Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Hoa cúc tím 2


                                                 

                                                *          *          *
                                                            *
Vẫn còn thời gian để đón hai vị khách từ Mỹ, tôi mượn tạm phòng của xếp để đọc mấy tập hồ sơ mà xếp Báu đã mang qua.Có những điểm chung giữa hai con người này và tôi đã ghi vào sổ tay để tiện liên hệ với nhau. Những điểm chung đó là:
Thứ nhất, hai người cùng nhìn thấy một cô gái mặc bà ba đen trên tờ giấy bạc 100 USD của O’Brien tại phòng thi quốc tịch của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. Có các nhân chứng khác cùng thấy như họ, nhưng sau đó thì lại không nhìn thấy gì khác ở tờ giấy bạc ấy so với tờ giấy bạc 100 USD thông thường.
Thứ hai, cả hai người này từ sau buổi đó đều cùng mắc một bệnh lạ là nhìn thấy cô gái nọ trên mặt trước của bất cứ tờ giấy bạc USD nào, bất kể đơn vị tiền tệ cho đến bây giờ. Theo lời khai của O’Brien thì ông ta còn nhìn thấy bông hoa cúc tím ở mặt sau tờ giấy bạc 100 USD thay cho hình Nhà Trắng.
Tôi hỏi xếp : - Xếp có tờ đô  nào trong túi không?
-         Chi vậy?
-         Cho một thử nghiệm – tôi cười.
Xếp hơi ngần ngừ, rồi lục ví lấy tận trong ngăn cuối cùng ra một tờ giấy bạc 2 USD trao cho tôi. Tôi nhìn lên ảnh chân dung tổng thống Jefferson trên đó và lắc đầu. Không thấy gì khác cả. Vậy cô gái trong giấc mơ đêm qua của tôi chưa chắc đã là cô gái của hai vị này. Thậm chí, dù là mỗi người trong họ đều nhìn thấy hình ảnh một cô gái, chứ chắc gì họ nhìn thấy cùng một cô gái, bởi quần áo bà ba đen, khăn rằn quấn cổ vốn là trang phục quen thuộc của phụ nữ thời chiến tranh. Hội chứng tâm thần do chiến tranh Việt Nam thì ai tham chiến cũng có thể mắc phải, biết đâu mỗi người do trục trặc tâm lý riêng của mình, đã nhìn thấy một cô gái khác nhau? Tôi thuận tay bỏ tờ 2 USD vào túi quân phục.
-         Ê…tiền của tao mà…- xếp trừng mắt
-         Lấy gì chứng nhận tiền này là của anh? - tôi đùa – bộ nó in hình anh trên đó hả?
-         Tiền hên của vợ tao tặng hồi Tết đó – xếp nhăn mặt phân bua.
-         Chỉ 2 đô, ích kỷ với nhau chi anh? - Tôi móc túi trả lại tờ giấy bạc, trầm ngâm - có thể không thấy trên tờ 2 đô, nhưng  trên tờ 100 đô thì… có thể.
            Xếp như giật tờ giấy bạc trên tay tôi, gắt :
-         Tao không có tờ 100 đô. Mà dù tao có, cũng không ngu gì mà đưa  cho mày đâu. Mày thử  nghiệm gì vậy?
-         Em muốn tìm mối liên hệ giữa hai vị khách sắp đến này.
-         Mày tìm trong lý lịch của họ thử coi.
-         Đọc rồi. Chẳng có gì liên hệ với nhau cả. Redfern O’Brien năm nay 45 tuổi, con của ông Richard O’Brien, cựu dân biểu bang Nevada đã từ trần. Cả hai chưa từng tham chiến tại Việt Nam và bản thân ông Richard O’Brien theo thông tin được biết còn là một người phản đối chiến tranh Việt Nam nữa. Andy Vo, tên thật Võ Ngọc Tuấn, 74 tuổi, nguyên là sĩ quan tình báo chế độ cũ, phụ trách quân báo chiến trường thuộc quân đoàn và quân khu 4. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông ta đi học tập cải tạo tại Cà Mau với cấp bậc đại úy, được phục hồi quyền công dân năm 1984. Trong thời gian ông ta học tập cải tạo, vợ con ông ta đã vượt biên và mất tích. Ông Tuấn lập gia đình mới và ở lại Việt Nam mở tổ hợp sản xuất thiết bị điện tử và sau này là công ty TNHH Hoàng Ngọc. Ông ta không nộp hồ sơ xuất cảnh diện H.O. Năm 2006, Mỹ mở lại chương trình xuất cảnh diện H.R, ông Tuấn giao cơ ngơi lại cho các con, sang đó định cư vào năm 2007. Anh thấy hai người này có quan hệ với nhau không chứ tôi thì thấy gần lắm, 175 ly bắn chục năm nữa cũng chưa đến.
-         Còn người mà họ xin gặp tại Việt Nam?
-          Thực ra thì chỉ có mỗi Andy Vo xin gặp. Người đó là cán bộ an ninh nhân dân Ngô Kim Thu, năm nay 67 tuổi. Trong chiến tranh, bác Thu công tác tại đoàn 22[1], là điệp viên của ta cài trong Trung tâm hành quân quân đoàn và quân khu 4. Sau 30/4/1975 là thượng úy chuyển ngành sang Sở Nhà Đất tỉnh Hậu Giang, huy hiệu Tình Báo Việt Nam, huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, đã về hưu và lên sống tại TP.HCM. Xét về quan hệ trước và sau thống nhất, có thể ông Tuấn quen biết ông Thu.
-         Rà soát lại về ông Thu chưa?
-         Thì em đang chờ các tàng thư lưu của bên quân đội chuyển sang, cả các tư liệu của an ninh nội chính[2] đồng bằng sông Cửu Long nữa. Chắc phải mất vài ngày.
-         Vài ngày… - xếp tắc lưỡi – theo tớ thì chúng ta không nên chờ đợi. cậu lấy giấy giới thiệu của Cục sang ngay bên quân đội. Chỉ hai ngày nữa là hai vị kia sang đến rồi mà.
-         Vâng, thưa xếp – Tôi đứng dậy, ngao ngán thở dài.
-         À, khoan… cậu có thể tả chân dung cô gái trong mơ chứ? - xếp đưa tay ra dấu ngăn lại. - Tớ biết một tay họa sĩ cừ khôi chuyên phục hiện chân dung bên tổng cục cảnh sát. Biết đâu nhờ vậy mà cậu rút ngắn được thời gian.
-         Em không chắc chắn lắm, nhưng sẽ cố… - tôi ngần ngừ, cố hình dung cái chứng đau đầu mệt mỏi sắp xảy đến với mình vì cái chương trình nghệ thuật này của xếp.
                                                            Hai
Tôi mệt nhoài.
Căn phòng đọc tham khảo hồ sơ mật của cơ quan an ninh quân đội luôn kín mít và đảm bảo nhiệt độ trong phòng luôn ở mức 18 độ C. Bởi thế nên mới ngồi vào thì mát lạnh đến sướng người, nhưng ngồi lâu mới thấy toàn thân cứng đờ. Các bản vi phim chụp tài liệu phải đọc bằng máy phóng cho nên khỏi nói ai cũng hiểu là cặp mắt phải điều tiết tối đa để đọc từng dòng từng chữ trên mỗi văn bản. Và tôi đã chịu cái khổ hình đó hơn 3 giờ đồng hồ liên tiếp để hình dung được phần nào về Ngô Kim Thu. Phải nhìn nhận là ông ta kết thúc phần đời trong quân đội với một lý lịch tốt, không bị kỷ luật gì… Vậy thì tại sao hai người khách bên kia trái đất lại muốn gặp ông ta? Tôi hoàn toàn bế tắc và thầm rủa mình đã tự dấn thân vào trận đồ quá khứ không lối thoát này… Tôi khó nhọc đẩy ghế, đứng dậy và nhìn đồng hồ tay như tìm cớ để rút lui. Thật không tin nổi. Chiếc kim gió trên đồng hồ tôi lại đang… chạy ngược, còn kim phút thì cứ co giật một chỗ như muốn lùi mà không được, kim chỉ giờ vẫn đứng ỳ ra giữa con số 1 và số 2 nghĩa là thời điểm mà tôi đến đây, lúc 13 giờ 30 phút. Chuyện gì lạ thế này? Tôi bỏ sót điều gì sao?... Ngồi lại vào ghế, tôi bấm nút xem lướt lại từ đầu. Một vệt đỏ xuất hiện trên màn hình và lan rộng. Tôi vội tắt máy phóng, lấy bản slide ra xem. Không, phim vẫn bình thường, không một vệt xước hay mốc.Tôi vội lắp lại bản phim có vệt đỏ nọ và giữ cố định để xem nội dung. A ha. Đây là bản chụp một trang hồ sơ trong phần nội dung khen thưởng tình báo viên Ngô Kim Thu trong chiến tranh. Tôi căng mắt, xem từng câu chữ. Vệt đỏ nọ giờ đây thu hẹp lại, thành một dấu X đánh bên  phải một dòng chữ trong bảng liệt kê thành tích như sau :
Ngày 17 tháng 6 năm 1972, lấy được bản danh sách điệp viên ngụy thuộc Đoàn 52 quân báo Mỹ tổ chức tại căn cứ khu 9 (MHS : B091972CT1806-22)
Danh sách điệp viên ngụy do quân báo Hoa Kỳ tổ chức tại khu 9?
Liên quan gì đến hai người khách nọ hay cô gái trong giấc mơ của tôi chứ?
Tôi tháo bản vi phim ra khỏi máy, xem lại dưới kính hiển vi.
Ở dòng chữ nọ không hề có dấu x nào.
Tôi điếng người… Như vậy đây là dấu vết mà ai đó muốn tôi phải theo đuổi? Hay chỉ vì tôi mỏi mắt quá nên nhìn nhầm? Tôi gọi viên sĩ quan trực tàng thư và lắp bản phim vào máy phóng, để anh ta xem vệt đỏ nọ. Viên sĩ quan trực tàng thư há hốc miệng:
-         Lạ quá anh ạ… Hay bản phim bị lỗi?
-         Không đâu. Tôi xem dưới kính hiển vi, có thấy dấu x đỏ ấy đâu nào – tôi đính chính dù chẳng hiểu mình đang muốn thanh minh cho anh ta hay để tránh né điều kỳ dị vừa xảy ra đang hướng mình vào nó.
Viên sĩ quan trực tàng thư tháo bản vi phim ra, xem dưới kính hiển vi rồi lắc đầu khó hiểu:
-         Đúng là không có gì cả. Nhưng sao lại không có gì cả? Còn trên máy phóng thì…
-         Hay ống kính máy phóng có vấn đề? – tôi hỏi đưa đà.
-         Có vấn đề thì tấm phim nào cũng phải có vệt x đỏ tại vị trí ấy trên màn hình chứ? - viên sĩ quan trực tàng thư cáu kỉnh – anh chả hiểu gì về kỹ thuật lưu trữ, bảo quản và khai thác hồ sơ cả.
-         Vậy chắc có ma? – tôi bông đùa.
-         Ma à? Vô lý – Viên sĩ quan trực tàng thư bật cười – nếu trên bản viết bằng giấy có đánh dấu x mực đỏ ở dòng này rồi sau đó bị xóa đi trước khi chụp vi phim thì dấu xóa vẫn bị phát hiện khi soi dưới kính hiển vi.
-         Vậy anh giải thích sao về dấu x đỏ cứ hiện lên bên phải dòng chữ liệt kê chiến công này?
-         Tôi không biết. – viên sĩ quan trực tàng thư an ninh thú nhận.
-         Hay là…- tôi lắc đầu cam chịu – Anh cho tôi tham khảo hồ sơ mã số: B091972CT1806-22 có đánh dấu x đỏ?
-         Không được! Giấy giới thiệu của anh đâu có ghi được phép tiếp cận hồ sơ đó? – viên sĩ quan trực tàng thư gạt phắt.
-         Thôi mà. Đừng làm khó nhau vì nguyên tắc nữa – tôi nài nỉ - Biết đâu trong đó có gì ích lợi cho tôi. Vả lại danh sách điệp viên này đã rơi vào tay cách mạng nhà mình hơn 30 năm rồi còn gì. Trực giác bảo tôi phải tìm trong đó.
-         Chậc – viên sĩ quan tàng thư tắc lưỡi – Cho anh tham khảo thì được, nhưng nhớ phải đảm bảo hai điều: Một là không tiết lộ việc này với ai. Hai là không được sao chụp gì cả. Việc lộ ra là tôi chối phăng đó nhé.
-         Tôi cam kết. Nếu anh cần tôi sẽ thề luôn.
-         Ai cần anh thề. Chỉ cần anh lấy danh dự hứa – viên sĩ quan trực tàng thư bật cười, quay lại máy vi tính, tra thư mục tài liệu mật.
… Hồ sơ B091972CT1806-22 là bản in lại từ bản phim chụp danh sách điệp viên của đoàn 52 quân báo Hoa Kỳ đặt tại khu vực quân khu 9 ngày nay. Bản chụp bìa hồ sơ ngoài dòng chữ Top Secret có ghi dòng phiếu chuyển cho sĩ quan James Stiwell. Từng tên điệp viên và ảnh chụp, mật danh lần lượt được liệt kê theo thứ tự chữ cái. Tôi đọc dò từng cái tên và choáng người… Đúng là cô ta. Cô gái mặc bộ bà ba đen, quấn khăn rằn mà Yến Ngọc đã dẫn đến trước cổng nhà tôi trong giấc mơ đêm trước… Chỉ khác chỗ trong tấm ảnh chân dung đen trắng này, cô ta mặc áo dài trắng của học trò trung học nữ trước giải phóng. Tôi liếc nhìn sang bên cạnh tấm ảnh là dòng chữ ghi lý lịch: Lê Thị Cúc, bí số X8009, sinh ngày 01 tháng 7 năm 1951 tại Vĩnh Long… Tôi đọc nhẩm, cố   khuất tất gì mà cô ta lại đến tìm mình? Và tại sao mãi đến lúc này mới tìm đến? Nếu còn sống, vào thời điểm này, cô ta đã 58 tuổi… Tôi rút điện thoại di động, nhắn tin cho thủ trưởng, xin lập văn bản trích lục hồ sơ B091972CT1806-22 và yêu cầu PA 83 các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt Vĩnh Long và Cần Thơ, hãy chuyển gấp các thông tin về nhân vật Lê Thị Cúc, sinh ngày 01 tháng 7 năm 1951… Theo thói quen khi kết thúc hoặc bắt đầu một việc, tôi lại liếc đồng hồ. Thật lạ kỳ, nhưng vì đã  từng xảy ra một việc lạ kỳ trước đó nên giờ đây với tôi  thì đã hết kỳ lạ. Đồng hồ tôi chỉ 17 giờ 10 phút và vẫn chạy bình thường…


[1] Phiên hiệu cơ quan tình báo của quân đội nhân dân Việt Nam trong Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
[2] Tên gọi ngành an ninh thời kỳ quân quản sau 30/4/1975.

Không có nhận xét nào: