Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Chuyện về một huyền thoại dối trá




“ HỔ NHẬT BẢN” - SỰ LỪA DỐI MANG TÊN RIKIDOZAN
Rikidozan đã về cõi vĩnh hằng được đúng năm mươi năm và Nhật Bản sắp kỷ niệm ngày mất của ông bằng một giải đấu đặc biệt. Người ta nhớ đến ông ta như nhớ về một trong mười võ sĩ giỏi nhất thế giới, một người đã đưa môn vật tự do của Mỹ vào Nhật Bản để phát triển thành công nghiệp giải trí như ngày nay. Rikidozan là biểu tượng cho tinh thần dân tộc xứ Phù Tang và trớ trêu thay, cũng là biểu tượng của sự dối trá mà dân Nhật bị áp đặt...
TỪ VÕ SĨ SUMO “ THỞ RA MÙI TỎI”...
Một trong những điều mỉa mai nhất trong lịch sử hiện đại Nhật Bản là Rikidozan, biểu tượng thuần khiết cho bản lĩnh kiên cường của dân tộc Nhật, thực ra lại có cái tên cúng cơm Kim Sin Năk và được sinh ra ngày 14 tháng 11 năm 1924 trong nhà một công nhân nghèo thuộc lãnh thổ mà bây giờ thế giới gọi là... Cộng Hòa Dân Chủ Nhân dân Triều Tiên. Rất ít người biết được sự thật này vì theo tính toán của Rikidozan thì nếu sự thực bị phơi bày, ông ta sẽ mất hơn 50% người ủng hộ do thành kiến cố hữu chống Triều Tiên của dân Nhật Bản. Bởi trong bậc thang xã hội Nhật thì dân gốc Triều Tiên thuộc vào tầng lớp “ dưới đáy xã hội”. Từ khi Triều Tiên bị sát nhập vào Nhật Bản hồi năm 1910, dân Nhật xem tất cả những gì thuộc về Triều Tiên là ...không đáng quan tâm, hơn 1 triệu rưỡi người Triều Tiên đã bị bắt đến Nhật để làm nô dịch. Nhưng Rikidozan không thuộc tầng lớp đó, anh ta đến Nhật vào năm 1939 khi là một thanh niên lực lưỡng được một lái võ sĩ từ Nagasaki mang đến Nhật và gửi vào lò đào tạo võ sĩ Sumo Nishinoseki ở Tokyo. Ở đây, anh ta được cấp tên mới là Rikidozan, dù các hồ sơ gốc của lò đào tạo vẫn ghi tên thật Kim Sin Năk và nơi sinh là Bắc Cao Ly, nhưng tâm lý chung của người tại võ đường này là không thể chấp nhận một gã Triều Tiên được bước chân vào môn thể thao của Thiên Hoàng khi Sumo chính là hình ảnh thu nhỏ của đặc trưng dân tộc. Kết quả là một câu chuyện bịa đặt về Kim đã ra đời như sau : “ Rikidozan là con trai của ông Minokichi Momota ở Omura, Kyushu” ( Minokichi Momota chính là tên gã lái buôn đưa Kim Sin Năk về Nhật và gửi vào võ đường). Sau đó, bản lý lịch giả này tiếp tục được bổ sung cho hoàn chỉnh bởi những chi tiết về thời niên thiếu đơn độc và thành tích điền kinh trong trường trung học Omura. Do thường bị các sõ sĩ đàn anh chế nhạo là “ Thằng thở mùi tỏi” ( ám chỉ xuất thân Triều Tiên), Rikidozan đã nhanh chóng để lại dấu ấn trên sàn đấu Sumo nhờ sức mạnh cơ bắp và sự hung hăng để vượt qua hệ thống phân chia thứ bậc nghiêm ngặt của môn Sumo và lọt vào danh sách 40 võ sĩ xuất sắc nhất. Rikidozan đã đạt cấp hàm sekiwake và đang trong giai đoạn chinh phục hai cấp hàm cao nhất còn lại trong môn võ sumo là ozeki và yokozuna do hiệp hội sumo Nhật Bản quản lý thì chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc bằng sự đầu hàng của Nhật Bản khiến  môn Sumo cũng sụp đổ theo. Sảnh đường Sumo lịch sử và linh thiêng – nơi diễn ra những trãn đấu sumo ở Tokyo ăn bom và sau đó bị quân cảnh Mỹ chiếm giữ. Sau đó, người Mỹ tu sửa lại tòa nhà nọ và biến nó thành Đài tưởng niệm để tổ chức những trận đấu vật – quyền anh. Biểu tượng tinh thần dân tộc Nhật giờ đã chuyển thành biểu tượng tinh thần Mẽo khiến những võ sĩ Sumo như Rikidozan phải ngậm ngùi. Khi sumo không thể giúp cho Rikidozan kiếm tiền như trước, “ gã thở mùi tỏi” đành bỏ nghề đi tìm việc làm trong ngành xây dựng. Ông chủ thầu xây dựng Shinsasku Nita – nguyên bảo kê sòng bạc của băng nhóm Sumiyoshi vốn là người hâm mộ sumo đã giới thiệu cho Riki công việc giám sát công trình xây dựng tại các doanh trại quân Mỹ. Nhờ công việc mới, Riki kiếm thêm được những người bạn Mỹ và vốn liếng sinh ngữ tiếng Anh qua những cuộc nhậu trên phố Ginza. Kiểu tự học đó cùng với sức mạnh cơ bắp và sự hung hăng của Riki thường  kết thúc bằng những trận ẩu đả. Đêm nọ, Riki cùng đám bạn choảng nhau với một bọn kháccũng làm giám sát công trình xây dựng quân sự. Trận thư hùng đó không chỉ dứt mạch háo thắng của Riki mà còn mở ra cho anh ta một chân trời mới. Bởi vì Riki và đám bạn đã bầm dập – theo đúng nghĩa đen của từ này trước người cầm đầu đám khách nhậu kia. Người ấy cũng là một người Mỹ gốc Nhật tên Harold Sakata, vận động viên từng đoạt huy chương đồng thế vận hội và cũng là vô địch thể hình Hawait. Đối với dân mê xi- nê thì Harold Sakata không hề xa lạ, chính là tài tử đóng vai tên hộ vệ Oddjob chuyên lia chiếc mũ vành sắt giết người trong bộ phim về điệp viên 007 mang tên Goldfinger. Sau cái bắt tay làm hòa bên bàn nhậu, Sakata giới thiệu Riki với Hội võ sĩ nhà nghề Mỹ. Hội này đang tìm cách khuếch trương môn thể thao của họ tại Nhật Bản và thế là Riki mau chóng được mời sang xứ cờ hoa để được đào tạo môn đấu vật. Nhưng Riki không thể đến Mỹ với cái bản lý lịch còn lưu tại lò võ sumo Nishinoseki, bởi đất nước đích thực mà ông ta sinh ra giờ chính là kẻ thù công khai ở Mỹ. Dựa vào bản lý lịch giả được viết trong chiến tranh, Rikidozan tự viết tiếp bằng cách ...chính thức đổi tên sang Misushiro Momota và phòng hộ tịch gia đình của chính phủ Nhật Bản ở Nagasaki vẫn lưu giữ bản khai hộ tịch của ông với tên vợ chồng Minokichi Momota là bố mẹ hợp pháp. Sau đó, Rikidozan được cấp hộ chiếu Nhật Bản và lên đường sang Hoa Kỳ để dự khóa đào tạo vận động viên đấu vật vào tháng 2 năm 1951.
...ĐẾN BIỂU TƯỢNG TINH THẦN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG PHI VỤ ĐEN
  Tại Mỹ, Riki mau chóng đạt sự thành công mà không ai nghĩ đến, kết hợp những cú chọc và đẩy của sumo truyền thống cùng cú chém của Karatedo để sở hữu một cách đánh thích hợp đặc trưng cho riêng mình, đạt kỳ tích thắng 295 /300 trận đấu trong vòng một năm khiến cho tạp chí Boxing Magazine đã phải đưa tên anh ta vào danh sách 10 võ sĩ nhà nghề giỏi nhất thế giới. Mang biệt danh “ Hổ Nhật Bản”, luôn được sự cổ vũ của khán giả gốc Nhật tại Mỹ, nên khi trở về Nhật Bản vào năm 1953, Rikidozan đã trở thành biểu tượng của tinh thần dân tộc. Rikidozan bắt đầu mua lại các tài sản như: hộp đêm, khách sạn, chung cư và tiến hành những chương trình đấu vật chuyên nghiệp đầu tiên của Nhật Bản. Đến giờ, những thước phim ghi lại các trận đấu giữa Rikidozan với Masahiko Kimura ( 1953), Lou Thesz ( 1957) và Freddie Blassie (1962) vẫn là những chương trình truyền hình được dân Nhật ưa chuộng nhất kể từ khi máy thu hình có mặt trong gia đình từ năm 1963. Tất nhiên để đạt được những thành công lớn lao đó, Riki buộc phải tham gia vào việc thành lập Hiệp hội đấu vật chuyên nghiệp Nhật Bản Japan Pro Wrestling Alliance (JWA) được điều hành bởi Yoshio Kodama – nguyên tội phạm chiến tranh loại A hiện đang là nhà tài trợ của đảng Dân chủ tự do ( LDP) đang nắm quyền, Bamboku Ono, phó chủ tịch đảng LDP và Hisayuki Machii- trùm băng tội phạm gốc Triều Tiên. Khi đã cùng một bè với nhau thì những người có tên nói trên chẳng dại gì khui bí mật về lý lịch Rikidozan ra làm chi cho... tổn thất quyền lợi chung, ngược lại, Riki cũng có trách nhiệm đáp ứng một số yêu cầu của hiệp hội. Từ đây, Riki không chỉ là kẻ đánh đấm để kiếm tiền cho bản thân, mà còn là biểu tượng chủ nghĩa dân tộc Nhật đang nổi lên để chống lại chủ nghĩa cộng sản và sau cùng vẫn là cùng tham gia kiếm tiền cho liên minh chính khách – tội phạm Nhật. Sở hữu tờ báo buổi tối  Tokyo Sports, hãng Daniei Film chuyên làm phim về các trận đấu, tập đoàn NTV phụ trách truyền thông – phát hành phim...JWA trở thành cỗ máy kinh doanh khổng lồ của LDP mà Riki là nhân vật không thể thiếu.Trong tòa nhà Tokyo của Rikidozan luôn có những văn phòng miễn phí dành cho những nghị sĩ cao cấp của LDP, một trong số “ông lớn” đó là Yasuhiro Nakasone – thủ tướng Nhật sau này. Tokyo lúc ấy như vũ đài của các gián điệp Liên Xô, Mỹ, Anh, Trung Quốc  nên những nơi như khu nhà Tokyo mới do Rikidozan làm chủ trở thành địa điểm cho những cuộc hẹn bí mật  của các quan chức Nhật Bản với đại diện của CIA. Cũng tại đây, người ta thấy sự xuất hiện của Kim Jong-pil, giám đốc cơ quan tình báo Nam Hàn... Tất cả nhằm vào một mục tiêu lớn nằm trong học thuyết ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản tại châu Á của Mỹ. Đó là tìm  mọi cách bình thường hóa quan hệ giữa Nam Hàn và Nhật Bản để xây dựng một liên minh quân sự kiểu NATO tại châu Á thay vì quan hệ tay đôi Mỹ – Nhật, Mỹ – Hàn như sau chiến tranh thế giới thứ hai đến giờ này. Khổ một nỗi là tổng thống Nam Hàn Lý Thừa Vãn là một nhà dân tộc cực đoan, tuy ghét cộng sản Bắc Hàn nhưng...thù Nhật.  Cho nên những cuộc họp mặt bí mật này giữa CIA, Machii, Kim Jong-pil cũng có thể xem như là một cách “ thực hiện chính sách của Mỹ” dù nếu công bố ra hẳn Nhà Trắng sẽ phải chối bay chối biến. Và các bên đã bắt tay thực hiện cuộc đảo chính quân sự lật đổ tổng thống Lý Thừa Vãn vào năm 1960 để đưa Park Chung Hee- một nhà quân sự có khuynh hướng độc tài tàn bạo thù người anh em cộng sản Triều Tiên hơn là thù Nhật lên nắm chính quyền. Kế tiếp, những hoạt động giao lưu Nhật -Hàn liên tiếp được tổ chức nhằm đặt nền móng cho một ...quan hệ hữu nghị. Tháng 1 năm 1963, Rikidozan được Hiệp Hội đấu vật chuyên nghiệp Nhật Bản cử đến Hàn Quốc như một hoạt động “ rã băng”, mở đầu một hiệp ước bình thường hóa quan hệ hai bên. Dù tâm lý chống Nhật vẫn còn rất cao nhưng sự kiện một người Triều Tiên trở thành nhân vật của thế giới tại Nhật nay về thăm quê đã phần nào khơi gợi tự hào cho dân Hàn quốc. Chuyến đi của Rikidozan được dân Hàn hoan nghênh nhiệt liệt với những buổi tiếp đón long trọng và chiến dịch báo chí rùm beng. Những cái tít đại loại như “ Trở lại quê nhà sau hai mươi năm cách biệt”, “ Rikidozan-một người Nhật có máu Hàn luôn sôi trong huyết quản”... được đăng tải tơi bời trên các mặt báo Hàn, còn các ký giả Nhật đi theo không hiểu vì lý do gì mà đồng loạt “ ngậm hàm thiếc” không hé răng thuật lại. Cũng phải thôi, vì khi  tờ báo Nhật Tokyo Shimbun dịch và đăng lại bài tường thuật của hãng thông tấn AP trích đăng lời phát biểu của Rikidozan tại phi trường Kimpo “ Tôi vô cùng hạnh phúc được trở về tổ quốc sau hơn hai mươi năm xa cách” thì JWA đã “ ghi” tờ báo này vào sổ bìa đen. Nhiệm vụ ngoại giao là một chuyện, kiếm ăn trong nước là một chuyện, công chúng Nhật không có quyền nghi ngờ dòng dõi thái dương thần nữ của người hùng dân tộc Rikidozan... Các màn vận động chính trị – giao lưu giữa hai bên diễn tiến tốt đẹp và năm 1965, hiệp ước bình thường hóa quan hệ Nhật – Hàn đã được ký kết với khoản bồi thường chiến tranh mà Nhật trả cho Hàn Quốc là 800 tỷ USD...Phần thưởng cho hai ông trùm của JWA  Kodama, Machii là...có phần trong việc giúp Hàn quốc tiêu tiền khi chính phủ nước này cấp cho họ quyền lợi mở sòng bạc, quán bar cũng như tham gia mua bán ma túy tại thủ đô Hán Thành. Riêng với Rikidozan, chuyến đi về Hàn Quốc trở thành đỉnh điểm trong sự nghiệp vật lộn kiếm cơm khi trở thành biểu tượng của tinh thần hòa bình – hòa giải...
VÀ MỘT CÁI CHẾT ỒN ÀO...
Trên võ đài, trong ánh sáng của đèn quay phim, Rikidozan là biểu hiện ông thánh thiện của tinh thần Nhật Bản khi hạ gục “ kẻ ác” là những võ sĩ phương tây...Nhưng khi bước chân xuống đời thực, Rikidozan lại là tâm điểm của địa ngục với lối sống cực kỳ bê tha trác táng qua những biểu hiện bất ổn về mặt tâm sinh lý. Người ta dễ dàng thấy ông ta đứng ngay trước quầy bar để uống ừng ực hết chai whisky này sang chai whisky khác, vừa sờ soạng chỗ kín của nữ tiếp viên vừa gạ gẫm bất cứ phụ nữ nào trong bar qua đêm với mình... Buồn tình, Rikidozan lại đấm vào cột đá của quầy bar khiến trần phòng rung rinh, vôi vữa rơi lả tả, khi khác, ông ta lại xếp hàng chồng dĩa của quán lại cao như núi rồi...biểu diễn một cú atemí chặt nát vụn. Khôi hài ở chỗ nhờ nước Mỹ mà thành danh nhưng Rikidozan luôn thể hiện mình là kẻ thù của Mỹ (!) Báo chí Nhật Bản vẫn còn tư liệu về việc Rikidozan dùng mảnh chai để ...rạch mặt một người Mỹ trong nhà hàng Irene vì...làm ồn (?), ném một phi công dân sự Thụy Sĩ qua cửa sổ quán rượu ở Osaka vì...tưởng nhầm anh ta là người Mỹ; chặt gẫy quai hàm một cô tiếp viên và ném cô ta ra ngoài đường vì dám ra mặt thích qua đêm với Mẽo hơn là với ông ta... Tất cả những vụ tai tiếng đó đều mau chóng được thu xếp bằng tiền để “ giữ hình ảnh đẹp cho biểu tượng tinh thần Nhật Bản”. Nguyên nhân tại sao có sự bất ổn đó thì chỉ có mấy ông trùm JWA biết : đó là do việc lạm dụng thuốc.  Phải xuất hiện liên tiếp 200 trận đấu mỗi năm từ năm 1953 trở về sau, Rikidozan buộc phải dùng thuốc kích thích để sau đó lại phải uống thuốc an thần làm dịu lại rồi khiến chỉ có thể ngủ ngon sau khi nốc thật nhiều thuốc ngủ cùng với rượu whisky mỗi tối. Quá trình lạm dụng kéo dài ấy đã hủy hoại hệ thống thần kinh và miễn dịch cơ thể của “ Hổ Nhật Bản” và dẫn đến bi kịch cuối cùng của cuộc đời nhà vô địch... Đêm 8 tháng 12 năm 1963, Rikidozan mò đến hộp đêm trong tòa nhà Latin ở Akasaka, Tokyo để du hí....Vừa nốc rượu và khiêu vũ với một nữ tiếp viên, ông ta vừa chửi bới những thành viên của ban nhạc vì họ là...người Mỹ da đen. Nhạc dừng, Rikidozan vào nhà vệ sinh nam nhưng  lại còn  ngoái lại nói gì đó với cô vũ nữ của mình nên đã khiến một thanh niên Nhật va phải. Hai bên lập tức lời qua tiếng lại và ngay lập tức, gã thanh niên nọ bị đấm văng ngược vào nhà vệ sinh. Ấy vậy mà Rikidozan vẫn chưa tha cho, ông ta tiếp tục nhảy lên đầu hắn và đấm những quả trời giáng....Như để tự vệ, gã thanh niên nọ rút con dao giấu sau lưng áo ra thọc một nhát vào bụng Rikidozan rồi lòn qua háng ông ta để chạy trốn... Rikidozan vừa lê bước ra, vừa trèo lên sân khấu giật micro của ca sĩ để ra lệnh cho ban nhạc phải chơi bài “ Mack the Knife” … Rồi ông ta vừa gào lên một chuỗi âm thanh lẫn lộn tiếng Anh và tiếng Nhật, vừa giật phanh áo để mọi người thấy máu từ ổ bụng ông ta trào ra khiến tất cả khách trong bar phải bỏ chạy vì kinh hoàng, hoảng loạn.  Rikidozan được đưa đến dưỡng đường gần đó cấp cứu và được đưa về nhà nhưng các nỗ lực cầm máu đã thất bại và người ta buộc phải đưa ông quay lại bệnh viện Sannoh để chuẩn bị tái phẫu thuật. Một nhóm bác sĩ quân y Mỹ ở St.Lukes được phái đến thực hiện phẫu thuật cho ông ta. Lần này thì máu không chảy nữa mà Rikidozan chìm vào hôn mê và tắt thở ngày 15 tháng 12 năm 1963, khi mới đón sinh nhật thứ 39 của mình hơn một tháng.
            Có lẽ cái chết của một “ biểu tượng dân tộc”như Rikidozan chỉ ồn ào thua cái chết của tổng thống Kennedy non một tháng trước. Cả Nhật Bản như nổ tung lên và cảnh sát mau chóng tìm được hung thủ đã đâm Rikidozan trong tình trạng y đã  bị băng nhóm Tosei-kai của ông trùm Machii tùng xẻo đến mức
 suýt mất mạng. Hung thủ 24 tuổi, tên Katsushi Murata, thành viên băng nhóm Sumiyoshi-kai. Dù hắn khai là mình chỉ tự vệ vì sự hung bạo của nạn nhân, nhưng với các nhà báo thì vấn đề không thể giải thích một cách đơn giản như thế và những thuyết âm mưu quanh cái chết của ông ta bắt đầu.
          Thuyết thứ nhất : Đây là một âm mưu của Mỹ để trả thù Nhật Bản.
Những người theo thuyết này lưu ý sự việc xảy ra gần sát với ngày mà Nhật Bản đã tấn công Trân Châu Cảng để mở đầu chiến tranh Thái Bình Dương, lưu ý rằng những trận đấu vật với các vận động viên Mỹ của Rikidozan đều có mô- tip : “ Rikidozan tượng trưng cho tinh thần Nhật, còn võ sĩ Mỹ tượng trưng cho kẻ ác”. Mô-tip này thỏa mãn tâm lý dân Nhật sau chiến tranh thế giới nhưng cũng khiến hình ảnh nước Mỹ bị xúc phạm, vì vậy mà người Mỹ đã trả thù vào Rikidozan. Bằng chứng là kết quả giám định tử vong cho biết Rikidozan không chết vì mất máu mà chết vì...thuốc gây mê quá liều lượng do bác sĩ quân y Mỹ phụ trách gây mê tính toán sai lượng thuốc cần dùng. Đơn giản vì vị bác sĩ quân y khả kính đánh giá thể trạng của Riki ( cao 1,75 mét, nặng 110 kg) hơn hẳn thể trạng người Nhật bình thường nên đã dùng lượng thuốc gây mê... nhiều hơn hẳn. Cách giải thích thật thà này càng khiến dư luận ồn ào nghi ngờ người Mỹ cố ý giết “ biểu tượng tinh thần Nhật Bản”
         Thuyết thứ hai : Giới tội phạm và chính khách Nhật “ thanh toán” Rikidozan.
Những người theo thuyết này dựa vào kết quả lục lọi đời tư của Rikidozan để phát hiện ra bí mật động trời sau : Rikidozan không chỉ là người Triều Tiên mà còn...có khuynh hướng thân cộng sản. Vì sao mà thân ư? Vì Rikidozan có một đứa con gái với một phụ nữ Bắc Triều Tiên trong chuyến du đấu phục vụ binh sĩ Thiên Hoàng vào năm 1941. Cô con gái ấy được sinh ra năm 1942 và đang sống tại Bình Nhưỡng, đang là thành viên đội tuyển bóng rổ nữ của Hội Liên Hiệp Phụ nữ Triều Tiên. Rikidozan và con gái đã bí mật gặp nhau vào năm 1959 tại cảng Niigata ở miền Bắc Nhật Bản khi con tàu chở đội bóng rổ nữ Triều Tiên ghé lại nghỉ ở đó. Cảm động vì gặp lại con, Rikidozan đã hứa sẽ tài trợ toàn bộ chi phí cho đoàn thể thao Triều Tiên tham dự Thế vận hội 1964 ở Nhật. Sau đó, Rikidozan đã nhận được thư của ông anh trai đang sống tại Triều Tiên cho biết lãnh tụ Kim Nhật Thành rất hâm mộ “ đồng chí” Kim Sin Năk, rất sung sướng vì có một người Bắc Triều Tiên chiến thắng bọn Mẽo trong chính môn thể thao của chúng. Lá thư của ông anh đã làm Rikidozan xúc động đến mức viết thư bày tỏ là mình sẽ về sống hẳn ở Bắc Triều Tiên sau thế vận hội 1964.  Chắc chắn thế giới ngầm và thế giới nổi Mỹ – Nhật- Hàn chẳng vui thú gì trước quyết định này, nhất là khi người ra quyết định đó đã từng tham dự quá sâu vào những dàn xếp chính trị Mỹ – Nhật – Hàn. Vì vậy, bọn chúng nhờ tay Katsushi Murata để “ xử lý” Rikidozan. Cách giải thích này mau chóng bị Kodama, Maiichi yêu cầu báo chí “ gát lại vĩnh viễn – cấm phổ biến”, bởi càng phát triển càng lật tẩy trò dối trá mà JWA lâu nay đã chơi với dân chúng trong việc xây dựng “ biểu tượng tinh thần Nhật”
         Thuyết thứ ba : Thanh toán giữa các băng đảng.
Thuyết này được xem là thuyết công khai, duy nhất đúng vì...đó là kết luận của cơ quan công tố Nhật Bản. Theo nhà chức trách thì băng nhóm Sumiyoshi  mà hung thủ Katsushi Murata là thành viên chuyên kiếm cơm bằng hoạt động...tổ chức biểu diễn. Với cái tên “ công ty giải trí Dai-Nippon Kogyo”, băng nhóm này chuyên cung cấp nhạc công, nhạc sĩ, ca sĩ, trang thiết bị sân khấu cho các phòng trà, câu lạc bộ với giá cả cắt cổ vì...có tính luôn phí bảo kê. Băng này đã đề nghị JWA cho ...thầu tổ chức các chương trình đấu vật nhưng không thành công vì Kodama, Ono đã chọn băng Tosei- kai, Inagawa-kai và Yamaguchigumi để làm đối tác liên kết cho công tác tổ chức các trận đấu của hiệp hội trên toàn lãnh thổ Nhật Bản. Do bị “ hất ra” nên băng Sumiyoshikai đã có hành động trả thù. Thế là mặc kệ Katsushi kêu 
khóc rằng cái chết của Rikidozan là tai nạn vô tình, tòa án phán hắn tội “ Giết người” và quà thưởng là “ bảy năm tù giam”.
        Nhưng người ta càng theo đuổi một trong ba thuyết thì lại càng thấy thuyết mình chọn không đứng vững. Với thuyết thứ nhất, nếu người Mỹ muốn Rikidozan chết để “ trả thù Nhật Bản” thì sao họ không để
 mặc ông ta ở bệnh viện Sannoh trong tình trạng không thể cầm máu sau phẫu thuật? Mất máu mãi, 
Rikidozan sẽ suy kiệt và chết thôi, hà cớ gì phải cử bác sĩ quân y đến cho rách việc mà lại lộ liễu nữa?
Thuyết thứ hai cũng khó đứng vững vì cho đến chết, Rikidozan vẫn chưa có dấu hiệu gì là muốn về quê nhà Bắc Triều Tiên để sống. Trước khi chết, Riki còn đính hôn với con gái viên cảnh sát trưởng ở Chigasaki với mục đích ...dựa vào thế lực nhạc gia để đầu tư một câu lạc bộ ở nông thôn. Nếu muốn về Bắc Triều Tiên sinh sống thì ngay bây giờ phải lo thu xếp bán tài sản, thu hồi vốn kinh doanh chứ? Chẳng lẽ Riki định sang năm 1964 về quê nhà với...hai bàn tay trắng? Còn nếu như theo thuyết thứ ba thì điều bất ổn lại nằm ở chỗ băng Sumiyoshi tuy có hung hăng, nhưng bất quá là tranh địa bàn bảo kê với băng khác chứ liệu có dám tranh ăn với tổ chức bảo kê hợp pháp có chính quyền đứng sau như JWA không, khi mà Ono – phó chủ tịch đảng cầm quyền LDP cũng chính là phó chủ tịch JWA và gần như tất cả các ủy viên điều hành hiệp hội đều xuất thân quan chức cảnh sát? Hơn nữa, nếu quấy rối thì quấy rối thế nào chứ dám tấn công “ biểu tượng tinh thần Nhật Bản” có nghĩa là đã dám đối đầu với tất cả con cháu của Thái Dương Thần Nữ, băng Sumiyoshi có tránh được một cuộc tấn công trên cả nước, từ tất cả thành phần không?
            Cuối cùng thì cách lý giải nghe nhạt nhẽo nhất lại hóa ra có lý nhất : Khi bị hất ngã trên nền nhà vệ sinh đầy nước thải, Murata không ngờ rằng con dao dấu sau lưng áo mình đã bị vấy bẩn. Lưỡi dao đâm vào bụng Rikidozan không tạo ra vết thương nguy cấp nhưng đã ...gây nhiễm trùng khoang bụng. Khi cấp cứu ở dưỡng đường và sau đó là vào bệnh viện Sannoh, các bác sĩ chỉ lo cầm máu cho nạn nhân mà quên việc chống nhiễm trùng. Do lạm dụng rượu và các biệt dược khác trong thời gian dài nên hệ miễn dịch của Rikidozan đã suy yếu, không chống chọi nổi với sự lây lan nhiễm trùng vùng phúc mạc, cùng với sự nhiệt tình cứu chữa hơi máy móc của bác sĩ quân y Mỹ đối với tính toán dư lượng thuốc mê đã khiến cho “ Hổ Nhật Bản” ...đi thẳng về nước Chúa.
           Tang lễ của Rikidozan có hàng trăm nhân vật danh tiếng đến viếng, toàn thể nội các Nhật Bản chia buồn và hàng ngàn người Nhật tiễn đưa. Mộ của Rikidozan nằm trong khu nghĩa trang đền Ikegami Honmonji
 ( Ota Ward, Tokyo), đối diện với một ngôi chùa năm tầng. Trên bia mộ của ông, người ta đặt bức tượng
 bán thân bằng đồng có kích thước bằng kích thước của người sống. Bức tượng như dấu ấn của tinh thần Nhật Bản, dù gắn trên bia mộ chỉ khắc mỗi cái  tên Misushiro Momota – một cái tên dối lừa.
Tử Du
                                                    ( Tổng hợp tư liệu)

Không có nhận xét nào: