỏ ( năm 1988).
Tôi có nhờ Kim Su My kiểm tra về cái tên Gonslaviz, khỉ Macacus và Kalimantan. Nữ tác giả đã hứa sẽ giúp đỡ và trả lời qua thư điện tử trước khi về lại Hàn Quốc. Tôi tin sớm muộn gì cũng sẽ có kết quả, nhưng giấc mơ này như một điềm báo rằng có thể câu trả lời sẽ đến sớm hơn…
Tôi cho tờ lịch nọ vào cặp.
Tôi làm thế như một thói quen nhắc mình nhớ.
Mặc dù hiện thời thì tôi cũng chưa biết mình sẽ làm gì với nó.
Nhưng tôi tin rằng sẽ có những dấu vết dẫn đường cho mình, có thể chỉ là ngẫu nhiên trong cuộc sống, nhưng lại là tất nhiên về nhân quả. “Mọi con đường đều về La Mã” – người xưa chẳng đã nói vậy về tính tất thắng của cái thiện, của chân lý hay sao?
.
Giờ tôi khởi động cho bài tập thể lực buổi sáng. Thật may vì trời không mưa.
                                                            *
                                                *          *          *
Buổi sáng hôm thứ tư, 09 tháng 11 năm 2011, chùa Kỳ Quang 3 đón một vị khách sang trọng đến thăm chùa trên một chiếc Mercedez – Benz màu đen đời mới nhất. Vị khách đó là một người châu Á dáng  thấp và đậm, nhưng rắn chắc. Mái tóc bạc cắt ngắn cho thấy ông ta tuổi đã xấp xỉ tám mươi. Gương mặt ông ta trông thật nhân hậu, với nụ cười hiền lành đến ngô nghê thường trực trên đôi môi. Những nếp nhăn trên trán ông ta không chỉ gợi cho người đón tiếp ấn tượng về một người từng trãi sóng gió cuộc đời mà còn phải thoáng vì nể bởi vốn liếng kiến thức như đang khắc theo đó. Trừ đôi mắt sáng quắc tinh anh và cặp lông mày đậm khá “dữ tướng” ra, nếu thoạt nhìn, ai cũng nghĩ đây là  một quan chức về hưu, một thương gia thành đạt hay cao hơn là một vị tướng chế độ cũ giờ là Việt kiều về thăm quê, bởi vì ông ta nói tiếng Việt  bằng giọng miền Nam rặt. Nhưng dù có nghĩ thế nào thì cũng sai, bởi ông ta chưa hề cho mình được nghỉ hưu, và ông ta vừa là một thương gia với hàng hóa là tội ác ở đẳng cấp cao khoác dáng vẻ hào nhoáng, vừa là một vị tướng quân trong bóng tối, vừa là nhà chính trị trong thế giới Ma túy – Tình báo – Trộm cướp trên thế giới. Ông ta – người có dáng ngoài hiền hậu này chính là Hoàng Long Giao, thủ lĩnh của Huynh Đệ Hội. Và hôm nay ông ta đến đây không phải  chỉ để thăm chùa ( dù người lái xe của ông ta nói với hòa thượng trụ trì như vậy) mà là đến với hũ tro hài cốt của Tạ Vân Doanh – tức nhà văn Khải Minh, cũng là nhân vật từng giữ vị trí Hồng Trượng của Huynh Đệ Hội hơn ba tháng trước…
Sau khi thắp hương trên chính điện và cúng dường Tam bảo, Hoàng Long Giao thơ thẩn dạo qua sân sau, vào khu Cửu Huyền và thắp hương nơi bàn thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát. Xong, ông ta xin phép vị hòa thượng giữ khu Cửu Huyền được dọn riêng một mâm cơm cúng người thân có hài cốt được thờ tại đây. Yêu cầu chính đáng này được chấp nhận. Hoàng Long Giao trải một vuông vải điều đỏ trước sân, rồi thật nhẹ nhàng, cẩn thận, nâng chiếc bình gốm đựng tro hài cốt của Khải Minh ra, đặt lên đó rồi lau rửa bên ngoài bằng rượu trắng. Sau đó, ông già hiền hậu ấy lại trải một tấm vải điều đỏ khác to hơn để đặt chiếc bình hài cốt vừa lau rửa xong vào. Người lái xe của ông ta mau chóng bày ra mấy chiếc chén, một chiếc dĩa đựng trái cây, một chiếc lư hương nhỏ chứa sẵn tro rồi thắp nến… Sau khi thắp hương,  Hoàng Long Giao quỳ xuống rồi nhìn chăm chú vào gương mặt Khải Minh được gắn vào chiếc bình đựng tro hài cốt…
- Hôm nay tôi đến với chú đây – Hoàng Long Giao thầm thì – Chú tắm mát chứ?
Trong ảnh, Khải Minh vẫn cười với dáng vẻ nửa miệng, hoài nghi quen thuộc.
- Tôi thật có lỗi vì đến bây giờ, hơn một trăm ngày rồi mới đến thăm chú với những thứ lễ này, trong khi vật tế hiến lớn nhất là Trần Thanh An thì lại chưa có được. Tôi biết chú sẽ không trách tôi, nhưng tôi không thể nào ngừng tự trách mình đâu. Bởi tôi nợ chú một lựa chọn khi chú nhập hội. Giữa tiền bạc và tình nghĩa, chú đã chọn tình nghĩa. Chú đã vì Huynh Đệ Hội mà chết, tôi buộc phải vì chú mà trả thù. Đã đành đời ai cũng một lần chết, nhưng …tôi coi chú như con. Làm sao tôi chấp nhận được tổn thất này, khi tôi vừa mất đi cộng sự mình yêu thương nhất, vừa mất đi người có khả năng kế thừa trách nhiệm Hoàng Long Giao khi tôi mãn phần, vừa mất đi phần tình cảm hiếm có ở người trong giới của chúng ta từ một người như chú…
Mắt Hoàng Long Giao giờ đã rớm lệ, không rõ vì xúc động hay vì hương khói làm cay mắt… Ông ta nâng ba nén hương lên cao quá đầu, khấn :
- Bây giờ tôi lại phải kiêm nhiệm vai trò của Hồng Trượng. Nhưng tôi xem việc trả thù cho chú là việc riêng, không ảnh hưởng gì đến Huynh Đệ Hội ta. Chú  hãy yên nghỉ. Ông già này sẽ không để chú phải chờ đợi lâu đâu. Hoặc Trần Thanh An  phải đến chỗ chú trả nợ, hoặc tôi phải đến chỗ chú để tạ lỗi. Không được thế thì tôi thề sẽ chẳng bao giờ dám đến nơi này giáp mặt chú.
 Sau khi thốt ra những lời thì thầm đáng sợ, ông già dáng ngoài hiền hậu xá lạy trước bình hài cốt, cắm ba nén hương vào chiếc lư hương bày trên vuông vải điều đỏ… Đoạn ông ta rót chai rượu mạnh mang theo vào mấy chiếc chén cho đến cạn …Hương Camus thoang thoảng trong hương khói, từ những giọt rượu chảy tràn ra ngoài vuông vải, thấm hẳn lên mặt sân lót gạch tàu…
…  Sau khi cúng bái xong, ông già hiền hậu xin chùa Kỳ Quang 3 “ để dành” cho một góc để đặt một tấm bia nhỏ. Ông giải thích : “ Thằng cháu tôi đang bệnh nặng, chẳng biết ngày nào tạ thế. Thôi thì cho tôi gửi sẵn tấm bia cho nó ở đây, để nếu việc không hay xảy ra thì cũng có pháp lực chư tăng cầu siêu cho vong hồn của nó”. Lời lẽ khiêm cung, lại cộng với sự hào phóng qua chiếc phong bì tiền cúng dường hậu hĩnh đã khiến hòa thượng trụ trì xiêu lòng. Hòa thượng ân cần dặn “ Khi nào cháu ông mất, nhớ báo cho chùa để chạm ngày tháng năm mất lên bia, đặng còn biết ngày mất mà cúng thất, cầu siêu như với bao vong hồn khác”. Ông già hiền hậu mỉm cười héo hắt “ Mô Phật, xin vâng lời thầy chỉ bảo. Cảm tạ thầy đã giúp đỡ gia đình chúng tôi”
… Tấm bia mộ nhỏ nhắn đó đúng là chưa có ghi ngày mất của người có tên khắc bên trên, nên hòa thượng trụ trì dặn phải bọc lại bằng giấy đỏ và úp mặt vào trong chân tường ở khu Cửu Huyền. Tấm bia nọ ghi : “ Trần Thanh An – sinh ngày 20  tháng 9 năm 1972, mất ngày… tháng… năm 20.., nhằm ngày….tháng…năm Âm Lịch….Hưởng dương … tuổi”
Xong việc, Hoàng Long Giao cáo từ và ra xe. Trên đường quay về nội thành qua ngã cầu xa lộ Sài Gòn, ông già hiền hậu mãi suy nghĩ về người có thể giúp ông ta xác định chính xác những chữ số cần phải điền vào mấy vị trí còn bỏ trống trên tấm bia mộ nọ. Ông ta đang đi tìm người đó.
Kẻ ấy sẽ quyết định  ngày giờ xảy ra cái chết của mỗi cá nhân thiếu tá an ninh Trần Thanh An. Như truyền thống của Huynh Đệ Hội, Hoàng Long Giao không bao giờ muốn nhúng tay trực tiếp vào tội ác mà ông ta chỉ cần ra lệnh. Hay nói đúng hơn, tiền của ông ta sẽ ra lệnh cho tên sát nhân. Ông ta đã thất bại một lần trong vụ thuê một sát thủ đẳng cấp cao nhưng là người nước ngoài như Harisson, giờ ông ta cần một kẻ khác – phải là người Việt Nam, ở ngay tại thành phố này để làm công việc đó. Nhân tiện, ông ta còn phải gửi tám tấm bia có nội dung y hệt tấm bia vừa gửi lại chùa Kỳ Quang 3 cho tám ngôi chùa khác trong thành phố. Càng nhiều lời kinh cầu nguyện bởi pháp lực chư tăng, Trần Thanh An càng mau chóng siêu thoát… Hoàng Long Giao vững tin như vậy khi quyết định “ an bài hậu sự” cho kẻ sắp bị  ông ta trừng phạt.



[1] Xem lại  “ Nước mắt tháng linh hồn”
[2] Xem lại  “ Sau màn sương lạnh”

Không có nhận xét nào: