Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Chạy trốn lần cuối cùng 2


                    
                                                *
                                    *          *          *
Thạc sĩ Phạm Bá Nhiều không thích mấy cuộc họp đầu giờ trưa như thế này chút nào. Thứ nhất là vì nó không quan trọng và không được phát biểu, bởi những cuộc họp quan trọng cần có ý kiến của đại diện viện khoa học xã hội thì dù không đi dự được, viện trưởng hoặc viện phó Viện Khoa học xã hội đều gửi ý kiến bằng văn bản đến cho bộ phận tổ chức hoặc cử cán bộ nào khác đi dự chứ không bao giờ cử ông ta đi. Thứ hai là vì những cuộc họp bàn thảo đóng góp ý kiến cho những vấn đề chung chung, phải có sự có mặt của nhiều ngành, nhiều cơ quan phối hợp giải quyết như cuộc họp này thì…thường không có phong bì tiền ăn trưa hay tiền bồi dưỡng cho người dự, mà nếu có thì cũng…rât hẻo. Nhưng lãnh đạo phân công mà không đi dự, nếu về bị lãnh đạo hỏi thì lại hóa ra thiếu trách nhiệm, nên Nhiều cứ cắn răng đi họp để nhận tài liệu, tìm chỗ ngồi ở dãy cuối phòng họp để nghe chiếu lệ vài ý kiến cho đúng phép rồi…chuồn. Từ sau khi bị phê bình kiểm thảo vì đã viết một bài báo mang khuynh hướng lệch lạc nhận thức, đòi phủ nhận lịch sử chiến tranh của mình hai năm trước, vận rủi cứ như đeo theo Nhiều. Mới năm ngoái, một thằng đồng hương từng bị Nhiều bôi nhọ lý lịch mắc chứng gì nhớ lại chuyện cũ đã làm đơn tố cáo với các cơ quan chính sách rằng trường hợp cái chân khập khiểng của Nhiều không phải là thương tích chiến tranh để được hưởng trợ cấp thương tật cho thương binh trong thời chống Mỹ. Khốn nạn. Thằng bạn nói huỵch toẹt rằng đúng là Nhiều bị mảnh lựu đạn làm đứt gân chân phải vào năm 1974 khi là du kích xã, nhưng không phải trong lúc chiến đấu mà là trong lúc mò vào ấp chiến lược để… thăm gái. Tất nhiên Nhiều cũng thanh minh rằng mình vào ấp chiến lược là để…làm nhiệm vụ tuyên truyền. Thời đó làm gì có chuyện ra lệnh bằng văn bản mà mấy anh xã đội trưởng, xã đội phó cũng đã chết mấy thuở rồi, còn ai mà làm chứng cho phía nào? Rồi cũng yên, nhưng tai tiếng thì cứ đeo đuổi. Bạn đồng nghiệp trong viện hay mấy cán bộ lãnh đạo mỗi khi gặp Nhiều đều hướng mắt vào cái chân khập khiểng, cười cười với hàm ý “ Chỉ có mỗi chuyện mò gái mà phải trả giá lớn thật đấy”. Đùng một cái, tháng sáu năm nay gã bạn ăn chơi cùng hội cùng thuyền Lê Ngọc Phiến đột tử ở căn phòng số 13 khách sạn Tùng Dương báo hại cả hội bị công an quận Bình Tân mời lên mời xuống hỏi ron hỏi ren trả lời phát mệt… Chưa kể, mới tuần rồi, bọn an ninh nội bộ xấu xa lại lôi ra mấy clip video mà thằng chủ khách sạn Tùng Dương quay trộm được ra mổ xẻ về những quan chức có mặt trong đó. Viện trưởng và bí thư đảng ủy đã mời Nhiều lên làm việc với cơ quan bảo vệ Đảng. Như bao nhiêu kẻ hèn nhát, Nhiều chối bay chối biến với lập luận “ Cái thằng trụy lạc trong clip đó giống em chứ không phải em đâu. Em luôn tu dưỡng đạo đức cách mạng mà. Có thể có kẻ giống em, mạo danh em..”Nghe cũng xuôi tai, ai ngờ thằng ranh con bên cơ quan an ninh lặng lẽ lấy ra mấy bản khai của Nhiều với công an quận Bình Tân sau vụ đột tử của Lê Ngọc Phiến để xác nhận  việc Nhiều vẫn hay lui tới khách sạn Tùng Dương khiến Nhiều cứng họng. Bí thư đảng ủy cơ quan lạnh lùng nói mà không thèm nhìn vào mặt Nhiều “ Tạm thời, chúng tôi chưa xem xét kỷ luật Đảng với anh,  vì kỷ luật Đảng chỉ thực sự là biện pháp giáo dục đối với những đảng viên còn có ý thức tôn trọng kỷ luật Đảng, những đảng viên còn giữ được tính Đảng. Chúng tôi muốn anh nên nghiêm túc tự kiểm điểm chính bản thân mình.” Nhiều hiểu rất rõ điều mà ông ta muốn nói, đó là “ đây là lần cảnh cáo chót, dù chưa ghi thẳng vào lý lịch, nhưng nếu để xảy ra một tai tiếng nào nữa thì…” Thế là Nhiều đành nhũn như con chi chi, nghiến răng đeo cái mặt nạ đạo đức quen thuộc mà làm việc cho mẫn cán. Bởi suy cho cùng thì chẳng khó khăn gì để cơ quan thay thế một chuyên viên tuy mang bằng cấp thạc sĩ sử học nhưng trình độ chuyên môn lại có phần hơi…lơ mơ như Nhiều. Ở cái viện khoa học xã hội này, người ta có thể chấp nhận một chuyên viên năng lực kém, nhưng sẵn sáng dùng chổi sắt để  quét một kẻ thiếu tư cách đạo đức ra khỏi cơ quan. Nhiều tuy không gắn bó với cơ quan và công việc cơ quan bởi tiền lương ít ỏi, nhưng rất cần cái mác “ viện sĩ khoa học xã hội” của  cơ quan để tiếp cận anh này anh kia từ Thành ủy đến Ủy ban cho những dịch vụ “ chạy mối làm ăn” của các doanh nghiệp bự, nên lời cảnh cáo kia khiến Nhiều phải giật mình co lại. Nhiều không dám liên lạc với ai trong hội  đồng hương ăn chơi “ câu lạc bộ tự sát” suốt tuần lễ vừa rồi, nhưng cũng quá mệt mỏi vì cái vai trò mờ nhạt mà lãnh đạo viện phân công trong những cuộc họp đại thể như thế này…
- Xin lỗi, anh là thạc sĩ Phạm Bá Nhiều phải không ạ?
Một giọng nữ thỏ thẻ vang lên từ phía sau.
Nhiều quay người lại, nhìn người vừa hỏi…
Một cô gái trẻ tuổi độ hai mươi mặc đồng phục kiểu nhân viên văn phòng, để tóc nhuộm highligt theo mốt giới trẻ lúc này đang nhìn Nhiều và nở nụ cười tươi như hoa hàm tiếu. nụ cười trẻ trung của cô gái như mũi tên xuyên qua tim những gã đàn ông háo sắc, dù gã đó  tuổi đã ngoài năm mươi như Nhiều. “ Ngon mắt thật. Chắc lại một em sinh viên nào nhờ mình hướng dẫn đề tài đây” – Nhiều thoáng nghĩ và hơi sửa lại thế ngồi cho bệ vệ một chút để xứng với vai trò ông thầy.
- Tôi đây. Cô là…
- Dạ, em là trợ lý của anh Tấn bên công ty Tấn Lộc.- cô gái đáp mà mắt đưa đẩy như làm duyên với người đối diện.
Nhiều cau mày. Trợ lý của Nguyễn Văn Tấn? Từ sau vụ việc khách sạn Tùng Dương, Nhiều không gặp lại thằng cha bạn đồng hội ăn chơi. Đúng rồi. Thằng cha Tấn này luôn có một đội ngũ những cô gái “ nhậu thuê” để cung cấp những “ trợ lý” cho những hợp đồng mà đối tác chỉ ký trên bàn nhậu hoặc ký trên giường. Cô gái này chắc cũng ở trong cái dạng “ trợ lý thời vụ” đó.
- Có việc gì vậy? – Nhiều hỏi với vẻ lãnh đạm.
- Dạ, anh Tấn gửi anh phí dịch vụ hợp đồng thuê kho hồi tháng trước.
Nhiều sáng mắt lên, cố giấu sự bất ngờ. Cô gái vừa nhắc đến cái chuyện Nhiều hứa vận động cho công ty của Tấn thuê kho trong diện đất công của thành phố. Tất nhiên là Tấn xin thuê dài hạn theo giá nhà nước vốn rẻ như bèo, nhưng  sau đó Tấn sẽ “ phù phép” để cho các doanh nghiệp nước ngoài thuê lại với giá biểu của công ty hàng không, có nghĩa là mãi tận trên trời. Nhiều cũng đã gõ nhiều cửa, nhưng vẫn chỉ nhận được lời hứa “ sẽ nghiên cứu và trả lời”. Thật không ngờ là mọi chuyện xong chóng vánh thế. Làm ra vẻ đăm chiêu, Nhiều chép miệng :
- Nhiều cửa lắm, chẳng đơn giản mô. Còn phải biết điều lâu dài, kẻo lại có khối thằng chen vào nớ. Chẳng có chi tuyệt đối trong thời ni cả.
- Dạ, anh Tấn cũng biết vậy, nên có gửi riêng anh cái này – cô gái vừa cười tình, vừa khéo léo nâng chiếc bìa hồ sơ của mình lên, đẩy nhẹ về phía Nhiều như trao tài liệu. Chiếc phong bì dầy cộp được dán kín đang nép dưới bìa hồ sơ mau chóng chui vào giữa cuốn sổ tay ghi chép mà Nhiều đang mở ra trước mặt… Xong việc, cô gái cúi chào với nụ cười tinh nghịch :
- Xin phép anh, em về.
- Nì – Nhiều nheo mắt – Em tên chi hỉ?
- Dạ, em là Khánh Trang – cô gái đáp với vẻ tự tin đầy kinh nghiệm trong những giao dịch thế này với khách hàng.
- Tên đẹp hỉ - Nhiều cười nịnh – Về nói lại là anh cảm ơn anh Tấn hí.
… Điện thoại di động của Nhiều rung báo hiệu có tin nhắn. Nhiều bấm xem. Một dòng thông báo bằng chữ “ Ông đã nhận tiền trà nước vụ kho hàng chưa?”- Đúng là của thằng cha Tấn ! Nhiều nhắn tin trả lời “  Rồi. Nhưng còn phần hiếu hỉ cho bề trên nữa nhé. Làm ăn phải đàng hoàng mới lâu dài được”. Sau khi bấm nút chuyển tin đi, Nhiều ngẩng đầu lên nhìn… Cô gái ngon mắt nọ đã đi mất. Nhiều nhún vai “ Mặc kệ. Cái loại trợ lý rẻ tiền này thì mình cần gì phải biết số điện thoại để mà liên hệ. Tối nay, bắt gã Tấn khao nhậu đem theo cả em hồi nãy để mình xơi một quả là gọn mà lại đỡ tốn kém nữa. Nhưng trước tiên, mình phải xem bọn hắn đưa bao nhiêu tiền để còn đòi cho đúng giá trị dịch vụ chứ”. Nhiều nhẹ nhàng cho chiếc phong bì dầy cộp vừa nhận được vào túi áo, rồi rón rén bước vào hướng phòng vệ sinh ở cánh trái phòng họp…
… Khép kín cửa buồng vệ sinh, Nhiều háo hức xé toạt phong bì… Những tờ giấy bạc 100 USD như vẫn còn mùi mực in lại kích thích Nhiều ứa nước bọt như mỗi lần ngửi thấy mùi gia vị từ  những món ngon được làm ra bởi bàn tay một đầu bếp trứ danh. Nhiều bấm ngón tay vào xấp bạc, đếm một cách thành thạo… Đúng 100 tờ. Mười ngàn đô la… Nhiều cau mày. Bấy nhiêu là cả gia tài với người bình thường, nhưng với vụ thuê đất này, theo Nhiều thì chưa đủ. Nhiều rút điện thoại di động từ trong túi quần ra, lục danh bạ tìm số của Tấn và bấm gọi …Tiếng chuông réo dai dẳng khiến Nhiều sốt cả ruột … Rồi cái giọng mệt mỏi của Tấn vang lên :
- Có chuyện chi rứa?
- Chuyện kho hàng chứ chuyện chi nữa? Rắng chỉ có mười ngàn đô hỉ?
- Mười ngàn đô mô? Chuyện kho hàng chi? – Giọng của Tấn gay gắt, có vẻ như ông ta đang rất bực dọc.
- Thì chuyện kho hàng tôi chạy lo cho ông thuê của thành phố chứ chuyện chi?  Bốn trăm ngàn mét vuông mà ông chỉ đưa có mười ngàn đô là răng hỉ? – Nhiều rít lên.
- Nhưng ủy ban đã từ chối chuyện cho doanh nghiệp tôi thuê hồi sáng ni rồi mà.- Tấn cũng quát lại – Ông làm được mớ chi mà tôi phải trả tiền trà nước?
Nhiều choáng người, mồ hôi rịn ra đầy trán. Thế này là thế nào? Nhiều cần một lời giải thích. Bên kia máy, Tấn rầu rĩ :
- Hai tuần ni, sau vụ clip video ở khách sạn Tùng Dương lộ ra, anh Hai Điểm với tôi bị an ninh quần riết về vụ em gái vợ tôi vào học thương nghiệp Huế năm tám mươi liên quan chuyện vu khống lý lịch chi đó. Tôi mệt lắm rồi… Lòng dạ nào mà mần ăn nữa…
- Cô Khánh Trang trợ lý của ông …- Nhiều cố vớt vát.
- Khánh trang với chả bàn thờ - Tấn rít lên – Mấy con ca ve nhậu mướn ấy tôi làm sao nhớ tên cho hết. Chỉ khi phải làm việc với mấy tên háo gái như ông thì tôi mới gọi chúng nó theo. Chừ thì để tôi yên.
Tiếng cúp máy chát chúa hệt như một phát súng lục bắn thẳng vào màng tang Nhiều. Ông thạc sĩ sử học giật nẩy mình, rồi nghiến răng “ Khốn nạn. mày làm như thể chỉ có mình mày hay lão Điểm bị an ninh quần răng? Cả tao nữa, mà tao có kể khổ với ai được mô. Nhưng …mười ngàn đô này thực ra của ai đưa? Không khéo mình lại bị cài bẫy ăn hối lộ.” Phạm Bá Nhiều đứng chết trân trong phòng vệ sinh cá nhân suốt năm phút và mau chóng xác định lối thoát khỏi vụ này. Đúng, tiếc chi mười ngàn đô la để rồi mang vạ. Hãy dũng cảm từ bỏ nó để lấy lại uy tín với lãnh đạo, trước cơ quan. Nhiều nhét xấp đô la vào lại trong phong bì, rồi liếc đồng hồ đeo tay… Mới 14 giờ. Giờ thích hợp cho một cuộc gặp… Nhiều rút điện thoại di động, kiểm tra tin nhắn. Giờ ông ta mới kịp nhìn kỷ lại các chi tiết của từng tin nhắn Tin nhắn hỏi đã nhận tiền trà nước chưa phát xuất từ một thuê bao giấu số mà khi nãy Nhiều cứ đinh ninh là máy của Tấn vì y ưa dùng dịch vụ này. Nhưng như vậy thì tin nhắn trả lời của Nhiều sẽ không thể đến số máy vừa nhắn tin. Nhiều thở phào nhẹ nhỏm… Như vậy xem như kẻ xấu xa nào đó muốn “ chơi” Nhiều bắng màn trao tiền cò này sẽ chẳng thể giữ mẩu tin trả lời đó để buộc tội ông ta. Rất mau chóng, Nhiều phác ra trong đầu một kế hoạch để trở thành tấm gương liêm khiết “ Phải rồi. Không ăn thì đạp đổ. Thằng cha Tấn cũng chẳng còn giá trị gì để mình phải bảo vệ, ngược lại, bêu hắn ra lại khiến mình chói sáng hơn”… Nhiều gọi điện thoại vào số máy Viện trưởng, bí thư đảng ủy để xin một cuộc họp có sự chứng kiến của PA 83 công an thành phố… Nhiều rời ngay cuộc họp vô vị để về cơ quan, chuẩn bị cho màn trình diễn sắp tới của mình.

                                                *
                                    *          *          *
Đại úy an ninh Nguyễn Hoàng Nguyên là một chàng trai mới hơn ba mươi tuổi, nhưng nhìn cứ trẻ trung như sinh viên vừa tốt nghiệp đại học với gương mặt bầu bĩnh khả ái và nụ cười trẻ thơ hệt theo lời mà các sử gia mô tả về chân dung của nguyên soái Trung Hoa Từ Hướng Tiền. Anh cũng chính là “ thằng ranh con” đã chuyển thông tin về clip video ghi những hình ảnh trụy lạc của Phạm Bá Nhiều với tổ chức cơ quan hồi tuần trước.  Đại úy Nguyên có mặt trong cuộc họp chiều nay cũng chính do yêu cầu của Nhiều, theo thông báo của viện trưởng và bí thư đảng ủy… Nguyên chào cả ba người đàn ông trong phòng và ngồi xuống ghế.
- Thưa, có việc gì mà các anh yêu cầu cơ quan bảo vệ nội bộ phải có mặt? – Nguyên vào đề.
- Không phải chúng tôi – bí thư đảng ủy cười – Mà chính anh Nhiều cần trình bày một sự việc cần có sự có mặt của đồng chí.
- Vậy tôi xin nghe – Nguyên mở cặp, lấy sổ tay – Có cần lập biên bản không ạ?
- Tùy đồng chí – Nhiều đáp bằng sự khẩn trương – Nhưng theo tôi thì nên lập.
- Trước tiên, xin ông trình bày sự việc – Nguyên rút chiếc máy ghi âm, bấm mở công tắc, bắt đầu thu.
- Tôi xin tường trình cho các đồng chí lãnh đạo và  đồng chí đại diện cơ quan bảo vệ an ninh nội bộ một mưu đồ làm tha hóa cán bộ nhà nước của Nguyễn Văn Tấn – tổng giám đốc công ty cổ phần khai thác lâm sản Tấn Lộc … - Phạm Bá Nhiều hạ giọng xuống, như để nhấn mạnh tầm mức nghiêm trọng của điều ông ta sắp nói ra.
- Xin ông chớ vội kết luận, mà hãy bình tĩnh trình bày sự việc – Nguyên cảm thấy hơi buồn cười trước sự long trọng mà vị cán bộ mới bị vạch mặt trong các clip video tuần trước đang cố tạo ra. Anh cố ý dùng chữ “ ông” thay cho lối xưng hô “ đồng chí” mà Nhiều đang dùng một cách sỗ sàng, chẳng chút ngượng mồm. Nguyên rất muốn thốt lên câu “ đồng chí của ông chỉ có thể là cái hạng như ông”, nhưng kịp ngăn mình lại. Bởi Nguyên đến đây không phải để nói ra điều đó.
- Cách đây một tháng, Nguyễn Văn Tấn có nhờ tôi giúp liên hệ với các cơ quan chức năng để xin thuê dài hạn dãy kho Tô Hiến Thành thuộc công sản nhà nước, trước giải phóng, khu đất có nhà ở chỗ nớ thuộc quyền của trung tâm quản trị trung ương chế độ cũ.
- Tại sao ông ta lại nhờ ông? – Nguyên nhìn xói vào mặt Nhiều.
- Vì ông ta biết tôi quan hệ với nhiều cấp lãnh đạo cơ quan, ban ngành đoàn thể của thành phố.- Nhiều đáp rành rọt, có vẻ tự hào.
- Sao ông không từ chối? – Nguyên cười nhạt – Lúc ấy ông cứ từ chối là xong ngay thôi mà. Khu vực kho đó đâu phải tài sản công của cơ quan ông quản lý.
Nhiều ôn tồn, đầy tình cảm :
- Tôi cũng thử từ chối, nhưng khó ở chỗ Tấn với tôi cùng nhóm bạn đồng hương Huế tại thành phố ni…
- Đúng hơn, các ông cùng một hội ăn chơi tại căn phòng số 13 khách sạn Tùng Dương – Nguyên bổ sung cho rõ ràng, đầy châm biếm.
- Thưa. Việc mô ra việc nớ.- Nhiều vẫn tha thiết một cách lỳ lợm – Rứa nhưng tôi đã kiên quyết từ chối vì biết giúp hắn như rứa thì còn chi là nguyên tắc. Vậy mà hắn vẫn đeo đẳng… Đầu giờ chiều ni, khi đang họp bên  ban an toàn giao thông thì hắn lại cho người đến giở trò hối lộ tôi.
- Thế à? Bao nhiêu vậy? – bí thư đảng ủy cơ quan giật mình, hơi chồm về phía Nhiều, hỏi với vẻ quan tâm.
- Thưa, mười ngàn đô la – Nhiều vừa trả lời, vừa rút cái phong bì dầy cộp ra, đặt lên bàn giữa bốn người.
Nguyên liếc nhìn dấu xé đầu phong bì, hỏi bằng giọng khôi hài  :
- À….Tức là ông đã xé nó ra và đếm xem có bao nhiêu thay vì giữ nguyên để nộp lại? Sao lúc đó ông không từ chối để khỏi mất công nhận rồi lại phải trình báo thế này ?
- Thưa, hắn giao cho trợ lý đem đến đưa cho tôi. Tôi gọi điện thoại mắng hắn thì hắn lại chối rằng không có đưa gì cho tôi cả. Nên tôi phải xé ra kiểm tra trước khi trình báo lãnh đạo cơ quan và an ninh nội bộ - Nhiều vẫn trình bày một cách nhũn nhặn và theo đúng trình tự.
- Tốt – Nguyên thở dài – Tôi ghi nhận lời trình báo của ông. Nhưng để kết luận ai thực sự là kẻ hối lộ và với mục đích gì, cần phải có thời gian và chúng ta không nên tùy tiện quy chụp cho bất cứ người nào. Trước hết, tôi yêu cầu vụ việc này được giữ kín giữa bốn người chúng ta.
Tất nhiên Phạm Bá Nhiều chỉ cần có thế. Bất cứ thằng xỏ lá nào muốn gài bẫy ông ta bằng màn hối lộ vừa rồi, hẳn giờ đã bị việt vị. Trong mắt lãnh đạo cơ quan, Nhiều tuy yếu chuyên môn, nhưng đạo đức vẫn chưa đến mức bị lu mờ. Mười ngàn đô la Mỹ chứ có phải mười ngàn đồng Việt Nam đâu mà có thể từ bỏ một cách thanh thản, nhẹ nhàng đến thế.
Nguyên lấy trong cặp ra một tờ biên bản thu giữ tang vật theo mẫu in sẵn và điền vào các chỗ trông. Đến phần kê tang vật, Nguyên nhíu mày :
- Theo đúng nguyên tắc, tang vật là giấy bạc cần phải ghi ra cả số xê – ri. Phiền các ông kiểm đếm và đọc cho tôi số của từng tờ giấy bạc theo thứ tự.
Nhiệt tình và nhanh nhẹn đến bất ngờ, Phạm Bá Nhiều cầm chiếc phong bì, rút xấp tiền ra…Viện trưởng, bí thư đảng ủy cơ quan và cả Nguyên cùng dán mắt vào xấp giấy bạc trên tay Nhiều… Mặt của cả ba người cùng chưng hửng. Ba người hết nhìn xấp giấy bạc trên tay Nhiều rồi lại nhìn nhau… Rồi cả ba phá lên cười như pháo nổ. Bản thân Nguyên dù cố nén cũng không nhịn nổi… Nguyên cười đến độ đánh rơi cả cấy bút đang cầm trên tay…
- Ha ha ha… Tang vật mua chuộc đồng chí Nhiều đấy à? – Viện trưởng Biền, một nhà quản lý nổi tiếng đạo mạo hỏi với vẻ chế giễu.
- Tôi hiểu …ha ha ha…tôi hiểu tại sao anh Nhiều…ha ha ha… không chịu nhận rồi – bí thư đảng ủy cơ quan vừa cười như muốn đứt hơi, vừa nói ngắt quãng.
Nhiều ngẩn ngơ nhìn ba người đàn ông đến đây theo ý đồ bố trí của mình… Đại úy Nguyên là người dứt cười sớm nhất. Nguyên nghiêm giọng :
- Nếu ông Nhiều có ý đùa thì tôi xin nhắc rằng đây là trò đùa hết sức vô ý thức. Nếu ông Nhiều không đùa, thì tôi yêu cầu cơ quan nên xem xét lại tình trạng năng lực sức khỏe của ông. Mắt của ông có vấn đề nghiêm trọng đấy.
- Tôi không đùa – Nhiều nghiêm mặt trả đũa lại, với tâm trạng một người đứng đắn bị xúc phạm.- Răng các đồng chí lại cười? Mà mắt tôi có vấn đề chi mô?
- Không có à ? – viện trưởng Biền gắt, giật xấp giấy bạc trên tay Nhiều, xòe ra dí sát vào mắt người nộp – Nhìn cho kỹ đi! Toàn là giấy bạc đô la…âm phủ. Anh còn muốn làm mất thời giờ làm việc của chúng tôi đến bao lâu nữa? Hả?
Nhiều giật thót mình, như không còn tin vào mắt, vào tai của mình nữa. Nhiều gần như giật lấy xấp giấy bạc trên tay thủ trưởng, lật từng tờ… Một cảm giác lạnh toát chạy dọc theo sống lưng Nhiều …
Tất cả những tờ giấy bạc 100 đô la mới keng màu xanh khi nãy giờ đã biến đâu mất dạng, thay vào đó là những tờ giấy bạc 100 đô la âm phủ chuyên được dùng để đốt hay rãi trong đám tang. Chân dung Benjamin Franklin đã thay bằng hình Diêm Vương với dòng chữ “ Ngân Hàng Địa Phủ” in chạy dài phía bên trên…
Nhiều như rơi xuống vực thẳm. Ông ta đổ nhào xuống chiếc ghế mình ngồi khi  nãy … Nhiều ôm đầu gào lớn : - Không! Mười ngàn đô la…
- Nhưng là của ngân hàng âm phủ - Nguyên lạnh lùng kết luận và xếp giấy tờ vào cặp, bấm nút tắt máy ghi âm rồi không quên nhận xét đầy cay độc – Chúc mừng ông nhận được quà hối lộ từ chính Diêm vương.
Tai Nhiều như ù lên, không còn nghe thấy ai nói gì… Trước mắt ông ta, mờ mờ xuất hiện cô gái để tóc nhuộm highlight với nụ cười ma quái… Nhiều thét lên kinh hãi :
- Là nó…Khánh Trang…Nó đã lừa tôi…
Đại úy Nguyên cau mày, lật mấy tờ tiền ấm phủ lên xem lại… Ở góc phải bên dưới, cạnh hình Diêm Vương của mỗi tờ, đều có ghi dòng chữ “ Phát hành theo quyết định 147/HS 2 ngày 13 tháng 11 năm 1982”… Lạ thật, theo Nguyên biết thì tuy bài trừ hủ tục đốt và rải vàng mã, nhưng nhà nước vẫn tôn trọng tín ngưỡng nên không cấm mà tập trung vận động dân chúng tránh lãng phí qua việc đốt vàng mã mà thôi, cho nên không thể có quyết định in từ phía cơ quan quản lý nhà nước về thông tin. Mà quyết định của ngành sao lại mang ký hiệu HS như của tòa án, lại còn có ngày tháng năm nữa chứ? Phải chăng còn có điều gì khác ở đây?
Nguyên cất xấp giấy tiền âm phủ vào cặp, hơi liếc về phía Phạm Bá Nhiều thầm nghĩ “ Những tờ giấy tiền âm phủ này thực ra có liên quan gì đến ông ta không nhỉ?”
Sự việc vừa rồi không lập thành biên bản, nhưng được ghi nhận trên một văn bản mà đại úy Nguyễn Hoàng Nguyên lập để gửi cho cơ quan bảo vệ an ninh nội bộ về trường hợp Phạm Bá Nhiều. Văn bản ấy được chụp sao lưu và chuyển cho Cục hồ sơ nghiệp vụ an ninh vào trưa ngày hôm sau và đến tay đại úy Phan Văn Sinh phụ trách lưu trữ vào đầu giờ làm việc chiều. Đại úy Sinh đã nhận ra cái tên Phạm Bá Nhiều nằm trong danh sách hồ sơ mà cục bảo vệ an ninh nội bộ yêu cầu trích lục tham khảo hơn ba tuần trước. Đến cuối giờ làm việc buổi chiều thì văn bản của vụ việc “ quà hối lộ từ âm phủ đã đến bàn làm việc của đại tá Hưng, cục phó. Viên đại tá an ninh nhận ra cái tên Phạm Bá Nhiều, người đứng vị trí thứ ba trong danh sách bốn người mà cấp dưới của mình – thiếu tá Trần Thanh An – đang quan tâm với cái tên danh sách “ Câu lạc bộ tự sát” từ mấy tuần lễ trước… Gần như cũng cùng lúc ấy, máy bay của hàng không quốc gia Việt Nam chuyến bay VN 342 Huế - TP. HCM vừa cất cánh khỏi sân bay Phú Bài, mang theo Trịnh Anh Bằng, Trịnh Hoàng Nam và Trần Thanh An…

Không có nhận xét nào: