Hai
Tôi mệt
nhọc ngồi tựa vào lưng dựa của chiếc ghế xa lông tiếp khách trong phòng làm
việc của sếp, cố xoay vài cái cho cột sống đỡ mỏi. Mấy ngày trời di chuyển từ
Huế xuống Phương Điền và ngược lại, vướng gần chục cơn mưa khó chịu, vừa về
chưa kịp nghỉ ngơi thì sáng đã phải vào báo cáo chuyến đi đồng thời nhận thêm
đề toán hóc búa này. Mới mở miệng than thở thì sếp đã “ chẹn họng” ngay rằng “
cái vụ đòi tham khảo hồ sơ mấy vị cán bộ này là do mày tự nguyện xin làm chứ
đâu có ai phân công hay ra lệnh. Cho nên phát sinh gì mới liên quan đến tên
tuổi họ thì đưa cho mày là phải đạo quá rồi. Không cảm ơn tao thì thôi, còn cự
nự gì nữa ?”… Cảm ơn à. Sếp tốt với cấp dưới ghê. Thế là tôi kẹt cứng với nhân
vật Phạm Bá Nhiều và món “ quà hối lộ từ âm phủ” đã xảy ra với ông ta mấy ngày
trước… Vụ án bôi nhọ lý lịch cô gái Nguyễn Thị Thanh và bà mẹ cô ta là liệt sĩ
Bùi Thị Kim Liên đã kết thúc với trách nhiệm thuộc về Võ Điểm và Nguyễn Văn
Tấn. Vai trò của thượng tá Tạ Văn Yêm chỉ dừng ở một gã tình nhân bạc bẽo. Còn
Phạm Bá Nhiều thì không liên can… Thế nhưng việc cô gái Khánh Trang xuất hiện
với quyết tâm gây ảo giác cho những kẻ từng gây tội lỗi với mình đã khiến tôi
tin rằng câu chuyện về danh sách cán bộ tha hóa trong Câu lạc bộ tự sát chưa
kết thúc. Giờ thì đây là dấu hiệu hiển nhiên. Tôi đã tự chuốc việc vào thân thì
giờ hãy ráng mà chịu. Giờ đây, tôi tự an ủi mình rằng “ Dù sao, một dấu vết cụ
thể thế này vẫn hơn là phải chịu đựng những ấn tượng thót tim mà cô ta luôn gây
ra cho mình trong mỗi lần gặp mặt.”… Đọc văn bản ghi nhận sự việc của đại úy
Nguyên, tôi thầm thán phục sự nhạy bén nghiệp vụ của người bạn đồng nghiệp trẻ
đối với dòng chữ in trên góc phải bên dưới mỗi tờ giấy bạc âm phủ thu nhận
được. Đó quả là một đầu mối truy tìm đáng giá… tôi ghi vào sổ tay của mình
những điều cần làm rõ :
Một, kiểm
tra nguồn gốc những tờ đô la âm phủ. In ở đâu, phân phối cho chợ đầu mối nào?
Hai, dòng
chữ “quyết định 147/HS 2 ngày 13 tháng 11
năm 1982” có ý nghĩa gì?Có phải trên tất cả các tờ giấy bạc âm phủ không?
Ba, dòng
chữ “quyết định 147/HS 2 ngày 13 tháng 11
năm 1982” có liên quan gì đến các mốc thời gian hoạt động của thạc sĩ Phạm
Bá Nhiều?
Sau khi
vạch ra các hướng tìm kiếm cần thực hiện đồng một lúc, tôi lại bắt đầu xác định
giới hạn tìm kiếm cho mỗi vấn đề. Với vấn đề đầu tiên, tôi đánh một chữ G to
tướng bên phải dấu chấm hỏi, nghĩa là tạm gác lại vì khó mà dự báo bao nhiêu mồ
hôi công sức sẽ đổ xuống biển cho việc đó. Với vấn đề thứ hai, tôi ghi lại giả
định suy đoán của mình. Rõ ràng nếu đã là quyết định thì sẽ gắn đến một trường
hợp cụ thể, nhưng với số hiệu đi kèm năm tháng thì dòng chữ “quyết định 147/HS 2 ngày 13 tháng 11 năm
1982” rõ ràng không ám chỉ một số hiệu hồ sơ, như vậy ký hiệu HS chỉ có thể
mang ý nghĩa khác. Chữ HS có nghĩa là viết tắt theo tiếng Việt của từ gì nhỉ?
Tất nhiên không phải hố sâu, không
phải họng súng, hang sói rồi. Học sinh chăng? Nghe hợp nghĩa, nhưng
còn số 2 đi theo phía sau? Nếu đã có học sinh 2 thì phải có học sinh 3, học
sinh 4, như vậy số thứ tự phía trước hóa ra thừa vì mỗi trường học có cả mấy
trăm học sinh, nếu theo chỉ tiêu phân loại này thì vô lý quá. Ngay cả sở giáo
dục cũng phân loại công văn theo vấn đề quản lý chứ không thể theo con người.
Như vậy chả lẽ là…hình sự như phán
đoán ban đầu của đại úy Nguyên? Như vậy đây là một bản án? Nhưng bản án gì? Cứ
theo phân loại nhóm tội trong bộ luật hình sự thì nhóm tội xâm phạm an ninh quốc
gia thuộc nhóm 1, nếu theo đó mà xếp ký tự phân loại thì bản án cho tội đó sẽ
mang ký hiệu HS 1 và các nhóm tội thứ hai, thứ 3 sẽ mang ký hiệu HS 2, HS 3…
Nhưng đó chỉ là suy đoán, bởi cũng có thể HS 2 là ký hiệu chỉ một bản án hình
sự cấp phúc thẩm, vì cấp sơ thẩm là lần 1. Có lẽ tôi cần phải liên hệ lại với
bên tòa án để nắm các quy ước ký hiệu bản án của họ… Mà cũng chưa chắc là tôi
sẽ thành công, bởi dòng chữ ngày 13 tháng
11 năm 1982 nhắc tôi nhớ là đã gần 29 năm trôi qua từ khi có bản án này.
Các quy tắc đánh số ký hiệu bản án đã khác đi nhiều lắm từ khi ra đời luật tố
tụng hình sự…
Đúng là mò
kim đáy biển… Tôi tựa lưng ghế dựa, nhắm mắt… Cơn mệt mỏi giờ ngự trị toàn
thân…
- Răng ông
lại ủ dột thế? – giọng nữ nhẹ nhàng cất bên tai tôi.
Tôi giật
thót người . Cô gái Nguyễn Thị Thanh đang nhìn tôi với vẻ ái ngại.
- Sao lại
là cô? – tôi ngạc nhiên – Tôi nghĩ cô đã đi rồi chứ?
- Tôi còn
nán lại để giúp Khánh Trang – Thanh đáp – Cố gắng tạo ra một dấu hiệu cụ thể để
ông có thể nhận thấy đã khiến cô ta không thể xuất hiện nữa, dù chỉ là với
người bị chứng Thần Hòa Bệnh như ông.
Tôi bật
cười. Thanh có vẻ phật ý.
- Ông cười
chi rứa?
- Tôi cười
vì phát hiện ra được điều mà cô vừa nói. Hóa ra ma cũng có năng lượng hoạt động
và tiêu hao như người đang sống. Khánh Trang không thể hiện ra nữa? Càng tốt.
Vậy tôi có thể xếp hồ sơ, bỏ qua nội vụ và ngủ khỏe.
- Bây chừ
thì ông chả làm như rứa được mô – Thanh nói với sự dửng dưng – Bởi ông sẽ không
bao giờ yên được nếu chưa hoàn tất món nợ đối với cặp mắt của mình mô.Chừng nớ,
chính lương tri ông sẽ dày vò ông.
- Việc của
Khánh Trang khác việc của cô – tôi cau mày – Cô ta không cho tôi biết tất cả sự
thật.
- Tôi tự
tìm cái chết. Khánh Trang thì không như rứa. Răng ông không hiểu mỗi người chết
có một hoàn cảnh riêng. Hơn nữa xưa ni, ông luôn thích tự mình tìm ra sự thật
chứ không ưa chuyện được người khác giải thích cơ mà. Bởi với nghề của ông, dù
có được giải thích thì chắc chi ông đã tin.
Ừ nhỉ. Sao
lâu nay tôi không nhận ra chính mình luôn suy nghĩ và hành động theo châm ngôn
“ Nếu như Chúa trời giải thích cho tôi tất cả, tôi cũng chẳng vì vậy mà cảm ơn
Chúa chút nào, bởi vì tôi vẫn muốn tự mình làm điều đó”. Tôi mỉm cười :
- Cô muốn
nhắc tôi rằng tôi đã làm hết sức mình chưa phải không?
- Đại loại
rứa – Thanh cũng cười nhẹ nhàng – Bởi chính trong tay ông đã có tất cả. Nhưng
ông là người mà, để sót chi thì cũng là bình thường thôi.
Thanh biến
đi mất, bỏ lại tôi lang thang trên biển vắng… Gió biển hây hây mát dịu đẩy tôi
như trôi đi dọc theo bãi cát dài… Tôi cứ nhàn hạ thong dong đi mãi…Rồi tiếng
phành phạch của trực thăng thổi gió vào mặt
khiến tôi giật mình…
… Tôi mở
choàng mắt. Sếp đang nhìn tôi với bộ mặt hung thần nhưng ánh mắt lại ánh lên nụ
cười thông cảm. Hóa ra trực thăng là xấp hồ sơ, còn luồng gió là do sếp quạt
vào mặt tôi để gọi dậy…
- Mày làm
cái gì mà ngủ vùi quên cả ăn trưa vậy? Biết mấy giờ rồi không?
Tôi liếc
lên đồng hồ treo tường trong phòng chỉ bốn giờ kém mười. Tôi bật dậy theo phản
xạ như cái máy :
- Xin lỗi
anh. Thật bê bối quá ! Sao anh không gọi
em dậy?
- Gọi làm
gì? Biết mày mệt nên tao kéo điện thoại
ra phòng ngoài làm việc chung với anh em để mày ngủ cho ngon giấc – sếp nói với giọng
dửng dưng, nhưng tôi tự hiểu là mình đã làm phiền sếp. Đúng là ngủ được một
giấc thì thấy nhẹ nhàng thư thái rõ rệt. Tôi định thu xếp sổ tay và hồ sơ thì
sếp đã ngoắc lại, hạ giọng nói vừa đủ nghe : - Đầu giờ làm việc, tao có đọc
những gì mày ghi trong sổ tay rồi. Tao đã cho truy lục bên tòa án về những bản
án ngày 13 tháng 11 năm 1982 xem có cái nào mang số hiệu 147/HS 2 không? Yên
tâm. Sẽ có kết quả sớm thôi. Có gì thì tao báo cho.
Tôi cảm ơn
sếp, dù giờ thì tôi đang ngờ vực kết quả của công việc mà sếp đã làm vì mình.
Tôi không tin đi theo hướng đó sẽ tìm được sự thật. Bởi giấc mơ khi nãy đã nhắc
tôi một điều : tôi đã bỏ sót điều gì đó trong hồ sơ của những người có tên
trong danh sách câu lạc bộ tự sát . Hồ sơ của Võ Điểm và Nguyễn Văn Tấn đã được
soi từng mi li mét vuông do liên quan đến vụ án bôi nhọ lý lịch liệt sĩ Bùi Thị
Kim Liên nên có thể loại trừ. Hồ sơ Phạm Bá Nhiều thì còn đang nằm đây và tôi
đã xem rất kỹ… Có điểm nào liên quan đến con số 147/HS 2 ngày 13 tháng 11 năm 1982 đâu? Tất cả những người có tên
trong danh sách nọ ngoài việc có quan hệ đồng hương Huế ra và cùng tham gia ăn
chơi trụy lạc tại căn phòng của Lê Ngọc Phiến tại khách sạn Tùng Dương ra thì
còn có gì liên hệ giữa họ với nhau nhỉ?
… Chợt tôi giật mình. Sao tôi cứ chủ quan nghĩ nhân vật thượng tá Tạ Văn
Yêm trong danh sách nọ chỉ đơn giản liên quan đến vụ án tự tử của cô Nguyễn Thị
Thanh ở vai trò một gã bạc tình mà không nghĩ rằng ông ta có liên quan đến vụ
án của Khánh Trang ở một vai trò khác quan trọng hơn. Chỉ trong tích tắc, tôi
nhớ ra Tạ Văn Yêm là nhân vật duy nhất không có hồ sơ lưu trữ của cục hồ sơ
nghiệp vụ an ninh, vì ông ta vẫn đang là cán bộ thuộc cục thi hành án của tòa
án quân sự quân khu 7 nên hồ sơ cá nhân thuộc diện quân đội quản lý. Cách đánh
số bản án nữa. Dù có thay đổi quy ước đánh ký hiệu đi nữa thì ngành tóa án nhân
dân cũng chỉ đánh ký hiệu HS với án hình sự, DS với án dân sự, ST với án sơ
thẩm, PT với án phúc thẩm chứ không quy ước số hiệu đi sau ký hiệu… Như vậy HS
2 hoàn toàn có thể là… một bản án hình sự của tòa án quân sự? Tôi tròn miệng,
suýt nữa bật lên tiếng gào Ơ – rê - ka[1].
Dường như vẻ mặt của tôi lúc này kỳ khôi lắm nên sếp nhăn mày :
- Cái gì
vậy hả, con cú?
- Em cảm
ơn anh, nhưng theo em, có một hướng đi lâu nay chúng ta không chú ý – tôi nói
liến thoắng – Xin anh cho phép liên hệ với Cục thi hành án quân khu 7. Không
hiểu sao, em nghĩ đến một bản án của tòa án quân sự.
Sếp nhìn
tôi như nhìn một quái vật vừa từ dưới đất chui lên rồi bật cười không hài lòng
:
- Để làm
chuyện đó cần phải xin ý kiến cấp tổng cục đấy. Mày lấy đâu ra cơ sở cho yêu
cầu này?Có biết là để có giấy giới thiệu để làm việc ấy, phải chờ mấy ngày
không?
- Nhưng
theo em nghĩ thì… - tôi lên tiếng kỳ kèo.
- Mày nghĩ
là việc của mày – sếp cắt lời tôi – Đi theo đường đó thì còn lâu lắm, mà tao
thì không thích cho mày rảnh rỗi để cho những giấc mơ đâu.
- Vậy anh
không giúp em à?
- Giúp theo
lối đó thì không. Vì không có cơ sở để làm việc đó.- sếp hừ hừ mấy tiếng trong
cổ họng rồi nheo mắt tinh quái – Trong phạm vi quyền hạn của mình, tao chỉ có
thể giúp mày một giấy giới thiệu đến Cục Lưu Trữ Nhà Nước mà thôi.
- Em đến
đó làm gì? – Tôi nhăn mặt.
- Sao lại
“ làm gì”? – sếp lừ mắt – Tất cả các quyết định hành chính, bản án đều được lưu
trữ ở đó. Đường nào mà chẳng về đến La Mã chứ?
[1] Euréka :
tiếng kêu vui sướng mà nhà vật lý học cổ đại Archimède khi phát hiện ra lực đẩy
của nước với mọi vật thể ( truyền thuyết) có nghĩa là : Ta đã tìm thấy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét