Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012

Sau màn sương lạnh 1


                                                         
                                                           Một

 Phượng chạy trối chết trên con đường đất nhỏ, đắp de ra mé sông…Phía sau anh  ta, đám đông vẫn vừa hò la dậy xóm, vừa đuổi theo…
-         Ăn trộm! Ăn trộm!
-         Tiếp bắt thằng ăn trộm, bà con ơi.
-         Đừng để nó thoát!
Phượng hiểu mình đang ở trong thế hiểm,nhưng cũng mừng vì đám đông chỉ đuổi theo mình, như vậy thừa đủ thời gian để cho Xoan chôn giấu các thiết bị nghiệp vụ để giữ bí mật cho công việc. Giờ thì Phượng chỉ cần cố tìm cách thoát…Còn làm sao để thoát thì…? Câu hỏi ấy cứ như trêu ngươi Phượng…Hơn bao giờ hết, Phượng mong một bóng  cảnh sát khu vực hay dân phòng nào đó hiện ra, nhưng anh cũng hiểu đó là sự đợi chờ vô vọng, vì nếu có họ thì anh đã không phải lâm vào tình thế này. Một luồng gió nhẹ từ bờ sông lướt đến, khiến Phượng ớn lạnh…Nghiến răng, Phượng cố nhấc chân lên…Hai cú đánh hết sức  bằng tre tầm vông ngâm bùn của những người dân quá khích khi nãy vào hai cẳng chân giờ đã  có tác dụng khi Phượng bắt đầu kiệt sức…Mỗi bước chân chạm lên mặt đất lại gây ra một chấn động khiến Phượng thấy xương chân mình đang nứt rạn và chực rời rã ra từng mảnh nhỏ…Mặc kệ, Phượng nhăn nhó, cố lê đi…
-         Nó cùng đường rồi.- Từ đằng sau, một giọng đàn ông khoái trá reo lên
-         Hay lắm. Sẵn dây đây. Cột nó lại ngâm xuống bùn rồi mai đưa lên công an một thể.
-         Dễ vậy sao? Cho nó ăn thêm một trận tẩm quất bằng tầm vông, buộc nó khai ra rồi hãy giao công an chứ.
Phượng cắn môi “ Thì ra người ta còn muốn tra khảo mình nữa. Không. Mình sẽ không để lọt vào tay họ”…Phượng nghiến răng, lao đến sát bờ đất mé sông.
Một bàn tay nắm lấy vai Phượng. Phượng vùng ra, nhưng lạ thay, bàn tay mềm mại nọ giờ nặng như đá, đè xuống khiến cho hai chân Phượng càng đau đớn hơn. Phượng thét :
-         Buông tôi ra.
-         Im lặng nào, cậu nhỏ! – Một giọng nữ nhẹ nhàng vang lên.
Phượng ngỡ ngàng, nhìn ngoái lại…
Xung quang tối đen. Không một tiếng động.
Giọng nữ nọ vẫn nhẹ nhàng đệm bên tai Phượng như lời người chị nhỏ ru em bé trong nôi :
-  Im lặng đi. Không tìm thấy cậu, người ta sẽ bỏ về cả thôi. Giờ cứ nằm yên mà nghỉ.
Nằm nghỉ? Nhưng nằm nghỉ ở đâu? Phượng cố dướn mắt lên nhìn, để tìm người có giọng nói kia, hay ít ra cũng để xem mình bị kéo vào chỗ ẩn nấp nào, nhưng vô ích.
Vẫn một màn tối đen, ẩm ướt.
Và hơi lạnh của xi măng cùng mùi rêu.
Phượng chờ đợi nghe tiếng bước chân của những người đang rượt đuổi mình…
Phượng chờ đợi nghe tiếng xôn xao, bực tức và chửi rủa của họ…
Và Phượng chờ mãi…đến lúc cơn mệt mỏi kéo sụp mi mắt và bịt kín vành tai.
Phượng chìm trong giấc ngủ.
     
                              *          *          *
                                          *

Tôi vừa sợ vừa ghét những cú điện thoại vào lúc nửa đêm.
Càng sợ và ghét hơn nữa nếu đó là những cuộc gọi vào điện thoại cố định ở nhà.
Lại càng sợ  hơn nữa nếu người gọi là người thân trong gia đình, bởi nếu không phải là mẹ tôi ngoài quê đang có gì bất ổn về sức khỏe thì gia đình cũng phải gặp tai biến gì nghiêm trọng.
Lại càng ghét hơn nữa nếu người gọi là sếp, vì điều đó có nghĩa là phải lập tức đón nhận ngay một “ công vụ từ trên trời rơi xuống” kiểu “ tai bay họa gửi…ngay mày”.
Tôi nhấc máy :
-         A lô. Tôi nghe…
-         Anh An bố bé Phương Anh phải không ạ?
Một giọng nữ vang lên bên kia máy, còn bên này tôi thở phào nhẹ nhỏm. Ơn trời, không phải giọng sếp, cũng không phải giọng bà chị ở ngoài quê.Tôi đáp :
-         Vâng. Xin lỗi. Ai đầu dây vậy?
-         Tôi là  Trang Đài ở dòng Mến Thánh Giá …chỗ bé Na học mỗi chiều…
Tôi nhăn trán…À, thì ra là Trang Đài – người chăm bé Na sau buổi học sáng cho đến khi vợ tôi đến đón về vào buổi chiều. Ngoài việc hướng dẫn bé học và làm bài tập ở trường, Đài còn dạy bé nữ công gia chánh. Nói chung thì Đài và các nữ tu khác của dòng Mến Thánh Giá hoàn toàn đáp ứng mọi yêu cầu của phụ huynh gửi trẻ tại cơ sở của mình với sự nghiêm khắc mà chu đáo, thân thiện nhưng đúng mực dành cho các học sinh không theo đạo công giáo. Vì vậy,việc Đài gọi tôi vào nửa đêm thế này khiến tôi hơi hồi hộp chẳng biết đã xảy ra chuyện gì. Chẳng lẽ bé Na hay vợ tôi đã làm điều gì đó khiếu không hài lòng nên gọi điện phàn nàn hay tệ hơn là…đòi chấm dứt công việc? Nếu đến mức ấy thì găng thật, tôi và vợ đi làm suốt ngày, bé Na lại chỉ học một buổi sáng, tìm đâu ra chỗ chăm sóc nó buổi chiều bây giờ? Tôi vừa chuẩn bị một lời xin lỗi ngay cổ họng, vừa rụt rè lên tiếng :
-         Xin lỗi… gọi có việc gì không ạ?
-         Xin anh đến gấp đan viện Khiết Tâm…Có…việc lạ lắm
Tôi cau mày, liếc nhìn đồng hồ treo tường. Đã gần 0 giờ…Quá sớm cho một cuộc viếng thăm nhau, đặc biệt là viếng thăm tu viện. Tôi thử nghiệm một cách từ chối :
-         Xin lỗi …Đang nửa đêm. Sáng mai tôi ghé sớm được không ạ?
      -    Tôi xin lỗi mới đúng, vì đã quấy rầy anh…- bên kia máy, giọng của Đài vẫn từ tốn mà kiên quyết – Nhưng anh phải đến…để giúp đỡ đồng nghiệp của mình.
      - Việc gì mà liên quan đến đồng nghiệp tôi chứ ạ? – tôi ngạc nhiên, hỏi lại.
      - Tôi sẽ nói vắn tắt …Chúng tôi tìm thấy một thanh niên mặc thường phục nằm bất tỉnh dưới chân tượng Đức Mẹ ngay trong sân đan viện Khiết Tâm. Trong ví anh ta có chứng minh thư an ninh nhân dân tên Lê Văn Phượng.
            - Tại sao anh ta lại có mặt ở đó? – tôi kinh ngạc.
            - Chúng tôi cũng đang tự hỏi điều ấy đây. Bởi cổng đan viện khóa kín, tường cao ba mét rưỡi và không hề có dấu vết đột nhập. Camera an ninh không ghi nhận được điều gì.
            - Vâng. Tôi đến ngay thưa !
            Tôi  cúp máy, quay vào mượn xe gắn máy của vợ.
            Không phải là vì công vụ, mà vì bản thân mình. Đúng hơn, vì tính tò mò. Tại sao một sĩ quan an ninh lại có mặt trong đan viện mà không bị các thiết bị bảo vệ phát hiện? Mà có mặt để làm gì cơ chứ, khi đan viện Khiết Tâm của dòng Mến Thánh Giá lại là cơ sở tôn giáo của Ủy ban đoàn kết công giáo dân tộc vốn nổi tiếng hiền hòa, xưa nay chỉ xuất hiện trên những hoạt động thiện nguyện vì người nghèo bất hạnh và nạn nhân chất độc dioxyn sau chiến tranh?

Không có nhận xét nào: