Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Hoa hồng máu 1


                                            HOA HỒNG MÁU

                                         Một

Tiệc cưới của con gái vụ trưởng Tùng và con trai thương gia Việt kiều Pière Trần quả xứng tầm của một đám cưới thời thượng. Bốn lăm bàn tiệc hạng sang của khách sạn Amara, xe ô tô đời mới với đủ biển số xanh, trắng, đỏ đỗ kín bãi. Khách đến dự đủ mọi lứa tuổi, nhưng chỉ nhìn cách ăn nói với trang phục và trang sức thì cũng đủ biết là họ thuộc tầng lớp có “ máu mặt” trong xã hội : Nghệ sĩ điện ảnh – sân khấu, doanh nhân, quan chức…Dường như đám cưới chỉ là một dịp tụ hội để khách khoe danh, khoe giàu, khoe thân hình và lăng xê mốt mới …Tôi góp mặt trong tiệc cưới này vô cùng gượng gạo, vì tôi ngồi trong ba chiếc bàn kê tận sát ngoài cửa phòng tiệc.Ba bàn tiệc này dành cho…những người lái xe đưa khách đến dự tiệc. Hôm nay tôi lái xe đưa sếp và vợ sếp đến dự tiệc cưới, bởi vụ trưởng Tùng là bạn học thời phổ thông của sếp ở ngoài Bắc.Chắc các bạn sẽ hỏi : phải chăng sếp không biết lái xe ô tô? Câu trả lời : lầm chết. Sếp lái ô tô tuyệt vời như một tay đua công thức 1 đúng chuẩn đấy. Còn về việc sếp phải nhờ tôi cầm lái đưa vợ chồng sếp đi dự tiệc cưới ngày hôm nay lại phát xuất từ nguồn gốc chiếc xe : nó là xe công của cơ quan. Và cái lô- gic tâm lý thông thường của những anh lễ tân khách sạn 5 sao luôn có đồng phục làm việc oách không thua gì lễ phục của mấy ông tướng đối với xe công mang biển số xanh là : người cầm lái luôn là cấp dưới. Lần nọ có hội thảo văn hóa tổ chức cũng tại khách sạn này. Sếp – với tư cách người có bằng lái xe  ô tô sớm nhất trong số chúng tôi đã hăng hái lái xe chở tôi đi cùng đến đây tham dự cũng trên chiếc xe biển số xanh này. Vừa xuống xe, khi tôi còn đang lớ ngớ trước những người đẹp lễ tân đon đả làm thủ tục báo danh, gắn huy hiệu đại biểu lên ve áo thì sếp bước đến sau khi đã đưa xe vào bãi. Sếp vừa dợm bước chân vào tấm thảm trước phòng hội thảo thì một anh chàng lễ tân đã lịch sự nhưng kiên quyết mà rằng “ lái xe của khách vui lòng chờ ngoài hành lang kia”. Báo hại tôi phải tái mét mặt mày mà thanh minh “ Nhầm to rồi …Anh ấy là thủ trưởng của tôi đó”. Bị tẽn tò, mấy tài tử giai nhân phụ trách lễ tân cuống quýt xin lỗi, còn sếp thì đỏ mặt tía tai, chỉ thẳng vào mặt tôi, rít lên “ An! Lấy tư cách thủ trưởng, tao ra lệnh cho mày phải cấp tốc đi học lái ô tô”. Tôi ôm bụng cười “ Thì đóng tiền cho em học thì em đi học thôi”. Sau khi tôi có bằng, sếp “ nhường” vị trí cầm tay lái cho tôi mỗi khi phải sử dụng xe công vụ để đến những chỗ đông người.Hôm nay, xe ô tô nhà sếp bị “ pan” nên sếp phải mượn xe công vụ. Mà đã mượn xe công vụ thì phải “ mướn” thêm tôi cầm lái để tránh cảnh bị  lễ tân khách sạn hiểu lầm sếp chỉ là người lái xe cho…quý phu nhân.Cho nên giữa các bác tài vốn rành chuyện “ bí mật” của chủ nhân đang có dịp “ bật mí” để làm quà trao đổi làm quen với nhau, tôi hoàn toàn lạc lõng, bởi sếp không phải là chủ tôi và trừ hôm nay, những lần lái xe công vụ đưa sếp đi đây đi đó của tôi cũng thuần túy là phục vụ công tác, chẳng có gì để nói ra ở đây…Mặc kệ cái không khí huyên náo đầy tạp âm pha trộn tiếng nhạc, lời hát của ca sĩ, tiếng cụng ly bia, tiếng reo hò “ Một, hai, ba…Dô” của đám thực khách, tôi thong thả nhấp từng ngụm nước ngọt và quan sát khắp phòng  tiệc…Mắt tôi dừng ở dãy bàn dự phòng bên cánh phải sân khấu…Ở bàn chót, sát cửa hông thông vào phòng thay trang phục và trang điểm cô dâu, một cô gái trẻ mặc áo sơ mi cổ đăng ten hở, gọn gàng với mini- jupe đang ngồi vắt chân đầy khiêu khích. Trên bàn, những chiếc cốc vẫn xếp gọn gàng…Tôi đoán cô gái ấy không phải khách đến dự tiệc mà có vẻ là người thân của bên gia đình cô dâu hay chú rể được phân công đón khách…Chỉ có điều lạ là suốt từ nãy đến giờ, cô ta chẳng đứng dậy trao đổi câu nào với bộ phận phục vụ, và cũng chẳng ai đến chào hỏi hay nói năng gì với cô ta. Cô ta ngồi đó, mắt lơ đãng nhìn về phía cô dâu chú rể đang đi chào cảm ơn từng bàn tiệc và chụp ảnh lưu niệm với khách…Chợt như cảm thấy mình đang bị quan sát, cô gái nọ quay lại nhìn về phía tôi…Cô ta hơi chớp mắt như ngạc nhiên…Tôi thoáng giật mình khi nhận ra cô ta. Và cô ta cũng mỉm cười, gật đầu nhẹ như xác định rằng đã nhìn thấy tôi và biết tôi đã nhận ra cô ấy.Năm 2007, cô ta lúc đó là sinh viên năm thứ nhất đại học kinh tế, từng bị cơ quan của tôi mời làm việc vì hành vi phát tán bài thơ cải biên “ Đêm nay Bác không ngủ” trên mạng internet nội bộ của trường. thực ra bài thơ đầy cảm xúc nọ của tác giả Minh Huệ vốn có rất nhiều “ dị bản” và những người phát tán các dị bản đó vốn cũng chỉ vì tò mò, thích đùa vui dù đùa vui vô ý thức chứ không nhằm mục đích chính trị gì. Dương Ngọc Linh – tên của cô gái này – cũng ở trong số đông vô ý thức đó, nên sau khi mời cô đến làm việc và nhắc nhở cảnh cáo xong, tôi xếp hồ sơ, cho qua nội vụ kể trên. Nghề an ninh nó vốn vậy, rất dễ gặp lại đối tượng từng làm việc với mình ở ngoài đời và cũng dễ “ăn” những lời chế giễu dè bĩu từ họ, nhưng cũng lắm khi lại có được tình cảm bạn bè tốt đẹp của họ dù khác xa công việc, ngành nghề…Tôi không vui, cũng không buồn khi gặp lại đối tượng làm việc của mình ở ngoài đời, bất kể thái độ của họ ra sao mà mỗi lần tình cờ như vậy, tôi chỉ thường tự hỏi “ Tại sao người đó có mặt ở đây?” như một ghi chú nghề nghiệp… Và tôi cũng đang tự hỏi như vậy về trường hợp của cô gái mang tên Dương Ngọc Linh này. Bởi xét về xuất thân, hoàn cảnh gia đình cũng như tính cách thì cô ta không thuộc vào cái đa số quý tộc kiểu “ người cõi trên” trong tiệc cưới này…Có vẻ  cũng hiểu được điều tôi nghĩ ngợi nên ngay khi cô dâu được dâu phụ “ hộ tống” vào phòng thay đồ, Ngọc Linh đã nhẹ nhàng đứng lên, đưa tay chỉ ra ngoài hành lang với ý muốn nói chuyện riêng rồi bước thật êm theo hướng đó. Tôi gật nhẹ đầu…uống cạn ly nước ngọt và rời cái bàn ồn ào của mấy bác tài, bước gấp ra hành lang, rẽ về bên phải theo Ngọc Linh, để rồi suýt ngã vì phải dừng chân thật gấp…
Trước mặt tôi là một bức tường.
Trên bức tường còn tươi màu sơn là hình vẽ một bông hồng đỏ thắm, thắm đến nhìn nhức cả mắt
Nhưng Ngọc Linh đâu?
Tôi hơi ngoái lại phía hành lang có cửa mở vào phòng tiệc. Bàn tiệc khi nãy Ngọc Linh ngồi vẫn còn đó, chỉ cách nơi tôi đứng đây ba bước chân. Đối diện với vách tường này, đầu bên kia của hành lang là phòng trang điểm của cô dâu. Nhưng Ngọc Linh đâu có đi về hướng ấy? Tôi chỉ chậm hơn Ngọc Linh tối đa một phút mà đã mất dấu cô ta …Thật khó hiểu.
Tôi quay lại nhìn bức tường mà suýt nữa mình đã húc đầu vào.
Bông hồng trên tường dường như đang chuyển động. Cánh hoa rung rung…
Tôi tiến sát lại, chăm chú nhìn bông hồng. tôi hiểu tại sao mình cảm thấy nó chuyển động. bông hoa thì vẫn giữ nguyên, nhưng cánh hoa rung rung là vì màu đỏ trên cánh hoa cứ nhạt đi rồi lại được tô đậm lại. Một màu đỏ rất lạ, hệt như màu đặc trưng của hemoglobin trong máu…
Tôi choáng người khi kề sát bông hồng vẽ trên tường…
Tôi ngửi được mùi máu.
Bông hồng trên tường cứ nhạt đi rồi lại được tô đậm bằng màu đỏ.
Sắc đỏ của máu…
Mùi hương máu từ bông hồng trên vách cứ phảng phất
Và ngay lúc đó, bên đầu kia hành lang, cửa phòng trang điểm cô dâu bật mở…Cô dâu phụ với nét mặt kinh hãi, váy áo xộc xệch, lao ra như mũi tên, gào lên thất thanh :
-         Cứu chúng tôi! Cứu…
Nhanh như cắt, hai chàng trai thanh lịch mặc veste đen từ cửa phòng tiệc lao đến chặn ngay phòng trang điểm. Thì ra đó là lực lượng bảo vệ bí mật của tiệc cưới thượng lưu này. Kể cũng chu đáo thật, nhưng họ làm ăn thế nào mà để xảy ra sự biến lạ trong phòng thay trang phục và trang điểm của cô dâu? Ngay sau đó là thân tộc hai bên cùng cha mẹ cô dâu chú rể cũng được mấy thanh niên mặc veste đen nọ “ hộ tống” đến trước cửa phòng. Tuy họ không quan tâm gì đến cái gã vô công rỗi nghề là tôi đang đứng ở tít tận đầu này hành lang, nhưng tôi không thích có mặt ở những nơi không đúng chức trách. Dù sự khó hiểu với sự biến mất của Ngọc Linh và ấn tượng kinh hoàng trước bông hồng máu vẽ trên tường vẫn đang còn đè nặng tâm trí mình, tôi vẫn thấy mình nên quay lại phòng tiệc. Trước khi quay vào, tôi ngoái lại  nhìn…
Bông hồng trên vách đã biến mất, chỉ còn trơ bức tường sực mùi sơn.
Giờ thì tôi không còn thấy khó hiểu nữa.
Tôi hiểu Dương Ngọc Linh có thể  không còn sống …
Và nguyên  nhân cái chết của cô ta có liên quan đến ai đó đang có mặt trong tiệc cưới này.Đồng thời tôi cũng biết là mình sắp gặp cô ta.
Dù không cần phải gửi thư mời làm việc…
Và cũng không hẳn phải nhờ giấc ngủ dẫn đường.
Tôi trở lại phòng đãi tiệc theo cửa hông…Sự biến vừa qua dường như chẳng ảnh hưởng gì đến không khí náo nhiệt ồn ào vốn có ban đầu của tiệc cưới. Dễ hiểu thôi. Không phải chập điện phát hỏa, chả phải đánh bom khủng bố…nên bầu không khí chỉ tạm lắng lại rồi sau đó bùng phát ồn ào như một bản hòa âm vô trật tự.Vả lại, người ta đến đây để ăn nhậu và tự trình diễn mình chứ không phải để quan tâm đến hạnh phúc hậu trường gia đình hai bên cô dâu chú rể. Còn riêng đối với tôi, ám ảnh về bông hồng máu bí hiểm nọ đã lấn át “ hội chứng bệnh nghề nghiệp” là quan sát người khác…Tôi bước ra bãi xe, mở cửa chiếc Magnus công vụ của mình, định ngồi vào để chờ sếp và phu nhân thì lại phải giật mình đánh thót…Bên trong xe, ngay tay lái của tôi, ai đó đã gài lên một cành hồng đỏ rực

Không có nhận xét nào: