Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Câu lạc bộ tự sát 7

                                                               


                                                              *
                                                  *          *          *
- Hắn là Võ Điểm, sinh năm 1946, dân xã An Điền – Trịnh Anh Bằng nói rành rọt – Chỉ có thể là hắn.
- Sao lại là ông ta? – ông Thuận cha vợ sếp tôi nhăn trán.
- Lúc ấy tôi nổi điên – Trịnh Anh Bằng nói đầy căm giận – Bởi tôi muốn bắt anh Thông kìa, ai ngờ lại chộp thằng ranh này. Mà chuyện hầm bị khui rồi thì có bao giờ Thông dám về nhà nữa. Tôi táng báng súng lục vào mặt Võ Điểm, dí nòng súng vào màng tang nó, toan bắn một phát cho nó chầu trời. Ngay lúc đó, xảy ra sự bất ngờ. Chị Liên xông đến giữ chặt lấy tôi, vừa khóc vừa nói “ Ông cần là cần anh Thông nhà tôi, chứ thằng em ni có can chi mô. Xin ông tha cho làm phúc”… Lúc ấy, không hiểu sao tôi lại mềm lòng, nhìn người phụ nữ nọ than khóc, thằng nhóc cộng sản sợ sệt van nài tha mạng, tôi hiểu nếu tha cho Điểm thì có thể không bao giờ bắt Thông được nữa vì xem như Thông bị đánh động rồi.Nhưng tôi cũng nẩy ra một ý là dùng cách đó để chi ủy cộng sản Phương Điền không còn tin cậy Thông, thậm chí sẽ trừ khử anh ta …Thử nghĩ xem, trưởng chi cảnh sát quận bắt được cộng sản, dù chỉ là thứ tép riu như thằng nhóc Điểm, biết nhà có hầm bí mật mà lại để yên thì ai tin cho nổi. Như vậy, đường liên lạc với xã này của Thông qua cha và vợ đã bị cắt, loanh quanh đây đó cũng chẳng ai tin, sớm muộn gì cũng bị bắt thôi. Nên tôi  gằn giọng bảo chị Liên “ Tôi tha cũng được, nhưng mà chỉ vì cô đang mang thai đó thôi.Từ giờ, cô phải nghe lời làm việc cho tôi tuyệt đối”. Chị Liên vừa khóc vừa gật đầu…Tôi biết chị gật đầu đơn giản chỉ vì muốn cứu thằng Điểm, chứ lời nói gió thoảng, lấy gì làm bằng… Dù sao, xem như tôi đã gây hồ nghi giữa nội bộ họ. Tôi xách cổ thằng Điểm, nện một báng súng lục nữa rồi nói “ Cả mày nữa. Tao biết tên tuổi lẫn gia đình mày. Cho nên đừng có mà lừa tao. Đúng hai tuần nữa gặp tao vào buổi sáng ở quán bún bò Gia Hội ngoài quận lỵ” Xong, tôi đạp thằng Điểm xuống hầm, lấy hai viên gạch tàu ráp lại như trước rồi bắt chị Liên ra ghe lấy cá tôm vào… Hôm đó, tôi nhậu trong sự vui sướng, trên sự đau khổ của chị Liên và sự lo âu của thằng nhóc Điểm đang trốn ở dưới…
- Thủ đoạn của ông tinh vi thật – ông Thuận buồn rầu thốt lên – Thả một thằng nhóc để chia rẽ cả một chi ủy. Rồi sao nữa?
- Tôi ngỡ mình chỉ đạt một mục tiêu đó. Ai ngờ tôi còn được thứ lớn hơn…- ông Bằng cười với vẻ mãn nguyện mà chua xót – Đúng hai tuần sau, thằng Điểm gặp tôi ở ngoài quán Gia Hội và…nhận lời làm chỉ điểm với điều kiện đảm bảo an toàn cho bản thân nó và cả gia đình. Tôi hiểu nó sợ hơn là ham tiền. Nhưng với những đứa non gan thế này, chỉ có thể xài được ở từng vụ việc và trả tiền cho êm chuyện, khỏi dây dưa trách nhiệm.
-  Ông nhận lời? – sếp tôi hỏi.
- Tất nhiên…nhưng cũng vì thương cái thằng nhát gan ấy nên tôi chỉ cho nó bí số và trực tiếp hướng dẫn hoạt động chứ không buộc nó viết giấy tình nguyện cộng tác và giao cho trưởng cụm như với những chỉ điểm viên người lớn. Nó chỉ làm việc với tôi, cho mỗi mình tôi.
- Bí số của Võ Điểm ? – sếp tôi rút điện thoại, bật chế độ ghi âm…
- RD 141 –ông Bằng rít lên – Chỉ có nó mới phải e ngại chị Liên là người duy nhất biết việc nó bị tôi bắt để từ đó nghi ngờ  chuyện nó có làm việc cho tôi.  Nếu biết sau này xảy ra oan trái cho con chị Liên, tôi đã bắn nát sọ thằng hèn ấy từ ngày hôm đó.
- Hắn làm việc cho ông bao lâu? – tôi hỏi.
- Từ tháng 8 năm 1961 đến tháng 2 năm 1962. Tôi được chuyển về nguyên quán Long Xuyên, nên cắt liên lạc với hắn. Bởi hắn không phải là dạng chỉ điểm người lớn được quản lý theo hệ thống mật báo nên không cần bàn giao chi cho thêm việc.Năm ấy, hắn đâu mới mười lăm, mười sáu tuổi thôi mà.
- Thảo nào cơ quan an ninh không tìm thấy hồ sơ nào của Võ Điểm trong tàng thư gián điệp chỉ điểm của các ông tại vùng chiến thuật 1 lúc ấy – sếp tôi gật đầu – Còn chị Liên, chị ấy có làm việc cho ông không?
- Dọn ghế bố, lấy tôm cua, mua rượu và làm đồ nhậu cho tôi không phải là làm việc cho tôi rồi sao? – ông Bằng kinh ngạc – Không có những chuyện đó thì đời nào bọn cảnh sát xã để cho cô ấy yên …
- Không – sếp tôi cười – Ý tôi là làm gián điệp cho ông ấy mà.
- Không có vụ đó. Mà cũng không cần – ông Bằng lắc đầu – Đòn ly gián mà tôi gây ra đã quá đủ. Chị Liên mất tác dụng rồi. Cộng sản các ông đời nào còn tin chị ấy nữa.
- Rứa mà vẫn tin, thưa ông – Một giọng nữ nhẹ nhàng vang lên giữa chúng tôi. – Mẹ tôi chết khi là chỉ huy đội nữ du kích xã An Điền.
Cả năm người đàn ông chúng tôi đều choáng váng, nhìn quanh…
 Ngoài chúng tôi không nhìn thấy ai trong căn phòng ăn vào lúc này…
Trừ một đốm sáng đỏ đang đậu trên bông hoa lay- ơn cắm trong bình trang trí đang đặt trên bàn.
Giọng nữ nọ lại vang lên :
- Ông may mắn lôi kéo được Võ Điểm, nhưng ý đồ ly gián lại không thành…
- Cô… cô là …- Ông Bằng dán mắt nhìn như thôi miên vào đốm sáng đỏ lung linh nọ.
- Là Thanh…con gái của cô Liên. Đứa trẻ mà với ông là cả sự thách thức nghề nghiệp như ông đã nói.- giọng nữ đầy u uất – Nhưng…ông đã vô ý gieo rắc cho Võ Điểm niềm tin ông là cha tôi. Còn cha tôi…ngày hôm đó, cũng có mặt trong nhà.
- Cô bảo sao? – ông Bằng trợn ngược mắt – Thông có trong nhà? Nhưng dưới hầm chỉ có một người?
- Ông nội tôi cho biết nhà nội có hai hầm bí mật. Một cái ngay trong buồng ngủ mẹ tôi, dưới gầm bộ ván. Một cái ngay trong sân, chính là cái mà ông đã phát hiện ra. Thực ra, trừ mẹ và ông nội tôi, không ai biết sự tồn tại của cái hầm thứ nhất, bởi cha tôi ẩn trong đó suốt ngày đêm. Cái hầm thứ hai chỉ để dự phòng. Cha tôi biết ông cố ý gây ly gián nội bộ nên ngay sau đó đã cùng huyện ủy kiểm điểm Võ Điểm và chuyển hắn đến nơi ẩn náu khác. Nhưng chắc chẳng ai ngờ sau đó Võ Điểm lại là người của ông.
Ông Bằng loạng choạng, đưa hai tay ôm đầu, nói mà như rên rỉ :
- Ngốc. Hết sức ngốc.Bại lộ ngay từ đầu. Rõ ràng cha con, chồng vợ họ cười giễu mình. Trung úy trưởng chi cảnh sát chỉ hù dọa được một thằng con nít.
Đốm sáng đỏ vụt biến mất cũng đột ngột như khi xuất hiện.
Tất cả chúng tôi ngồi nhìn nhau…
Về sự kiện, thế đã quá đầy đủ.
Nhưng để giải quyết cho rõ ràng, sẽ mất rất nhiều thời gian…Và người khơi ra vụ việc này từ ban đầu là tôi cũng đã nhận ra mình đến đây để dự tiệc mừng ông Bằng bình phục và về nước chứ không phải để trách móc buộc tội ông ta hay bất kỳ ai.
Sếp đứng dậy, nhấc chai sâm – banh ra khỏi xô ướp đá.
-         Rõ ràng tất cả thì vui rồi. Giờ ta vào tiệc đi. Mừng sự giải tỏa oan khuất.
-         Khoan – ông Bằng thờ thẫn đặt cốc sâm-banh xuống bàn, hỏi tôi với vẻ âu lo – Cậu An! Theo cậu thì…tôi còn phải làm những gì nữa?
-     Một bản tường trình và một yêu cầu giám định ADN – tôi nâng cốc sâm – banh, đứng dậy nói theo lời sếp – Mừng sự giải tỏa oan khuất.
-  Đừng có mà đánh trống lảng – sếp lườm tôi – Tao chưa quên chuyện mày gây ra hôm nay đâu. Xong vụ này rồi mày sẽ biết.

                                          ĐOẠN KẾT

Những hồ sơ từ cục hồ sơ nghiệp vụ an ninh mà sếp đã giúp tôi có được quả không phải thừa, vì nó công nhận những gì Trịnh Anh Bằng nói đồng thời làm rõ chân dung của một số người, những kẻ gây ra bi kịch lớn cho cô gái Nguyễn Thị Thanh. Đúng là Thanh có tiêu chuẩn vào học trung cấp thương nghiệp Thừa Thiên năm 1980 theo diện kế hoạch A nằm trong chính sách đền ơn đáp nghĩa. Nhưng Nguyễn Văn Tấn, bây giờ là Tổng giám đốc công ty Tân Lộc ( người thứ hai trong danh sách câu lạc bộ tự sát) lại muốn chạy chọt để gửi em vợ của y vào học khóa này. Tấn đã nhờ cậy Lê Ngọc Phiến, lúc bấy giờ là trưởng phòng tổ chức của trường để đưa tên cô em vợ mình vào, dù rằng không đủ tiêu chuẩn. Trong lúc Phiến đang khó xử thì lại gặp Võ Điểm, lúc ấy là cán bộ sở thương nghiệp Thừa Thiên.  Võ Điểm xem danh sách học sinh đã nhập trường và nhận ra Nguyễn Thị Thanh, dân xã An Điền. Chính Võ Điểm nhận xét rằng Thanh là con của trung úy cảnh sát Bằng chứ không phải con liệt sĩ Nguyễn Văn Thông như ghi trong lý lịch. Cái quá khứ làm chỉ điểm đã khiến Võ Điểm lo sợ tất cả những gì liên quan đến cái ngày đớn hèn của hắn, lúc quỳ xuống chân Bằng xin tha mạng…Điểm không quên câu mà Bằng nói với chị Liên : “Tôi tha cũng được, nhưng mà chỉ vì cô đang mang thai đó thôi” để từ đó suy ra Thanh là đứa con của trung úy Bằng. Võ Điểm đã gửi một lá thư đánh máy nặc danh đến phòng tổ chức trường để Lê Ngọc Phiến chuyển sang an ninh nội chính tỉnh và tạo cớ trả Thanh về xã, nhường suất học bổng và tiêu chuẩn cán bộ lại cho em vợ của Tấn. Còn người thứ tư trong danh sách – thượng tá Tạ Văn Yêm chính là anh thiếu úy Yêm, người từng xin cưới Thanh làm vợ nhưng đã bỏ rơi cô ta ngay khi nghe tin báo “ lý lịch cô Thanh có vấn đề”, để Thanh lâm vào cảnh khủng hoảng niềm tin, dẫn đến chuyện tự sát…
… Vẫn những nhát cuốc cắm sâu vào mặt đất…
Nhưng không còn cái nắng chói chang, mà là cơn mưa bụi dai dẳng của tháng bảy…
Và tôi không phải đang mơ…
Mà lại thức tỉnh trong hiện thực…
Chúng tôi đang đứng trước mộ của nữ du kích Bùi Thị Kim Liên, mẹ ruột cô Thanh và là vợ của liệt sĩ Nguyễn Văn Thông. Hài cốt Thanh đã được bốc lên từ trước và thực hiện giám định ADN theo yêu cầu  thanh toán chi phí từ Trịnh Anh Bằng. Kết quả cho thấy họ không phải là cha con như lời tố cáo vu khống của Võ Điểm. Nỗi oan của cô gái xấu số đã được giải, đồng thời cởi bỏ nghi ngờ cho người mẹ Bùi Thị Kim Liên để hài cốt của bà ta được nằm cùng chỗ với chồng tại nghĩa trang liệt sĩ…Ông nội của Thanh- ông già Nguyễn Văn Vạn cũng đã mất…Giờ đây, người thân duy nhất tham gia cải táng Bùi Thị Kim Liên và thay mặt gia đình để nhận bằng liệt sĩ với dòng chữ “ Tổ quốc ghi công” lại chính là Trịnh Anh Bằng, đối thủ một thời về lý tưởng của cả gia đình chị… Viên cựu sĩ quan cảnh sát đầy thủ đoạn của một thời hận thù giờ chỉ còn là một ông già yếu đuối đang đứng dưới cái ô lớn do Hoàng Nam cầm. Ông Bằng vừa giữ thật chặt bát hương lớn đang nghi ngút khói, vừa cười mà nước mắt dàn dụa, nói như với người nằm dưới mộ mà cũng là nói với chính mình :
-         Chị Liên. Tội nợ cũ của tôi… chị xí xóa cho nhé. Về cõi đó, nhớ nói với bác trai và anh nhà…là thằng cha Bằng này…biết hối rồi. Mà nếu …vẫn chưa vừa ý, thì cứ chịu khó chờ… Không lâu đâu… Cũng gặp nhau ở đó hết…Tôi về đây để nhìn lại quê nhà và…chết mà… Chờ tôi không lâu đâu…
Được sếp giao nhiệm vụ đi kèm để bảo vệ ông Bằng trong khi vụ việc Võ Điểm có thể còn phải điều tra mở rộng, tôi là người thừa trong cuộc di chuyển hài cốt này. Sau khi làm xong thủ tục thắp hương cho người dưới mộ, tôi lặng lẽ chọn một góc thích hợp để quan sát…Mưa  bụi không lớn, nhưng lỳ lợm rơi… Những giọt nước từ trên trời như đang  rửa bùn đất trên từng lưỡi cuốc và lát nữa, sẽ rửa sạch luôn những vết đen trên di hài người quá cố…Tự dưng tôi thấy bùi ngùi…Mất hơn ba mươi năm, để giải tỏa oan khuất trái ngang của một gia đình, nhưng muộn còn hơn không! Vấn đề là chúng tôi có thể còn phải giải tỏa nỗi oan như vậy  cho bao nhiêu gia đình nữa? Và sẽ mất bao lâu? Những kẻ gây ra trái ngang này có ý thức được tội lỗi mà họ đã gây ra không?
Lê Ngọc Phiến đã chết.
Còn Võ Điểm? Chúng tôi sẽ phải làm gì với ông ta? Việc ông ta làm chỉ điểm, dù chỉ trong thời gian ngắn cho địch thì đã đành rồi, nhưng trừng phạt như thế nào khi ông ta giờ là một ông già về hưu bấy lâu nay đã và đang tự sát âm thầm bằng gái, rượu và thuốc kích thích. Khai trừ đảng, thậm chí truy tố ông ta đi nữa cũng có ích lợi gì cho những người đã bị ông ta bôi nhọ danh dự hay không?
Với Tạ Văn Yêm, tất nhiên ông ta sẽ bị kỷ luật về đạo đức, nhưng đâu có điều luật nào khép tội “ thiếu chung thủy” với hành vi bạc tình khi xa lánh cô Thanh hơn ba mươi mốt năm về trước.Bởi ông ta với Thanh nào đã là vợ chồng?
             Tự dưng tôi nghe có tiếng khóc nỉ non hờn oán từ đâu đó bên trái mình vẵng đến…
Tôi ngoái nhìn lại…
Và lạnh buốt toàn thân…
Không phải Nguyễn Thị Thanh mà tôi từng thấy trong giấc mơ và qua những tấm ảnh từ hồ sơ nghiệp vụ…
Mà chính là cô gái đến với tôi từ đầu vụ việc này.
Cô gái mà Thanh nói  với tôi rằng có tên là Khánh Trang.
Như có một luồng điện chạy qua đầu, tôi nhớ ra tất cả.
Và hiểu vì sao cô ta hiện ra dưới màn mưa bụi…
Bởi trong danh sách những kẻ có tên trong cái gọi là câu lạc bộ tự sát ở căn phòng trụy lạc số 13 khách sạn Tùng Dương, chúng tôi chỉ mới làm rõ sự liên quan đến cái chết oan của Nguyễn Thị Thanh với  hai cái tên đầu tiên là Võ Điểm và Nguyễn Văn Tấn.
Vẫn còn hai cái tên…
Hay là một oan ức khác đang chìm khuất trong bóng tối?


                        ….

Không có nhận xét nào: