*
* * *
Trích văn
bản của Bộ Công An gửi Cục Điều tra hình
sự/ Bộ Quốc Phòng :
“ Khẩn – Mật.
Yêu cầu xác nhận trường hợp thi hành án tù chung thân của
phạm nhân Hoàng Kim Hùng. Mức án : Tù chung thân. Tội danh : Đào ngũ và cướp
của giết người. Bản án 147/ HS 2 – Tòa án quân sự quân khu 7 tuyên ngày 13
tháng 11 nắm 1982. Theo các văn bản lưu tại phòng thi hành án quân khu 7, phạm
nhân có tên nói trên đã được chuyển thi hành án tại trại T 771 từ ngày 23 tháng
2 năm 1983.”
*
* * *
Trích kết
luận trả lời của Cục Điều Tra Hình Sự/ Bộ Quốc Phòng gửi Bộ Công An:
“ Khẩn – Mật.
Theo các tài liệu lưu trữ trong tàng thư quản lý các trại
giam thuộc Bộ quốc phòng từ năm 1980 đến khi chuyển sang Bộ Tư Pháp thì không
hề có phạm nhân nào tên Hoàng Kim Hùng với các chi tiết theo bản án với số hiệu
đã nêu được ghi nhận là đã thụ án tại trại T 771.”
*
* * *
Trích văn
bản của Bộ Công An gửi Cơ quan thi hành án / Tòa án quân sự quân khu 7 :
“ Khẩn –
Mật.
Vui lòng cung cấp kết quả việc thi hành bản án 147/ HS 2 của
tòa án quân sự quân khu 7 của phạm nhân Hoàng Kim Hùng, bị tuyên án chung thân
về tội đào ngũ và cướp của giết người ngày 13 tháng 11 năm 1982… Văn bản trả
lời theo luật định yêu cầu gửi đến Cục hồ sơ nghiệp vụ an ninh – Bộ Công An !”
*
* * *
- Hết sức
điên rồ - sếp nổi quạu – Nè con cú kia. Tao không biết kiếp trước có nợ nần gì
mày không mà sao kiếp này cứ bị mày bám theo yêu cầu làm hết chuyện này sang
chuyện nọ vậy?
Chúng tôi
đang ngồi trong nhà riêng của sếp và không phải trong giờ làm việc. Khi sếp
quát thế này thì có nghĩa là …sếp nổi giận thực sự. Trịnh Anh Bằng và ông Thuận
– cha vợ sếp chỉ hơi cau mày… Còn Trịnh Hoàng Nam thì cười cầu tài. Tóm lại,
những người chứng kiến đã quyết định chọn thái độ “ trung lập” để cho kẻ “
trong vòng tranh chấp” là tôi bị sếp cạo. Tôi im lặng, cúi mặt đợi chờ sếp “
quạt” cho hả giận rồi mới lên tiếng. Tôi lạ gì tính sếp nữa. Lúc sếp “ hạ hỏa”
rồi thì tha hồ nài…
Chỉ có
điều lần này tôi nhầm.
Bởi sếp
không thèm quát nữa, mà lặng lẽ đứng dậy, khui chai nước ép trái cây để rót mời
ba người đàn ông còn lại trong phòng, mặc kệ tôi đang đứng chết trân bên ghế…
Xem ra lần
này sếp giận thật dai.
Tại sao ư?
Tại vì tôi vừa yêu cầu sếp tổ chức giúp một cuộc gặp mặt với cả bốn thành viên
trong danh sách câu lạc bộ tự sát. Một việc mà dạng cán bộ nhãi nhép như tôi
biết rất rõ là sai phạm nguyên tắc và rất dễ bị mang điều tiếng, bởi cả bốn cán
bộ nọ đều đang trong vòng nghi vấn . Võ Điểm và Nguyễn Văn Tấn thì còn có thể,
bởi vụ việc vu khống lý lịch của họ đã rõ ràng dù chưa có kết luận chính thức
được phê chuẩn, chứ Phạm Bá Nhiều và Tạ Văn Yêm thì… những gì chúng tôi phát
hiện ra quá phức tạp và trách nhiệm xử lý chính sẽ thuộc về bộ quốc phòng. Một
cuộc gặp đơn phương sẽ có thể bị quy chụp là xen vào công việc nội bộ của ngành
khác, cơ quan khác. Sếp nổi giận cũng phải thôi. Nhưng sếp không mắng tiếp,
cũng không gạt bỏ yêu cầu của tôi cho xong, khiến tôi cứ phải lần chần không
thể chuyển xoay chiến thuật…
- Con
không mời cậu An ngồi sao? – ông Thuận lên tiếng.
Nghe cha
vợ nhắc, sếp hất hàm về phía tôi kèm một cái lừ mắt :
- Con cú
đó quen đậu trên xà nhà rồi ba ạ. Giờ thì con chỉ mong nó vỗ cánh bay xa và bay
luôn khỏi cuộc sống của con thôi.
- Nhưng
trước khi bay, cho phép em ngồi được không ạ? – tôi tranh thủ chộp ngay lấy cơ
hội.
- Có ai
cấm mày ngồi không? Tự mày đứng lên đề nghị tao làm chuyện kỳ cục ấy rồi mày
đứng luôn chứ tao có cấm cản hay lệnh lạc gì chuyện đó không? – sếp dấm dẵn
đáp.
Tôi vội
cúi chào mọi người lần nữa cho đúng lễ rồi ngồi ngay vào bàn. Tất cả cùng cười,
trừ sếp vẫn còn cau có. Sếp tung cho tôi chiếc cốc uống rượu, mà phải nói là
ném cốc vào tôi thì đúng hơn… Vất vả lắm, tôi mới bắt được không thì nó đã rơi
xuống đất vỡ toang và tạo cớ cho sếp đuổi cổ tôi ra khỏi nhà…
- Tao nói
dứt khoát một lời. Tao sẽ không tổ chức cuộc gặp với mấy thằng cha đó. Hết. Thế
thôi nhé. Giờ ngồi vui vẻ thoải mái đi.
- Sao cậu
An lại muốn gặp những người đó? – Trịnh Anh Bằng lên tiếng.
- Cháu
cũng chẳng biết – tôi thú nhận sự vô lý của đề nghị mà mình đã đưa ra với sếp –
Nhưng có lẽ …đơn giản vì cháu muốn… cứu giữ lương tri của họ.
- Cao đạo
quá – sếp nhăn mặt – Ê, An. Tao thấy mày xin rời ngành này để đi tu được rồi
đó. Hứ, cái thứ cú vọ mà ngỡ mình là… là…
- Là gì hả
sếp? – Tôi tò mò thực sự vì chưa bao giờ nghe thành ngữ so sánh này.
- Là …đại
bàng cư sĩ ở cực lạc tây phương theo hầu Đức Thích Ca – sếp giải thích một cách
nôm na kèm theo một nụ cười – tao nhớ đại khái là vậy.
- Ừ. Tích
truyện Nhạc Phi – ông Thuận bật cười theo.
Ngay lập
tức, cả bàn hiểu là cơn giận của sếp đã biến mất.Tất cả chúng tôi cùng cười,
chỉ có Trịnh Anh Bằng tỏ ra tư lự. Viên cựu sĩ quan cảnh sát cứ nhìn chúng tôi
như muốn nói gì đó nhưng rồi nửa chừng lại thôi… Có vẻ ông Thuận cũng nhận ra
điều ấy nên lên tiếng :
- Anh nghĩ
gì vậy, anh Bằng?
- Có nghĩ
gì đâu – ông Bằng cười gượng – Tôi định nói ra điều này, nhưng cứ sợ các vị cho
rằng “ Quỷ già thì đa cảm” nên đang cân nhắc.
Cả bàn lại
cười phá lên. Sếp xua tay :
- Xin ông
chớ nghĩ vậy. Quá khứ đã lùi xa. Chúng ta đang hạnh phúc trong hòa bình. Ông có
ý gì, xin hãy nói ra cho.
- Một câu
chuyện đề tài cổ tích Phật giáo, dù tôi theo đạo Thiên Chúa – ông Bằng chậm
rãi, hạ giọng xuống – Tự dưng tôi nhớ tới nó sau chuyến về nước lần này, vì nó
là truyện của Việt Nam. Chuyện Ác Lai…Tên Ác Lai cướp của giết người không ghê
tay, nhưng khi biết sám hối đã chọn cái chết
và tự mổ bụng dâng tim gan mình cho Phật thì Ác Lai vẫn thành Phật được. Mọi
tội lỗi của con người ngay trong kiếp hiện hữu này vẫn có thể hoàn toàn được
cởi bỏ và tha thứ, nếu như kẻ gây ra tội lỗi đã biết hối lỗi thành tâm…
Cả bàn
tiệc chìm xuống trong im lặng. Tôi nghe tiếng sếp thở dài… Như vậy có nghĩa là
tôi lấy được phiếu ủng hộ từ Trịnh Anh Bằng và đương nhiên có luôn của Trịnh
Hoàng Nam…Ông Thuận chép miệng :
- Ở tuổi
của chúng ta, sự cởi bỏ tội lỗi là cần thiết. Nhưng chúng ta không thể lấy
trường hợp của mình để quy chuẩn, anh Bằng ạ.
Như
vậy ông Thuận bỏ phiếu trắng nhưng về thực chất thì ủng hộ tôi… Sếp im lặng lấy
tay xoa cằm, suy nghĩ… Nhưng rồi sếp nhún vai bất lực :
-
Một cuộc gặp như vậy là vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp. ba và mọi người giận
thì con chịu, chứ con không thể tổ chức một cuộc gặp như thế.
-
Nhưng nếu có người tổ chức cuộc gặp và mời chúng ta đến tham gia thì sao? – ông
Thuận gợi ý.
-
Điều ấy thì được… - sếp cười vẻ thiếu tin tưởng – Nhưng chỉ có người trong cái
hội ăn chơi ấy gọi nhau thì mới có thể tập hợp tất cả được. Mà ai trong chúng
ta đi tìm người ấy đây.
-
Tôi có một người – ông Bằng lên tiếng.
-
Bác muốn nói đến Võ Điểm sao?- tôi nghĩ ngay đến cái tên này, cái tên đầu tiên
trong danh sách câu lạc bộ tự sát, cũng là kẻ mà ông Bằng muốn tìm về tội lỗi
vu khống lý lịch liệt sĩ Bùi Thị Kim Liên.
Ông
Bằng ngậm ngùi :
-
Phải. Suy cho cùng, thì hắn cũng là nạn nhân bởi tội lỗi của tôi mà…
-
Hay lắm – ông Thuận chợt nói như reo – Tôi cũng vừa nhớ ra một người. Người này
đủ uy tín với hội đồng hương Huế để gọi cả bốn gã nọ đến một cuộc gặp.
-
Ai vậy ba? – sếp ngạc nhiên hỏi cha vợ.
-
Bí mật – ông Thuận cười – Nếu anh Bằng thuyết phục được Võ Điểm nhận lời tham
gia cuộc giải tội này, thì chỉ cần nói tên người đó có mặt, chắc chắn cái hội
cán bộ suy thoái nọ sẽ hiện diện đầy đủ.
Ba
Người
đàn ông có vẻ ngoài bệ vệ lạnh lẽo nhìn
Võ Điểm, Nguyễn Văn Tấn, Phạm Bá Nhiều và Tạ Văn Yêm với sự chua xót. Ông ta
nhẹ nhàng rút cây hít mũi ra lăn nhẹ giữa nhân trung, rồi bắt đầu vào việc :
-
Chắc các anh biết nguyên nhân tôi gọi Võ Điểm, bảo các anh đến đây gặp tôi rồi
chứ hỉ? Chừ lớn cả rồi, hãy biết tự vấn lòng, phân định cái chi đúng, cái chi
sai. Tôi đã vô trong ni, là tôi đã biết tất. Các anh… các anh làm xấu mặt dân
Huế.
-
Thưa anh Hai… tụi ni làm chi sai, ở chỗ mô? – Phạm Bá Nhiều len lén liếc nhìn
ba người bạn cùng hội, hỏi bằng giọng tha thiết – Đúng là chúng em có tí sai
sót về sinh hoạt…Nhưng mà thời buổi ni…
Người
đàn ông có vẻ ngoài bệ vệ đập bàn, quát :
-
Đến giờ phút ni mà còn ngụy biện. Không phải sai sót sinh hoạt, mà mất đạo đức,
vi phạm pháp luật… Hiểu chưa?
Cả
bốn cán bộ gốc Huế im lặng, cúi đầu. Bởi ngồi trước họ không phải là cán bộ làm
việc để họ có thể bám vào quan hệ cá nhân, quá trình công tác hay cấp bậc để tự
biện minh cho mình. Ngồi trước họ là một tượng đài của dân gốc Huế, đặc biệt là
dân huyện Phương Điền – cựu đại tá đặc công Bùi Viết Thiết, cựu tỉnh đội trưởng
Thừa Thiên – Huế, nguyên ủy viên trung ương Đảng với thành tích chiến đấu lừng
danh Trị - Thiên suốt thời chống Mỹ vùng nam giới tuyến.Trong chiến tranh biên
giới 1979, đại tá Thiết ( khi ấy mới chỉ là thiếu tá) đang nằm điều dưỡng tại
Lạng Sơn thì bị quân Trung Quốc tràn qua bắt sống ngay trong ngày đầu chiến
tranh. Tin báo về đến bộ tư lệnh mặt
trận thì các vị sĩ quan tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam chỉ cười “ Ai bị
bắt chứ thằng Thiết thì không phải lo.Vài hôm là nó về cho coi”. Y như rằng, ba
đêm sau, thiếu tá Thiết đã xuất hiện tại điểm chốt tiền tiêu và liên lạc với bộ
tư lệnh mặt trận bằng vô tuyến điện. Đúng là chẳng nhà tù nào giữ nổi ông ta.
Nhưng thay vì về tuyến sau nghỉ ngơi, thiếu tá Thiết lại… bò ngược về trận địa
đối phương với lời hẹn cùng anh đại đội trưởng biên phòng giữ chốt “ Tao về chỉ
sướng mỗi mình tao. Còn lính của mình kẹt trong nớ, bỏ sao đành? Cố giữ chốt,
tao đưa tụi nó về.” Đúng tuần lễ sau, ông Thiết bò về lại chốt cùng hai mươi ba
người lính Việt Nam đang bị địch bắt giữ. Khôi hài hơn cả là từ quân phục đến
vũ khí của họ đều là…của quân sơn cước Trung Quốc. Chiến tích này khiến cho thiếu
tá Thiết không thể quay về hậu phương theo dự kiến ban đầu của bộ tư lệnh mặt
trận nữa. Ông được lệnh huấn luyện lại cái trung đội mà mình vừa giải thoát từ
tay địch, sử dụng chính trang bị quân phục và vũ khí của địch để quay lại… vùng
địch đang chiếm đóng. “ Trung đội sơn cước” của ông Thiết gây hoang mang cho
địch với những vụ phá hoại phương tiện cơ giới bằng đường cát bỏ vào bình xăng,
đánh úp những toán quân di chuyển đường bộ ở cấp phân đội, chỉ điểm cho pháo
binh Việt Nam tiêu diệt những cơ sở hậu cần và dự trữ khí tài quân sự địch cho
đến ngày chúng phải rút hoàn toàn khỏi vùng chiếm đóng. Thiếu tá Thiết thăng
đại tá và được bầu vào trung ương Đảng, thực sự trở thành tượng đài tự hào của
những cán bộ, đảng viên gốc Huế. Tuy đã về hưu hơn mười sáu năm trước, nhưng
ông Thiết vẫn còn giữ quan hệ với những cán bộ lãnh đạo cao nhất của khối Dân –
Chính – Đảng. Vì vậy, khi nghe Võ Điểm nhắn là ông Thiết vào thành phố và muốn
gặp mặt mình, tổng giám đốc Tấn, thạc sĩ Nhiều, thượng tá Yêm đều đến với một tâm
trạng nửa lo lắng, nửa hy vọng. Lo lắng vì người như ông Thiết mà thèm nhớ đến
loại cán bộ cắc ké như họ thì hẳn là có chuyện phiền, hy vọng vì ông còn muốn
gặp thì vẫn có thể nhờ ông giúp đỡ để thoát khỏi cái vận hạn đang đeo bám họ.
Cho nên ông Thiết cứ mắng, thì họ vẫn cứ cón hy vọng để đợi chờ…
-
Nếu không nghĩ đến chuyện giúp mấy người thì tôi đã không vô trong nì…- ông
Thiết nói kèm một hơi thở mạnh chứng tỏ ông đang cố kềm chế cơn giận – Nhưng
chả ai giúp mình hơn chính mình mô. Tôi gọi mấy người đến gặp tôi là vì danh dự
dân gốc Huế, chứ không phải vì tôi hay mấy người. Chờ một chút, sẽ có khách của
tôi đến nói chuyện vơí mấy người. Cứu được lương tâm của mình hay không là do
mấy người chứ không phải do tôi mô…
Võ
Điểm ngần ngừ, rút trong túi áo ra một chiếc phong bì, trao cho ông Thiết. Ông
Thiết mở phong bì, rút ra một xấp giấy gấp tư… Ông Thiết vừa đọc xấp giấy, vừa
gật đầu nhè nhẹ…Đọc xong, ông Thiết ngẫng lên, nhìn Võ Điểm và chép miệng :
-
Tội man khai lý lịch vụ làm chỉ điểm cho trung úy Bằng, tội hồ đồ kết luận vu
cáo bôi nhọ lý lịch chị Liên, tội trụy lạc… Tôi ghi nhận cậu đã tự hối. Chắc
cậu biết mình phải làm chuyện chi rồi chứ hỉ?
-
Dạ, em biết…- Võ Điểm nói mà như khóc.
Ông
Thiết tiếp lời : - Thằng Phiến chết rồi, ta không nói đến. Còn cậu Tấn? Chuyện
lý lịch cháu Thanh bị bôi nhọ, lỗi cậu không ít mô. Chuyện trụy lạc của cậu,
tôi để cậu tự xử trí…Làm răng xem cho ổn, đừng trách tôi cho cô nhà biết chuyện
nớ.
-
Dạ… Em mệt mỏi lắm rồi – Nguyễn Văn Tấn ôm đầu – Giờ em chỉ còn có gia đình,
chả còn ham muốn chi mô.
Có
tiếng gõ cửa phòng. Ông Thiết nhìn hai người bạn đồng hương còn lại, nói dõng
dạc :
-
Mời vô.
Cửa phòng
mở. Bốn cán bộ trong nhóm ăn chơi mang danh câu lạc bộ tự sát nhìn thấy bốn
người đàn ông đang lần lượt bước vào phòng.Trừ Võ Điểm tỏ ra không bị bất ngờ,
cả ba người còn lại đều nhìn những người bước vào với sự ngỡ ngàng. Ông Thiết
quắc mắt, đưa tay giới thiệu từng người :
- Ông
Thuận, đàn anh của tôi thời chống Mỹ. Ông Bằng, việt kiều hồi hương và chắc
không xa lạ gì với chú Điểm ni. Thiếu tá Trần Thanh An và đại úy Nguyễn Hoàng
Nguyên bên an ninh. Khách tôi mời cho mấy người nì.Xin mời ngồi.
- Xin lỗi
– thượng tá Yêm lên tiếng – Nếu là làm việc thì em cần một sĩ quan quân pháp có
mặt. Không thì em xin phép.
Thượng tá
Yêm toan đứng dậy. Ông Thiết cười nhạt :
- Chả làm
việc chi mô. Ngồi xuống nói chuyện chút thôi. Tôi chưa nói đến chuyện của cậu.
Thượng tá
Yêm cau mày :
- Chuyện
của em?
- Đúng !-
ông Thiết trừng mắt – Chú quên mối tình đầu của mình ở An Điền, Phương Điền rồi
hử? Cô Nguyễn Thị Thanh bị bôi nhọ lý lịch là con sĩ quan cảnh sát Trịnh Anh
Bằng nớ?
Như bị sét
đánh, thượng tá Yêm giật bắn mình, ngồi chết lặng, mặt tái xanh…
Ông Thiết
rít lên :
- Cậu một
hai xin cưới cô Thanh. Rứa mà chỉ nghe tin cô ta bị tố là con sĩ quan chế độ
cũ, chưa rõ thực hư, cậu đã chạy làng. Ông Vạn già yếu, cô Thanh chỉ biết nương
dựa vào cậu. Rứa mà cậu lại lẩn tránh, rồi chạy chọt xin vào trong ni. Răng cậu
hèn rứa? Hử? Cô Thanh bơ vơ, uất ức, mất niềm tin đã treo cổ tự tử. Cậu quên
được răng…
- Không…
em không quên – thượng tá Yêm hấp tấp đáp…
- Cái
người bị nghi là cha cô Thanh chính là ông Bằng ni. Các xét nghiệm khoa học
chứng minh họ chả có quan hệ huyết thống chi mô. Cậu biết phải làm chi chưa?
- Em… em…-
Mặt ông Yêm giờ trắng bệch – Em rất hối hận.
- Chưa hết
đâu, thưa ông – thiếu tá An lãnh đạm tiếp lời – Chúng tôi có lẽ còn cần sự hối
hận của ông để hợp tác trong một vụ việc nữa.
- Việc chi
nữa? – Ông Yêm chợt lấy lại thế phòng thủ.
Đại úy
Nguyên rút trong cặp ra một xấp đô la âm phủ :
- Đây là
cái mà thạc sĩ Nhiều , người đang ngồi đây tố cáo là tang vật mà ông Nguyễn Văn
Tấn đã dùng để hối lộ ông ta…
- Đồ khốn
nạn – tổng giám đốc Tấn gầm lên, chồm qua phía Nhiều, nhưng Võ Điểm đã kịp kéo
lại. Mặt thạc sĩ Nhiều giờ đã xám như chàm, toàn thân run như bị sốt rét hành.
Thiếu tá
An tiếp lời :
- Trên mỗi
tờ giấy bạc âm phủ này đều ghi dòng chữ “Phát hành theo quyết định 147/HS 2
ngày 13 tháng 11 năm 1982”. Chúng tôi đã xác định đây là số hiệu một bản án của
tòa án quân sự quân khu 7 từ ba mươi năm về trước, với phán quyết tù chung thân
dành cho bị cáo Hoàng Kim Hùng, quân nhân trung đoàn 52, sư đoàn 320 thuộc quân
đoàn 3 vì tội đào ngũ và giết chết cô Đoàn Thị Khánh Trang để cướp của. Và theo
văn bản chuyển trại do trung úy Tạ Văn Yêm, sĩ quan quân pháp quân khu ký thì
Hoàng Kim Hùng bị đưa đi thụ án ở trại T 771…Nhưng theo văn bản của Cục Điều
tra hình sự quân khu 7 thì tại trại T771 đến giờ, vẫn chưa có phạm nhân nào tên
Hoàng Kim Hùng đến thụ án. Tại sao vậy thưa ông Yêm?
- Tôi …tôi
không biết – ông Yêm lắp bắp – Có thể… hắn… đã …được đặc xá…
- Từ năm
1945 đến giờ phút này, nhà nước Việt Nam đã có 43 lần đặc xá cho phạm nhân đang
thi hành án, trừ năm 1986 không có đặc xá. Chúng tôi không tìm thấy tên Hoàng
Kim Hùng ở trại T 771 trong bất kỳ danh sách đặc xá nào, vào năm mấy cả…Như vậy
đồng nghĩa với việc hắn ta chưa bao giờ đến trại T 771, mà hắn đã được thả ra
từ trại quân phạm của quân khu bằng lệnh chuyển trại do chính ông ký ngày 23
tháng 2 năm 1983. – thiếu tá An tiếp lời.
Cả căn
phòng chìm xuống trong lặng im căng thẳng… Ông Yêm nhìn chằm chằm vào những
người khách rồi bất chợt chồm sang thạc sĩ Nhiều, ré lên :
- Tất cả
là tại mi, thằng tồi bại. Tao đã bảo rằng mặc xác nó, mi lại cứ kỳ kèo đòi thả
ra cho kỳ được. Mi nhận của nhà thằng Hùng mấy cây vàng hỉ? Chừ mau nói ra đi! Tao nói cho mi biết, mi đừng
hòng chạy chối phen nì…Chỉ vì mi, mà tao mất hết rồi…Ngay cả khoản tiền mấy
chục nghìn đồng thời đó bồi thường tài sản cho gia đình cô Khánh Trang, tính
đến bây chừ trị giá hơn nửa tỷ, mi cũng nuốt trọn…
- Cậu Yêm!
– ông Thiết nghiêm giọng – Cậu cần bình tĩnh. Tội của ai đến mô thì bên an ninh
với quân pháp sẽ làm rõ. Giữa chúng ta, điều tôi muốn là cậu hãy thành khẩn để tự cứu mình…
- Tự tôi
biết phải làm cái chi để cứu mình rồi – ông Yêm chậm chạp đứng dậy, rồi vừa
bước đi, vừa lẩm bẩm – Anh thấy rồi, Thanh ơi… Anh xin lỗi em… Anh bị điều đi
công tác… chứ có lẫn tránh chi mô. Răng em lại khóc? …
Những
người trong phòng giờ đây bất động như tượng gỗ, dõi mắt nhìn kẻ bị chất vấn
đang lê bước ra khỏi căn phòng… Bất chợt thạc sĩ Nhiều cười the thé, mắt vằn
lên những tia đỏ :
- Cô Khánh
Trang! Cô vô đây nói cho ra lẽ với mọi người coi…Tôi can dự chi mô… Tiền của cô
còn nớ… Mười nghìn đô …Cô cầm đi. Còn thiếu chi thì cứ nói, răng lại gài bẫy
tôi như thế ni?
Mọi người
trong phòng giật mình đánh thót, cùng quay nhìn về phía cánh cửa phòng vẫn còn
đang hé mở.Kỳ lạ, ông Yêm đã đi từ nãy, phòng lại nằm trong hành lang khuất mà
cánh cửa vẫn kẽo kẹt đu đưa như có ai đang tựa tay vào đó từ bên ngoài để nhìn
vào những người ngồi trong… Rồi thạc sĩ Nhiều bật dậy, giật phắt xấp giấy bạc
âm phủ đang đặt trên bàn, gào lên :
- Cái nì
là của nhà thằng Hùng trả lại … Là tài sản của nhà cô… Cầm lấy… Tôi không muốn
giữ nó nữa mô… Cầm lấy…Tôi xin cô ,,, Khánh Trang…
*
* * *
Thượng tá
Yêm xếp tờ giấy vừa viết xong vào trong túi áo quân phục và kiểm tra lại giấy
tờ trong ngăn kéo bàn làm việc của mình trước khi khóa lại… Cơn mưa chiều vẫn
còn giữ lại hơi nước mát lạnh khiến ông thấy lâng lâng. Yêm bước ra ban công,
thoáng nghĩ “ Bây chừ ở Phương Điền, hẳn mưa còn rả rích. Nhà Thanh ở sát mé
biển, gió tạt mưa vào chắc lạnh lắm”… Từ một anh thiếu úy chưa từng đi qua
chiến tranh, luôn ở hậu phương nhờ ô che của gia đình nhà vợ… Lên đến thượng
tá, được xem là một cán bộ mẫn cán, nhưng chưa bao giờ Yêm thấy thanh thản và
hài lòng với quyết định của mình hôm nay, vào lúc này…Yêm có một cuộc hôn nhân
vì danh lợi, một sự ẩn mình khéo léo nhưng không bao giờ được chọn vào cương vị
lãnh đạo, mãi chỉ là anh cán bộ… Yêm ngán ngẩm, nhập cùng hội đồng hương ăn
chơi để quên đi cái bất hạnh của đời mình… Từ sau vụ đột tử của Lê Ngọc Phiến
và các clip video trụy lạc bị phát hiện, Yêm đã sẵn sàng cho một cuộc “ hạ cánh
an toàn” bằng việc xin nghỉ hưu sớm, nhưng giờ thì … quá trễ. Yêm chép miệng “
Mà chạy chọt nghỉ hưu sớm ích chi mô. Rứa thì cũng là chạy trốn. mình chạy trốn
Thanh để lý lịch vuông tròn. Lấy vợ để chạy trốn chiến tranh bên Cam – bốt. Ăn
chơi để chạy trốn thất vọng công danh… Chừ còn phải chạy tội răng? Phải chi
mình được làm lại từ đầu?”…
Có tiếng
sột soạt từ chậu cây sứ phía sau lưng Yêm khiến ông ta ngoái lại…
Nơi cây
sứ, một cô gái đang đứng nhìn ông… Mặt cô gái đượm buồn, mắt đau đáu thoảng một
tia hờn trách…
Yêm cười
ngượng ngùng : - Anh đã nói là anh bị điều vô đây công tác, sẽ lại về mà Thanh.
Chừ em đến chỗ ni rồi, thì mình về Phương Điền, xin ông nội em cho cưới luôn
trước tết…
- Răng anh
không bàn giao cho tử tế?
Yêm thoáng
nghe lời trách móc từ phía người yêu. Yêm cười ngây ngô :
- Xong cả
rồi. Tất cả trong ngăn kéo. Chừ anh đi với em…Anh không muốn người ta rủa anh
vô trách nhiệm.
- Anh chạy
trốn lần nữa mà coi được răng? – Thanh lắc đầu chê bai.
- Cả đời
anh đã chạy trốn. Chừ là lần cuối cùng – Yêm hăng hái thuyết phục người yêu –
Lần ni, anh đủ can đảm mà. Tin anh đi!
- Lần
cuối…- Thanh nhìn Yêm, vẻ thiếu tin tưởng – Anh bỏ lại tất cả sao?
- Đã là
chạy trốn, răng còn tiếc chi những thứ rơi lại dọc đường? – Yêm lại cười đầy tự
tin – Chỉ khác là lần ni, anh chạy trốn để về với chính mình.
Yêm liếc
nhìn bóng mình qua ánh trắng hắt vào giọt mưa long lanh đậu trên cánh một bông
hoa sứ… Một gã đàn ông ngoài năm mươi, đầu trần, mặc bộ quân phục không quân
hàm, quân hiệu, không bảng tên… Yêm gật đầu hài lòng “ Phải, đây mới thực sự
chính là mình. Giờ mình theo Thanh với chân dung như vậy”
Yêm nhẹ
nhàng rút khẩu súng ngắn trong túi quần ra, mân mê nó hệt như ngày đầu được
nhận, thuở là anh thiếu úy trẻ măng mới ra trường từ Huế về Phương Điền trú
đóng. Một thứ máy móc cực kỳ tinh xảo, nhưng chưa bao giờ được Yêm sử dụng.Ba
mươi mốt năm nay, từ khi là thiếu úy lên đến thượng tá, lần đầu tiên Yêm dùng
đến nó…
Và cũng là để cứu lấy chính mình…
Yêm đặt
họng súng vào dưới cằm, đưa ngón tay trỏ vào vòng cò, tỳ mạnh…
Một chuyển
động khô khốc trong khẩu súng…
Cùng với ý
nghĩ của Yêm “ Cũng là để tự vệ như công dụng của nó mà”
Đoạn
kết
Trong lá
thư tuyệt mạng cất trong túi áo ngực, thượng tá Yêm đã khai nhận việc mình bị
mua chuộc để thả phạm nhân Hoàng Kim Hùng ra khỏi trại giam quân khu bằng một
lệnh chuyển trại nhằm đánh lừa đơn vị phụ trách thi hành án, bởi thời điểm đó,
thông tin liên lạc không được như bây giờ nên không có điều kiện kiểm tra sự
thật. Kẻ đứng ra môi giới việc này, cũng là kẻ giấu nhẹm hơn năm mươi ngàn đồng(
thời điểm 1982) tiền bồi thường thiệt
hại tài sản cho gia đình nạn nhân Đoàn Thị Khánh Trang chính là Phạm Bá Nhiều,
bạn đồng hương của Tạ Văn Yêm… Thạc sĩ Nhiều không tự sát mà giờ đã điên loạn,
suốt ngày đêm cứ đòi đếm tiền và trả lại cho một nạn nhân vô hình tên là Khánh
Trang…
Chiều nay,
tôi và đại úy Nguyên có mặt tại lễ trai đàn mà gia đình Võ Điểm cùng Nguyễn Văn
Tấn tiến hành để cầu siêu cho vong hồn hai cô gái Nguyễn Thị Thanh và Đoàn Thị
Khánh Trang. Dù không theo đạo Phật nhưng chúng tôi có mặt theo đề nghị của
Trịnh Anh Bằng. Tất cả bọn họ đều thấy mình có trách nhiệm trong thảm kịch số
phận của hai cô gái xấu số…Nhìn cả hai gia đình ông Điểm và ông Tấn đang quỳ
gối nghe kinh cầu siên, mà lòng thấy lâng lâng thoát tục theo tiếng chuông mõ
chầm chậm đệm theo làn khói hương tản ra giữa không gian… Tôi quay lại hỏi
Nguyên :
- Ông có
còn giữ mớ đô la âm phủ đó không?
Nguyên nở
nụ cười trẻ thơ vốn có :
- Còn chứ.
Hôm ấy ông Nhiều nổi cơn điên, cứ đưa dứ dứ cho ai đó rồi ném vung vãi ra khắp
phòng. Sợ bác Thiết la nên em gom lại cất kỹ đến giờ.
- Ông đưa
hết đây cho tôi.
- Chi vậy?
- Đốt chứ
chi – tôi bật cười – Của ai trả cho người đó.
Nguyên rút
xấp đô la âm phủ đưa cho tôi. Tôi nhẹ nhàng kéo chiếc thau bằng gang đầy tro
giấy trước bàn thờ ra sân. Xong tôi cho cả xấp tiền âm phủ vào đó…
- Lạ quá
anh An – Nguyên thốt lên, nhặt một tờ đô la âm phủ trong thau lên đưa cho tôi
xem.
Tôi giật
mình.
Đúng là kỳ
lạ thật.
Trên tờ
giấy bạc đô la âm phủ, dòng chữ in nới góc phải bên dưới cạnh hình diêm vương…
Cái dòng chữ “Phát hành theo quyết định
147/HS 2 ngày 13 tháng 11 năm 1982” đã dẫn đường cho tôi tìm ra vụ án này
giờ đã biến đâu mất dạng… Chúng tôi vội gom những tờ giấy bạc còn lại trong
thau lên xem lại… Tất cả các tờ giấy đều như nhau, tuyệt chẳng còn dòng chữ nọ…
- Sao bây
giờ anh An? – Nguyên hơi bối rối.
- Sao nữa?
– Tôi nheo mắt – Thì đốt cho rồi chứ giữ làm chi?
Nguyên bật
lửa… Những tờ giấy bạc âm phủ liếm lửa chuyển sang màu đen và quằn lại…Tiếng
lách tách phát ra từ những tia lửa nghe như ai đó khúc khích cười …Tự nhiên tôi thừ người khi nhớ đến hai
người của câu lạc bộ tự sát giờ đây vắng mặt là thạc sĩ Nhiều và thượng tá Yêm…
Cuối cùng,
tôi cũng cứu được lương tâm của hai người trong hội ăn chơi đó là ông Điểm và
ông Tấn.
Nhưng chắc
gì tôi không cứu được lương tâm của ông Nhiều và ông Yêm?
Nếu lương
tâm không còn thì ông Nhiều không hóa điên và ông Yêm đã không tự thú rồi tự
sát.
Nhưng nếu
lương tâm của họ còn, sao họ không can đảm sống tỉnh táo để chịu trừng phạt từ
cơ quan pháp luật?
Rồi tôi
nhớ hôm ngồi ở nhà sếp, nghe Trịnh Anh Bằng nhắc chuyện Ác Lai…
Rồi tôi
thầm tự hỏi mình “ Ác Lai tự mổ bụng dâng tim gan cho Đức Thế Tôn vì sám hối
khi đã nhận được sự giải thoát từ ánh
đạo vàng, hay đơn giản vì muốn chạy trốn tội lỗi mà mình đã gây ra trong quá
khứ?”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét