Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Câu lạc bộ tự sát 5

                                                        
                                                                
                                                   Ba

            Trong hồ sơ của công an Bình Tân về vụ đột tử của ông Phiến, tôi dò ra bốn cái tên thường xuyên ghé lại ăn nghỉ tại căn phòng số 13 khách sạn Tùng Dương. Cả bốn người đàn ông này tuổi cao nhất sáu mươi lăm, thấp nhất năm mươi tư và đều là dân gốc Huế nhưng đều đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh này. Có vẻ cái câu lạc bộ này mang tính đồng hương, đồng hành lạc chứ chẳng có điều lệ, tôn chỉ hoạt động gì cả. Theo thứ tự tuổi tác, từ cao đến thấp, những người này gồm :
1.      Võ Điểm – 65 tuổi – nguyên cán bộ Bộ Công Thương, đã về hưu.
2.      Nguyễn Văn Tấn – 60 tuổi – tổng giám đốc công ty cổ phần chế biến lâm sản Tân Lộc
3.      Phạm Bá Nhiều – 56 tuổi – chuyên viên Viện Khoa học xã hội.
4.      Tạ  Văn Yêm – 54 tuổi – thượng tá, công tác tại Cục Thi Hành Án Hình Sự Quân Khu 7.
Lục lại trong danh sách các clip video ghi cảnh trụy lạc đã được thẩm định từ hôm qua thì cả bốn vị có tên trên đây đều có phần. Nhưng khi làm vụ án ông Phiến đột tử, đường dây mại dâm của tên chủ khách sạn Tùng Dương chư hề bị phát hiện, nên các clip video này chưa bị lộ ra. Trừ ông Võ Điểm đã về hưu và Nguyễn Văn Tấn là doanh nhân, chỉ còn hai cái tên cuối cùng thuộc diện cán bộ quan chức và chắc chắn cơ quan kiểm tra Đảng sẽ buộc lòng gạch tên họ trong các danh sách chọn lựa bổ nhiệm nhân sự. Tôi vừa sao chép tên bốn vị nói trên và dán trên trang văn bản có tiêu đề CÂU LẠC BỘ TỰ SÁT thì sếp đã ghé sang với vẻ mặt cau có quen thuộc mà với chúng tôi thì hết sức đáng yêu vì đang trong giờ làm việc :
-         Đánh xong biên bản chưa vậy An ? – sếp hỏi với vẻ khẩn trương.
-         Dạ, xong ngay đây – tôi vừa làm thao tác in biên bản thẩm định hôm qua mới nhập liệu xong, vừa trả lời.
-         Mày lại bới móc ra cái gì nữa đó – sếp vừa đeo kính vào để đọc đối chiếu biên bản ghi ngày hôm qua với biên bản được in, vừa hỏi khi thấy tôi tiếp tục in mấy bài báo mạng về vụ đột tử của ông Phiến và các so sánh đối chiếu với bốn nhân vật còn lại của cái gọi là câu lạc bộ tự sát.
-         Quà khuyến mãi – tôi đùa.
Chờ cho sếp đọc và ký vào biên bản ở vị trí tổ trưởng thẩm định xong, tôi đẩy mấy bản in theo sáng kiến của mình qua… Sếp cau mày, rồi đọc thật chậm, thật chậm…Sau khi đọc xong, sếp tháo kính ra, lau vào vạt áo… Tôi biết là sếp đã tự đánh giá tầm mức của vấn đề nên đang cân nhắc trước khi kết luận. Thú thật là những giây phút sếp lau kính lão thế này với tôi căng thẳng không kém gì lúc chờ kết quả thi vào đại học an ninh hai mươi mốt năm về trước…Tôi biết sếp là người duy nhất hiểu và cảm thông cho những giả định hay nghi vấn của tôi  dù cơ sở đặt ra những giả định đó mong manh như thế nào…Rồi sếp lại đeo kính vào, chỉ vào mấy văn bản của tôi, nhận xét :
-         Hết sức thú vị.
-         Sếp cũng thấy vậy à ? – tôi hỏi với sự phấn khích.
-         Tao không thú vị với những mối liên hệ từ các nhân vật có liên quan mà mày vừa nêu lên. Tao nói tao thú vị vì cái tiêu đề  Câu lạc bộ tự sát này nè – sếp cười nhẹ, nghĩa là không hài lòng – Tao thấy nó y hệt một tựa truyện trinh thám. Mày có khả năng sáng tác ghê nhỉ?
-         Thưa …em được biết đó là tên họ tự đặt ra.- tôi chống chế.
-         Nguồn tin từ đâu? – sếp nghiêm mặt – Đừng có mà nói là nằm mơ nghe thấy nhé.
Ơn trời, sếp đã nghiêm mặt có nghĩa là dấu hiệu tốt. Và sếp cũng nhắc tôi về con đường đúng để đi tìm hiểu vấn đề của mình.
- Cả bốn người này đều có những điểm chung : dân gốc Huế, cùng ở Huế thập niên tám mươi, cùng có thú ăn chơi bệnh hoạn…Hết – sếp nhăn mặt – Tất cả chỉ có thế. Tất nhiên, về chuyện đạo đức suy đồi thì ngoài việc vi phạm điều lệ Đảng trong sinh hoạt, họ còn phải chịu trách nhiệm đối với gia đình. Nhưng nếu muốn đặt các liên hệ của họ trong mối liên kết với một vụ án thì ta cần chứng cứ.
Chưa bao giờ tôi thấy sếp nhăn mặt mà đáng yêu như lúc này. Như vậy có nghĩa là sếp đang rất quan tâm đến những gì tôi nêu lên. Được thể, tôi vòi vĩnh thêm :
- Em tin là mối liên kết giữa họ với nhau vẫn đang nằm đâu đó trong hồ sơ an ninh sau giải phóng.
- Đâu đó là ở đâu? Thời điểm nào? Từ ai? Mày muốn lục tung kho lưu trữ của ngành lên chắc? Mày biết việc vùi đầu vào để đọc tàng thư lưu trữ của công an một tỉnh cần bao nhiêu thời gian không? Mày cứ xin chuyển qua bên tàng thư mà đọc tìm theo ý mình. Tao hẹn đón mày ra khỏi đó để giải quyết nghi vấn này sau…hai trăm năm nữa.
- Em không cần chuyển qua bên đó, cũng không cần anh đón vào năm 2211. Em chỉ xin anh cho phép trích lục một vài hồ sơ cụ thể cùa an ninh Thừa Thiên- Huế trong giai đoạn thập niên tám mươi. – tôi vừa cười, vừa đáp – Cũng là việc của ngành bảo vệ an ninh nội bộ mà, đúng không sếp?
- Đồng ý. Nhưng tao nói trước là mày tự thu xếp thời gian vì vẫn phải đảm bảo công việc khi cơ quan có yêu cầu đó nhé – sếp gật đầu, xếp mấy văn bản của tôi vào bìa hồ sơ riêng – Gửi cho tao văn bản yêu cầu theo đúng thủ tục. Giờ tao phải đem biên bản “ mổ phim” lên cho lãnh đạo đây.
Tôi khoan khoái nhìn theo sếp. Như vậy là sếp chấp thuận cho tôi được thỏa ý tò mò và sếp sẽ cố giữ cho điều đó được thực hiện theo con đường đúng nguyên tắc nhất và nhanh chóng nhất… Điện thoại di động của tôi réo. Tôi cầm lấy và nhận ra số máy của tiến sĩ thần học Trịnh Hoàng Nam… Từ sau câu chuyện tín hiệu điện đài phát ra từ dương cầm[1], tôi quên mất anh chàng. Giờ hắn gọi điện thoại, không biết lại là có chuyện gì nữa đây. Tôi bắt máy, giọng không mấy hào hứng :
-         Việc gì vậy hả chú?
-         Cha tôi vừa về nước, và đã gặp ông Thuận cha vợ của sếp anh… - giọng Hoàng Nam hồ hởi.
-         Rồi sao nữa? – Tôi hỏi nhát gừng.
-         Chúng tôi muốn gặp anh – Hoàng Nam có vẻ e dè khi nhận ra tôi có vẻ không quan tâm lắm đến việc anh ta đề cập – Có được không ạ?
-         Gặp để làm gì? Và gặp khi nào, ở đâu, thành phần gồm có những ai?
-         Anh hỏi gì mà như hỏi cung vậy? – bên kia máy, Hoàng Nam cười khúc khích – Cha tôi muốn gặp viên sĩ quan bị chứng Thần Hòa Bệnh lạ kỳ - Còn ở đâu do anh chọn, khi nào có thể là chiều cuối tuần. Thành phần gồm hai cha con tôi và ông Thuận, tất nhiên không loại trừ việc sếp anh cũng có mặt. Xin báo trước địa điểm và thời gian trước thứ năm tuần này.
-         Hôm nay thứ tư – tôi vừa liếc tờ lịch trong phòng, vừa đáp – xem như tôi nhận một nửa lời mời. Nửa còn lại sẽ báo vào ngày mai.
-         Vâng. Cảm ơn anh – Hoàng Nam cúp máy.
Tôi cúp máy. Đúng là chẳng thú vị gì khi gặp gã thành viên của phòng nghiên cứu siêu nhiên thuộc Vatican này cũng như cha gã, bởi vì tôi vốn không thích nhắc lại những gì đã qua, nhất là khi những việc đó không thuộc vào phạm vi chức trách công việc. Nhưng tôi cũng hiểu đây thuộc những cuộc gặp xã giao không nên chối từ. Thôi được, để mai tính. Tôi đang suy tính xem mình sẽ đề nghị sếp cho trích lục hồ sơ nào đầu tiên từ các thành viên của cái câu lạc bộ tự sát thì điện thoại lại réo. Lần này lại là điện thoại bàn mới dễ ghét chứ… Tôi nhấc máy :
- A lô. Tôi nghe…
Bên kia máy, cái giọng mát mẻ của đại úy Sinh bên hồ sơ nghiệp vụ an ninh vang lên :
- Dạ, thưa thiếu tá. Sếp của ông vừa đề nghị sếp của tôi yêu cầu tôi giúp ông một tay trong việc truy lục một vài hồ sơ nào đó với mệnh lệnh là trao tận tay cho ông. Nên tôi cầu xin ông làm ơn làm phúc nhớ cho rằng tôi cũng có không ít việc. Vì vậy, yêu cầu ông chấp hành hai điều: Một, gửi phiếu yêu cầu có chữ ký lãnh đạo cho tôi đúng như thủ tục. Hai, ghi rõ thời gian tham khảo và lập tức hoàn trả hồ sơ đúng thời hạn, đừng để tôi phải đi đòi.
- Nghe rõ – tôi nhăn mặt – Nè ông thần. Việc đó là tất nhiên rồi. Sao ông còn phải cạnh khóe chi vậy?
Bên kia máy, giọng Sinh gay gắt :
- Nói đến vậy mà mày còn nghĩ là cạnh khóe hả?  Tao muốn nhắc mày đem trả hồ sơ cá nhân ông Trịnh Anh Bằng mà mày còn giữ từ hai tháng trước. Mày có cần tao vác xác qua đó để đòi không?
Chết thật rồi. Đúng là tôi quên mất chuyện trả lại hồ sơ sĩ quan cảnh sát quốc gia chế độ cũ Trịnh Anh Bằng. Nhưng quên cũng phải thôi. Vì ngay khi xem ảnh ông ta trên ảnh chụp và phát hiện ra đó là cha ruột Trịnh Hoàng Nam, thì tôi có xem tiếp đâu. Tôi đã xếp nó vào tủ cá nhân và nhiều việc đã xảy ra sau đó khiến tôi cũng quên khuấy đi. Nhưng tôi cũng hiểu trách nhiệm cá nhân của đại úy Sinh trong công tác bảo quản hồ sơ quan trọng như thế nào, tôi  vừa cười vừa nói vào máy :
-  Xin lỗi! Xin lỗi ông bạn… Tôi mang qua trả ngay đây mà… tại tôi quên, nhiều việc quá…
- Vậy bên tao ít việc phải không? – Sinh vẫn không tha
- Thôi mà. Tôi đâu có ý đó… Tôi xin lỗi.- giờ thì tôi bối rối thật sự.
-  Khỏi lỗi phải. Đầu giờ nhớ mang qua trả - Sinh cúp máy.
Tôi thừ người. Đúng là có những ngẫu nhiên kỳ lạ. Trịnh Hoàng Nam vừa nhắc đến cha hắn về nước thì đại úy Sinh lại nhắc mình nhớ đến hồ sơ Trịnh Anh Bằng mà mình đã quên mất từ đời nào. Thế mà hay, tôi còn kịp đọc qua về ông ta để hình dung về người mà mình sắp gặp mặt… Tôi mở tủ, lấy hồ sơ cá nhân của sĩ quan cảnh sát Trịnh Anh Bằng ra , xem lướt qua phần lý lịch … Kể cũng thuộc loại “ máu lửa”…Trịnh Anh Bằng sinh ngày 20 tháng 7 năm 1936, tại Long Xuyên, con trai một chuẩn úy quân đội Liên Hiệp Pháp. Năm 1956, ông ta vào học chương trình đào tạo sĩ quan cảnh sát cho chế độ mới của Ngô Đình Diệm. Năm 1958, tốt nghiệp trường sĩ quan cảnh sát Rạch Dừa với cấp bậc thiếu úy về tòng sự tại Nha Công Vụ… Cái gì? Tôi không tin được vào những con chữ đang nhảy múa trước mắt mình… Năm 1960, thăng trung úy và được bổ nhiệm về ty công an Thừa Thiên, đầu năm 1962 được bổ nhiệm về ty công an Long Xuyên… Những mốc thời gian và cấp bậc lại trùng với sự xuất hiện tên trung úy Bằng nào đó trong câu chuyện oan khuất của cô gái tên Nguyễn Thị Thanh… Khoan, khoan – tôi thầm kêu lên để “ tốp” bớt dòng suy luận của mình lại. Ở đây chỉ ghi Trịnh Anh Bằng về ty công an Thừa Thiên trong thời điểm đó, chứ có nói là về địa bàn cụ thể nào đâu. Mà tên trùng tên, cấp bậc trùng cấp bậc… Chắc gì gã trung úy cảnh sát Bằng trong câu chuyện về lý lịch của Thanh là trung úy Trịnh Anh Bằng cha của Trịnh Hoàng Nam? Nhưng chuỗi những sự kiện sao lại có những ngẫu nhiên đến choáng người như vậy? Bởi nếu Trịnh Anh Bằng chính là trung úy Bằng ở Phương Điền thời điểm đó, thì cái người có liên quan để đứng ra xin xét nghiệm ADN nhằm làm rõ lý lịch cô Thanh đã xuất hiện…
Nhưng thế đã đủ chưa?
Linh cảm của tôi thì vẫn còn thiếu…
Cần phải làm rõ thêm vài điều, nhất là thông tin về việc cô Thanh là con của trung úy Bằng xuất phát từ nguồn nào?
Các hồ sơ lưu trữ giờ đây đã được số hóa để quản lý, tôi có thể tiếp nhận từ phía cơ quan lưu trữ trong thời gian ngắn, dù chỉ là bản in ra của tư liệu được sao chụp.
Nhưng đó là với những tư liệu của ngành an ninh, còn nếu như những điểm cần làm rõ ấy lại không nằm trong hồ sơ tư liệu của công an thì sao?
Tôi thấy mình cần đẩy tốc độ của vấn đề mình đang tìm hiểu lên nhanh hơn…
Và theo một hướng khác.


[1] Xem lại “ Điện đài ma” trong tập  “ Hoa Hồng Máu”

Không có nhận xét nào: