HOA CÚC TÍM
Một
O’Brien – viên chức phụ trách phỏng vấn thi nhập
quốc tịch Hoa Kỳ là một người đàn ông trung niên luôn vui vẻ và cảm thông với
những người nhập cư lớn tuổi và có bộ mặt “hung thần ác sát” đối với những đối
tượng thanh niên. Không phải O’Brien thù ghét gì những người nhập cư trẻ tuổi
mà chỉ vì ông ta luôn quan niệm “Mỗi đối tượng nhập tịch có một hoàn cảnh cá
biệt, nên cũng cần có mỗi đề thi thích hợp. Những người già cả làm sao có thể
nhớ trọn lịch sử địa lý chính trị Hoa Kỳ, cho nên phải ưu tiên giải quyết quyền
lợi công dân cho họ trước khi họ kịp… gửi nắm xương tàn trên đất cờ hoa. Còn
bọn trẻ thì… lần này chưa đỗ thì còn lần thi sau, đời ăn chơi của chúng tại xứ
sở tự do này còn dài mà…”. Vì thế nên O’Brien rất thoải mái khi liếc qua danh
sách những người mình có trách nhiệm kiểm tra vào hôm nay: Tất cả đều là những
ông bà cụ nhập cư từ các nước châu Á, châu Phi. O’Brien ngước nhìn ông già
ngoài bảy mươi ngồi đối diện mình, liếc qua ảnh trong hồ sơ của cơ quan nhập cư
và di trú, đọc nhẩm lý lịch “Andy Vo, 74 tuổi, đến từ Việt Nam năm 2007 theo
diện H.R”. O’Brien mỉm cười thân thiện, nói bằng tiếng Anh:
-
Chào ông. Ta bắt đầu
nhé.
Ông già cũng nở nụ cười xã giao, gật đầu đáp:
-
Vâng.
-
Ông nói tiếng Anh với
người Mỹ từ khi nào? – OBrien đặt câu hỏi về trình độ sinh ngữ để cân nhắc xem
sẽ chọn kiểu hỏi gì thuận lợi cho người trả lời.
-
Từ năm 1966 – ông già
chậm rãi đáp.
-
Ông học tiếng Anh ở
đâu?
-
Trường sinh ngữ quân
đội Việt Nam Cộng Hòa tại Sài Gòn.
-
Tốt – O Brien cười hài
lòng, thầm nghĩ “Như vậy ông già này hoàn toàn đủ năng lực để hiểu các câu hỏi
của mình” và tiếp lời – Ông thích nhất tổng thống nào của Hiệp Chủng Quốc?
-
Lincon.
-
Tại sao?
-
Vì ông ta đem đến quyền
bình đẳng cho mọi người dân Hiệp Chủng Quốc.
-
Tác phẩm văn học nào
của Hiệp Chủng Quốc được ông yêu thích nhất?
-
Gone with the wind của
Margaret Mitchell.
-
Tại sao?
-
Vì thể hiện bi kịch cá
nhân của mỗi người sau chiến tranh.
-
Hay lắm – O Brien gật
gù – 13 vạch trên lá cờ Hiệp Chủng Quốc biểu hiện gì?
-
13 thuộc địa đầu tiên
tham gia Liên Bang.
-
Chiến tranh với Tây Ban Nha xảy ra bởi nguyên nhân gì?
-
Sương mù khiến bắn
nhầm.
-
Câu hỏi cuối cùng, hoàn
toàn để kiểm tra kiến thức phổ quát – O’Brien cười vui vẻ - Nhà vật lý nào tham gia lập quốc và có ảnh
hưởng rất lớn đến giao dịch chính trị kinh tế Hiệp Chủng Quốc với nước ngoài?
Andy Vo im
lặng, nhăn trán suy nghĩ. O’Brien cười thầm trong bụng, bởi câu hỏi “mẹo” này
hoàn toàn không nằm trong chương trình ôn tập thi quốc tịch, nhưng trong các
cuộc thi oral thì quyền quyết định hỏi gì hoàn toàn thuộc về viên chức phỏng
vấn. O’Brien quyết định gợi ý và cũng nhắc ông già Việt Nam này một tí kiến
thức… O’Brien vừa nheo mắt, vừa nhẹ nhàng rút trong ví ra một tờ giấy bạc 100
USD, lật mặt trước có hình Benjamin Franklin[1],
chìa ra trước ông già…
Andy Vo chớp nhẹ mắt, cười đáp : - A.. à…
Benjamin Franklin…
Rồi ngay lập tức, Andy Vo thét lên một tiếng
kinh hãi, ngã bật người ra khỏi lưng dựa chiếc ghế đang ngồi, vừa ôm mặt, vừa
chỉ tay vào tờ giấy bạc 100 USD trên tay O’Brien, lẩm bẩm bằng tiếng Việt : -
Tha cho tôi… Tha cho tôi.
O’Brien ngơ ngác, liếc nhìn mấy ông bà cụ già
ngồi chờ phỏng vấn sau Andy Vo đang chỉ trỏ vào tờ giấy bạc trong tay mình, vội
xoay bàn tay lại… và rú lên kinh hoàng…
Trên tờ giấy bạc 100 USD, thay vào hình Franklin
là hình một cô gái vẻ mặt châu Á, tuổi độ hai mươi mặc áo bà ba đen, quấn khăn
rằn trên cổ..
O’Brien như không thể tin vào mắt mình, vội lật
mặt sau tờ giấy bạc. Hình Nhà Trắng đã biến mất, thay vào đó là một bông hoa
cúc tím.
* * *
*
Vừa đặt chân vào phòng, xếp đã nghiêm mặt nhìn
tôi:
-
Khỏe rồi chứ?
-
Vâng ạ - tôi cười.
-
Đêm qua có mơ thấy gì
không?
-
Dạ không… - tôi hơi ngần ngừ vì thực ra là có, nhưng tôi
thấy không cần thiết phải nói gì với xếp về hình ảnh cô gái mặc bà ba đen đứng
ở cổng rào mình đêm qua.
-
Vậy tớ yên tâm – tự
nhiên xếp thở phào – giờ tớ giao việc cho cậu đây. Vào phòng tớ!
… Trong phòng của xếp là đại tá Báu, Cục phó A
62. Bên cạnh ông ta là một chồng mấy bìa hồ sơ dầy cộm. Chào hỏi nhau xong là
ông ta vào việc luôn:
-
Chúng ta sắp có việc
phải đón hai người từ Mỹ vào Việt Nam. Người thứ nhất là Việt Kiều Andy Vo, 74
tuổi, tên thật Võ Ngọc Tuấn, nguyên sĩ quan tình báo chế độ cũ. Người thứ hai
là Redfern O’Brien, viên chức bộ Tư pháp Hoa Kỳ. Theo đề nghị nhập cảnh của họ
gửi cơ quan ngoại giao Việt Nam thì họ cùng có nhu cầu điều trị bệnh.
-
Rất tiếc, thưa hai xếp
– tôi cười – Có lẽ tôi không phải là bác sĩ điều trị mà họ cần tìm, phải không
ạ?
-
Đừng ngắt lời tôi - đại
tá Báu cau mày – Theo lời các bác sĩ Hoa Kỳ thì họ bị một chứng bệnh tâm thần
mà nguyên nhân có thể là do chiến tranh Việt Nam gây ra. Họ có nhu cầu tìm gặp
một số người, trong số đó có một người nguyên là cán bộ an ninh cách mạng trong
thời chiến tranh và đến giờ vẫn thuộc phạm vi bảo vệ của cơ quan bảo vệ an ninh
nội bộ, tức là Cục của các anh. Và vì lẽ đó…
-
Cho nên tôi được phân
công ở cùng với họ cho đến khi nào họ dứt cái hội chứng chết toi đó hoặc họ nản
quá quay về, đúng không ạ?
-
Ừ - đại tá Báu nhăn mặt
cáu kỉnh – Và cần nhắc cho anh nhớ là chiến tranh đã qua. Truyền thống dân tộc
ta là xóa bỏ hận thù, nên xin anh trong thời gian làm việc với họ làm ơn bỏ cái
thói bất lịch sự là ngắt lời người khác
đi nhé.
-
Và xếp quyết định giao
việc này cho tôi? – tôi hỏi thủ trưởng.
Xếp gật đầu nhẹ và nói thêm: - Có hai lý do. Một
là vì công việc này vốn thuộc về phạm vi công việc của phòng cậu. Hai là vì nó
phù hợp với năng lực riêng biệt của cậu.
-
Năng lực riêng biệt gì
cơ chứ?
-
Thực ra thì chúng tôi
không quan tâm đến hai trường hợp nhập cảnh này cho lắm – đại tá Báu cười hì hì
– cho đến khi đọc được nguyên nhân họ nằng nặc xin gặp ông già cán bộ an ninh
của ta gửi kèm theo bản sao hồ sơ bệnh lý lập tại Hoa Kỳ. Nguyên nhân đó là họ
bị ám bởi một hồn ma. Một cô giao liên trẻ,mặc bà ba đen …
-
… khăn rằn quấn cổ, tuổi độ hai mươi.- tôi buột
miệng.
-
Sao cậu biết? – đại tá
Báu tròn mắt, sững sốt.
-
Lại mơ thấy à? – Xếp
kinh ngạc hỏi tôi.
Tôi gật đầu. Hóa ra đêm trước là dự báo hôm nay của
chứng Thần hòa bệnh.
[1] Nhà Vật
lý học phát minh ra cột thu lôi, cũng là một trong các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã
ký tên vào bản tuyên ngôn độc lập, văn bản tuyệt giao với nước Anh, văn bản
liên minh với Pháp và là đại sứ Hiệp Chủng Quốc đầu tiên tại triều đình Pháp
thế kỷ 18.Khi ông mất, Hoa Kỳ phải tổ chức quốc tang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét