Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Sau màn sương lạnh 4


                                                       

                                                       Ba

Buổi sáng ở cơ quan, tôi phải uống hai viên dưỡng não để giữ tỉnh táo mà ghi nhận và xử lý công việc.  Qua chín giờ rưỡi thì tạm ổn. Theo lịch làm việc, lúc mười giờ, tôi phải gặp một “ vệ tinh” để trao đổi về thông tin. Tôi không thích gọi người cộng tác của mình là “cơ sở” hay “ nguồn tin” theo nghiệp vụ chuyên môn, bởi họ không phải là cái nhà hay cái máy để cố định theo yêu cầu của tôi hay bất cứ ai trong cơ quan tôi.. Họ hoạt động tự do với nghề nghiệp của mình, làm việc với tôi trên cơ sở tình cảm bạn bè riêng tư, trao đổi thông tin hoàn toàn tự nguyện và vô vụ lợi cũng như tự chịu trách nhiệm pháp luật về hành vi của mình. Tôi thích những “ vệ tinh” vì ngoài ý thức về an ninh quốc gia, chủ quyền đất nước là động cơ chính để giữ quan hệ với chúng tôi ra, mỗi người trong số họ đều độc lập trong suy nghĩ và phát biểu. Những ý kiến phản biện của họ đôi khi đặt ra những phản biện xã hội thú vị để bổ khuyết về quản lý xã hội và pháp luật của chính phủ. “ Vệ tinh” tôi cần hội ngộ ngày hôm nay là nhà văn Khải Minh, từng là một cây bút viết báo tự do với gần hai chục bút danh, Ngoại trừ điểm tốt là sợ vợ và yêu chiều con ra, Khải Minh là một “ người đàn ông điển hình” như anh ta vẫn hay tự nhận với “ nhược điểm” là trong lĩnh vực uống rượu và tán gái, có lẽ không ai ở tuổi năm mươi lại có thể tài giỏi và dũng cảm hơn. Khải Minh đóng đô tại cà phê Window – nơi mà anh ta hay huênh hoang gọi là “ sào huyệt”, còn các cô phục vụ là “ đồng bọn” của mình. Tuy không hạp với những nơi ồn ào, nhưng tôi vẫn phải chấp nhận hẹn gặp anh ta tại đó.
Bàn của Khải Minh ở góc trong cùng của quán, anh ta luôn ngồi tựa lưng vào tường theo cái thói quen mà tôi vẫn hay đùa là “ tập tính ẩn trú của loài vật”. Tôi vừa ngồi xuống, Khải Minh đã đẩy sang phía tôi một cái USB nhỏ có hình dạng móc khóa.
-         Của bạn đó.
-         Có gì “ tối tân” trong đó? – tôi cầm cái USB, bỏ vào túi theo thói quen làm việc lâu nay với “ vệ tinh” này.
-         Một đoạn băng ghi âm. Một vụ kích động dân địa phương gây rối trật tự công cộng ở quận 2. Dự kiến trưa nay sẽ diễn ra.
-         Anh lấy đâu ra vậy?
-         Của một doanh nghiệp nhờ tôi tư vấn.Cũng chính là đối thủ cạnh tranh dự án với kẻ chủ mưu vụ gây rối này.
-         Vậy anh phải cho tôi tên kẻ chủ mưu chứ?
-         Lý Điển Sơn, giám đốc điều hành công ty xây dựng Khang Thịnh – Khải Minh vừa đáp vừa nheo mắt với một cô phục vụ. Kiểu này xem ra anh ta lại đang định biểu diễn cái gọi là “ tài năng và dũng cảm của người đàn ông điển hình” ra đây.
Hai chữ “ Khang Thịnh” từ miệng của Khải Minh như một nhát roi quất. Tôi choáng váng. Lại Khang Thịnh. Sự lỳ lợm không trao lại dự án, xúi giục dân chúng chống đối dự án mới, cô gái ma bên trụ bê tông quận 2… Tôi lắp bắp :
-         Khang Thịnh…? Phải công ty này có dự án xây dựng dở dang chỗ quận 2 không?
-         Chứ còn gì nữa. Cái bảng to tổ chảng ven xa lộ Hà Nội ai đi ra vào Thủ Đức mà không thấy? Bạn muốn gặp Lý Điển Sơn không?
-         Gặp để làm gì? – Tôi cười gượng để che giấu sự xúc động – Vả lại, nếu đúng là chuyện gây rối như anh đã nói thì đây là việc của cục an ninh xã hội.
-         Tưởng bạn muốn gặp hắn thì cứ việc lên lầu. Hắn đang ngồi một mình trên đó. Ngăn dành riêng cho hắn ở  vị trí thứ ba bên trái. Giờ đầu mối thông tin thuộc về bạn. Tuần sau nhớ trả lại tớ cái USB. Tớ “ phới” đây – Khải Minh vừa nói, vừa quay đầu gọi tính tiền nhưng chắc mục đích thực sự của anh chàng là làm ám hiệu hò hẹn gì đó với cô phục vụ trẻ trung xinh xắn nọ.
-         Anh cứ đi trước, để tôi trả tiền – tôi gạt phắt đi. Lúc này, tôi cần Khải Minh đi sớm để thực hiện một điều mà nếu biết được, chắc chắn anh chàng sẽ lại xen vào.
-         Ừ. Vậy bye hé – Khải Minh bắt tay tôi. Anh chàng nhà văn vừa khuất sau cánh cửa kính trong suốt. tôi đã bật dậy, rảo bước lên lầu sau khi dặn phục vụ chuyển bàn cà phê của mình lên trên đó.
     Thực ra, tôi cũng không cần thiết phải làm việc này. Nếu thông tin vừa rồi chuyển đến cục an ninh xã hội, chỉ trong ngày hôm nay là họ có ảnh của Lý Điển Sơn. Nhưng tôi không sao nén được tò mò muốn biết mặt vị giám đốc của cái công ty đang xoay quanh những ẩn số của bản thân mình. Ảnh chụp vốn vô hồn. Tôi thích nhìn thấy và nhận biết người mình quan tâm ở tình trạng “chân dung sống”. Nhìn một người nói chuyện, phần nào có thể hình dung được tính cách của họ, trực giác nghề nghiệp luôn nhắc tôi như vậy…
Và tôi lại giật thót người khi đứng trên hành lang của dãy tầng VIP
Tôi đã nhìn thấy hắn.
Người đàn ông mang tách cà phê sữa cho Lê Kiều Bích Ngọc trong đoạn phim quá khứ hôm qua trong màn sương lạnh ven sông quận 2…
ở vị trí mà Khải Minh đã thông báo.
Như vậy, kẻ thủ ác lại chính là Lý Điển Sơn sao?
Theo một phản xạ gần như vô thức, tôi lùi lại và quay xuống. Có tiếng cô phục vụ trực pha chế ở tầng lầu giải thích với ai đó:
-         Chắc anh đó lên nhầm tầng thôi. Nhìn bộ dạng lớ ngớ là biết.
*          *          *
            *
Về đến cơ quan đã mười một giờ kém mười lăm. Sau khi chuyển cái USB chứa nội dung ghi ấm của Khải Minh cho bên cục an ninh xã hội xong, tôi vừa bước qua dãy nhà khối an ninh để xuống căng – tin định ăn cơm trưa sớm thì lại giật thót người.Lại nữa sao?
Vẫn là cô ta. Lê Kiều Bích Ngọc.
Nhưng lần này cô ta mặc áo xanh, váy và áo khoác đen theo “ mốt” của các nữ doanh nhân.
Cô ta bước theo sau một người đàn ông dong dỏng cao, vận bộ com -lê màu sáng. Người đàn ông trạc chừng ba mươi tuổi đeo băng tang đen bên ngực áo trái[1], mặt buồn dàu dàu. Cả hai bước vào dãy nhà của tổng cục cảnh sát, hướng có văn phòng liên lạc phía Nam của VPI[2]
Tôi choáng người.
Sao bây giờ Bích Ngọc lại đi theo người đàn ông này?
Chẳng lẽ ông ta là hung thủ thực sự gây ra cái chết của cô ta, hay đúng hơn, ông ta là kẻ chủ mưu? Còn Lý Điển Sơn chỉ là kẻ thừa hành lệnh giết người?
Nhưng người đàn ông nọ đang để tang vợ, ít nhất về mặt hình thức. Phải chăng người vợ ấy là Bích Ngọc?
Không nén được tò mò, tôi quên ngay ý định ăn trưa sớm mà rảo bước theo sau, cố bắt kịp họ.
Người đàn ông nọ vẫn bước một cách thẫn thờ, không buồn ngoái lại dù nghe tiếng bước chân tôi. Nhưng Bích Ngọc thì không. Cô ta ngoái lại…
Rồi cô ta giật mình , cứ hệt như học trò bị cô giáo bắt quả tang đang quay cóp trong giờ kiểm tra. Nhưng cái giật mình này lại có vẻ như là cô ta không ngờ có người nhìn thấy mình. Cô ta dừng hẳn lại, trong khi người đàn ông nọ vẫn bước đi.
-         Ông muốn gì? – Cô ta hỏi tôi.
-         Tôi đang muốn hỏi cô điều đó. Cô đến đây làm gì?
Bích Ngọc mở to mắt. Ánh mắt cô ta không hề tỏ ra ngạc nhiên mà biểu lộ một sự phật lòng của bề trên bị kẻ dưới xúc phạm. Cô ta cong môi, nhấn mạnh từng chữ trong lời nói mình phát ra :
-         Ông là ai mà có quyền hạch hỏi tôi? Cần nhắc ông là phải gọi tôi bằng bà. Dù đã chết, nhưng tôi vẫn là thiếu phu nhân của nhà họ Bạch.
“Lại còn thế nữa cơ đấy”- Tôi thầm rủa trong lòng -“ Ma mà cũng bày đặt đẳng cấp”, nhưng cũng không khỏi phân vân, chẳng lẽ chỉ vừa mới một đêm mà cô ta đã thay đổi về tính cách nhanh đến thế hay sao?Cứ như có hai con người khác nhau trong cùng một con ma vậy. Hay là khi còn sống, cô ta bị bệnh …” đa nhân cách”? Tôi hỏi vặn khiêu khích  :
-         Chẳng lẽ cô không biết tôi là ai? Không biết là ai thì tại sao còn đứng lại để nói chuyện?
-         Tôi đứng lại chỉ vì ngạc nhiên do có người nhìn thấy mình – Bích Ngọc nhìn tôi đầy khinh thị -  Giờ thì tôi nhận biết được rồi. Ông là một người bị chứng Thần Hòa Bệnh. Thêm nữa thì ông làm nghề an ninh và theo cái thẻ ngành ông cất trong người thì ông tên là Trần Thanh An, cấp bậc thiếu tá. Việc tôi đến đây không liên quan gì đến ông.
-         Chả phải cô đã nói là sẽ gặp tôi. Cô cần được giải thoát.- tôi ngơ ngác.
-         Ông sẽ không thể giải thoát cho tôi vì việc ấy nằm ngoài khả năng giải quyết của ông- Bích Ngọc nói gắt gỏng.
-         Chẳng phải các hồn ma rất cần người sống nhìn thấy và nói chuyện để …giải thoát cho họ sao? – tôi choáng váng vì sự thay đổi thái độ này, nhưng cố vớt vát bằng lời Thanh Thủy đã nói với mình tối qua.
-         Nếu cần gặp tôi, ông có thể đến chùa Bà trong Chợ Lớn – Bích Ngọc quay đi – Giờ đừng làm phiền tôi.
Cô ta biến đi bằng một cơn bụi mù giận dữ. Mấy hạt bụi cát vướng vào mắt tôi …Tôi nhắm nghiền mắt, môi mím chặt … Cơn giận hòa trộn cùng sự khó hiểu hòa tan trong nước mắt ứa ra. Hồi lâu tôi mở mắt, bước về phía căn phòng của VPI…Thượng tá Sơn – phó văn phòng đang tiễn người đàn ông nọ ra cổng. Một lần nữa, người đàn ông kia lại dừng trước tôi dăm bước, bắt tay thượng tá Sơn, nói :
-         Dù thế nào đi nữa, cũng xin cảm ơn các ông.
-         Xin được chia buồn cùng ông và gia đình – thượng tá Sơn đáp lại .
Người đàn ông nọ lịch sự cúi đầu và quay đi . Khi bước qua tôi, ông ta lại gật nhẹ đầu ra dấu chào với một người xa lạ và bước ra hướng cổng Nguyễn Trãi…Một chiếc Audi bóng loáng lướt ra êm như ru và dừng lại sát bên ông ta. Người đàn ông nọ lặng lẽ bước vào không ngoái lại…Cửa đóng một tiếng KOONG nghe êm như ai đó thở dài…Xe của ông ta nhẹ nhàng lướt ra cổng trong lúc thượng tá Sơn vẫn còn tần ngần đứng lại trong sân ngóng theo…
-  Đại gia nào vậy sếp? Có “ độ” gì à? – Tôi vừa bước đến bên thượng tá Sơn, vừa hỏi bông lơn.
Thượng tá Sơn quay lại nhìn tôi, gắt khẽ :
-         Mày rảnh lắm sao mà qua đây chọc ghẹo tao hả? Người ta đang buồn mà mày thì cứ như cú mở hội.
-         Ai buồn? Anh hay cái ông đó?
-         Cả hai.- Thượng tá Sơn lắc đầu nhẹ, cười buồn – Chẳng có gì buồn hơn khi phải trả lời với người chồng rằng chúng ta chẳng giúp được gì cho ông ta trong việc tìm kiếm người vợ, để rồi chấp nhận việc ông ta quyết định thông báo người vợ đã chết.
-         Tại sao phải thông báo người vợ đã chết?
-         Bởi vì nếu chỉ ghi nhận là trong tình trạng mất tích và đang tìm kiếm thì gia đình của bà vợ sẽ không được cơ quan bảo hiểm bồi thường. Mà bà ta mất tích đã một năm rồi chứ có ít ỏi gì đâu – thượng tá Sơn buồn ra mặt.
-         Ông đó họ Bạch phải không anh? – tôi hỏi ướm thử.
Thượng tá Sơn tròn mắt :
-         Sao mày biết? Chẳng lẽ bên an ninh có việc với ông ta?
-         Không hẳn thế. Nhưng hình như ổng có công ty bên quận 2 chuyên xây dựng?- tôi “ dấn thêm một bước” trên con đường “ suy đoán…mò”
      Hai mắt thượng tá Sơn mở to, nhìn tôi như nhìn một quái vật mới…chui từ dưới đất lên :
-         Mày biết luôn công ty Khang Thịnh hả? Ừ! Khang Thịnh nằm trong chuỗi tập đoàn xây dựng hạ tầng và khai thác nhà ở RED SUN của gia đình ổng đó.
Lại Khang Thịnh. Từ đêm hôm qua đến giờ, cái tên Khang Thịnh ám ảnh tôi không ngừng. Ban nãy, Bích Ngọc xưng danh “ thiếu phu nhân” của nhà họ Bạch. Người đàn ông lịch lãm vừa rồi họ Bạch và cũng mất vợ. Lý Điển Sơn, giám đốc điều hành Khang Thịnh lại vướng vào hai việc : Một, đối tượng của an ninh quận 2 về âm mưu kích động dân chúng chống thu hồi dự án. Hai, có thể là đầu mối của một vụ giết người. Tim tôi đập mạnh với giả định thứ ba mà theo tôi chính là lối giải thích đúng duy nhất : Lê Kiều Bích Ngọc là vợ của người đàn ông họ Bạch và đã bị giết chết một cách bí mật bởi tay Lý Điển Sơn dưới hình thức dấu xác và ngụy tạo một vụ mất tích. Sau một thời gian tìm kiếm vô vọng, gia đình họ Bạch buộc phải yêu cầu các cơ quan chức năng xác nhận cô ta đã chết. Tôi mạnh dạn “ phát triển suy luận” :
-         Em còn biết tên bà vợ của ông ta nữa đó.
-         Giỏi vậy sao? Nói ra tao nghe xem. Nếu đúng, tao đãi mày một chầu cơm trưa bên nhà hàng Lotus.
-         Bà ta tên Lê Kiều Bích Ngọc ! – tôi hào hứng tuyên bố.
Thượng tá Sơn mở to hết cỡ đôi mắt nhìn tôi, rồi cười sằng sặc :
- Hô hô…Bây giờ tao mới hiểu sếp mày cũng nhầm to khi gán cho mày cái danh hiệu “ nhà ngoại cảm”. Trật lất rồi em trai ơi. Bà vợ mất tích của cái ông họ Bạch hồi nãy tên là Hà Thị Kim Chi.
Tôi đỏ bừng mặt, nhưng cố cãi :
- Vô lý. Em dám chắc rằng đó là một cái tên giả.
Thượng tá Sơn không buồn chú ý đến điều tôi nói, tiếp tục ôm bụng cười :
-  Ha ha ha. Lập luận nghe nhà nghề lắm. Thưa với ngài sĩ quan an ninh …trong mơ. Tôi nói ngài thua rồi. Vì tình đồng nghiệp, tôi sẽ giúp ngài thức dậy làm việc với điều kiện một bữa ăn trưa tại Lotus. Nhưng tôi nói trước, thực đơn của tôi bằng mười ngày lương thiếu tá đó nhé.
Kiểu khiêu khích của ông anh này khiến tôi không nhịn được. Tôi gắt :
- Ít quá. Em quen ăn một buổi trưa bằng một tháng lương thượng tá rồi. Anh dám cá không?
- Cá thì cá. Nhưng tao đề nghị mày nên nói lại cho hợp luật pháp hơn kẻo C45[3] lập biên bản về tội bài bạc. Tóm lại để xem tao và mày ai may mắn hơn trong kết luận về lý lịch cá nhân  bà vợ mất tích của cái ông họ Bạch hồi nãy. Ai thiếu may mắn hơn sẽ phải đãi người may mắn một bữa trưa có trị giá hóa đơn bằng mười ngày lương của mình. Nghe rõ và chấp thuận chớ?
- Nghe rõ và chấp thuận ! – Tôi đập đánh chát bàn tay phải của mình vào lòng bàn tay phải thượng tá Sơn đang xòe ra để thể hiện dứt khoát giao kèo.
- Vậy xin mời quý khách quá bộ vào văn phòng tôi một chút! – thượng tá Sơn thể hiện sự lịch thiệp thân ái đến mức dễ ghét khiến tôi cũng hoang mang, bởi sự tự tin này chứng tỏ ông ta đã nắm chắc phần thắng trong khi tôi hết đường lùi.
Vừa an vị trong văn phòng, Sơn đã xòe ra cho tôi mấy bản sao tài liệu và “ thuyết minh” bằng giọng châm biếm  :
- Thưa quý khách, ở đây gồm có : Đơn của ông chồng Bạch Thanh Quang yêu cầu truy tìm người mất tích là bà vợ Hà Thị Kim Chi, nguyên giám đốc điều hành công ty xây dựng Khang Thịnh gửi Bộ công an Việt Nam và công an TP.HCM; văn bản đề nghị phối hợp của cảnh sát Đài Loan gửi VPI chúng tôi về việc truy tìm bà Hà Thị Kim Chi mất tích ngày 14 tháng 7 năm 2010. Bản đăng ký kết hôn và ghi chú hộ tịch giữa ông Bạch Thanh Quang –quốc tịch Đài Loan và cô Hà Thị Kim Chi – quốc tịch Việt Nam do Sở Tư Pháp TP.HCM lập ngày 13 tháng 10 năm 2008. Văn bản nhập quốc tịch Đài Loan của bà Hà Thị Kim Chi ; bản chính giấy khai sinh, bản sao có công chứng giấy CMND của Hà Thị Kim Chi. Thưa quý khách, chúng tôi có cần gọi cho gia đình bà ta ở đường Dương Bá Trạc, phường 2 quận 8 yêu cầu đem đến đây bản chính sổ liên lạc học sinh và học bạ thời phổ thông của bà ta để chứng minh rằng cái con người mất tích này từ nhỏ đến lớn và cho đến lúc nãy, khi chồng bà ta đến gửi văn bản xin xác nhận bà ta đã chết cùng với thư mời dự trai đàn cầu siêu cho linh hồn bà ta tại chùa Bà quận 5 chiều nay, vẫn chỉ được gọi với mỗi cái tên Hà Thị Kim Chi không ạ?
Tôi lặng người, dán mắt vào ảnh cô gái dán trong các tài liệu. Đúng cô ta. Cô gái tôi gặp lúc nãy trong sân trước khi Bạch Thanh Quang và Sơn bước ra. Cũng chính là cô gái đêm hôm qua bên bờ rạch quận 2 … Chính là cô gái xưng danh Lê Kiều Bích Ngọc. Giờ đây, các giấy tờ văn bản xác nhận cô ta tên là Hà Thị Kim Chi.
Nhưng như vậy nghĩa là sao?
Một cô gái ma khó hiểu.
Một cô gái ma nói dối ngay cả về cái tên của mình khi còn sống?
Chẳng lẽ đó là sự thể hiện của thiện chí bày tỏ mình để được giải thoát?
Hay trong vụ án này, có hai cô gái giống nhau?
- Sao? Chịu thua chưa? – tiếng thượng tá Sơn kéo tôi về thực tại.
 Tôi cười gượng gạo :
-         Chịu thua rồi. Nhưng…anh cho xin một bản sao về trường hợp cô gái này được chứ?
-     Chi vậy? Để kỷ niệm một lần tự nguyện trừ lương chăng? – thượng tá Sơn hấp háy mắt chế nhạo.
-     Không. Chỉ để cho nhớ đời mà bỏ thói chủ quan – tôi rầu rĩ đứng dậy – Đi ăn trưa thôi, anh.
         Tự nhiên thượng tá Sơn xụ mặt :
-         Ghẹo mày chút chơi, vì hồ sơ tao nắm thì tao biết mình thắng chắc rồi. Vui vẻ gì mà ăn nhậu lúc này hả mậy?
-         Giao kèo là vậy. Em thua thì em trả tiền. Em không muốn thiếu nợ ai hết – tôi dứt khoát.
-         Để lúc khác đi. Việc ông Bạch Thanh Quang đến xin gửi văn bản xác nhận vợ mình đã chết và mời dự trai đàn khiến tao ăn trưa không vô – thượng tá Sơn bùi ngùi – Có thể là Hà Thị Kim Chi chết thật rồi, nhưng gia đình cô ta cũng như gia đình nhà chồng đều nuôi hy vọng cô ta còn sống. Giờ chính họ yêu cầu xác nhận cô ta đã chết, có nghĩa là họ đã cạn kiệt hy vọng rồi. Dù chẳng ai trách, nhưng tự tao cũng thấy mình có lỗi.
-         Xin chia sẻ với anh – tôi cũng buồn lây, đưa bàn tay ra.
-         Đợi tí nhé – thượng tá Sơn vừa nắm nhẹ bàn tay tôi, vừa đứng dậy – để tao phô – tô mấy bản tóm tắt điều tra cho mày. Mày đọc nó thì sẽ có cảm giác chia sẻ với tao thực sự chứ không phải chỉ bằng lời nói suông …
*          *          *
            *
Hồng Trượng thả mình trong chiếc bồn tắm lớn, tận hưởng cảm giác khoan khoái mà làn nước nóng đem đến và thả hồn theo những dự tính của người chơi cờ đẳng cấp cao. Tất nhiên những người mà hắn đang suy nghĩ đến sẽ chẳng thú vị gì nếu biết mình bị hắn xem là quân cờ. Và Hồng Trượng thú vị vì cái sự “ không biết” của họ. Ở cái tuổi “ ngũ thập tri thiên mệnh”, Hồng Trượng hiểu định mệnh dành cho mình là cuộc sống của con người ngàn mặt, nhưng bộ mặt thực sự của hắn chỉ có một người được biết. Người ấy là ông chủ của hắn, người cha tinh thần của hắn và nói ra hơi buồn cười, người ấy là người hắn thực sự yêu kính ngang cùng cha mẹ mình. Chỉ khác là nếu phải chọn lựa giữa cha mẹ mình và người ấy, hắn sẽ không ngã về phía gia đình ruột thịt…Mấy tiếng súng nổ làm hắn nhíu mày, hơi ngước lên …Chiếc LCD của khách sạn đang chiếu một bộ phim của truyền hình cáp SCTV cung cấp từ kênh HBO. Và là một phim đề tài thế giới ngầm… Hồng Trượng bất giác nở một nụ cười. Những bộ phim này rất thú vị, nhưng dù sao thì cũng chỉ là phim. Qua nó và hàng loạt tiểu thuyết hình sự của những bậc thầy trinh thám, thế giới ngầm với những tổ chức Yakuza, Mafia …thậm chí Huynh Đệ Hội mà hắn là một thành viên tại Việt Nam đều là những kẻ giàu có, thừa hung ác mà thiếu văn hóa, chỉ biết cưỡng đoạt tiền tình và bắn giết vô lối. Những nghi thức “ nhập hội” như phải có “ đầu danh trạng”[4], cắt ngón tay út dù chỉ một lóng hay nguyên ngón, xăm mình, thắp hương quỳ trước bàn thờ Quan Vân Trường, trích huyết ăn thề…khiến cho người đọc, người xem kinh hoàng. Hắn cũng có cái cảm giác đó của người đọc, người xem khi thưởng thức những tác phẩm kể trên, nhưng ngay khi dứt ra khỏi sách và phim thì hắn lại cười thầm, cảm ơn các tác giả. Nhờ những tác phẩm như vậy mà các tổ chức như Huynh Đệ Hội của hắn vẫn an toàn hoạt động. Bản thân hắn ở vai trò Hồng Trượng, nhưng chẳng có thủ tục “ đầu danh trạng” và hai bàn tay thì vẫn mười ngón vẹn nguyên. Hắn cùng toàn thể các thành viên điều hành huynh đệ hội cũng chưa bao giờ phải nổ súng ăn cướp nhà băng hay đánh đập ai để đòi nợ, lại càng kỵ cái vụ bài bạc và hút sách. Còn khoản trai gái thì như mọi người đàn ông, hắn dùng tiền để giải quyết ham muốn chứ cóc khoái bắt cóc, cưỡng đoạt. Nhưng đối tượng mà hắn dùng tiền để mua khoái lạc cũng phải đảm bảo hai yêu cầu : thứ nhất không phải con gái còn trinh, thứ hai không được là đàn bà đang có chồng. Hoàng Long Giao không chỉ dạy hắn thành một thành viên ưu tú của huynh đệ hội, mà còn trang bị cho hắn kiến thức của một quý ông lịch lãm mang nặng truyền thống hiệp nghĩa xa xưa. Ngày đầu gặp hắn, ông ta nhìn thẳng vào mắt hắn và nói “ Tôi cho anh được quyền lựa chọn giữa hai thứ : tiền hoặc tình nghĩa. Nếu anh muốn tiền, anh sẽ có tiền.Nếu anh muốn tình nghĩa, tôi cho anh tình nghĩa. Khi chọn tình nghĩa, anh hãy nhớ rằng nếu anh có thể vì tôi mà chết, tôi cũng sẵn sàng chết vì anh”. Khi ấy, hắn cứ nghĩ ông già này nói suông và thành thực đáp lại “ Tôi cũng cho bác được quyền lựa chọn giữa hai thứ : Rời khỏi phòng tôi  một  cách thoải mái tự nhiên hoặc cũng rời khỏi phòng tôi trong sự áp giải của bảo vệ khách sạn. Tôi không tham gia các tổ chức tội phạm dù nó mang tên gì và do ai đứng đầu”. Hoàng Long Giao cười rũ “ Anh còn thiếu hiểu biết lắm. Thế này vậy, tôi mời anh đi chơi với tôi. Lời mời này không liên quan gì đến đề nghị của tôi cả và tôi lấy danh dự để đảm bảo an toàn cho anh, thậm chí tôi sẽ viết giấy cam kết cho anh gửi lại gia đình mình để nếu có bề gì xảy ra, tôi chịu trách nhiệm với nhà chức trách. Tôi biết anh đang bế tắc và có ý định tự tử. Sao anh không đi tham quan một vòng để có hiểu biết mà đối đáp với Diêm vương nhằm thuyết phục cho anh một kiếp người mới tốt đẹp hơn?”. Vẻ tự tin của Hoàng Long Giao thuyết phục hắn. Hắn đi với ông ta để rồi choáng người. Cứ ngỡ ông ta dẫn hắn đi ăn chơi ở những nhà chứa cao cấp, những sòng bạc hoàng gia hoặc những nơi mà cuộc sống con người được xem là dưới đáy xã hội. Không hề. Ông ta và hắn mải miết trong các chuyến tham quan nhà máy xử lý rác thải với công nghệ mới ngay tại Stockhome, dự các cuộc đàm phán thương mại về kinh doanh sản phẩm gaz và phân bón tái chế từ xử lý rác, nghe cãi cọ về phân chia hạn mức tiêu chuẩn dioxyt carbon trong khí quyển cho các quốc gia Đông Nam Á…Mệt nhừ cả người vì cuốc bộ và mang vác tài liệu hội thảo, đến ngày cuối của một tuần lễ tham quan, hắn bày tỏ sự ngạc nhiên :
- Các ông…không phải là …hội Tam Hoàng sao?
Hoàng Long Giao bật cười : - Tại sao không? Chúng tôi chính là Tam Hoàng đấy.
-         Vậy… tại sao các ông không giống như hội Tam Hoàng mà tôi đã biết?
-         Ai cho anh biết? – Hoàng Long Giao nheo mắt, hỏi – Chắc mấy vị đạo diễn điện ảnh và đám văn sĩ chết dịch chuyên viết truyện trinh thám chứ gì?
Hắn ngượng ngùng cúi đầu thay lời đáp. Hoàng Long Giao cười nhẹ, nói bằng giọng dửng dưng :
-         Tam Hoàng nào thì chúng tôi không biết, chứ hội Tam Hoàng …à…chúng ta gọi là Huynh Đệ Hội của tôi thì khác rất nhiều với những gì anh đã đọc và xem. Chúng tôi kinh doanh, tồn tại và phát triển trên cơ sở quyền lực của các chính phủ.
-         Vì sự công bằng xã hội sao? – hắn phân vân.
-         Công bằng ư? – Hoàng Long Giao giễu cợt – Làm gì có thứ đó trên đời. Thực tế, chúng tôi kinh doanh tội ác, nhưng lại được gọi là hợp pháp vì là tội ác đẳng cấp cao.
-         Tôi vẫn chưa hiểu.
-         Ta có một ví dụ nhé. Những quốc gia đang phát triển đang đau đầu vì vấn đề xử lý rác thải. Ngân hàng thế giới sẳn sàng cho các quốc gia đó vay tiền để lập nhà máy xử lý rác, nhưng lại đặt điều kiện là phải dùng công nghệ tiên tiến nhất của Thụy Điển để đảm bảo nguồn thu hồi vốn từ kinh doanh sản phẩm tái chế là  khí gaz và phân bón khi xử lý rác.
-         Điều kiện rất hợp lý…
-         Nhưng chính phủ các nước đó lại không chấp nhận mà lại xin nguồn viện trợ hoặc vay không hoàn lại từ các nước tư bản phát triển để… nhập và vận hành những nhà máy xử lý có dây chuyền công nghệ lạc hậu và sắp bị loại bỏ để xử lý rác ở quốc gia mình.
-         Sao lại vô lý đến thế?
-         Rất hợp lý – Hoàng Long Giao lạnh lùng đáp – Bởi vì vay của ngân hàng thế giới để nhập công nghệ mới nhất sẽ phải gánh ngay những món nợ lớn, còn xin viện trợ và vay không hoàn lại để nhập và xây dựng những nhà máy có dây chuyền công nghệ lạc hậu thì tuy nhỏ giọt, chắp vá… nhưng… cân đối với tình hình phát triển kinh tế từng giai đoạn của quốc gia mình.
-         Nghe cũng không sai – hắn phân vân – nhưng như vậy thì bất công ở đây nằm tại chỗ nào?
-         Tại chỗ tôi là người vừa là người vận động viện trợ vừa là người  bán các thiết bị cũ cho những quốc gia đó – Hoàng Long Giao nhún vai – Nhận những dây chuyền công nghệ đó từ những quốc gia phát triển, tôi chẳng tốn xu nhỏ nào mà còn được trả tiền dọn rác và bao luôn phí vận chuyển lắp đặt ở quốc gia mới. Đối với các quốc gia nhập những thứ ấy về, tôi lại vừa thu được tiền, vừa được tiếng là ân nhân và nghiễm nhiên có ảnh hưởng trong sắp xếp chính trường của họ.
-         Chả lẽ chính phủ các quốc gia ấy không biết là họ nhập công nghệ cũ?
-         Biết chứ, nhưng những người có trách nhiệm quyết định nhập các công nghệ này để rồi phải trả lời chất vấn của cử tri thường lại không phải là người thẩm định về chuyên môn kỹ thuật. Tôi luôn trả đúng và đủ cho sự im lặng của những người thẩm định chuyên môn. Với chính phủ các quốc gia nhập dây chuyền lạc hậu do tôi bán, tôi hào phóng tặng luôn chi phí lắp đặt và xây dựng, chỉ cần họ lo chuyện đất đặt nhà máy.
-         Không phải bất công, mà là tội ác với cả một quốc gia và một dân tộc – Hắn bàng hoàng, thốt lên.
-         Về bản chất thì đúng vậy, nhưng về hình thức thì tôi vẫn là nhà kinh doanh hợp pháp– Hoàng Long Giao bật cười, vỗ nhẹ lên mặt hắn – Và còn có thể nói luôn với anh rằng viện trợ mà tôi vận động cho những quốc gia ấy không phải là của cho không, chuyện đời là “ có đi có lại”. Các nước đang phát triển sẽ trở thành con nợ của các nước tư bản phát triển và phụ thuộc nhiều về đối ngoại trên chính trường quốc tế, chẳng hạn bỏ phiếu ủng hộ hoặc chống đối một nghị quyết nào đó tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.Tóm lại, viện trợ mà tôi vận động cho các nước đang phát triển chính là công cụ kềm chế và làm nghèo đi các quốc gia nhận viện trợ đó.
-         Nhưng các ông lại không phải là mối đe dọa cần được các quốc gia ưu tiên bài trừ - Hắn cười cay đắng, nhận xét.
-          Nhưng như anh đã biết, hoạt động của tổ chức chúng tôi vẫn là tội ác.- Hoàng Long Giao trầm ngâm – Và sự thật hiển nhiên là tội ác có tổ chức dù quy mô đến đâu và được ai chỉ huy thì cũng chỉ là một con mèo nhu nhược trước pháp luật mỗi quốc gia, nhưng nó sống được nhờ những tham vọng chính trị quốc tế và mưu đồ cá nhân những quan chức chính phủ mỗi quốc gia. Tổ chức Huynh Đệ Hội của chúng tôi tồn tại và phát triển với sự thể hiện tội ác hào nhoáng  như thế đó.
Những lời của Hoàng Long Giao  thực sự gây ấn tượng với hắn. Và hắn đã quyết định ngay sau khi kết thúc chuyến đi. Hắn trở thành thành viên Huynh Đệ Hội tại Việt Nam với lựa chọn đã nói với Hoàng Long Giao “ Tôi chọn tình nghĩa”. Và Hoàng Long Giao đã thực hiện điều ông ta cam kết khi giữ cho hắn yên bình trong bóng tối. Trở thành Hồng Trượng phụ trách bộ phận trừng phạt, hắn chưa bao giờ phải giết ai, nhưng óc tổ chức cùng các quan hệ của hắn đã giết chết rất nhiều người, không phải về thể xác mà là về tâm hồn và danh dự kẻ bị Huynh Đệ Hội quyết định trừng phạt. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là hắn không giết người về thể xác. Có đấy, nhưng hoàn toàn không bẩn tay và không phải vì thù oán cá nhân…
Giờ đây Hồng Trượng đang cân nhắc thời điểm để quyết định về cái chết của một doanh nghiệp. Điểm lại những gì đã bắt đầu từ trước đây một năm cho đến sáng nay,  nhận thấy mình đã quá mạo hiểm, dù sự mạo hiểm ấy là cần thiết. Như một tay súng bắn tỉa, một năm qua hắn đã táo bạo dọn đường để có một vị trí xạ kích lý tưởng ở sát trận địa. Vấn đề lúc này là thời điểm bắn và bắn mục tiêu nào trước để có một kết thúc toàn vẹn…Là một nhà tổ chức, hắn biết sự khác biệt giữa tác chiến theo đúng phương án tập dượt và tác chiến thực sự trên chiến trường. Là người trực tiếp chỉ huy từ trong bóng tối, Hồng Trượng biết quý trọng giá trị những con người dù thực chất chỉ là quân cờ trong kế hoạch của hắn… Cho nên những giây phút trước khi quyết định thực sự  nặng nề…
Điện thoại di động của hắn réo… Hồng Trượng vươn mình cầm lấy điện thoại  liếc nhìn số máy gọi đến và nở nụ cười khi nhận ra số máy quen… Đó là số của một chuyên viên trợ lý tham mưu trong ủy ban nhân dân thành phố…
- Có tin vui cho anh đây. Ủy ban nhân dân thành phố vừa họp xong sáng nay đã ra quyết định thu hồi dư án của Red Sun để thực hiện dự án Elipse của công ty Oxygen. Văn bản sẽ được công bố trong chiều nay. Biết phải làm gì rồi chớ? – giọng tay chuyên viên bên kia đầy hồ hởi.
- Tất nhiên, tất nhiên –  Mặt Hồng Trượng bừng sáng – ông Phương Gia Nghi tất nhiên không thể quên ơn giúp đỡ của anh. Tối nay mời anh ở Song Ngư nhé.
- Chuẩn bị phòng riêng cho hai mươi người nghe. Và cả cái khoản chi phí trà nước cho tớ… Mấy vị khách này sẽ còn giúp ông Phương về thủ tục tiến hành dự án trong tương lai đấy – Giọng tay chuyên viên kia giờ mang âm sắc mệnh lệnh.
-  Xin vâng. Lúc sáu giờ chiều … Cảm ơn các anh đã giúp đỡ cho khách hàng của tôi. Vâng. Xin chào anh – Hồng Trượng cúp máy.
Bây giờ Hồng Trượng thấy xốn xang trong lòng. Mục tiêu bắn đã hiện trên màn hình. Giờ chỉ còn bấm cò để cho tất cả mục tiêu sụp đổ… Hồng Trượng cầm điện thoại di động, bấm nút gọi :
-  Làm ơn cho gặp ông chủ Phương… Dạ …Tôi đây …Thưa ông, việc “ chạy” cho dự án Elipse đã xong. Giờ nhờ ông chuẩn bị tiền trà nước cho người dẫn đường và tiền quà cho khách … Vâng… Hai mươi khách… Tôi và ông có mặt lúc năm giờ rưỡi chiều nay tại Song Ngư …Vâng, như tôi đã bàn…Dạ… cảm ơn ông. Hẹn gặp lại.
Hồng Trượng cúp máy, đứng dậy vơ chiếc khăn và quấn vào người bước ra phòng khách, ngồi ngay vào bàn, mở máy tính xách tay… Đã đến giờ liên lạc với Thảo Hài tại Singapore. Hồng Trượng chuyển đi email đã mã hóa có nội dung “ Nhờ chú thưa lại với cha là bên này tôi vẫn đang chờ đêm xuống”.
Lâu nay, Hồng Trượng đã sẵn sàng, nhưng vẫn phải chờ tín hiệu sau cùng của Hoàng Long Giao …Có lẽ Thảo Hài sẽ trả lời gấp cho hắn qua tin nhắn điện thoại trước chiều nay. Còn bây giờ… Mới gần 13 giờ… Hồng Trượng cần được thư giãn với cô gái hắn hẹn đến đây mua vui vào lúc 13 giờ 15.


[1] Vị trí báo hiệu đàn ông để tang vợ
[2] Viết tắt tên bằng tiếng Anh của văn phòng cảnh sát quốc tế Việt Nam.
[3] Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về trật tự xã hội
[4] Giết một người được chỉ định để làm bằng chứng đoạn tuyệt với pháp luật xã hội và chứng tỏ trung thành với tổ chức tội phạm

Không có nhận xét nào: