Bốn
Tôi đón hai vị khách không mời O’Brien và Andy
Vo ngay tại cầu thang máy bay và đưa họ ra theo cống an ninh để đảm bảo hoàn
tất thủ tục nhập cảnh cho họ trong thời gian sớm nhất. Ngược với điều tôi nghĩ,
bụi cúc tím đính trên mép trái chiếc áo veste một lớp của tôi lại không gây cho
cả hai người này chút dấu hiệu nào kinh hãi. Để kiểm tra, tôi đề nghị mua vài
món hàng ở cửa hàng miễn thuế trong sân bay (mà tôi biết thừa họ chỉ có thể
thanh toán bằng đô la vì chưa kịp đổi tiền Việt). Ông Andy Vo tròn mắt:
-
Để làm gì, thưa cán bộ?
-
Để xem bệnh của các ông
tới đâu rồi. Vả lại, đến thăm người bệnh
như ông Thu thì cũng phải có chút quà chứ - Tôi vừa nói vừa cười.
-
Ông Thu bệnh rồi sao? –
Andy Vo sửng sốt.
-
Đúng. Nhưng theo tôi
thì cũng không quá nghiêm trọng đâu. Và tôi sẽ đưa các ông đến thăm ông ấy
ngay.
Andy Vo nói lại điều đó với O’Brien. O’Brien lắc đầu, trả
lời lại bằng tiếng Anh:
-
Tôi chẳng việc gì phải
gặp ông Thu nọ cả. Chỉ vì ông Vo đây nói rằng gặp ông ta sẽ dứt căn bệnh này
nên tôi theo thôi.
-
Vậy thì nên mua quà… -
Tôi nhắc lại bằng tiếng Anh nhằm mục
đích hướng hai đối tượng vào mục tiêu ban đầu.
-
Không, không… - O’Brien
lắc đầu, mặt tái mét – Tôi sợ phải nhìn thấy những gì xảy ra với mình khi rút
tờ USD ra lắm. Hãy tìm nơi đổi tiền Việt để mua.
-
Lúc ấy, ông vẫn phải
rút USD ra để đổi tiền và sẽ phải chứng kiến lại hình ảnh ấy kia mà. Phải chịu
đựng chứ. - tôi vặc lại.
-
Không,không… Thà tôi
mang tiếng bất lịch sự - O’Brien vẫn lắc đầu quầy quậy.
-
Xin lỗi. Tôi cũng thế -
Andy Vo lên tiếng – Tôi sợ nhìn thấy cô ấy, nhất là ở chỗ công cộng thế này.
-
Các ông không mua thì
tôi mua – tôi nổi nóng – rượu ở đây rẻ hơn ở ngoài.
Dứt lời, tôi rút ví lấy tiền. Thực ra 100 USD
này là của xếp cho mượn để làm “công cụ trắc nghiệm”, nhưng đến nước này tôi
thấy không thể lui. Bởi tôi muốn thấy cảm xúc thực sự của họ. Cả Andy Vo và
O’Brien đều gần như nín thở theo dõi bàn tay của tôi rút tiền ra khỏi ví. Tôi
cố ý xòe tờ 100 USD thật chậm và lật qua lật lại hai lần trước mặt họ trước khi
trao cho cô nhân viên phụ trách cửa hàng miễn thuế…
Andy Vo thốt lên: - Thật lạ.
O’Brien không dấu được sự sửng sốt: - Thế là thế
nào?
-
Chẳng thấy cô ta đâu
nữa, phải không? – Tôi hỏi.
Cả hai cùng gật đầu, không dấu sự bàng hoàng.
-
Hãy lấy tiền của quý vị
ra xem ! - tôi ra lệnh.
Không cần tôi nhắc tiếng thứ hai, cả hai vị
khách lật đật mở ví, rút tiền ra. Họ săm soi từng mặt trước, mặt sau mỗi tờ USD
trong ví mà mắt bừng sáng hân hoan. Vài người khách trong ga đi ngang qua, nhìn
họ bằng cặp mắt nửa tò mò, nửa khinh thị. Tai tôi thoáng nghe mấy lời chế giễu:
-
Tội nghiệp chưa? Chắc
lần đầu mới thấy được tiền nên khoe ra cho bàn dân thiên hạ biết.
-
Hay họ sợ tiền giả nhỉ?
Bỏ ngoài tai tất cả, O’Brien nói như reo :
-
Hoan hô. Giờ thì tôi
thấy bình thường cả rồi.
-
Tôi cũng thế... Cũng
thế - ông Andy Vo lắp bắp như đứa trẻ tập nói.
Rồi cả hai chợt nhìn tôi chằm chằm, nửa ngưỡng
mộ, nửa đề phòng. Andy Vo băn khoăn:
-
Xin lỗi… cán bộ là ai?
-
Tôi là tôi – tôi bật
cười thành tiếng – Có việc gì mà ông lại hỏi vậy?
-
Tất nhiên cán bộ phải
là sĩ quan an ninh. Nhưng cán bộ bao nhiêu tuổi rồi?
-
Tôi sinh năm 1972, ở
ngoài Bắc, sau 1975 mới vào Bình Tuy, chắc chắn không có quan hệ gì với ông
rồi.
-
Tôi biết… tôi biết –
Andy Vo lúng túng – Nhưng… cán bộ vừa chữa dứt bệnh cho cả hai chúng tôi.
-
Kỳ lạ, chúng tôi
vẫn còn bị cái chứng giấy bạc đổi hình
này ngay cả trên máy bay cơ mà – O’Brien thắc mắc.
-
Chuyện đó rồi sẽ tính
sau. Giờ các ông mua quà để thăm ông Thu chứ? – Tôi lái trở lại “vấn đề chính”.
-
Tất nhiên. Tất nhiên –
Andy Vo hấp tấp.
Tôi gật gù và đưa tay ra:
-
Tốt. Trả lại tôi 100
USD và nhận quà đi.
Hai vị khách nhìn nhau rồi lại nhìn tôi, bật
cười.Andy Vo trao cho tôi tờ 100 USD:
-
Xin hoàn lại cho cán
bộ.
-
Lịch làm việc của các
ông tại Việt Nam ra sao?
-
Tôi thì… hoàn toàn tin
vào ông Vo đây – O’Brien lúng túng – Bởi ông ấy nói biết căn nguyên cơn bệnh và
người có thể chữa. Còn lại thì… có thể là một chuyến du lịch Mékong .
-
Tôi thì… nghĩ là gặp
được ông Thu sẽ biết nguồn cơn mà trị dứt bệnh. Sau đó tôi về Cần Thơ thăm mấy
đứa con.- Andy Vo nói với vẻ thiếu tự tin.
Tôi rút bức chân dung của họa sĩ Hải cất trong
túi áo ra, hỏi:
-
Có phải hai vị đã nhìn
thấy hình ảnh này trên bất kỳ tờ giấy bạc USD nào, phải không?
-
Đúng rồi – O’Brien tròn
mắt – Sao ông có thể biết?
-
Ơn Chúa – Andy Vo thở
phào – Vậy là chúng tôi đã có hy vọng.
-
Hỏi thật, các ông có dám
gặp cô ta không? – tôi tung “đòn quyết định”
-
Sao lại không? –
O’Brien lên tiếng.
-
Tôi thì… - Andy Vo do
dự – Tôi thì…
-
Ông nên can đảm đối
diện với sự thật – tôi nhìn thẳng vào mắt Andy Vo,nói rành rọt từng chữ. Và tôi
có cảm giác trong một khoảnh khắc nhỏ bé nào đó, toàn thân ông ta dao động như
một con lắc để rồi ổn định vững vàng như một trụ đồng. Ông già 74 tuổi mím môi,gật
đầu nhè nhẹ, nói khẽ như để tự trấn an mình
-
Ở tuổi này, tôi
còn có gì để luyến tiếc đâu mà sợ mất?
Tôi đưa hai vị khách ra xe, đến nhà nghỉ của Bộ
giữ phòng cho họ để đầu giờ chiều vào bệnh viện thăm Ngô Kim Thu. Trong lúc chờ
họ dưới phòng khách của nhà nghỉ, tự nhiên tôi không nén được tò mò, nên nói
nhỏ:
-
Chị Cúc! Cảm ơn chị
nhiều.
Bụi cúc tím bên mép trái chiếc áo veste một lớp
mặc ngoài của tôi khẽ rung lên.
* * *
*
Phòng bệnh của ông Thu là phòng dịch vụ cao cấp
của bệnh viện với giường bệnh khá rộng với một người, máy lạnh, tủ lạnh, T.V,
đầu dĩa DVD... toilet vệ sinh riêng, ngoài ra còn có bộ salon tiếp khách đến
thăm bệnh bằng gỗ gụ khá trang nhã… Bác sĩ dặn tôi ngay khi chúng tôi dừng chân
trước cửa :
-
Bệnh nhân vừa hồi phục,
xin đừng gây xúc động!
-
Tôi cam kết điều đó,
thưa bác sĩ – tôi nói bằng sự long trọng đến chính bản thân cũng cảm thấy buồn
cười – Xin phép cho chúng tôi trò chuyện riêng với ông Thu.
Bác sĩ gật đầu và bước vào, lay vai ông Thu
đang nằm trên giường bệnh, mắt nhắm
nghiền:
-
Ông Thu. Ông có khách!
Ông Thu chầm chậm mở mắt, nhìn tôi rồi nhếch mép
cười chua chát:
-
Đồng chí kiên nhẫn thật
đấy!
-
Ông cứ trò chuyện, khi
cần thì nhớ bấm chuông gọi điều dưỡng – bác sĩ trực không quên dặn lại trước
khi quay ra.
-
Hôm nay tôi không có ý
định làm việc với ông. - tôi nhẹ nhàng ngồi xuống chiêc salon dành cho hai
người đối diện với ông Thu – Tôi hướng dẫn hai người vào thăm ông.
-
Cứ làm việc thì đã sao?
– Ông Thu cười buồn, chỉ tay về phía chiếc tủ nhỏ kê sát đầu nằm – Tối qua, tôi
đã ghi tất cả những gì thuộc về mình ở trong đó, định chuyển cho cơ quan đồng
chí. Nhưng giờ đồng chí đã đến, tốt thôi.
-
Xin mời cả hai vị vào!
– tôi đứng dậy, bước ra cửa, gọi Andy Vo và O’Brien. Sau đó, tôi lấy một chiếc
cốc uống nước trên nóc tủ đầu giường bệnh, rót đầy nước lọc, đoạn rút bụi cúc
tím trên mép áo veste ra, đặt vào cốc… Một mùi hương dìu dặt thoang thoảng
khiến ai cũng cảm thấy lâng lâng…
Ông Thu nhìn hai người khách, rồi vươn mình ngồi
dậy trên giường bệnh, chìa bàn tay ra cho cả hai người:
-
Hân hạnh. Tôi là Ngô
Kim Thu.
-
Ông… cán bộ còn… nhớ
tôi chứ ạ? – Andy Vo ngập ngừng lên tiếng.
-
Sao lại không? – ông
Thu gật đầu, vẻ không buồn mà cũng chẳng vui – anh Tuấn xưa ở phòng quân báo
đây mà. Sau giải phóng, tôi còn gặp anh hai lần ở trại cải tạo Cây Gừa. Còn ông
đây là...
Ông Thu hơi ngạc nhiên, hướng về phía O’Brien.
Andy Vo giải thích:
-
Đây là O’Brien. Cậu ta
bị một chứng bệnh giống như tôi, là…
-
Nhìn thấy cô Lê Thị Cúc
– X8009? – ông Thu chép miệng.
-
Vâng. Và chúng tôi cùng
nghĩ là… - Andy Vo hơi ngần ngừ.
Ông Thu lắc đầu:
-
Đã đến lúc chúng ta
không thể âm thầm lừa dối bản thân là do cảnh ngộ chiến tranh nữa. Tôi cũng nghĩ
là phải công khai, ở đây có sẵn cán bộ an ninh mà.
-
Chưa hẳn là vì tôi,
thưa các vị - tôi ngồi xuống, đặt chiếc cốc chưng bụi cúc tím lên mặt bàn – tất
nhiên cơ quan chúng tôi cũng đã nắm được một số điều quanh trường hợp cô Cúc,
nhưng thiết nghĩ chúng ta sẽ không lấy chứng cứ ra để nói cùng nhau, mà tôi kêu
gọi ở các vị lương tâm của con người.
Căn phòng lặng yên, chỉ có tiếng máy điều hòa
không khí rì rầm như đang ru mọi người về một nơi nào đó, sâu trong tâm thức,
nơi mà chiến tranh thù hận, quá khứ khổ đau của mỗi người đều đã nguôi ngoai,
lắng đọng. Tôi tiếp lời:
-
Ở đây, tôi không đặt
mình trong khuôn khổ hành sự vì an ninh tổ quốc hay chức trách nghề nghiệp
thiếng liêng gì. Tôi xin tất cả hãy vì sự bình yên trong tâm hồn mình mà giải
tỏa mọi khúc mắc hiềm nghi. Vì vậy, các vị hãy dũng cảm nói ra điều đó chỉ ở
nơi này, với năm người đang có mặt ở
đây.
-
Năm người? – Ông Thu
hơi chồm về phía trước. Còn Andy Vo thì nhìn quanh quất rồi lại nhìn tôi ...
-
Hãy xem như ta đang đọc
kinh cầu hồn.
Tôi nhẹ nhàng cúi xuống, nói khẽ với bụi cúc tím
đang đặt trong cốc nước:
-
Chị Cúc ơi. Giờ thì xin
chị hãyđể cho mọi người nhìn thấy.
Gần như ngay lập tức, Cúc hiện ra bên cạnh tôi,
trên chiếc salon hai chỗ mà tôi cố ý chọn sẵn để ngồi. Cả ba người đàn ông
trong phòng đều giật mình thảng thốt, nhưng có lẽ do được chuẩn bị tinh thần
trước lại được sự góp sức của mùi hương dìu dặt nọ trấn an, nên cả ba lại dần
bình tĩnh, dù mặt ai cũng thoáng biến sắc. Tôi ôn tồn hỏi:
-
Ông Võ Ngọc Tuấn. Hãy
tường trình việc biến chị Lê Thị Cúc thành điệp viên X8009 của đoàn 52 quân báo
Hoa Kỳ như thế nào cho mọi người ở đây được rõ.
-
Tôi nói đây – Andy Vo
khó nhọc lên tiếng – Năm 1970, sau khi học xong lớp Cây Mai và trường huấn
luyện biệt kích thám báo tại Fort Bragg, tôi được điều về phòng 3 quân đoàn 4,
phối thuộc hoạt động thu thập tin tức tình báo quân sự trong vùng giải phóng
với đoàn 52 quân báo Hoa Kỳ. Quyền hạn của chúng tôi rất lớn. Thứ nhất, chúng
tôi được phép xây dựng một lưới điệp viên riêng biệt tách rời khỏi hệ thống mật
báo, chỉ điểm của cảnh sát quốc gia, phủ đặc ủy trung ương tình báo và bí mật
cả với an ninh quân đội. Thứ hai, mạng lưới điệp viên đó được hoạt động với
ngân sách riêng trực thuộc bộ tư lệnh quân đội đồng minh. Thứ ba, những thông
tin tình báo của lưới này sau khi phân loại, thẩm định thuộc quyền khai thác
riêng của Hoa Kỳ mà không cần thông báo lại với phía Việt Nam Cộng Hòa về nguồn
cung cấp. Nắm lấy cơ hội đó, thỉnh thoảng chúng tôi cũng ngụy tạo một số điệp
viên giả với nguồn tin “ma” để rút tiền ngân sách mà… lo cho gia đình. Tôi đã… tạo
ra điệp viên X8009… để bòn rút tiền của cơ quan tình báo Mỹ…
-
Sao lại là tôi? – Cúc
hỏi mà giọng nghẹn lại.
-
Thực ra thì… giáo sư
hiệu trưởng trường Tống Phước Hiệp có quan hệ với tổ chức của chúng tôi vì ở
vai trò thầy giáo hiệu trưởng, ông ta có quan hệ rộng với phụ huynh nhiều tầng
lớp, nắm nhiều thông tin… - Andy Vo nói mà như mếu máo muốn khóc – ông ta đã
giao cho tôi quyển học bạ học dở dang lớp đệ nhị của cô. Chứ… tôi có biết cô là
ai đâu. Chỉ biết là… lúc ấy cô đang… ở trong vùng giải phóng.
-
Giáo sư Nguyễn Khương
Yên – hiệu trưởng trường Tống Phước Hiệp Vĩnh Long, tức điệp viên X6507 trong
danh sách điệp viên của hồ sơ B091972CT1806-22
đó – ông Thu tiếp lời .
-
Sẵn ảnh của cô trong
học bạ, sẵn sơ yếu lý lịch gia đình học sinh do cô viết để nộp cho nhà trường… Tôi…
đã thuê một gã trốn quân dịch làm nghề sửa đồng hồ ở chợ Cần Thơ giỏi nghề giả
mạo tự dạng viết đơn xin tuyển mộ, lý lịch tuyển mộ bằng nét chữ của cô, ký tên
cô… Tôi là sĩ quan thẩm tra tuyển mộ, kiêm luôn chỉ huy nên… thật dễ dàng để… thuyết
phục cấp trên là… chi tiền lương trả cho một điệp viên mới tuyển là X8009…Rồi
tôi lấy tiền đó… lo cho gia đình mình.
-
Các báo cáo của điệp
viên giả X8009 nộp về, làm sao ông tạo ra được?- tôi hỏi.
-
Tôi thu thập từ nhiều
nguồn khác, xào nấu tí xíu cho có vẻ là thông tin mới rồi giao cho gã thợ sửa
đồng hồ nọ viết lại bằng tự dạng của cô Cúc đây. Kể cả bảng lương điệp viên của
cô Cúc… không… của X8009 cũng do hắn ký.
-
Ông chơi trò điệp viên
giả độc ác này trong bao lâu? – Cúc cười gằn.
-
Tôi… - Andy Vo tái mặt,
lúng túng – từ ngày ghi trong hồ sơ là 01 tháng 8 năm 1971… đến 23 tháng 11 năm
1972. Theo hiệp định Paris, quân Mỹ phải rút khỏi Việt Nam thì đoàn 52 phải bàn
giao lưới điệp viên lại cho Việt Nam Cộng Hòa. Thấy không êm, tôi lấy lý do
X8009 chuyển vùng không bắt liên lạc được để kết thúc vụ này.
-
Ngay cả khi tôi đã chết
từ ngày 17 tháng 11 năm 1971? – Cúc rít lên, uất hận.
-
Tôi… tôi… - Andy Vo ôm
mặt, khóc nức nở - Tôi cũng đã bị trừng phạt. Vợ con tôi bỏ trốn rồi mất tích
trên biển… những đồng đô la ăn cắp ấy không hề mua được hạnh phúc cho tôi… Giờ
thì tôi chỉ… có cách chết để ăn năn tội…
-
Thôi thì ông đã nói ra
trước tôi – Cúc thở nhẹ - tôi cũng đã phần nào hiểu được lý do lâu nay mình
không thể ở gần bạn bè. Thực ra việc ngụy tạo hồ sơ điệp viên này cũng là thủ
đoạn đánh phá nội bộ đối phương, phải không ông?
-
Xin cô đừng nói vậy. –
Andy Vo như sụp xuống dưới chân chiếc bàn thấp – Lúc ấy tôi chỉ nghĩ đến việc
kiếm chác thêm tiền cho gia đình như bao nhiêu sĩ quan quân đội nuôi lính ma,
lính kiểng để biển thủ tiền lương…
-
Thực ra thì ông Tuấn
không có nhiều lỗi bằng tôi – ông Thu lên tiếng cắt ngang.
Cặp mắt Cúc hướng về ông Thu, có vẻ ngạc nhiên.
Ông Thu lên tiếng :
-
Ngày 17 tháng 6 năm
1972, tôi đã chụp ảnh được danh sách điệp viên của đoàn 52 quân báo Hoa Kỳ từ James
Stiwell...
Tự dưng O’Brien giật mình. Ông ta hỏi lại :
-
Ông vừa nói gì đến
James Stiwell? Có phải là đại úy Stiwell ở đoàn 52 quân báo Hoa Kỳ?
-
Đúng vậy – ông Thu có
hơi ngạc nhiên – lúc ấy, Stiwell làm việc cùng ông Tuấn ngay tại phòng 3 bộ tư
lệnh quân khu 4.
-
Đó là anh trai của mẹ
tôi – O’Brien như nín thở - ông ấy chết ngay trên chiến trường sông Mékong cuối
năm 1972.
-
Bây giờ tôi hiểu lý do
tại sao ông O’Brien đây lại mắc cùng chứng bệnh với ông Tuấn. Cậu ông ta và ông
Tuấn đây “làm ăn” chung với nhau mà – tôi lắc đầu biếm nhẽ và nói với ông Thu – Xin ông tiếp tục.
-
Từ sau khi lấy được bản
chụp danh sách điệp viên do tôi cung cấp, ban an ninh Cần Thơ cũng đã quan tâm
đến chuyện cô Cúc, nhưng vì cô Cúc đã chết trước đó cả năm nên mọi việc phải
tạm xếp lại. Sau giải phóng, tôi tìm gặp ông Tuấn tại trại Cây Gừa Cà Mau với tư cách cán bộ cách mạng để hỏi về các
điệp viên trong lưới ông ta, trong đó có cả cô Cúc. Ông Tuấn đã thật thà kể lại
tất cả cho tôi vụ gián điệp ma này. Còn tôi… còn tôi…
-
Ông thì thế nào? – Cúc
hỏi mà đầu lắc nhẹ, vẻ khó hiểu.
-
Tôi… định thông báo với
an ninh Cần Thơ và Vĩnh Long để giải tỏa nghi vấn quanh cô Cúc và công nhận chế
độ liệt sĩ cho cô… thì xảy ra chuyên án HK 781. Chúng ta cần móc nối với tổ
chức tình báo nước ngoài để câu nhử chúng vào một cái bẫy lớn. Vì tất cả các
điệp viên trong hồ sơ B091972CT1806-22
đều đã bị bắt hoặc bị trừ khử sau giải phóng, cơ quan an ninh đã sử dụng danh
nghĩa X 8009 để bắt liên lạc, vì trong hồ sơ của tình báo Mỹ, cô Cúc gián đoạn
liên lạc vì chuyển vùng chứ không phải vì bị phát hiện. Tất nhiên để đánh lạc
hướng điệp viên của địch thẩm tra, chúng ta không thể công bố sự thật và phục
hồi danh hiệu liệt sĩ cho cô Cúc được…
-
Chuyện ấy tôi hiểu –
Cúc tư lự - nhưng lúc vào khu theo giải phóng, tôi cũng có đòi được chức được
tiền gì đâu. Vậy thì ông có lỗi gì…
-
Tôi … - ông Thu nuốt
nước bọt, dường như khó khăn lắm để nói tiếp – tôi tham gia chuyên án thời gian
đầu thì bệnh nặng phải đi điều trị ở nước ngoài, mọi việc bàn giao lại cho đồng
chí khác. Trong chuyên án này, địch đặt bí số cho X8009 là V 26. Sau khi ta câu
nhử và bắt được 17 gián điệp xâm nhập, không hiểu vì lý do gì mà địch đã gián
đoạn liên lạc điện đài cũng như trực tiếp với V 26…Vì thế, ta cũng phải tiếp tục giữ tình trạng “án binh bất động” mọi
điều về chân tướng V 26 nhằm khiến địch hoang mang, mất phương hướng… Còn tôi,
đi nước ngoài về thì chuyển ngành và… tôi quên lãng chuyện cô Cúc đến tận hôm
qua…
-
Trời. Vậy đến giờ tôi
vẫn là… nữ gián điệp của kẻ thù sao? – Cúc thốt lên bi thiết.
Ông Thu hơi rùng mình, gắng gượng tiếp lời :
-
Tội của tôi đó… Hòa
bình, chuyển sang cuộc sống dân sự, no ấm, đủ đầy… tôi quên đi quá nhiều ân nợ.
Ngay cả khi anh Tuấn hết hạn cải tạo về, gặp anh ấy, tôi cũng chỉ nhắc là hãy
quên quá khứ mà sống tốt… Tôi… quên là cô Cúc bị bôi nhọ dưới mật danh X8009
giờ đã là V 26 vẫn nằm trong hồ sơ tuyệt mật HK 781 của Bộ quốc phòng…
-
Mẹ tôi… anh Tám Toàn… đến
giờ vẫn nghĩ tôi là…
-
Không ai nghĩ gì cả… -
ông Thu xám ngoét mặt mày – bởi cô đã chết ngay trước khi danh sách điệp viên B091972CT1806-22 lọt vào tay cách mạng… nên…
cũng chẳng ai muốn truy xét lại… cô vẫn mồ yên mả đẹp ở ven sông.
Như một ngọn gió, Cúc lướt đến sát ông Thu, vung
tay… Hai bên gò má ông Thu hằn lên những dấu ngón tay đỏ bầm. Ông Thu im lặng
cam chịu, nước mắt dàn dụa chảy chứ không còn dấu hiệu kinh hoàng như khi
thoáng thấy cô Cúc trong gương. Cúc dừng bên giường, quay lại nhìn mọi người
trong phòng rồi đột nhiên bật khóc. Tiếng khóc của Cúc nghẹn ngào, tức tưởi… Tất
cả chúng tôi cùng cúi đầu. Hồi lâu, căn phòng lại lặng yên như lúc ban đầu. Tôi
ngước nhìn lên… Cúc đã biến mất… trên bàn chỉ còn trơ lại chiếc cốc đựng nước
trống trơn.
Đoạn kết
Tôi và ông
Tám Toàn, nguyên trợ lý tác chiến của huyện đội Ô Môn ngồi bên cạnh ngôi mộ đầy
hoa cúc tím ở ven sông. Về sáng nước lên
rủ rỉ rù rì vỗ vào bờ đất. Ông Tám Toàn vừa trải mấy món lễ vật cúng đất
đai ra, vừa hỏi tôi:
-
Tại sao mãi đến mấy
chục năm sau, Cúc mới hiện ra với ông Tuấn để mọi việc sáng tỏ hả cháu?
-
Chắc vì hai tháng
trước, bà cụ mẹ cô Cúc mất, chẳng còn ai chăm sóc cây sơ ri, nên cô Cúc không
còn nơi đặt trọn niềm tin vào để nương dựa… - Tôi phỏng đoán từ giấc mơ của
mình.
-
Còn chú để chi? – ông
Tám Toàn có vẻ tự ái.
-
Chú thì đã có vợ rồi –
tôi cười – Thôi, chú thắp nhang đi.
Ông Tám Toàn gật đầu nhẹ, nâng bó nhang đang
nghi ngút khói lên cao quá đầu, khấn
thành tiếng:
-
Cúc ơi. Anh là Toàn
đây. Hôm nay là lần cuối cùng anh đến nơi này. Bởi vì ngày mai, người ta sẽ đưa
em về nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh. Oan ức của em đã giải. Má cũng đang được
lập hồ sơ truy tặng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Giờ… anh mong em yên nghỉ… với má
và bao nhiêu anh em đồng chí …
Tự dưng tôi thấy mắt mình cay cay... Kìa, ông Tám Toàn
cũng đang khóc nhưng hai hàm răng vẫn cố nghiến lại để không bật thành tiếng. Tôi
chắp tay, xá lạy người con gái đang nằm dưới nắm đất đầy hoa cúc tím kia mà
trong đầu ngổn ngang bao câu hỏi. Trách ai về sự muộn màng này? Chiến tranh!
Nhưng còn bao nhiêu con người đã phải chịu cùng cảnh ngộ “điệp viên bất đắc dĩ”
như cô Cúc, liệu họ có được giải oan… dù trong muộn màng như cô Cúc không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét