SUY NGHĨ VỀ “QUYỀN LÀM CHỦ THẾ GIỚI”
Theo sách Sáng Thế trong Cựu
Ước, Đức Chúa Trời đã tạo ra thế giới
bằng cách dọn dẹp cảnh hỗn mang trong vòng sáu ngày, và sau ngày thứ bảy là tạo
ra con người – sinh vật mang hình dáng của Chúa. Câu đầu tiên từ Đấng Sáng tạo
mà con người đầu tiên nghe được chính là “Hãy làm chủ thế giới này”. Theo chiều
dài lịch sử phát triển nhân loại, dễ nhận thấy rằng dù có tin vào đấng sáng tạo
nọ hay không và tin theo một khái niệm bằng hình ảnh và ngôn ngữ thế nào,thì
loài người cũng đã “hồ hởi phấn khởi, hăng hái xắn tay áo lên để… thực hiện
quyền làm chủ thế giới”. Chỉ tiếc rằng đấng Sáng tạo chỉ mới trao cho con người
quyền làm chủ mà lại chưa trao “cẩm nang hướng dẫn việc thực hiện quyền làm chủ”,
cho nên cả năm con Mèo 2011 vừa qua lại là một chương biến động cảnh báo cho sự
mất trật tự trong việc “thực hiện quyền làm chủ thế giới”. Buồn nhiều hơn vui,
mà ôn lại không thừa bởi mỗi người chúng ta đều cần nhìn lại bản thân qua sự vận
động từ bên ngoài, từ nhiều khía cạnh, thay vì chỉ nhìn vào mỗi bàn tay phải[1] của
mình.
GÁNH NẶNG DÂN SỐ - MÔI TRƯỜNG
Mở đầu là trận động đất ngày 11/3
tại phía đông bắc Nhật Bản với độ chấn động mạnh 9.0 độ richter đến nỗi nó kéo
cả nước này lún sâu ra biển rồi ngay sau đó là một trận sóng thần. Những cộng
đồng ven biển bị ảnh hưởng nặng nhất nay thường xuyên hứng chịu lũ lụt, do nền
đất bị lún sâu và các bức tường chắn sóng bị sóng thần tàn phá. Các nhà khoa
học cho biết hiện trạng mới sẽ……. kéo dài mãi
mãi. Nửa phía bắc Nhật Bản nằm trên mảng thạch quyển Bắc Mỹ, mảng thạch quyển
Thái Bình Dương, nằm sâu dưới biển, thường trượt dưới mảng thạch quyển này….. và
từ từ huých Nhật Bản về phía tây. Nhưng trong trận động đất, phần đứt đoạn giữa
hai mảng thạch quyển bị vỡ, làm mảng Bắc Mỹ bị xô đẩy dọc theo mảng Thái Bình
Dương kéo theo trận động đất tại Mexico ngày 11 tháng 12. Sự biến động này
khiến Nhật Bản bị kéo sâu và xa ra biển. Một số khu vực ở Ishinomaki dịch 5,3 m
về phía đông nam và chìm sâu 1,2 m. Trận động đất kéo theo sóng thần đã làm hơn
20 nghìn người chết và mất tích , đánh sập hệ thống làm mát nhà máy điện hạt
nhân Fukushima, gây thảm hoạ hạt nhân tồi tệ nhất thế giới sau khủng hoảng hạt
nhân ở Chernobyl năm 1986. Kinh hoàng hơn cả dòng chảy của rác Nhật Bản sau
biến cố thiên tai ấy. Ước tính từ 5 tới
20 triệu tấn rác - theo nhà nghiên cứu Jan Hafner của Đại học Hawaii - bao gồm ti vi, tủ lạnh, đồ nội thất và có cả
một con tàu đánh cá... sau trận sóng thần khủng khiếp ở Nhật Bản hồi tháng 3
đang vượt qua Thái Bình Dương, trôi về hướng đảo Hawaii của Mỹ. Số rác
khổng lồ trên trôi nhanh hơn dự kiến và có thể tới bờ Tây nước Mỹ trong vòng
vài năm tới. Hồi tháng 11, thuỷ thủ đoàn trên tàu huấn luyện của Nga mang tên
STS Pallada đã phát hiện số rác khổng lồ này cách Nhật 2.000 dặm, như vậy có
nghĩa là “đảo rác” này sẽ trôi tới quần đảo Midway vào mùa đông năm nay và tới
Hawaii trong vòng chưa đầy 2 năm nữa.
Đến nửa cuối năm, cũng là nước và
rác nhấn chìm Bangkok cả tháng trời kéo theo một cơn mưa đơn kiện nữ thủ tướng
Thái Lan trong năm 2012 vì đã “chậm quyết định cứu vãn tình hình” cũng như “tiền
hỗ trợ thiệt hại như vậy là… chưa có đủ”. Nếu như động đất, sóng thần, lũ lụt
là thiên tai nên thiên nhiên phải… chịu trách nhiệm, thì ngập kéo dài tại
Bangkok lại do… quyền làm chủ thế giới của con người ở quốc gia này khi tạo
dựng siêu xa lộ bít mất đường thoát theo tự nhiên của lũ. Tiếp theo, quyền làm
chủ thế giới đối với thiên nhiên lại hóa thành trò lố bịch khi bàn về một thỏa
thuận khí hậu mới thay thế Nghị định thư Kyoto
sẽ hết hạn năm 2012 tại Durban .
Trái đất đang nóng lên từng ngày với vòng quay dần chậm lại vì khí thải, mà “những
người làm chủ thế giới” từ 194 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Hội nghị vẫn
còn tha hồ cãi nhau… suốt 13 ngày. Cuối cùng, một thỏa
thuận được coi là “sẽ dọn đường cho một chương mới của chống biến đổi khí hậu
toàn cầu”… Nhưng theo một số nhà phân tích thì thỏa thuận Durban
Platform có nhiều lỗ hổng lớn mà các nước có thể lợi dụng để lách luật. Hơn
nữa, thỏa thuận cũng không đề cập đến hình thức trừng phạt. Ngay lập tức, Canada
và Ấn Độ tuyên bố rút ra khỏi thỏa thuận và về vấn đề hiệp ước khí hậu thì… hỡi
ơi, mèo lại hoàn mèo trong năm Tân Mão.
Nhưng mọi việc sẽ chưa dừng tại đó,
bởi cũng trong năm Mão, thế giới đón “công dân biểu tượng thứ 7 tỉ” tại
Philippines , câu hỏi được các nhà khoa học đặt ra lúc này là trái đất có thể
nuôi sống được bao nhiêu người? Theo báo cáo Hành tinh sống (Living Planet) của
Quỹ thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF), khi dân số toàn cầu đạt đến mức ổn định
ở khoảng 9 (hoặc 10) tỉ người vào năm 2050, loài người sẽ cần tới 2,8 trái đất
để duy trì cuộc sống như bình thường. Nói cách khác, tài nguyên trên trái đất
phải mất gần ba năm để hồi phục sau một năm khai thác của con người, và cũng
may là sự chia sẻ này hiện nay cũng là không đồng đều. Chứ nếu mỗi con người
trên trái đất sử dụng tài nguyên với mức độ của một người Mỹ trung bình, chúng
ta sẽ cần tới 4,5 trái đất ngay lúc này để tồn tại.
Lương thực là vấn đề được nhắc đến đầu
tiên. Theo Liên Hiệp Quốc, hiện trên thế giới đã có 1 tỉ người thiếu lương
thực, không phải vì sản xuất không đủ mà do sự phân phối bất bình đẳng. Một
phần ba lượng lương thực sản xuất ra không được tiêu thụ, bị hư hỏng, bị các
nông dân, lái buôn hay người sử dụng vứt bỏ. Biết sao được? Cũng là quyền của
người sở hữu mà (!) Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), sản lượng
lương thực phải tăng thêm 70% để cung cấp đủ cho 9 tỉ người trong tương lai.
Vấn đề tiếp theo là nước sạch. Hiện hơn
800 triệu người không được tiếp cận với các nguồn nước uống an toàn, và cứ ba
người thì một người thiếu nước uống, theo Tổ chức Y tế thế giới
(WHO).
Sự mở rộng nhanh quá mức xã hội loài
người cũng đã ảnh hưởng đến những cấu trúc sống khác trên thế giới. Nhiều
chuyên gia tin rằng chúng ta sắp bước vào một thời kỳ tuyệt chủng hàng loạt,
dẫn đến nguy cơ sụp đổ hoàn toàn hệ sinh thái trái đất. Trong đó, trữ lượng các
loài cá ăn được trên đại dương, do bị đánh bắt quá mức, có thể giảm xuống gần
không vào năm 2048. Mỗi năm cũng có thêm 10 triệu hecta rừng bị phá trên toàn
cầu, theo FAO, để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, nghiêm trọng nhất là
tại Nam Mỹ và Đông Nam Á.
Tất cả những điều đó sẽ dẫn đến hiểm
họa thay đổi khí hậu toàn cầu. Nhiệt độ ở hầu hết các châu lục dự kiến tăng
thêm 2 độ vào năm 2030. Biến đổi khí hậu sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng
đói nghèo, do tác động chủ yếu đến các quốc gia kém phát triển không có khả
năng ứng phó. Hiện giờ, hơn một phần ba dân số thế giới đang sống dưới chuẩn
nghèo mới là 2 USD mỗi ngày, trong khi 1% những người giàu nhất lại nắm giữ tới
43% của cải toàn cầu. Và mỉa mai thay,trong khi hàng trăm triệu người
không có đủ thức ăn và nước sạch hằng ngày, theo danh sách Forbes năm
con mèo, số tỉ phú trên thế giới đạt mức kỷ lục mới là 1.210 người vào năm 2011
với tổng tài sản lên tới 4,5 nghìn tỉ USD.
Vậy con người – đối tượng được Đấng
Sáng tạo giao cho “quyền làm chủ thế giới” sẽ làm gì đây? Xin Chúa trời trao
thêm 1,8 trái đất nữa vào năm 2050 chăng? Hãy cầu nguyện cho điều ấy xảy ra,
nếu tin vào sách Sáng Thế, nhưng với những người không tin vào điều ấy mà chỉ
tin vào “quyền làm chủ thế giới” của mình, thì họ sẽ làm gì?
VÀ
THẢM HỌA TỪ VIỆC TRANH GIÀNH “QUYỀN BÁ CHỦ”
Năm con mèo 2011 ghi đầy những biến cố
chính trị đẫm máu mà cũng… khó hiểu khắp thế giới. Có một câu chuyện khôi hài
về câu chuyện giữa ba người: một bác sĩ, một kiến trúc sư và một chính trị gia
quanh câu hỏi “Nghề của ai có trước nhất?”. Vị bác sĩ cho rằng “Đấng sáng tạo
đã tạo ra người nữ từ xương sườn của người nam. Điều đó tương ứng một ca phẫu
thuật. Vậy nghề bác sĩ có trước nhất”. Vị kiến trúc sư phản bác “Nhưng trước
đó, Đấng sáng tạo phải tạo ra thế giới từ một đống hỗn mang. Nghề kiến trúc có
trước”. Ông chính trị gia nhún vai “Vậy thử hỏi ai đã tạo ra mớ hỗn độn đó để
cho Chúa trời sắp xếp lại? Chính là giới chính trị”. Chỉ là chuyện đùa vui,
nhưng nghe mà xót xa, vì điều ấy đã xảy ra trong năm Mão.
Đầu tiên chính là “mùa xuân Ả
Rập ở Tunisia
và Ai Cập”. Cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống Zine el Abidine Ben Ali ở Tunisia
vào đầu năm mèo đã kích động phong trào Mùa xuân Ả Rập, một làn sóng các cuộc
biểu tình đòi hỏi dân chủ và thay đổi chế độ tại các nước Trung Đông và Bắc
Phi. Tại Ai Cập, Tổng thống Hosni Mubarak cũng đã bị truất phế hồi tháng 2.2011
sau hơn bốn thập niên cầm quyền. Và ngày 28.11 vừa qua, khoảng 50 triệu cử tri
Ai Cập đã đi bỏ phiếu để bầu ra một quốc hội mới. Cũng “làm cách mạng bằng cách
biểu tình”, nhưng các cuộc biểu tình tương tự ở Syria
và Yemen
diễn ra theo chiều hướng khác. Sau nhiều tháng chứng kiến phong trào nổi dậy của
các bộ lạc và tình trạng đào ngũ của những lãnh đạo quân sự chủ chốt, Tổng
thống Yemen Ali Abdullah Saleh đã đồng ý ra đi. Tuy nhiên, có khoảng 2.000
người biểu tình đã thiệt mạng trong thời gian này và hiện vẫn chưa rõ một trật
tự chính trị mới nào sẽ hình thành tại một trong những đất nước Ả Rập nghèo
nhất trên thế giới.
Tại Syria , tình trạng bạo lực còn dữ
dội hơn rất nhiều. Chế độ của ông Bashar Assad đã dùng xe tăng và súng ống để
đối phó với người biểu tình trong nỗ lực nhằm giữ vững quyền lực. Theo ước
lượng của Liên Hiệp Quốc, có hơn 3.500 người đã thiệt mạng trong các cuộc trấn
áp đẫm máu vốn chưa có hồi kết.
Ở Libya, vào đầu tháng 3, cuộc
nổi dậy chống nhà lãnh đạo Gaddafi trở thành một cuộc nội chiến toàn diện khi
các tay súng không được đào tạo cầm vũ khí chiến đấu với lực lượng của ông ta.
Một số đồng minh và tướng lãnh dưới quyền ông Gaddafi đã đào tẩu để tham gia
cuộc nổi dậy. Với những tin đồn về mối đe dọa diệt chủng nếu quân của ông
Gaddafi tiến chiếm thành lũy Benghazi
của quân nổi dậy, Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết vào tháng 3, hợp
pháp hóa sự can thiệp của nước ngoài. Các chiến dịch của NATO chính thức bắt
đầu vào đầu tháng 4 và dần đẩy lui quân của ông Gaddafi. Vào cuối cuộc chiến,
khoảng từ 20.000 đến 40.000 người Libya đã thiệt mạng và hàng trăm
người khác mất nhà cửa. Cuộc không kích đều đặn của NATO đã cho phép quân nổi
dậy tiến chiếm thủ đô Tripoli ,
khiến Gaddafi và những người trung thành phải rút về cố thủ tại thành phố quê
hương Sirte. Vào ngày 20.10, sau khi bị phát hiện đang trốn trong một cống rác,
ông Gaddafi bị quân nổi dậy bắt giữ và giết chết. Bốn mươi năm cầm quyền của
Gaddafi đã kết thúc với gần tám tháng chiến tranh đẫm máu mà điển hình là cái
chết rùng rợn của ông ta. Mùa xuân A Rập đã trở thành mùa tang tóc với bao nhiêu
ngổn ngang để lại: hòa giải dân tộc, vãn hồi kinh tế, xây dựng hiến pháp và trở
thành điểm nóng mới cho xung đột đối đầu, khi tàu chiến Nga và tàu chiến Mỹ
cùng nhắm hướng Syria để đến… Cái gọi là Mùa Xuân A rập đã phá vỡ sự phân bố
chiến lược ổn định của quốc gia đang
phát triển như Trung Quốc – chủ đầu tư vào châu Phi, đồng thời đe dọa luôn “mồi
lửa Trung Đông” Israel khi tòa đại sứ Israel tại quốc gia A rập duy nhất là Ai
Cập phải rút đi vì chính quyền mới chủ trương hòa hoãn với Iran và “tặng” cho Iran
“sợi dây buộc cổ Israel” khi cho phép tàu chiến Iran đi qua kênh đào Suye. Hệ
quả là Trung Quốc thấy mình phải “làm chủ biển Đông” để khống chế hành lang
thương mại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đẩy vùng biển rìa lục địa Tây Thái
Bình Dương và Hoàng Hải trở thành đề tài “nóng” trong quan hệ Trung Quốc với
các nước láng giềng Đông Nam Á cũng như Nhật Bản và Hàn quốc cũng như mở đường cho sự “trở lại” khu vực này của Mỹ. Sử
dụng lực lượng bán quân sự là các tàu ngư chính, hải giám và tàu cá, Trung Quốc
tấn công vào các tàu khảo sát Việt Nam, xâm nhập lãnh hải Philippines, Nhật
Bản, Hàn Quốc với đỉnh cao trong năm là việc lực lượng tuần duyên Hàn Quốc
tháng 11 phải huy động tàu tuần tra và trực thăng để phá "thế trận"
xâm nhập của 15 tàu cá Trung Quốc và bắt giữ hơn một trăm ngư dân. Nhưng “điểm
nổ” cuối năm chính là khủng hoảng quan hệ ngoại giao khi một thuyền trưởng tàu
cá Trung Quốc đâm chết cảnh sát biển Hàn quốc mà theo lời phát ngôn Bắc Kinh
thì chỉ “lấy làm tiếc vì thuyền trưởng Trung Quốc có hơi… vượt quá giới hạn tự
vệ (?) và mong nhà chức trách Seoul
xét xử sao cho đúng người, đúng tội (!)” . Quả là kiểu “chơi cha” của nước lớn
luôn muốn “làm bá”, khiến cho Mỹ phải “nóng mũi” mà yêu cầu Trung Quốc “nên có
lối hành xử thích đáng với tư cách nước lớn của mình”.
Năm Mão khép lại trong âu lo, dù
đối tượng bị quy là “trùm khủng bố” Osama bin Laden đã bị tiêu diệt trong một
khu nhà tại Abbottabad, cách thủ đô Islamabad của Pakistan khoảng 53 km - theo
thông báo của tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 1.5. Cái chết của bin Laden đánh
dấu thành quả to lớn nhất trong nỗ lực chống al-Qaeda của nước Mỹ, song liệu sự
kiện này có đặt dấu chấm hết cho hoạt động của mạng lưới al-Qaeda hay không
hiện vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Và chẳng người có lương tâm nào có thể vui
trước cái chết của người khác, dù đó là kẻ thù, nhưng cũng từng là đồng minh
của Mỹ trong thập niên 80 thế kỷ trước. Chính trị là thế mà. Và khi người ta
chọn chính trị làm phương tiện để thực hiện “quyền làm chủ thế giới”, “đế đạo”
của Nghiêu, Thuấn đã bị lãng quên từ lâu trong tâm trí nguyên thủ để thay vào
là bá đạo kiểu Tần Thủy Hoàng, cho mục đích nhất định trong một giai đoạn nào
đó kiểu thực dân cũ nhưng biến hình mới của tinh thần Henry John Temple
Palmerston[2] “Chúng
ta không có những người bạn đồng minh vĩnh cửu, mà cũng không có kẻ thù vĩnh
cửu. Chỉ có quyền lợi của chúng ta là vĩnh hằng không thay đổi. Theo đuổi quyền
lợi đó chính là chức trách của chúng ta”.
Cuối năm, cả Đông Á náo loạn vì
cái chết của lãnh tụ Triều Tiên Kim Chính Nhật cùng sự âu lo về khả năng cũng
như kinh nghiệm của người kế nhiệm là vị đại tướng mới 29 tuổi Kim Chính Ân,
bởi cuối năm 2010, chỉ vì đoàn xe lửa chở quà sinh nhật của mình bị lật ,“ông
trời con” này đã nã pháo về Hàn quốc mà không buồn giải thích, nay ổng mất cha
thì… ai biết những gì sẽ lại xảy ra.
Mùa xuân A rập đã nổi cơn gió
đổi chiều tang tóc để phần còn lại của thế giới chìm trong “mùa đông phương
Tây” với cuộc khủng hoảng kinh tế kéo theo khủng hoàng nợ công và nguy cơ sụp
đổ đồng euro. Cuộc khủng hoảng nợ của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) hiện
đang ở mức báo động đỏ. Các hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính đã bóc trần
thực trạng “làm chủ” - mà thực chất là vô trách nhiệm - với công việc tăng
trưởng và thịnh vượng ở một số nền kinh tế khu vực đồng euro, đặc biệt là tại Hy
Lạp - nơi đề xuất cứu trợ từ IMF và châu Âu với yêu cầu cắt giảm ngân sách mạnh
mẽ và hàng loạt biện pháp thắt lưng buộc bụng khác. Phản ứng trở lại, hàng chục
nghìn người đã xuống đường ở Athens
và những nơi khác để phản đối các tổ chức tài chính hiện hành và giới tinh hoa
chính trị tắc trách đã đẩy họ vào hỗn loạn. Cuộc biểu tình tương tự đã làm rung
chuyển Tây Ban Nha… Ở cả hai quốc gia, chính phủ đương nhiệm đã sụp đổ và thủ
tướng đều phải ra đi. Nguy cơ hỗn loạn tài chính từ Hy Lạp lan rộng khắp nơi và
đẩy Italy - nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro - tới bờ vực, buộc thủ
tướng Silvio Berlusconi - người đàn ông với hàng loạt bê bối tình dục và tài
chính - không thể trụ vững ghế. Cuộc khủng hoảng thậm chí còn đe dọa sự giải
thể đồng tiền chung euro. Còn người dân thì bất bình khắp nơi, kể cả ở Đức -
đầu máy kinh tế chính của châu lục và nhà cho vay lớn nhất khi các chính phủ
phải áp dụng biện pháp thắt lưng buộc bụng và có nghĩa vụ giải cứu láng giềng
gặp khó khăn.
Cuộc khủng hoảng cũng khiến hàng
loạt nước trên thế giới (nhất là châu Âu) bị hạ mức tín nhiệm. Nhật Bản, nền
kinh tế lớn thứ ba thế giới ngay từ tháng 1/2011 đã bị S&P hạ cấp tín dụng
từ “AA” xuống “AA -". Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng bị hạ cấp tín
nhiệm vào tháng 8/2011. Đặc biệt sự trì trệ về kinh tế, tăng trưởng đã châm
ngòi cho cuộc biểu tình “Chiếm lấy phố Wall” của dân chúng với khẩu hiệu “99%
dân Mỹ chống lại 1% kẻ giàu có”. Và giữa những ngổn ngang đó, ngày 19 tháng 12,
người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Iraq sau 8 năm can thiệp, để lại một Iraq bất
ổn vì những vụ đánh bom với những xung đột chính trị giữa các phe phái.
Lại thêm một lần nữa, quyền làm
chủ thế giới của con người lại bị thách thức bởi những xung đột trong quốc gia,
giữa các thế lực chính trị và mục tiêu thực sự là quyền làm chủ của một chính
khách; xa hơn và rộng hơn là sự xung đột giữa các nguyên thủ quốc gia với nhau,
cho một quyền lực bá chủ nhất thời. Quyền làm chủ thế giới thiêng liêng của con
người mà sách Sáng Thế nói đến giờ đã bị thu hẹp trong khái niệm “quyền của
chúng tôi, quyền của tôi” và đảo ngược thành “chúng tôi có quyền, tôi có
quyền”… để dùng sức mạnh áp đặt ý chí của mình lên người khác nhằm giành lấy
phần lợi cho mình.
GIẬT MÌNH CHUYỆN CŨ
Lẽ ra, bài viết này phải được đặt
lại tên là “Chuyện không nên đọc lúc giao thừa”, bởi đọc sẽ thấy rợn người vì
những gì mà thế giới chứng kiến trong năm Tân Mão 2011. Tất nhiên là tất cả mọi
người trên hành tinh xanh, đến giờ hẳn vẫn còn kinh ngạc vì sức chịu đựng của
chính giống loài mình cũng như sẵn sàng chống chọi để vượt qua bao gian nan
trong năm con rồng sắp tới. Và ít ai quan tâm về số phận bé nhỏ của chính mình,
càng không bao giờ tự hỏi “Có thật mình là chủ nhân thế giới theo sắp xếp của
Đấng Sáng tạo, hay thực tình mình chưa từng học hỏi để làm chủ sức mạnh tương
thích để sử dụng quyền làm chủ thế giới ?”. Nghe đứa con gái mười một tuổi học
văn, choáng váng vì lời thư của viên thủ lĩnh da đỏ trả lời thư hỏi mua đất của
tổng thống Mỹ thứ mười bốn “Tôi biết người da trắng không hiểu cách sống của
chúng tôi. Đối với họ, mảnh đất này cũng như mảnh đất khác, bởi lẽ họ là kẻ xa
lạ, và trong đêm tối, họ lấy đi từ lòng đất những gì họ cần. Mảnh đất này đâu
phải là những người anh em của họ, mảnh đất này là kẻ thù của họ và khi đã chinh
phục được, thì họ sẽ lấn tới. Mồ mả tổ tiên của họ, họ còn quên và họ cũng
chẳng cần tới dòng tộc của họ. Họ cư xử với mẹ đất và anh em bầu trời như những
vật mua được, tước đoạt được, rồi bán đi như những con cừu và những hạt kim
cương sáng ngời. Lòng thèm khát của họ sẽ ngấu nghiến đất đai, rồi để lại đằng
sau những bãi hoang mạc (…) Không khí quả là quý quá đối với người da đỏ, bởi
lẽ bầu không khí này là của chung, muông thú, cây cối và con người cùng nhau
hít thở. Người da trắng cũng cùng chia sẻ, hít thở bầu không khí đó. Nhưng hình
như người da trắng chẳng để ý gì đến nó. Nếu chúng tôi bán cho Ngài mảnh đất
này, Ngài phải nhớ rằng không khí đối với chúng tôi là vô cùng quý giá và phải
chia sẻ linh hồn với tất cả cuộc sống mà không khí ban cho. Ngọn gió mang lại
hơi thở đầu tiên của cha ông chúng tôi và cũng nhận lại hơi thở cuối cùng của
họ. Nếu có bán cho Ngài mảnh đất này, Ngài phải giữ gìn và làm cho nó thành một
nơi thiêng liêng cho ngay cả người da trắng cũng có thể thưởng thức được những làn
gió thấm đượm hương hoa đồng cỏ…”
Giật mình và tự hỏi “ Ai mới là
người văn mình?”
Và ai mới hiểu được quyền làm chủ
thế giới của mình để thực sự là chủ nhân thế giới?
Có lẽ sẽ mãi là một câu hỏi lớn
không lời đáp.
Những “ chủ nhân của thế giới” đáng
nắm quyền lực còn mãi nghiên cứu, mua sắm trang bị chiến tranh cho việc tranh
đoạt quyền bá chủ.
Bao giờ họ mới cùng ngồi lại với
nhau để bàn việc cứu giữ thế giới này?
Tử Du
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét