Hai
Cô ta nhìn tôi đau đáu, dường như đang muốn tự hỏi bản thân
“ Đây là người mà mình cần tìm gặp đó sao? Chẳng có vẻ gì là một thám tử cả?”
Còn tôi thì giờ lại thấy khó khăn để mở miệng ra mà bắt đầu
câu hỏi về nguyên nhân sự có mặt của mình, nếu như đó là ý của cô ta.
Chúng
tôi nhìn nhau như vậy đã bao lâu, thật tình tôi cũng chẳng đếm mà nhớ
được. Rồi cô gái gật đầu nhẹ, ra dấu
đi theo cô ta…Kỳ lạ thay, cô ta không nói ra, mà tôi lại bước theo ngay sau cô
ta cứ như đã biết cô ta là ai và sẽ dẫn mình đi đến đâu vậy. Chúng tôi đi vòng
ra sau tường rào đan viện, chỗ mé sông…Cô ta cứ thẳng mé sông mà bước.
-
Cẩn thận! – tôi buột
miệng.
Cô gái
quay lại, nhếch môi cười như chế giễu, đoạn bước tiếp xuống mé sông. Một luồng
hơi nước theo cơn gió đưa đến, rồi cuộn lại từ dưới chân cô ta hóa thành một
màn sương mờ đục lạ lùng. Màn sương nọ lan ra, lớn rộng dần đến mức khiến tôi
mờ cả mắt…
-
Cô cẩn thận! – tôi kêu
thất thanh.
-
Làm công an mà nhát thế
à? – tiếng cô gái lanh lảnh vang lên đầy thách thức – Cứ bước đi xem đã làm
sao…
Tôi nóng bừng mặt, nghiến răng bước dò
dẫm trong màn sương kỳ quái nọ. Phía trước tôi, cô gái nọ vẫn nhẹ nhàng lặng lẽ
bước một cách kiên trì…
-
Bao giờ thì cái màn
sương quái dị này mới chịu tan hết đây? – tôi nóng ruột càu nhàu – Ít nhất cô
cũng phải cho tôi biết là mình đi đâu chứ?
-
Thì đến chỗ để có thể
nói chuyện – cô gái đáp dễ dàng cứ y như cái cách mà vợ tôi gọi đứa em trai đến
chỗ thích hợp để nghe chị mắng về tội nghịch ngợm.
-
Chuyện tình chắc? – tôi
vừa bước theo, vừa hỏi giễu mà thực tình là để lấy lại tinh thần.
-
Cũng sẵn lòng thôi, nếu
anh dám – cô gái đáp rồi cười ngặt nghẽo.
Giờ thì toàn thân tôi ớn lạnh. Tất nhiên là tôi không dám
rồi. Đơn giản vì tôi hiểu rõ mình đang đi theo một hồn ma. Tự nhiên tôi thấy
oán cái chứng Thần hòa bệnh cùng cái tính tò mò của mình. Giá như khi nghe điện
thoại của xơ Đài, tôi cứ lấy cớ mệt vì mới đi công tác về hoặc chuẩn bị đi công
tác sớm để gọi điện thoại “ đẩy cây” trường hợp này cho công an phường Trường
Thọ thì đâu đến nỗi. Giờ thì đã quá muộn để lui rồi. Mà quay lui cũng chẳng
biết thoát ra khỏi màn sương quái lạ này như thế nào được nữa…Chừng như cô gái
nọ đọc được suy nghĩ người đi đằng sau mình nên cất tiếng cười khan, trấn an :
-
Đến nơi rồi. Anh yên
tâm chưa?
Chúng tôi dừng bước. Màn sương mờ ảo quanh hai người chúng
tôi dần nới rộng. Một bàn tay đặt lên vai tôi, cùng một giọng nữ nhẹ nhàng
nhưng âm sắc đầy uy lực như ra lệnh vang lên :
-
Thiếu tá An. Tôi đợi
ông nãy giờ.
Tôi điếng người khi quay lại nhìn người vừa nói với mình.
Thanh Thủy[1].
Đúng bà ta.
Đất như muốn sụp dưới chân tôi.
Tôi lạc vào đâu thế này?
Hội Quần Ma chăng?
Bởi vì không phải một mà là hai hồn ma.
Và tôi cũng lý giải được phần nào về tiếng người phụ nữ vang
bên tai, lặp đi lặp lại ám thị xơ Nhất rằng phải gọi cho tôi khi trông thấy
thiếu úy Phượng nằm bất tỉnh trong sân sau đan viện.
* * *
*
Có lẽ tôi đã quen dần với việc nhìn
thấy và trò chuyện với những hồn ma. Hay nói đúng hơn là những hồn ma muốn tôi
quen dần với việc nhìn thấy và trò chuyện với họ bằng cách xuất hiện theo
phương thức nhờ một hồn ma cũ giới thiệu hồn ma mới với tôi. “Sức mạnh của sự
quen biết không chỉ thể hiện trong cuộc sống với thực thể xác thịt mà còn cả
trong lĩnh vực tâm linh sao?”- trong đầu tôi thoáng hiện ra một ý nghĩ hài
hước. “Dù sao thì gặp những hồn ma cũ vốn đã quen biết vẫn dễ chịu hơn”. Tôi
mỉm cười và chìa tay ra đón lấy tay Thanh Thủy.
-
Rất bất ngờ vì gặp lại
bà. Sau bức điện bà gửi qua âm thanh, tôi cứ nghĩ bà đã được giải thoát.
-
Tôi đã được giải thoát,
nhưng tôi chỉ thực sự ở trong cõi nhớ khi làm xong việc này – Thanh Thủy cười,
hơi xoay về phía cô gái vừa dẫn đường cho tôi
- Hơn nữa, tôi cũng muốn gặp lại ông để có lời khen về đường đạn của
phát súng giải thoát ấy.
Tôi bật cười khi
bà ta nhắc đến chuyện sếp cự nự tôi vì bắn hỏng chiếc ghế chơi đàn của cô con
gái rượu Bảo Trân bằng viên đạn ngâm nước thánh, nhưng thực tình giờ nhớ lại
trong hoàn cảnh này chẳng thấy vui chút nào.
-
Ông ngồi xuống đây đi.
Thanh Thủy chỉ một bệ xi măng gần đó.
Tôi ngồi xuống và thầm nghĩ “ Yến Ngọc dẫn cô Cúc đến nhà mình[2],
vụ trưởng Tùng giới thiệu mình cho Thanh Thủy. giờ Thanh Thủy lại kéo mình vào
việc gì nữa đây?”
-
Dường như ông đang lo
nghĩ? – Thanh Thủy kéo vạt áo dài, ngồi xuống bên cạnh tôi.
-
Nếu bà đã biết việc sếp
tôi trách về viên đạn ấy, hẳn bà cũng đọc được tôi suy nghĩ gì – tôi nhún vai.
-
Tôi biết – Thanh Thủy
lắc đầu nhẹ - Nếu tôi bị chứng Thần hòa bệnh như ông, tôi cũng không vui mỗi
lần gặp một hồn ma. Nhưng nói ra ông có tin không, những hồn ma chưa được giải
thoát lại rất cần được người sống trông thấy, trò chuyện để hiểu và thông cảm
về những gì khi sống buộc phải làm và những gì chưa kịp làm. Sự cảm thông, thứ
tha của người sống sẽ giúp những hồn ma nọ được giải thoát. Tôi cũng rất muốn
hiện ra để cảm ơn sếp của ông và vợ con ông ta về bữa cơm cúng cầu siêu và bài
“ Khúc tưởng niệm” tiễn đưa linh hồn tôi lắm chứ, nhưng cũng có được đâu nào.
Vì tôi không hiện ra được với họ.
Tôi bật cười vì cách an ủi động
viên này của một hồn ma với người đang sống. Tiếng cá lòng tong quẫy nước tí
tách từ sông vẳng lại nghe êm tai như giọt mưa tí tách rơi.
-
Bà muốn giới thiệu cô
gái kia cho tôi phải không? Có việc gì vậy?
-
Đúng hơn là giới thiệu
ông cho cô ấy. Cô ấy oan ức, cần được giải thoát.
-
Biết giải thoát được
rồi thì cô ấy có chịu đi không? – tôi đùa.
-
Ý ông muốn ám chỉ tôi?
– Thanh Thủy cười có vẻ thú vị - Vậy ông có biết tại sao cô giao liên cộng sản
Lê Thị Cúc được giải thoát rồi thì không quay lại, Ngọc Linh và Trọng Quân được
ông giải thoát rồi thì đều biến mất luôn. Còn vụ trưởng Tùng và tôi lại phải
giới thiệu ông với một hồn ma nào đó không?
-
Vì sao ? – tôi bất ngờ
khi nghe đề cập đến điều khác biệt này.
-
Vì ông Tùng và tôi còn
nợ cuộc sống. Cô Lê Thị Cúc, Trọng Quân và Ngọc Linh thì họ bị oan trong cái
chết của mình. Ông Tùng nợ xã hội, gia đình vợ con vì một tội lỗi trong cuộc
sống. Còn tôi…chắc ông đã biết rồi…với số thuốc Streptomycin giả của tôi lọt
vào chiến khu…
-
Sáu mươi ba thương binh
bị tê bại? – tôi ngao ngán nhắc lại.
-
Cho nên dù tôi đã được
ông giải thoát, vẫn thấy nợ lại cuộc sống này.
-
Bà đã đưa thiếu úy
Phượng vào sân sau đan viện phải không? – tôi chợt nhớ ra nguyên nhân mình có
mặt ở đây.
-
Không phải tự mình tôi.
Có cả cô ấy nữa – Thanh Thủy chỉ về cô gái vẫn đang đứng ở đằng xa tự nãy giờ -
Tôi chỉ làm thêm mỗi việc nói với xơ
Nhất để gọi cho ông. Giờ ông đã đến, nhiệm vụ tôi đã tròn. Tôi đi đây.
-
Bà đi đâu vậy? – tôi
hỏi một câu hoàn toàn theo quán tính nghề nghiệp mà chỉ khi hỏi xong mới thấy
sự vô duyên của nó. Bởi Thanh Thủy có nói thì tôi cũng có biết nơi bà ta đến
như thế nào đâu.
Nhưng Thanh Thủy không cười để nhạo tôi. Bà ta đứng lên, nói
trước khi bước đi :
-
Nơi tôi đến, người ta
gọi là cõi nhớ. Chúng tôi vẫn đang
đợi ông. Tất cả mọi người mà ông đã giải thoát cũng đang đợi ông…
Dứt lời, Thanh Thủy tan nhòa trong khoảng không trước mắt
tôi.
Giờ tôi mới nhận ra hai mắt mình đã hết buốt. Tôi đứng dậy,
tiến về phía cô gái đang đứng chờ…
-
Mời cô ngồi xuống. Cô
gặp tôi có chuyện gì?
-
Tôi là Lê Kiều Bích
Ngọc – cô gái gật đầu, tự giới thiệu – Chúng ta đang ngồi trên nấm mộ của tôi
đấy.
Toàn thân tôi lạnh ngắt, cứng đờ…
Hai mắt Bích Ngọc giờ như hai đốm than đỏ rực, cháy bừng lên
giữa màn sương khói hư ảo đang bủa giăng quanh chỗ tôi ngồi…Tôi nhìn vào giữa
hai đốm đỏ ấy…và nhìn thấy Bích Ngọc đang ngồi trong một văn phòng. Trên bàn
làm việc của cô ta có tấm biển nhỏ “ Chỉ huy công trình”… Bích Ngọc đang ngồi
lật từng trang của quyển sổ cái dầy cộp có ghi bên ngoài “ Nhật Ký Thi Công”…
Người đàn ông đứng trước bàn làm việc có vẻ như hồi hộp căng thẳng… Bích Ngọc
chợt ngước lên nhìn anh ta, cười và ra lệnh :
-
Anh lấy cho tôi ly cà
phê sữa nhé…
Người đàn ông nọ hấp tấp quay ra cùng một tiếng : - Vâng!
Thưa bà…
Còn lại một mình, Bích Ngọc rút chiếc máy ảnh tí hon trong
chiếc xắc tay trên bàn, chụp lại ảnh mấy
trang sổ cái mình vừa đọc… Xong, cô ta giấu chiếc máy ảnh vào túi áo
măng – tô, vừa đúng lúc người đàn ông nọ bước vào với tách cà phê sữa nóng…
Bích Ngọc cười đầy quyền uy rồi nhấp một ngụm cà phê, lật nhẹ từng trang sổ với
dáng vẻ thờ ơ, không mấy quan tâm… Chợt hai mắt cô ta mở trừng trừng… Nét mặt
Bích Ngọc bộc lộ sự đau đớn và kinh hãi đến tột độ… Bích Ngọc vươn mình, chồm
lên, rít :
- Cà phê… Anh bỏ gì vào đó?
Người đàn ông nọ luống cuống, lùi nhanh…
Bích Ngọc ngã vật lên trên mặt bàn, giữa quyển sổ cái dầy
cộp đang mở rộng… Tách cà phê sữa uống dở bị đổ nghiêng. Cà phê sữa chảy tràn
trên bàn… Chiếc tách rỗng lăn trên bàn rồi rơi thẳng xuống mặt đất, vỡ tan một
tiếng CHOANG… Mấy mảnh sứ bắn ra bốn hướng…
… Rồi người đàn ông nọ chầm chậm bước đến, kéo theo chiếc
túi chất dẻo to đùng có khóa kéo chuyên dụng để đựng tử thi. Anh ta tròng chiếc
túi trùm lên thi thể cô gái đang nằm trên mặt bàn làm việc…
- Tôi không thể tin là mình đã chết. bởi tôi…không có lý do
gì để chết như vậy cả…- cô gái khoác măng – tô lên tiếng – Và tôi… cứ phải lang
thang bên bờ sông này…
- Cô chụp ảnh Nhật ký công trường để làm gì? – Tôi hỏi.
- Đó là công việc của tôi – Bích Ngọc thẫn thờ đáp lại – Tôi
được thuê để làm việc ấy.
Điện thoại di động trong túi tôi đột nhiên rung liên tục và
đổ chuông nhạc. Cô gái nọ cau mày, lắc đầu nhẹ :
-
- Vậy là chúng ta sẽ còn phải gặp lại nhau.
Xin lỗi vì không kịp đưa anh về.
Rồi Bích Ngọc cũng như màn sương quanh tôi tan
biến nhanh đến mức giật mình. Tôi rút điện thoại di động trong túi ra, bấm trả
lời.
Tiếng xơ
Đài thảng thốt vang lên bên tai tôi
:
-
Anh An phải không? Anh
đi đâu vậy?
-
Thì tôi đi dạo quanh
quẩn ở sau đan viện chứ đi đâu? – tôi thở phào nhẹ nhỏm, trả lời bằng sự ung
dung của người làm chủ tình hình.
-
Anh đùa chắc? – Bên kia
máy, xơ Đài có vẻ bực dọc- Chúng tôi tìm anh sau đan viện nãy giờ hai mươi phút
rồi mà có thấy anh đâu.
-
Tìm tôi làm gì? – tôi
ngơ ngác.
-
Thì thấy xe gắn máy của
anh còn để trong sân mà chẳng thấy anh đâu, nên Xơ Nhất bảo chúng tôi tìm khắp trong đan viện.
Vẫn không thấy anh đâu cả nên chúng tôi ra sân tìm. Phải gọi về cho chị nhà mới
biết số di động của anh đó. Nếu không gọi được thì chắc chúng tôi phải báo công
an Thủ Đức.
Suýt nữa thì tôi bật cười nếu điều xơ Đài dự định làm xảy ra. Đan viện Khiết Tâm sẽ đến là khổ vì hai
lần thăm viếng trong đêm của công an. Lần trước là công an quận lân cận, còn
sau đó là công an quận sở tại. Giờ tôi thấy mình đáng trách khi đi theo cô gái
ma tên Bích Ngọc mà quên thông báo lại với các xơ, nhưng…tự tôi cũng không hiểu tại sao mình lại làm thế…Tôi cố
lấy giọng khôi hài để trấn an xơ Đài :
-
May quá. Tôi vẫn đang ở
ngoài này. Xin xơ yên tâm.
-
Nhưng ngoài này là ở
đâu mới được chứ? – giọng xơ Đài vẫn
chưa hết lo lắng – Chúng tôi có thấy anh đứng ở chỗ nào đâu.
Ừ nhỉ. Tôi quên là mình đã đi theo Bích Ngọc một đoạn khá dài.
Tôi vừa bước về phía mé sông, vừa
nói vào máy :
-
Tôi cũng cách vách
tường sau đan viện chừng vài chục mét thôi, xơ
à.
-
Thật sao? Làm sao anh
sang đó được? – xơ Đài giờ tỏ ra
hoảng hốt.
-
Sao xơ phải hỏi vậy? – tôi ngạc nhiên.
-
Bên đó là quận 2 mà – xơ Đài rõ ràng không tin những gì nghe
được từ tôi – Anh thử bước ra phía mé sông nhìn sang bên kia xem.
Tôi giật thót mình, rảo bước về phía mé sông. Gần như cùng
một lúc, bên kia sông rực sáng ánh đèn chiếu sáng… Tôi nheo mắt, nhìn vào vùng
ánh sáng nọ và nhận ra đan viện Khiết Tâm.
Nhưng ở bên kia sông.
Nghĩa là tôi đang đứng bên mé sông quận 2, nơi mà trinh sát
Phượng đã bị “ ma giấu” như lời những người dân địa phương rượt đuổi.
Tôi cúi xuống nhìn lại toàn thân mình.
Không một giọt nước, chỉ thoảng mùi mồ hôi và hơi lạnh sương
đêm.
Nghĩa là khi đi theo cô gái ma , tôi đã băng qua sông mà
không bơi, cũng không chèo xuồng.
- Anh làm sao vậy? Có thấy đan viện không? – xơ Đài đầy hồi hộp.
- Có, thưa xơ –
tôi cố nén xúc động vì cảm giác bàng hoàng sau một lần bị “ ma giấu” – Đúng là
tôi đang đứng bên mé sông quận 2. Và tôi nghĩ điều vừa xảy ra với mình đã giải
thích sự có mặt của Lê Văn Phượng trong sân sau đan viện lúc gần nửa đêm.
- Ơn Chúa ! – bên kia máy, xơ Đài thở phào nhẹ nhõm – Để tôi cho xuồng qua đón anh.
- Cảm ơn các xơ lo
lắng, nhưng tôi tự về được.- tôi cúp máy rồi quay về nơi mình đứng khi nãy. Tôi
bật đèn pin điện thoại để xem lại cái bệ xi măng mình ngồi.
Không phải bệ xi măng.
Đó là một trụ bê tông đúc sẵn được đổ sâu xuống lòng đất sát
mé sông để chuẩn bị làm bờ kè đá. Trên
mặt trụ bê tông vẫn còn dòng chữ đỏ bằng tiếng Việt và tiếng Anh “ Công ty xây
dựng hạ tầng Khang Thịnh – Mố M 1”. Tôi dùng điện thoại chụp ảnh trụ bê tông và
dòng chữ trên nó. Xong, tôi gọi cho trung tá Thành. Anh chàng có vẻ ngạc nhiên
, hỏi với giọng ngái ngủ :
-
Anh đang ở đâu vậy? Có
việc gì không?
-
Có. Nhờ anh cho xe đến
đón tôi ở mé sông quận 2, đối diện đan viện Khiết Tâm, chỗ mà thiếu úy Phượng
bị mất tích.
-
Nhưng anh sang đó làm
gì?
-
Tìm nguyên nhân sự việc
kỳ lạ với thiếu úy Phượng theo ủy nhiệm của anh – tôi cố nói dóc bằng giọng
nhát gừng của một người đầy trách nhiệm với lời hứa để che giấu cơn mệt mỏi
sinh bệnh làm biếng không muốn cuốc bộ qua khu vực những người dân khiếu kiện để ra
xa lộ Hà Nội của mình.
-
Tìm ra gì chưa?
-
Rồi. cho nên mới gọi
anh.
-
Là gì vậy? – Thành giờ
tỏ ra hết sức tò mò.
-
Chuyện dài lắm. Gặp rồi
sẽ nói.
-
Tôi cho người xuống đón anh ngay.
Tôi cúp máy, khoan khoái nghĩ đến vẻ mặt của anh ta khi tôi
lý giải gọn hơ là “ Phượng bị ma giấu”. Hẳn anh chàng sẽ vò đầu bứt tai và lặp
lại câu nói khi nãy “ Đúng là già mà chưa hết dại”. Nhưng đó là việc của ngày
mai, vì bây giờ, tôi cần quay về đan viện …
Xơ
Nhất trưởng đan viện cùng xơ Đài lặng
yên rất lâu sau khi nghe câu chuyện của tôi. Ánh mắt của họ biểu lộ nửa tin nửa
ngờ. Điều đó tôi hoàn toàn hiểu, bởi từ khi mắc Thần Hòa Bệnh, tôi đã từng nhìn
thấy những ánh mắt như thế này ở bạn đồng nghiệp, ở sếp mỗi khi tôi kể chuyện
về những giấc mơ sau cuộc họp sáng. Tất cả đều tin tôi nói thật, bởi hiện thực
đã kiểm chứng. Và tất cả cùng ngờ vực, vì họ cũng như tôi, đều là con người với
ý thức về sự tồn tại vật chất. Hơn nữa, tuy lựa chọn cuộc hôn nhân với Chúa, nhưng
các tu sĩ Công giáo lại là những trí thức được trang bị kiến thức khoa học xã
hội và khoa học tự nhiên ở mức cao nhất. Vấn đề là họ sẽ phản ứng như thế nào
thôi…Phải, mỗi người đều có những phản ứng khác nhau trước một hiện tượng đơn
nhất kia mà. Và tôi ngồi đây chính là để đón nhận phản ứng ấy.
-
Anh bị chứng Thần Hòa
Bệnh này lâu chưa? – xơ Nhất lên
tiếng hỏi.
-
Khoảng ba năm trở lại
đây thôi, thưa xơ – tôi đáp, có hơi
ngỡ ngàng vì câu hỏi này đâu có liên quan gì đến những điều kỳ lạ xảy ra tại
đan viện từ nửa đêm đến giờ.
-
Còn việc nhìn thấy được
và nói chuyện với hồn ma?
-
Độ từ tháng tư năm nay
đến giờ.
-
Vậy chúng tôi xin hết
lòng cầu nguyện cho anh luôn hoàn thành ủy nhiệm của những linh hồn bơ vơ, giải
thoát cho họ sớm được vui vẻ bên Đức Chúa Cha – xơ Nhất nở một nụ cười hiền lành rồi đứng lên.
-
Hình như các xơ không tin điều tôi nói? – Tôi đứng
dậy theo, có hơi phật ý.
-
Chúng tôi tin những gì
chúng tôi cần tin, về việc anh chàng Phượng, chúng tôi đã quên mất rồi – xơ Nhất lắc đầu nhẹ để phủ nhận cơn tự
ái của tôi – Ít nhất, chúng tôi sẽ cầu nguyện cho linh hồn cô gái tên Lê Kiều
Bích Ngọc vào buổi cầu nguyện sáng. Cũng đã hơn hai giờ , anh cần phải về nghỉ
ngơi. Cảm ơn anh đã đến đây.
Những nữ tu này thật lạ. Có vẻ như với họ, việc phát hiện ra
một linh hồn đã cứu giúp một trinh sát an ninh quan trọng hơn là việc đảm bảo
an ninh trật tự cho nhà Chúa. Nhưng dù sao thì họ nói cũng đúng, ít nhất là cho
tôi. Cũng phải về nhà rồi. Tôi chào từ biệt hai nữ tu, phóng xe ra xa lộ Hà
Nội… Vì buộc phải chạy qua quận 2 mới có
chỗ quay đầu xe về Thủ Đức, tôi lại phải chạy qua con đường dẫn vào khu dự án
của công ty Khang Thịnh.Nhớ đến những gì vừa xảy ra với mình khi dò dẫm đi
trong màn sương lạnh cách đây hơn một giờ, tôi không khỏi rùng mình. Ma giấu
thiếu úy Phượng để cứu mạng anh ta. Ma giấu tôi để tố cáo một cái chết oan ức.
Về đến nhà, tôi cố ngủ để hy vọng gặp lại cô ta trong giấc
mơ…
Nhưng lại trằn trọc, thao thức mãi khi nhớ lại cái trụ bê
tông tôi đã ngồi lên đó để trò chuyện mà Bích Ngọc đã nói, rằng cô ấy đang đứng
bên nấm mộ mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét