Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

Câu lạc bộ tư sát 4

                                           

                                                *
                                    *          *          *

            Tôi đi trên một con phố lạ, giữa trời hửng nắng. Tiếng người rao hàng ở chợ nghe ngọt ngào mà xa xăm như vọng lại từ quá khứ nào đó xưa rồi. Từ sau lưng tôi, có tiếng guốc mộc vang lên. Đúng rồi, tiếng guốc của một thời đã qua. Cái thời mà người ta gọi là “ thời bao cấp”, khi mua gì cũng cần phải có tem, phiếu. Cái thời khó khăn mà bây giờ thì người lớn nhớ lại trong bùi ngùi, còn người trẻ thì kết án một cách quay quắt trong khi họ chưa từng trải qua được một ngày. Tôi ngoái lại sau mình. Phía sau lưng tôi, một cô gái đang vượt lên cho kịp… Cô gái cột tóc hai bím, mặc áo sơ mi bằng vải ka- tê, bỏ vạt vào chiếc quần tây nâu ống loe, đi đôi guốc mộc cao độ năm phân. Hình ảnh này nhắc tôi nhớ lại bà chị của mình. Đúng rồi, thời đó chị Hai tôi cũng ăn mặc như thế này trong ngày đầu tiên đến trường đại học để nộp giấy báo trúng tuyển… Tôi đang ở trong quá khứ, nhưng là nơi nào mới được?
            - Ông An ! – cô gái nhìn tôi tươi cười và bắt chuyện ngay như thể đã quen biết từ lâu lắm vậy –  Cảm ơn ông đã đến.
            - Tôi…tôi ở đâu đây? …Mà…cô là ai? – Tôi hoang mang vì theo giọng nói thì cô gái đang nói bằng giọng Huế đặc sệt. Và dân gốc Huế thì lại có một hệ thống “ hương ngữ” rất đặc biệt thuần túy vùng miền, nếu không phải người ở cùng địa phương và cùng thời điểm sống thì khó mà có thể hiểu được. Cho nên việc tôi nghe và hiểu được cô gái này có ý nghĩa đáng lo hơn là đáng vui.
            - Ông đang ở trong cõi tìm kiếm của chính lý trí mình. Tôi là Nguyễn Thị Thanh. Tôi muốn giúp ông. Vì giúp ông là giúp chính tôi. Việc ông hiểu được những gì tôi nói là tất nhiên, vì tôi muốn ông hiểu. Đi với tôi…
            - Sao cô tìm tôi? – Tôi vẫn chưa hết ngỡ ngàng.
            - Chẳng phải ông nói với Khánh Trang là muốn biết sự thật để giải thoát cho chúng tôi sao? – cô gái nói giọng Huế xưng tên Thanh cười phô hàm răng đều tăm tắp như những hạt bắp.
            - Khánh Trang? – Tôi hỏi lại với vẻ ngớ ngẩn.
            - Ông đã nói chuyện với cô ta trong buổi sáng và buổi tối hôm qua đấy thôi. Ông quên rồi à? – Thanh có vẻ ngạc nhiên.
            - Ra là cô ấy…- tôi ngỡ ngàng đáp – Nhưng cô ấy…không tin tôi.
            - À. Đó chỉ là phép thử - Thanh cười buồn – Chúng tôi biết ông sẽ không ngừng việc tìm kiếm của mình lại nên bản thân tôi muốn giúp ông hiểu cho đúng, bởi tên và vụ việc của chúng tôi đã bị cát bụi thời gian vùi lấp lâu rồi. Chúng tôi vẫn là những linh hồn lang thang…khi mà tội ác chưa bị vạch trần.
            - Ai gây tội ác? – tôi cau mày.
            - Rồi ông sẽ biết – Thanh nhìn thẳng vào mắt tôi như để đánh giá mức độ tin cậy.- Chúng tôi chỉ có thể dẫn ông về quá khứ oan khuất của mình. Còn đánh giá sai đúng thế nào, kết luận ra sao là việc của ông. Như đã nói, chúng tôi chỉ cần sự giải thoát.
            - Tôi hỏi một câu được chứ? – tôi không nén được tò mò.
            - Còn tùy ông hỏi câu gì? – Thanh thủng thẳng vừa đáp vừa bước lên phía trước. Giờ tôi nhận ra mình và cô ta đang bước trên chiếc cầu Tràng Tiền mà tên tuổi đã đi vào thơ nhạc xứ Huế….
            - Ông Lê Ngọc Phiến không phải bị giết chứ? – tôi hồi hộp.
            - Không. Ông có thể tin điều ấy – Thanh trả lời thẳng thắn không chút e dè – Ông ta đã chết vì lối sống trụy lạc của mình.
            - Nhưng tôi đã thấy một cô gái quan hệ tình dục với ông ta cho đến khi ông ta bị đột quỵ - tôi nhấn mạnh.
            - Điều đó cũng không sai. – Thanh cười mà khuôn mặt tự nhiên tối sầm lại – Nhưng Khánh Trang chỉ thể hiện ảo giác ham muốn của Lê Ngọc Phiến để đẩy ông ta đến kết thúc ấy mà thôi.
            - Còn danh thiếp có chữ nhũ vàng “ Câu lạc bộ tự sát”? – tôi ngờ vực.
            - Thế rượu, gái, thuốc kích dâm chẳng phải là phương tiện để tự sát hay sao? – Từ mắt Thanh, chợt lóe lên hai tia sáng căm hờn – Chỉ có điều tự sát bằng những thứ đó thì đâu cần phải can đảm như uống thuốc độc hoặc tự kê súng vào đầu mà quyết định bấm cò. Cái câu lạc bộ tự sát của ông Phiến mang ý nghĩa đó chứ chẳng có gì cao xa hơn cả.
            Hóa ra dòng chữ Câu lạc bộ tự sát mà tôi nhìn thấy lại có ý nghĩa phô trương của một nhóm cán bộ biến chất chuyên tụ tập ăn chơi sa đọa. Cái tên nghe mới thật buồn cười và nói lên bản chất tệ hại của những kẻ tham gia.
            - Nhưng nếu không có các cô thì sự tự sát ấy sẽ chưa thể có kết quả cấp thời – tôi nhận xét.
            - Không sai. Nếu không có gái để thổi cơn ham muốn lên thì ông Phiến sẽ không bị đột quỵ tử vong. – Thanh điều chỉnh lại đầy hàm ý giễu cợt.- Nhưng ông có nhận thấy rằng tại sao chúng tôi lại chỉ muốn thổi tung cơn ham muốn thú vật của ông Phiến và những thành viên của cái câu lạc bộ tự sát của ông ta lên đến tột cùng để họ đột tử không?
            Tôi đứng lại, nhìn sang phía Phú Hội, cắn môi suy nghĩ rồi gật nhẹ đầu :
            - Thì ra cô muốn cung cấp đầu mối cho tôi ở điểm này. Như vậy, có những oan khuất từ ông Phiến và hội bạn ăn chơi của ông ta.
            - Tôi sẽ không nói gì về người khác. Mà tôi sẽ nói cho ông chuyện của tôi – Thanh chậm rãi đáp…
….
            Nắng ơi là nắng. Cái nắng rát da trộn với gió Lào khiến người ta thấy ngột ngạt…Những người cầm cuốc đang đào tung một bãi lầy nước đọng nông choèn…Mùi mê- tan bốc lên hăng hắc…Một ông già tuổi ngoài sáu mươi với đứa cháu gái tuổi chừng mười bốn đứng ngoài ngóng vào với vẻ lo âu sốt ruột. Khuôn mặt của ông già nửa e sợ, nửa nôn nóng…Khuôn mặt cô cháu gái vừa ngơ ngác như chưa hiểu mình ra đây làm gì, vừa lại có vẻ lo âu không biết cái điều người ta đang làm có đạt kết quả gì không…Chợt có tiếng kêu lớn :
            - Đây này!...
            Dưới mớ đất lầy vàng quánh, lộ ra một bộ quần áo rách tả tơi vùi trên một bộ xương người còn bị trói quặt hai tay ra phía sau lưng. Một người đàn ông buông cuốc, kêu lên :
-         Đúng chúng nó vùi xác anh ấy ở chỗ này!
-         Con tôi…Hiệp ơi – Ông già vừa vẹt đám người cầm cuốc, vừa kêu thất thanh. Ông phóng xuống bãi lầy, quỳ sụp xuống, nâng bộ xương lên… Bây giờ, người ta mới nhìn thấy hai dòng nước mắt dàn dụa trên gương mặt hom hem khi ông ngước lên, gọi cháu gái  - Thanh ơi.  Cha mi đây…
Một lá cờ đỏ sao vàng hạ xuống trong loạt đạn bắn lên trời theo nghi thức an táng liệt sĩ…
Tôi thấy mình đứng bên một ngôi mộ xây tô xi măng với tấm bia : phần mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Thông- thường vụ huyện ủy Phương Điền. Sinh năm 1938 – bị địch giết hại năm 1963.
- Cha cô đây, phải không? – tôi hỏi Thanh.
Thanh gật nhẹ đầu. Lời cô gái như gió thoảng qua tai tôi :
- Cha tôi hoạt động bí mật ở ngay trong nhà ông nội. Năm 1962, khi mẹ tôi sinh tôi ra, cả làng cả xóm đều nghi ngờ mẹ tôi ngoại tình. Cũng có những kẻ khả ố nghi ông nội tôi vụng trộm với con dâu. Chỉ mỗi ông nội tôi cứ phải cắn răng im lặng trước bao nhiêu điều tiếng. Ông nội tôi dùng tiền mua chuộc ủy viên hộ tịch xã để cấp giấy khai sinh cho tôi được giữ họ cha, bất kể cha tôi là cộng sản nằm vùng đang bị truy nã gắt gao. Năm 1963, cha tôi bị bắt trong lúc đi công tác ra Gio Linh. Địch thủ tiêu ông sau khi khai thác không thành công và vùi xác trong bãi lầy nọ.Sau giải phóng, người ta quy tập cha tôi về nghĩa trang liệt sĩ Thừa Thiên…
            - Sao tôi không thấy bác gái trong lúc tìm hài cốt? – tôi hỏi như cái máy.
            - Mẹ tôi đã mất rồi, hồi năm 1972. Trước đó, tôi được ông nội gửi ra nhà người thân ở Huế để học vì vùng quê biển này bom rơi pháo dội hằng ngày…Những nỗi khổ đau, oan ức của mẹ tôi và ông tôi tưởng đã kết thúc từ khi hòa bình. Ai ngờ…
            Mặt của Thanh tối lại, mờ dần đi…
            Tôi lại thấy Thanh đang đứng trước chiếc bàn làm việc, trong một căn phòng…Rồi tôi như bị đẩy lùi xuyên qua bức tường phía sau, để có một tầm nhìn rộng hơn… Tôi thấy tấm biển gắn trên cổng khu nhà “TRƯỜNG TRUNG HỌC THƯƠNG NGHIỆP THỪA THIÊN – HUẾ” và tấm bảng gắn nơi cửa căn phòng mà Thanh đang đứng trong ấy có ghi “ PHÒNG TỔ CHỨC”…Thoắt cái, tôi lại như bị lôi ngược vào trong khu nhà, áp sát nơi cửa sổ căn phòng khi nãy, để có thể nhìn và nghe tất cả những gì diễn ra trong phòng qua cửa sổ…
            Người đàn ông ngồi sau bàn làm việc trạc ba mươi ngoài. Ông ta vừa đẩy tách trà về phía Thanh, vừa nói bằng giọng cảm thông :
            - Chú rất tiếc phải gửi trả cháu về địa phương. Có lẽ ở xã sẽ tìm được công việc nào đó thích hợp cho cháu.
            Khuôn mặt của Thanh đầy hoang mang. Cô ta sững sốt :
            - Nhưng…cháu có giấy báo nhập học của trường mà…Với lại cháu…cũng đâu có vi phạm điều gì trong quy định điều kiện nhập học…
            - Giấy báo gửi cho cháu là đúng quy định của việc đào tạo con em gia đình liệt sĩ như chủ trương chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng và chính phủ…nhưng …- người đàn ông nọ tắc lưỡi, vẻ khó xử - Nhưng…lý lịch của cháu… thì cơ quan bảo vệ nội bộ… đang đặt vấn đề…
            - Vấn đề gì cơ? – Thanh giật mình – Cha cháu là liệt sĩ, mẹ cháu tham gia du kích rồi hy sinh…cả xã ai cũng có thể đảm bảo điều đó kia mà.
            - Cháu bình tĩnh đi. Chú chỉ muốn nói lại điều mà cơ quan bảo vệ an ninh nội bộ đặt ra…- người đàn ông nọ xòe hai tay ra phân bua.
            -Điều gì ? – Thanh gay gắt – Sao họ không đặt thẳng ra với ủy ban xã cháu, để nghe bà con trong xã và ông nội cháu trả lời?
            - Là thế này …Chậc… Chú đành xin lỗi cháu vậy – người đàn ông nọ rào đón – Là…cháu…có thể không phải là con của cha cháu, đúng hơn, liệt sĩ Nguyễn Văn Thông không phải là cha cháu…
            - Vậy cháu là con ai? – Mắt Thanh long lên.
            - Nguồn tin an ninh cho biết…cháu…cháu  có thể là con của trung úy cảnh sát Bằng ở ty công an Thừa Thiên. Vào năm 1960 – 1961, tên Bằng phụ trách an ninh lại Phương Điền và…hắn thường xuyên lui tới gặp gỡ mẹ cháu tại nhà ông nội cháu…khi…cha cháu đang hoạt động bí mật vì bị địch truy nã…- người đàn ông khó nhọc, nói từng tiếng chậm rãi.
            Thanh như bị sét đánh. Cô ta vừa chồm người về phía chiếc bàn làm việc thì chợt khựng lại và  bất động như một pho tượng…Gương mặt Thanh trắng bệch… Bất chợt cô ta khóc òa lên như đứa trẻ bị phạt oan :
            - Không! Không! Không đúng… Tôi là con của cha tôi.
            - Nhưng cha cháu không phải là liệt sĩ, nên đợt học tập trung đào tạo cán bộ tài chính thương nghiệp lần này…không thể tiếp nhận cháu. – Người đàn ông nọ tiếp tục diễn giải với những lời cảm thông nhẹ nhàng mà nghe đầy tàn nhẫn.
            Thanh vừa khóc, vừa vụt chạy ra ngoài… Căn phòng nhòe đi trước mắt tôi, nhưng tôi vẫn còn kịp nhìn thấy tấm bảng tên trên bàn làm việc của người đàn ông nọ có đề dòng chữ “ Lê Ngọc Phiến – trưởng phòng tổ chức”…
            ….
            - Thì ra là ông ta – tôi lẩm bẩm.
            - Không chỉ ông ta – Thanh cười héo hắt – Ông nội tôi lên tận Huế để khiếu nại với ủy ban tỉnh, với công an tỉnh…Người ta đều nói cứ về để chờ giải quyết…Chờ đến bao giờ? Anh thiếu úy Yêm ở tỉnh đội Thừa Thiên từng xin ông nội tôi cho phép cưới tôi, khi nghe tin trường thương nghiệp trả tôi về xã vì lý lịch liền lẩn tránh gặp cả tôi và ông nội vì sợ ảnh hưởng đến đường công danh sự nghiệp…Khổ thân ông nội tôi…Từ đó, ông chỉ toàn uống say khướt, chửi mắng cuộc đời, nguyền rủa cái tình người bạc bẽo ngày hòa bình…Còn tôi…tôi mất hết niềm tin…Bởi…tôi chẳng biết mình là ai…
            …Tôi thấy Thanh quỳ trước một ngôi mộ đất. Thanh khấn thầm, nhưng tôi lại nghe được những lời bi thiết :
            - Mẹ ơi. Sao mẹ lại bỏ con lại bơ vơ trên cõi đời này? Con là con ai? Chỉ có mẹ mới có thể trả lời được, vậy mà sao mẹ lại chẳng sống để trả lời.  Con đã ra nghĩa trang liệt sĩ thăm cha, nếu như ông ấy là cha con để cầu xin một lời khuyên soi sáng cho con biết mình phải làm gì, nhưng chẳng được nghe gì cả. Con ra để cầu xin mẹ…Mẹ ơi, cho con biết con phải làm gì đi… Hay là con…nên đi theo mẹ…
            …Tôi thấy Thanh đang kê một chiếc ghế trong phòng truyền thống xã, bên cạnh những tủ trưng bày hiện vật tội ác chiến tranh…Thanh đang vòng một sợi dây điện qua xà ngang, cột thành thòng lọng rồi tự đưa đầu vào trong…
-         Xin đừng! – tôi thét lên…
…Quá muộn rồi. Chiếc ghế đã ngã xuống… Chỉ còn hai chân Thanh đang co giật…
- Sao cô lại tự sát? – tôi bật khóc.
- Nếu anh sống ở thời của tôi, lứa tuổi của tôi và ở vùng đất lửa Thừa Thiên – Huế, anh sẽ hiểu được tôi chỉ còn cách đó để tự giải thoát khỏi nỗi oan này…- Thanh lắc đầu nhẹ, có ý chê bai câu hỏi của tôi – Ông sinh năm mấy, thiếu tá An?
            - Tôi sinh năm 1972, ở Thanh Hóa.
            - Nghĩa là vào năm 1980, khi tôi tự giải thoát mình bằng cái chết thì ông mới tròn tám tuổi. Ông chưa nếm được cái khổ đau vì bị kỳ thị lý lịch, nguồn gốc gia đình đâu…- Thanh tiếp lời.
            - Nhưng cách tự giải thoát đó là tiêu cực – Tôi phản bác – Lẽ ra cô phải sống để tìm hiểu và đấu tranh làm rõ mình là ai.
            - Tất nhiên khi đã chết rồi, tôi mới hiểu mình đã quyết định sai – Thanh gật đầu – Bởi tôi không được giải thoát mà cứ phải vương vấn nỗi oan ở cuộc đời này.
            - Và các cô đã trả thù ông Phiến? – tôi đặt liên hệ với những gì thuộc về ký ức cô gái mà mình đã nhìn thấy.
            - Như tôi đã nói. Chúng tôi là những người đã chết thì tuyệt đối không có quyền quyết định gì về người sống. Chúng tôi chỉ tạo ra những dấu hiệu để những kẻ sống chất vấn lương tâm của mình, nếu như họ còn có lương tâm. Còn với những kẻ mất hết lương tâm thì họ sẽ bị trừng phạt bới chính dục vọng của mình.Ông Phiến là một trường hợp chết vì dục vọng… - Thanh nói mà cặp mắt long lanh đầy oán hận.
            - Vậy ít nhất, tôi có thể yên tâm rằng sẽ không có án mạng nào từ oán hận của các cô – tôi thở phào nhẹ nhỏm – Như vậy, nếu nỗi oan của các cô được giải tỏa, thì tôi vẫn còn kịp cứu các thành viên trong “ Câu lạc bộ tự sát” của ông Phiến?
            - Điều ấy tôi không dám đảm bảo – Thanh cười mỉm đầy hàm ý mỉa mai – Bởi ông sẽ phải cứu lương tâm của họ trước đã.
            Dứt lời, Thanh tan biến trong một luồng gió lạnh. Hơi nước quét qua mặt tôi, khiến tôi bừng tỉnh…
            Tôi đang ở trên chiếc giường quen thuộc tại nhà mình…Cơn mưa đầu hôm giờ đã bắt đầu nặng hạt. Tôi vừa dướn người khép lại cánh cửa sổ ở đầu giường, vừa nhìn đồng hồ… Bốn giờ sáng, lẽ ra phải bắt đầu bài tập chạy, nhưng lúc trời mưa như thế này thì có là điên mới làm điều đó.
            Tôi ngồi đếm thầm những hạt mưa…
            Mà cứ  miên man nghĩ về những gì vừa xảy đến…
            Để rồi lại ráp nối với những nhận định từ thông tin đột tử của Lê Ngọc Phiến.
            Lê Ngọc Phiến, nguyên trưởng phòng tổ chức trường trung cấp thương nghiệp Thừa Thiên – Huế những năm tám mươi (thế kỷ trước) đã không chấp nhận cho cô gái Nguyễn Thị Thanh vào học vì vấn đề lý lịch. Ông ta nêu lý do là cơ quan bảo vệ an ninh nội bộ thời điểm đó đặt ra vấn đề cô Thanh không phải là con liệt sĩ Nguyễn Văn Thông, mà là con của tay trung úy cảnh sát Bằng nào đó. Cô Thanh mất niềm tin vào cuộc sống khi ngay cả người yêu cũng tìm cách tránh mặt nên đã tự tử ngay trong nhà truyền thống huyện Phương Điền năm 1980.
            Tôi hiểu sự nhạy cảm về chính trị đối với việc đào tạo cán bộ thương nghiệp ở thời điểm đó. Tôi hiểu chuyện kỳ thị lý lịch ở những vùng miền máu lửa gần giới tuyến quân sự sau chiến tranh. Và với một đứa trẻ lớn lên sau hòa bình thống nhất như tôi, câu chuyện vừa rồi quả đúng là bi kịch.
            Nhưng bi kịch này liệu có đáng xảy ra không?
            An ninh nội bộ Thừa Thiên Huế đã xác định cô Nguyễn Thị Thanh sinh năm 1960 tại Phương Điền là con của trung úy Bằng nào đó chưa hay mới chỉ là nghi vấn?
            Nếu là nghi vấn, chắc chắn trong hồ sơ lưu trữ phải có nêu địa chỉ nguồn tin.
            Nếu đã xác định, thì chắc chắn có văn bản kết luận trả lời chính thức gửi cho phòng tổ chức của trường trung học thương nghiệp Thừa Thiên – Huế, dù văn bản này sẽ đóng dấu MẬT. Nhưng nếu thế thì trường sẽ không việc gì phải gửi giấy báo nhập học cho cô Thanh, vì thời điểm đó, danh sách con em gia đình chính sách được quy hoạch đào tạo phải qua quá trình duyệt xét gắt gao từ thôn lên xã, đến huyện rồi lên tỉnh. Nếu Thanh thuộc diện nghi vấn về lý lịch ( mới chỉ nghi vấn thôi chứ chưa nói gì đến xác định) thì đã bị loại khỏi danh sách một cách kín đáo, cần gì phải gửi giấy báo nhập học để rồi sau đó lại phải từ chối và trả về lại địa phương ?
            Những câu hỏi đó, chỉ có ông trưởng phòng tổ chức Lê Ngọc Phiến trả lời được.
            Nhưng ông ta giờ đã không còn để trả lời.
            Điều đó đồng nghĩa với việc tôi lại quay trở về ngõ cụt.
            Đào xới một vụ việc từ ba mươi năm trước trong hồ sơ an ninh còn khó hơn đào mả Tần Thủy Hoàng.
            Ồ. Mà sao tôi không nghĩ ra vụ đào mả nhỉ, trong khi tôi là con người rất ưa các chứng cứ duy vật, khoa học.
            Khi mà khoa học về cấu trúc mã gen di truyền đã được áp dụng tại Việt Nam, cho chính ngành của tôi.
            Xét nghiệm gen từ hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Thông và hài cốt cô Nguyễn Thị Thanh  để các chuyên gia đối chiếu là xong.
            Nhưng như vậy lại cần hai điều kiện : Một là chi phí lấy mẫu và xét nghiệm. Cái vụ chi phí này hơi bị…cao. Hai là …phải đào mộ hai người đó lần nữa để …lấy mẫu. Mộ cô Thanh thì có thể dễ đào, chứ mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Thông thì…hơi kẹt.
 Thôi cứ cho rằng hai điều kiện cần ấy đã có, thì vẫn thiếu một điều kiện đủ : Đó là người đứng ra yêu cầu làm việc này. Người đó phải là người có liên quan đến vụ việc để có nguyên nhân chính đáng mà đặt ra yêu cầu. Mà người đó thì…không phải là tôi. Ngay cả sếp tôi cũng không thể nhân danh cơ quan để yêu cầu việc ấy, vì nó xúc phạm truyền thống đạo đức Việt Nam vốn quy định “ Chết là hết. Xin để người chết được yên nghỉ”.
Người đó là ai?
Ngõ cụt lại hoàn ngõ cụt.
Tôi nhún vai, trở lại với quyết định ngày hôm qua. Tức là tìm cho ra các thành viên của cái gọi là “ Câu lạc bộ tự sát” trước đã. Chắc chắn tên họ còn lưu giữ trong hồ sơ đột tử của ông Phiến tại phòng số 13 khách sạn Tùng Dương. Có thể họ đúng là những kẻ suy đồi, nhưng họ vẫn là người, và tôi cần cứu mạng sống của họ. Bởi vì ai biết được trong quá khứ, họ đã gây ra tội lỗi gì, với hồn ma nào nữa?
Nhưng như cô gái ma tên Nguyễn Thị Thanh mà tôi vừa gặp và trò chuyện, biết tôi có cứu được họ không?
Bởi như Thanh nói, tôi cần cứu lương tâm họ trước.
Lương tâm họ có còn không, hay cũng đã chết rồi?
Từ thời điểm gây ra tội lỗi  trong quá khứ …

Không có nhận xét nào: