*
* * *
Tôi ngắm
Trịnh Anh Bằng, thầm hình dung ông ta trong quá khứ.
Trước mắt
tôi, chỉ là một ông già hom hem đang ngồi trên xe lăn. Ở tuổi bảy mươi lăm, sau
cơn bạo bệnh triền miên vì chứng tâm thần cứ bộc phát mỗi khi thấy ai mời trà,
viên cựu thiếu tá cảnh sát của chế độ Sài Gòn giờ khẳng khiu như con cò ốm dậy
: tóc đã rụng gần hết, hàm trên chỉ còn
hai chiếc rằng cửa…Trừ cặp mắt ốc nhồi cứ như trợn ngược lên vẫn long lanh
sáng, chẳng còn chút gì cái uy kèm theo quyền lực xa xưa nữa… Nhìn ông ta, tôi
thầm so sánh với ông Thuận – cha vợ của sếp để tìm nét chung giữa hai con người
xưa là kẻ thù trên mặt trận thầm lặng, giờ chỉ là hai ông già đang ôn lại
chuyện cũ… Giữa họ là buồn vui trộn lẫn, nhưng với họ thì gặp lại nhau trong
hòa bình là hạnh phúc. Có lẽ giữa cả hai người, chỉ có điểm chung duy nhất :
tuổi tác của mình đã khiến họ trầm tĩnh và ôn tồn.
- Cậu An.
– Trịnh Anh Bằng nở nụ cười hiền hòa, đưa cánh tay khẳng khiu cho tôi nắm lấy –
Rất vui được gặp cậu.
- Chào
ông. – tôi nắm lấy bàn tay gầy guộc xanh xao mềm oặt của ông ta trong tay mình
– Mừng ông về lại Việt Nam. Dường như ông vẫn chưa bình phục hẳn…
- Đúng –
Trịnh Anh Bằng lên tiếng một cách yếu ớt – Nhưng tôi phải về quê… Tôi muốn…thấy
Việt Nam và…chết.
- Hơi sớm
đó – ông Thuận pha trò – Dạo này điều trị y khoa của Việt Nam tiến bộ lắm.
Mọi người
cùng cười, trừ ông già Bằng có vẻ gượng gạo.
Trịnh
Hoàng Nam lên tiếng :
- Chúng
tôi muốn một cuộc họp mặt gia đình vào cuối tuần, nhưng anh An lại muốn một
cuộc gặp vì công việc, nên chúng ta phải đến sớm để nói chuyện trước rồi sẽ
dùng bữa chiều.
- Lại cái
trò gì nữa đây, hả con cú kia ? – sếp quắc mắt nhìn tôi.
Hơn ai
hết, tôi hiểu sếp thực sự phật ý. Vì lúc này không phải trong giờ làm việc để
cho sếp thể hiện bằng một nụ cười đối với những gì không hài lòng.
- Dạ
không, em chỉ muốn ông Bằng hướng dẫn vài điều thôi mà – tôi nói tránh đi mục
đích thực sự của mình.
- Điều gì?
– sếp nhăn nhó – Dẹp cái chuyện cũ đi nhé. Không thì đừng có trách tao.
Ý sếp muốn
nhắc đến vụ điện đài ma. Tôi gật đầu. Bởi tôi có cách tiếp cận khác.
- Hồi xưa,
chắc bác Bằng đẹp trai lắm – tôi nói bâng quơ.
Giờ thì
mọi người cùng cười sảng khoái, kể cả ông Bằng. Tất cả đều hiểu là tôi đang muốn
đùa sang chuyện trai gái. Trịnh Anh Bằng nheo mắt :
- Tôi thấy
thằng đàn ông nào khi trẻ cũng nghĩ mình đẹp trai cả. Cậu muốn hỏi Hoàng Nam là
con thứ mấy và thuộc dòng nào, chính hay thứ chứ gì?
- Dạ, đại
khái thế…- tôi yên tâm lái câu chuyện theo hướng của mình.
- Hoàng
Nam là con trai duy nhất của tôi, trước nó có ba con chị. Tôi chỉ có một vợ là
mẹ của bốn đứa chúng nó.- ông Bằng chậm rãi đáp với vẻ nghịch ngầm – Còn nhân
tình thì…
- Thì sao
hả ông? – ông Thuận cha vợ sếp nhíu mày.
- Thì
…không có. – ông Bằng bật cười khùng khục -
Ở thời đó, nuôi một vợ bốn con bằng tiền lương là đủ chết giấc rồi, còn
đèo bồng gì nữa.
- Cháu
cũng biết một sĩ quan cảnh sát chế độ cũ trùng tên và cấp bậc với bác – tôi
xoáy vào.
- Vậy à ?
– ông Bằng có vẻ hào hứng – còn sống không? Thằng chả đi cải tạo bao lâu vậy?
- Dạ, cháu cũng không biết, vì ông ấy mất tích
trong chiến tranh. Ông ấy là ba của một cô bạn học với chị cháu hồi ở ngoài quê
Bình Tuy – tôi nói dối.
- Lạ chưa?
Gia đình cô đó không biết sao? Mất tích hồi nào vậy? Mà ở đâu…- ông Bằng có vẻ
bùi ngùi – Chiến tranh đáng sợ thật.
- Dạ, ông
ấy mất tích lúc ở ty công an Thừa Thiên, hồi năm 1961 …- tôi thận trọng dẫn
dắt.
- Năm
1961…Ở Thừa Thiên à… - ông Bằng lẩm bẩm. Rồi ông ta nhìn tôi bằng cặp mắt trợn
ngược, hỏi mà giọng lạc hẳn đi – Cậu nói ông đó tên Bằng à? Ở ty công an Thừa
Thiên… có biết ổng phụ trách an ninh chi khu nào không?
- Dạ, cháu
chỉ nghe nói là…quận …Phương Điền…- tôi nhấn mạnh địa danh Phương Điền.
Ông Bằng
thở dài, nhìn tôi rồi lại nhìn những người còn lại trong bàn với vẻ oán trách.
Rồi ông nở nụ cười thê lương… Ông nhìn thẳng vào mắt tôi, hỏi với vẻ chán
chường :
- Nếu có
gì muốn hỏi tôi, thì cứ tự nhiên. Tôi đã nói tôi chỉ cần về để nhìn thấy quê
nhà và chết, có còn gì để mà giấu giếm đâu. Sao cậu còn bày đặt ra cái vụ dần
lân cà rỡn này.
Một cái
đập bàn giận dữ.
Nhưng
không phải từ ông Bằng.
Mà là từ
sếp của tôi.
Sếp đứng
dậy, nhìn tôi chòng chọc, nói mà như rít lên :
- Con cú
kia. Mày có thể quên hết những cơn mơ kinh dị và thói quen bất lịch sự của mình
ngay không?
- Đây
không phải chuyện công việc, thưa sếp! – tôi đứng dậy, nói rành rọt – Em có
điều thắc mắc, muốn hỏi ông Bằng đây thôi mà.
- Không
sao – ông Bằng đưa tay ra dấu cản sếp tôi lại – Cứ để cậu An hỏi. Tôi rất vui
được trả lời mà. Cậu cứ ngồi xuống đi. Nếu câu chuyện cậu kể là có thật, thì
cậu tìm đúng người rồi đó. Thời gian năm 1961, tôi phụ trách an ninh chi khu
Phương Điền. Trung úy Bằng ở đó lúc ấy là tôi đây.
- Ông có
lầm không ạ ? – tôi hỏi.
- Tôi
không lầm. Tôi phụ trách an ninh quận ấy đến đầu năm 1962. – ông Bằng cười nhẹ.
- Người ta
đồn rằng có một cô gái được sinh ra năm 1962 là con ông.Điều này khiến cho cô
ta bị kỳ thị lý lịch vào thời điểm năm 1980, khi cô ta vừa mười tám tuổi…- tôi
thận trọng thông tin.
Trịnh Anh
Bằng nhăn trán… Rõ ràng ông ta đang chìm vào trong miền ký ức ngổn ngang vui
buồn, oán hận… Thú thật, bản thân tôi cũng thấy mình tàn nhẫn khi hành hạ ông
ta sau những thông tin vừa rồi. Nhưng ở đây, hẳn mọi người phải hiểu tôi cũng
đang bị Thần Hòa bệnh dày vò và sự đau đớn tôi vừa gây ra không phải để tôi đạt
được lợi ích riêng tư nào cho bản thân tôi.
- Cô gái
đó được khai sinh dưới tên cha là gì? – Ông Bằng hỏi với sự chắc chắn về bản
thân mình.
- Nguyễn
Văn Thông.
- Tin đồn
xấu xa, bịa đặt – ông Bằng thốt lên – Đúng là tôi rất có cảm tình với chị Liên
vợ anh Thông, nhưng tôi không hề làm gì chị ấy. Bản thân tôi cũng rất cay vì
không bắt được Thông, dù tôi biết chắc chắn anh ta vẫn loanh quanh trong quận
thôi. Sao anh Thông và chị Liên không nói ra sự thật cho mọi người được rõ?
- Ông vừa
nói chiến tranh thật đáng sợ - tôi đáp- cả hai vợ chồng đều đã chết trong chiến
tranh cả rồi.
- Thế
còn…cô con gái của họ? – Mắt ông bằng sáng rực – Nếu tôi có thể gặp được cô ấy?
- Quá muộn
rồi, thưa ông – tôi nói mà nghe lời của mình như ngọn roi quất vào những người
đang ngồi trong bàn tiệc…- Năm 1980, bị tiếng oan mẹ mình không chung thủy, bản
thân mình là con sĩ quan chế độ cũ, bị người yêu từ bỏ, cô Nguyễn Thị Thanh đã
tự tử bằng cách treo cổ ngay tại nhà truyền thống xã An Điền.
Trịnh Anh
Bằng rú lên một tiếng kinh hoàng. Tiếng rú của ông ta nghe rền như tiếng con
sói bị trúng đạn. Ông ta bật ngữa ra phía sau… Còn sếp của tôi đang mãi đứng
tần ngần bên bàn nãy giờ cũng ngồi phịch xuống ghế, lặng im… Ông Thuận, sếp và
Hoàng Nam đều nhìn tôi bằng đôi mắt ngập tràn oán trách…Chợt ông Bằng vươn
mình, chống hai tay vào tay dựa xe lăn, đứng dậy bằng một nỗ lực phi thường.
- Kìa,
ba…- Hoàng Nam thảng thốt kêu lên.
- Không
sao …ba không sao – Ông Bằng đáp bằng một giọng đĩnh đạc khác thường khiến tất
cả chúng tôi đều kinh ngạc. Cứ như bị đánh tráo, Trịnh Anh Bằng yếu ớt mới đây
đã biến mất, thay vào đó là một Trịnh Anh Bằng với vẻ ngoài uy lực đáng sợ…Cặp
mắt ông ta sáng rực lửa hận, hai bờ vai nhô cao theo thế đứng của sư tử lúc tấn
công. Ông ta nhìn mọi người, nói như ra lệnh :
- Bản thân
tôi cảm ơn sự có mặt của mọi người và cậu An tại đây hôm nay. Đúng là tôi chỉ
có thể chết thanh thản ở quê nhà sau khi giải xong nợ nghiệp. Tôi muốn trả lại
công bằng cho chị Liên, giải oan cho cô Thanh và quan trọng hơn là trừng trị kẻ
đã gây ra oan khiên qua tin đồn ác độc này. Tôi nhận ra hắn, cũng nhớ ra hắn
rồi….Chỉ có thể là hắn. Kẻ mà chị Liên đã xin tôi tha cho…kẻ duy nhất sợ bí mật
của hắn bị vạch trần … Nếu còn sống thì hắn năm nay đã ngoài sáu mươi…Võ Điểm…
Sếp nhìn
tôi đầy ý nghĩa, đây là cái tên đầu tiên trong nhóm câu lạc bộ tự sát vẫn lui
tới căn phòng số 13 của khách sạn Tùng Dương…
*
* * *
Tháng 6 năm 1961, Phương Điền, Thừa Thiên.
Đã quá xa
xôi rồi so với cái ngày 20 tháng 7 năm 1956. Cái ngày mà hai chính quyền ở hai
bên giới tuyến quân sự tạm thời là vĩ tuyến 17 phải gặp nhau để bàn chuyện hiệp
thương tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam. Cũng quá xa rồi những ngày mà máy
chém và luật 10/59 như hung thần chế ngự suốt phía Nam giới tuyến. Giáng sinh
năm 1960 trở thành giáng sinh ngột ngạt khó thở của cả giới tướng lĩnh Việt Nam
Cộng Hòa khi đoàn công tác đặc biệt miền Trung nắm quyền quản lý an ninh về mặt
thực chất, còn phòng 4 phủ tổng thống[1]
chỉ còn cái vỏ sau cuộc đảo chính ngày 11 tháng 11 nắm 1960. Việc thành lập Mặt
trận dân tộc giải phóng miền Nam của luật sư Nguyễn Hữu Thọ chỉ là giọt nước
làm tràn cái ly âu lo của gia đình tổng thống. Những sĩ quan quân đội và cảnh
sát gốc miền Bắc tại vùng giới tuyến bị rút hết về Đông Nam Bộ và thay thế bằng
những sĩ quan gốc đồng bằng sông Cửu Long. Trung úy Trịnh Anh Bằng ở trong cái
được gọi là “ lực lượng thay thế” và với anh, cái vinh dự đó cần hiểu ngược lại
cho đúng là “ bị đến thay thế” mới đúng. Dù Phương Điền rất gần Huế mà Huế thì
rất đẹp và thơ, nhưng vẫn không phải là vùng sông nước quen thuộc tấp nập ghe
thuyền với làn gió mát dịu và nắng vàng ấm áp quê nhà của Bằng. Cái nắng nóng
rát da và những con người nói chuyện bằng cái âm sắc nhẹ nhàng dễ thương nhưng…
nghe kỹ cách mấy cũng không hiểu gì cả luôn làm cho Bằng cảm thấy bất an, khó
chịu khi tiếp xúc với Phương Điền. Ngay cả với cấp dưới dân địa phương, Bằng
cũng không hiểu được họ đang nghĩ gì và sẽ nói gì về mình khi chỉ còn giữa họ
với nhau. Có lúc Bằng nghĩ thầm “ Nhiều khi dân ở đây chửi cha mình mà mình
cũng không biết, vì họ nói mình tuy nghe được nhưng có hiểu được cóc gì đâu”…
Mỗi khi về cái xã biển An Điền này, sau khi làm việc với ủy viên cảnh sát xã
xong là Bằng leo lên chiếc Gô-ben, phóng tuốt xuống xóm dưới xã, tấp vào nhà
ông Vạn … Nơi ấy mát mẻ. Ông Vạn và cô con dâu tên Liên lại hiền lành. Quan
trọng hơn nữa chỗ ấy lại là nơi mà ghe chài tấp vào để chuyển cá tươi đánh bắt
được, cũng là vị trí mà Bằng nghi vấn có thể là nơi tập kết vũ khí lương thực của
mặt trận giải phóng. Tóm lại, Bằng đến đó để nghỉ ngơi dù biết chủ nhà không
thích, lấy cá tôm để nhậu miễn phí dù chủ ghe không khoái, và cuối cùng là hình
dung về đối thủ của mình , chính là con trai ông Vạn – tên cộng sản nằm vùng
Nguyễn Văn Thông – thường vụ huyện ủy Phương Điền. Chủ nhà, chủ ghe và đối thủ
của Bằng dù không thích nhưng cũng không dám phản đối sự có mặt của Bằng ngay
tại ngôi nhà này. Bằng xem sự xuất hiện của mình ở đây cũng là một cách phản
ứng lại với cái địa bàn chết tiệt này, với cộng sản, với cả thượng cấp… viên
trung úy cảnh sát trẻ mới hai mươi bốn tuổi chỉ đơn giản nghĩ như vậy…Tất
nhiên, việc một sĩ quan cảnh sát cứ luôn nằm lỳ tại nhà một tên cộng sản nằm
vùng đang bị truy nã cũng gây ra những điều tiếng không hay… Sáng nay, tại hội
đồng xã, gã ủy viên cảnh sát xã đã đon đả chúc mừng Bằng với một giọng nịnh hót
mà theo Bằng thì nó cực kỳ đểu giả :
-
Chúc mừng ông trung úy
có tin vui.
-
Bao giờ rời được cái
chỗ này, tôi sẽ nhận lời chúc mừng của ông – Bằng cáu kỉnh.
-
Kìa, trung úy …Ông luôn
là người bảo trợ bình an cho dân chúng ở ni mà – gã ủy viên cảnh sát xã vẫn trơ
mặt ra, cười xun xoe – Chúng tôi phục ông thật. Mưu lược của ông chả kém Lã Bất
Vi.
-
Miệng lưỡi ông coi bộ
cả Trương Nghi, Tô Tần cũng còn thua xa
đó – Bằng cau mày – Muốn nói gì thì nói phứt ra đi. Tôi ghét vòng vo quanh co
xứ Huế.
-
Con Liên nớ… Nó thai rồi… Chúc mừng ông – bộ ria con kiến của
gã ủy viên cảnh sát xã co giật thật dễ ghét.
-
Liên nào?
-
Ngài lại quanh co. Con
Liên dâu lão Vạn… - gã ủy viên cảnh sát xã cười hô hố - giờ thì lão Vạn và con
Liên có tuyên truyền gì cho cộng sản cũng chẳng ai tin, khi họ là người thân của
trung úy …
Bằng choáng váng. Không phải anh sợ điều
tiếng gì, bởi anh có ăn đời ở kiếp gì tại cái xã này, cái quận này đâu mà lo.
Anh cũng không sợ chuyện bị hiểu nhầm “ lấy vợ cộng sản”, bởi chuyện cưỡng ép
ly hôn với những người vợ có chồng tập kết đã là một thủ đoạn chiến tranh tâm
lý quen thuộc từng được chính phủ khuyến khích.
Nhưng vì Bằng không phải là tác giả cái thai đó, và chính anh nắm rất rõ
quy luật sinh hoạt của ông Vạn và đứa con dâu, nên lại càng không kềm được cơn
giận dữ. Bằng đập bàn :
- Mừng
cái con khỉ. Ông làm ăn như vậy mà coi được sao?
- Thưa
trung úy, răng ạ?
- Tôi nói
ông và đám nhân dân tự vệ ở đây ngủ hết rồi hả? Để cho Việt Cộng về nhà ngủ với
vợ nó thoải mái như vậy được à ? Cái thai đó chọc tôi điên lên rồi đấy.
- Ớ… Vậy
chứ không phải… trung úy? – gã ủy viên cảnh sát giật thót người – Xin ông an
tâm… an ninh ở ni…
- Tất
nhiên không phải là tôi – Bằng dằn giọng – Tôi hiểu rất rõ ông Vạn và cô Liên
nên tôi không tin cái chuyện “ ăn vụng” như ông nghĩ. Chỉ có thể là đứa con
trai ông Vạn, gã chồng cộng sản của cô Liên – thằng Thông, thường vụ huyện ủy
Phương Điền này.
- Lạ
thật! – gã ủy viên cảnh sát chép miệng vẻ như hồ nghi – chỗ nớ chúng tôi sục
ngặt rứa mà…
Rõ ràng
gã không tin lời Bằng. Còn Bằng thì không dằn nổi cơn giận. Cái thai cô Liên
mang đang chế nhạo tự hào nghề nghiệp của anh. Phải, với gã ủy viên cảnh sát
thì nếu cơn giận của Bằng là thật thì chỉ vì anh ghen với gã đàn ông nào đó đã
xơi trước của lạ. Và mọi người đều nghĩ thế. Chỉ có Bằng mới hiểu rằng cái thai
của cô Liên với Thông như một lời nhắc anh rằng “ Tao có thể về ngủ với vợ tao
được thì tao cũng có thể lấy mạng thằng nào đang ngồi nhậu trong nhà tao được,
ông trung úy cảnh sát ạ”. Bằng nghiến rằng… Anh thoáng nghĩ một sự thật cực kỳ
giản đơn. Nguyễn Văn Thông chẳng trốn ở đâu xa, lâu nay mình vẫn nghĩ hắn quanh
quẩn trong xã này, nhưng cái điều mà mình không ngờ đến là hắn dám trốn ngay
trong nhà cha hắn, cái nơi mà anh vẫn tới lui thăm hỏi và nghỉ lại… Đúng, chỗ
nguy hiểm nhất lại chính là chỗ ẩn nấp an toàn nhất. Chắc chắn trong nhà ông
Vạn có hầm bí mật. Nhưng chỗ nào nhỉ? Một chỗ để có thể dễ dàng thoát ra ngoài
và từ ngoài trở vào trong nhà…Đúng rồi, chỉ có chỗ đó… Hôm nay, Bằng ghé xuống
nhà ông Vạn không phải để nhậu tôm cá rồi ngủ, mà là để tóm cổ tên cộng sản đã
dám ghẹo gan anh…
… Bằng
dừng xe trước cổng đắp bằng đất, bước vào trong sân và liếc nhìn…
Chiếc ghế vải bố quen thuộc của anh vẫn đang
được xếp gọn, dựa vào vách đường đi vào bếp. Bằng dận gót giày của mình lên
từng viên gạch tàu, nhếch mép cười khi nhận ra âm thanh rỗng ở miếng gạch sát
tường, nơi mà chiếc ghế vải bố của anh khi trải ra sẽ bị che khuất mất…
- Ngụy
trang khéo lắm – Bằng lên tiếng.
Bằng nhìn
người con dâu tên Liên của ông Vạn ,
người đàn bà xuân sắc vùng biển mà khi về đây anh vẫn nghe thiên hạ kháo nhau
đang xám ngoét mặt mày. run lẩy bẩy
-
Xin trung úy…
-
Tôi xin chị mới đúng –
Bằng cười nhạt – Xin chị mời anh nhà lên đây nhậu với tôi một chút.
Thật kỳ
lạ, Liên đang trong trạng thái hốt hoảng âu lo, chợt bật cười :
-
Trung úy đùa chi ác
rứa. Chồng tôi đi mấy năm trời, có về ni mô…
-
Vậy tin vui mà chị đang
mang thì tôi phải chúc mừng ai bây giờ? – Bằng quắc mắt.
Liên như bị dội một gáo nước lạnh, mặt tối
sầm lại. Bằng châm biếm :
-
Chắc chị lại nói rằng
đây là chuyện riêng của chị, và như vậy là chị cười vào mũi tôi. Cả anh nhà
cũng sẽ buồn tôi. Bởi vì lâu nay ông trưởng chi cảnh sát lại bảo vệ cho vợ cộng
sản ngoại tình.
Liên bật
khóc… Bằng lẳng lặng cúi xuống, rút dao lê đeo bên bắp đùi bộ quân phục dã
chiến, nạy viên gạch… Một lỗ trống vuông vức đen ngòm hiện ra ngay lúc Liên rú
lên… Bằng rút súng ngắn, lùi về phía Liên, nói lớn :
- Nè ông
bạn dưới hầm. Lên ngay đây, không thì đừng trách tôi ném xuống đó một trái lựu
đạn đấy.
Có tiếng
động dưới nền gạch và một viên gạch nữa rời ra bởi bàn tay của người bên dưới ô
vuông… một thanh niên từ từ nhoài người lên miệng hầm…Nhưng ánh mắt vui mừng
của Bằng đã thay bằng sự ngỡ ngàng…
Kẻ dưới
hầm không phải là một người đàn ông, mà là một thiếu niên, tuy mang dáng vóc
khỏe mạnh vốn có của dân miền biển, nhưng không phải là Nguyễn Văn Thông mà anh
truy tìm…
[1] Mật danh
của cơ quan tình báo chiến lược cai quản cảnh sát và quân đội mang tên Sở
Nghiên Cứu Chính Trị và Xã hội do bác sĩ Trần Kim Tuyến là giám đốc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét